About



***

***

The Universal Declaration Of The Vietnamese People


 ***

Friday, March 22, 2013

The Universal Declaration of the Vietnamese People

We, the Vietnamese People, have been living under harsh rules by the Vietnamese Communist Party (the VCP) and its brutal inhumane police force since Ho Chi Minh brought communism into Vietnam in 1930. Our lives are always under constant threats of getting killed, beaten, imprisoned, or harassed without legitimate reason by the VCP. Our homes, lands and properties are being taken away against our will, without our consent and without proper compensation. 

There is no real law in Vietnam. The VCP is above the law. It interprets the law it created in any way it wants towards its own advantages, regardless of consequences. Thereby, justice has never existed in Vietnam under the VCP. 

The current law, created in 1945 and has been through some modification by the VCP itself, is just a tool to deceive the world and innocent people into thinking that Vietnam has one like everybody else. 

Many people have raised their voices and written letters to the VCP requesting that it stop brutal treatment to ordinary citizens of Vietnam. Unfortunately, the VCP consistently refuses to listen. Therefore, today, we prepared this universal declaration to send to the high offices of the United Nations. To all citizens of the world we declare that: 

1. We do NOT recognize the VCP and its governments as legal government simply because we -- the Vietnamese People -- have NEVER elected them.

2. We recognize and have documents to show that the VCP and its governments, during its existence in the past 80 years, are war criminals committing mass murders of millions of innocent Vietnamese people.

3. We seek, by all means, to prosecute the VCP and its governments before the United Nations' Courts of Justice and other International Courts of Justice as well.

4. We demand the VCP and its governments to immediately and unconditionally release all political prisoners and prisoners of conscience, and to stop all sorts of brutality to its ordinary citizens.

5. We wish to hold a general free election to elect new representatives to form a new national congress. The new national congress' task is to draft out a new constitution that will be ratified by all Vietnamese under a national referendum. To realize this wish, we -- the entire 90 million Vietnamese People -- sincerely would like to request the high office of the United Nations to grant us some aid by sending delegations and UN peace keepers to Vietnam to help set up and monitor the national free election.

by hoangkybactien

***




***

BỨC ẢNH LỊCH SỬ ĐỂ ĐỜI LƯU HẬU THẾ! 

Ngô Tổng Thống khi đi kinh lý thăm dân


_oOo_





~oOo~
  Dù bạn sinh quán ở đâu...
(Sưu tầm)

Dù bạn sinh quán ở đâu, trước 1975 đã sống lâu tại Sài Gòn, bạn vẫn là: NGƯỜI SÀI GÒN.

Lần đầu tiên lên Sài Gòn là để đi thi đại học.

Tôi và một thằng bạn thi chung trường nên đi chung với nhau. Ở thì không lo vì đã có nhà người quen ở bên kia cầu chữ Y. 

Chỉ lo cái chuyện ăn uống giữa hai buổi thi. Ngay sau khi thi xong môn đầu tiên, hai đứa kéo nhau ra quán cạnh trường kêu hai dĩa cơm sườn. Cầm cái muỗng, cái nĩa để ăn cơm dĩa mà cứ lọng cọng. Ăn hết dĩa cơm, uống cạn mấy ly trà đá tự múc ở trong cái xô để ở góc quán, mà bụng vẫn trống không.

Nhỏ lớn ở quê khi nào đi đâu xa thì cơm đùm, cơm bới mang đi theo chứ có khi nào ăn cơm tiệm để mà biết kêu cơm thêm. Kêu thêm dĩa nữa thì không dám, vì sợ không đủ tiền ăn cho ngày mai, ngày kia… Ngó quanh ngó quất, thấy bàn nào cũng để một nải chuối, mọi người ăn xong cứ thuận tay bẻ, người một trái, người hai trái. Thế là hai đứa sáng mắt, chuối này chắc người ta cũng cho không như trà đá. Vậy là, chỉ một loáng nguyên cả nải chuối để trên bàn chỉ còn đống vỏ. Khi tính tiền, thấy phụ quán cứ đếm đi đếm lại mấy cái vỏ chuối để trên bàn rồi nhìn chằm chằm, thỉnh thoảng lại liếc qua bà chủ quán đang đứng gần đó cười mím chi thì đâm lo. Không biết tiền mang theo có đủ để trả không.

Nhìn hai đứa gom từng đồng bạc để bỏ lên bàn, bỗng nhiên chủ quán bước lại, nói “Thôi, tính hai dĩa cơm thôi. Phần chuối chắc là không biết có tính tiền nên lỡ ăn, chị không tính. Ngày mai ăn có thiếu thì cứ kêu cơm thêm mà ăn, để bụng đói không làm bài được đâu”.

Chỉ có nải chuối, cho thấy tính cách người Sài Gòn.

Cuộc sống không thẳng tắp. Bon chen lên Sài Gòn không phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền. Cũng trong những năm thập niên 1980, có lần, tôi thử sức mình với nghề đạp xích lô. Mượn chiếc xe của ông chú vào buổi sáng, lúc ấy chú cho xe ở nhà để ngủ sau một đêm chạy mối chở hàng. Lần đầu tiên chạy xích lô chỉ có chạy xe không từ bên này sang bên kia cầu chữ Y đã muốn hụt hơi. Thế nhưng vẫn rán vì trong túi không còn tiền. Chạy lòng vòng Sài Gòn cả tiếng đồng hồ, ngang qua rạp Quốc Thanh (đường Nguyễn Trãi), thấy một đôi nam nữ đi ra, tay ngoắt, miệng kêu: “Xích lô !”. Luồn tay kéo thắng ngừng xe lại hỏi: “Anh chị đi đâu ?”.

- Cho ra bến xe Miền Tây. Nhiêu ?

Dân miền Đông mới lên Sài Gòn tập tành chạy xe kiếm sống, biết bến xe Miền Tây đâu mà cho giá. Thôi đành chơi trò may rủi: “Dạ, em mới chạy xe chưa rành đường, anh chị chỉ đường em chở. Tới đó cho nhiêu thì cho”.

Tưởng không biết đường thì người ta không đi, ai dè cả hai thản nhiên leo lên. Người con trai nói: “Mười lăm đồng mọi khi vẫn đi. Cứ chạy đi tui chỉ đường”. 

Sức trẻ, thế mà vẫn không chịu nổi đường xa, đạp xe chở hai người từ rạp Quốc Thanh đến chân cầu Phú Lâm thì đuối, liệu sức không thể nào qua khỏi dốc cầu đành tính chước “bỏ của chạy lấy người”. Xuống giọng: “Em mới chạy xe, đi xa không nổi. Anh chị thông cảm đi xe khác giùm”.

Ai ngờ người con trai ngoái đầu lại: “Tui biết ông đuối từ hồi nãy rồi. Thôi leo lên đằng trước ngồi với bà xã tui. Đưa xe đây tui đạp cho. Tui cũng từng đạp xích lô mà !”. Thế là, vừa được khách chở, lại vừa được lấy tiền. Không phải 15 đồng mà tới 20 đồng.

Chắc cũng chỉ có người Sài Gòn mới khoáng đạt như vậy !

Người Sài Gòn tốt bụng, chia sẻ không từ những chuyện cá biệt, người nơi khác vào Sài Gòn hỏi đường thật dễ chịu. Già trẻ, lớn bé, gặp ai hỏi người ta cũng chỉ dẫn tận tình. Có nhiều người còn bỏ cả công việc để dẫn kẻ lạc đường đi đến đúng địa chỉ cần tìm. Có những địa chỉ nhiều người hỏi quá, thế là người Sài Gòn nghĩ cách viết hoặc bỏ tiền ra đặt làm một cái bảng đặt bên lề đường, gắn vào gốc cây. Đôi khi, kèm theo một câu đùa, câu trách rất Sài Gòn ở cái bảng này khiến ai đọc cũng phì cười. Như cái bảng viết trên nắp thùng mốp trên đường Sư Vạn Hạnh mới đây: “Bà con nào đi photo thì qua bưu điện bên đường. Hỏi hoài mệt quá !”.

Đi xe ôm, taxi, gặp đúng dân Sài Gòn thì mười người hết chín không lo bị chặt chém, vẽ vời. Đôi khi, kêu giá là vậy, nhưng khách không có tiền lẻ hoặc hết tiền người ta còn bớt, thậm chí cho thiếu mà không cần biết khách ở đâu, có trả hay không. Với người Sài Gòn, đó là chuyện nhỏ.

Ở Sài Gòn, cho tới bây giờ vẫn còn nhiều nhà để một bình nước suối trước nhà, kèm thêm một cái ly, một cái bảng nước uống miễn phí.

Và bình nước này không bao giờ cạn, như lòng tốt của người Sài Gòn. Sẽ có nhiều người bảo cái ly nhiều người uống, bẩn chết đi được, nhưng không biết họ có cách nào hay hơn ? (mua ly giấy, uống xong vứt... mời các người ấy về Sài Gòn mua ly giấy cho khách thập phương dùng).

Có người đã “phát hiện”, khi bạn chạy xe trên đường phố Sài Gòn, nếu có ai đó chạy theo nhắc bạn gạt cái chân chống, hay nhét lại cái ví sâu vào túi quần thì đích thị đó là người Sài Gòn !.

Bi giờ còn vậy nữa không ? Cũng còn, nhưng mà nếu bạn không gặp người như vậy ở Sài Gòn là vì những người mà bạn gặp đó không phải là người Sài Gòn !

* * *

Tui hỏi anh cyclo “Đạp từ rạp Rex về cầu Chông (nhà tui) giá bao nhiêu ?”. Anh nói “20 ngàn”. Tui nói “30 ngàn thì tui mới đi”. Anh cyclo lập lại “20 ngàn”. Tui cũng nói như cũ. Anh cyclo tưởng tui là thằng khùng và nói “Thôi lên xe đi”. Đến nhà, tui đưa anh 30 ngàn và cám ơn. Năm 1978 khi ra tù tại ga xe lửa đường Lê Lai, một anh cyclo đến hỏi tui “Về đâu ?”, nhưng khi nhìn thấy bộ đồ tù tui mặc nên anh nói câu mà tui nhớ đời "Lên đi thằng ông nội, tui chở về... Không có tính tiền đâu !". Làm sao tui quên được câu nói đó.

Người Sài Gòn là như vậy bạn ơi ! 

*** Đó là "Người Sài Gòn Xưa", còn "Người Sài Gòn Nay" thì sao !?!?!?


Sưu tầm

============================================

Comments:

1. Lê Nguyễn

Đọc mà rưng rưng nước mắt, cám ơn bạn.



2. Loan (Germany)

Cám ơn người viết bài, mình là người SÀI GÒN đây. Bà ngoại sanh tại Sài Gòn, rồi bà ngoại sanh má mình cũng tại Sài Gòn và mình cũng được sanh ra tại Sài Gòn; nhưng con mình thì sanh ra tại Germany. Cám ơn tác giả thêm một lần nữa.



3. Phạm Lê Huy

Sau “biến cố bảy-lăm” trong hoàn cảnh chung của đất nước, để tự cứu mình tôi phải gia nhập “đạo quân chợ trời” bằng chiếc xe đạp trành già nua và gặp chuyện dở khóc dở cười thế này.

Ngày nọ, đạp xe “kiếm mánh” quanh bùng binh Nguyễn Huệ trước tòa nhà Quốc Hội (cũ), bất ngờ xe tôi bị xẹp bánh. May quá, gần đó có cậu bé vá xe đạp trông vẻ hiền lành, tôi dắt xe đến. Để khỏi bị “chặt đẹp” tôi cẩn thận hỏi và trả giá trước. Được giá phải chăng vừa túi tiền, tôi đồng ý vá. Bằng những động tác nhuần nhuyễn, thuần thục chừng mười phúc sau cậu bé vá xong; cậu ấy lại cẩn thận nhấn ruột xe vô thau nước để “coi lại cho chắc ăn”. Lạ chưa... lại có chuỗi bong bóng sủi lên từ ruột xe, cậu vá xe nói “Còn lỗ mội chú ơi !”. Tôi vui vẻ nói “Ừ, vá tiếp cho chú đi !”. Cậu bé lại loay hoay vá. Xong, nhấn nước thử, lại… “Còn lỗ mội chú ơi !”.

Chợt có ai từ phía sau vỗ vai mình, tôi quay lại thì ra người vỗ vai đó là anh bạn tù của tôi, đạp xích-lô. Ảnh nói “Bỏ xe lên đi... Tao chở mày về !”. Trả tiền hai lỗ vá xong, tôi lên xích-lô ngồi, hai tay giữ chiếc xe đạp. Dọc đường, anh bạn xích-lô nói “Mày gặp tụi đầu trâu mặt ngựa rồi. Dưới đáy thau nước tụi nó gài cái kim để tiếp tục đâm lủng ruột xe của mày. Cho đến khi mày tái mặt chưa chắc tụi nó buông đâu... Còn xe mầy xẹp là do đồng bọn của nó rải đinh gài bẫy mầy đó !” - “Vậy hả... Tao đâu biết... Mày đã cứu tao... Cám ơn mày nhiều lắm... !”.

Lại thêm “một bài học bụi đời” cho tôi, và tôi vẫn còn “phải học, học nhiều lắm”. 

~oOo~

Những cái Tết xưa

(Bài viết cho Đặc San Người Việt Quốc Gia Montreal, Canada)

Lê Ngọc Tuý Hương, 2015

1.

Sau 5 năm mong chờ, chạy chọt, đút lót, gia đình tôi cuối cùng cầm được trong tay tờ giấy "xuất cảnh" của cái-gọi-là-nhà-nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vào lúc đó, hàng bao nhiêu người khác tại Việt Nam ao ước được thoát khỏi bàn tay chính quyền cộng sản bằng mọi giá, ngay cả đánh cược bằng chính mạng sống của mình. Vậy mà gia đình tôi đổi được cái Tự Do một cách an toàn chỉ bằng của cải vật chất. Dù sau đó trắng tay, vẫn đúng là vạn phần may mắn !

Tôi rời Việt Nam vài tháng trước Tết Tân Dậu 1981 để đi đoàn tụ với gia đình anh tôi tại một quận lỵ nhỏ bé của nước Pháp, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Nơi đây, "cộng đồng Việt Nam" vỏn vẹn chỉ có 3 gia đình. Một gia đình gồm hai ông bà, nhỏ tuổi hơn Ba Má tôi, có nhà trên Paris, mỗi năm xuống đây ở vài tháng trốn lạnh. Gia đình thứ hai là hai ông bà bác lớn tuổi hơn Ba Má tôi, thường trú tại nơi này. Hai Bác đã xa Việt Nam từ thập niên năm mươi! Gia đình còn lại là gia đình nhỏ gồm 3 người của anh tôi, nay được tăng cường nhân số bởi người thân tỵ nạn cộng sản từ Việt Nam tới.

Bước chân ra đường, nhìn quanh tôi chỉ thấy có mỗi một mình mình là tóc đen mũi tẹt. Hàng chợ Việt Nam tuyệt nhiên là con số không. Nơi quận lỵ đìu hiu này không dễ dàng tìm được những sản phẩm Á Châu. Việc bếp núc hàng ngày, muốn có món ăn Việt Nam, chị tôi phải tận dụng sáng kiến để hoà hợp và chế biến từ những sản phẩm Âu Châu, nếu có thể được. Nhưng dĩ nhiên, chỉ là tạm chấp nhận vì thiếu thốn các gia vị đặc trưng.

Nhớ lại cái Tết tha hương đầu tiên trên xứ người…hiu quạnh và buồn lắm. Dù vào lúc đó toàn gia đình sum họp, quây quần, nhưng tôi biết chắc, Ba Má tôi và chị em tôi rất buồn và rất nhớ Việt Nam. Cái không khí rộn ràng của thời gian trong Tết và giây phút thiêng liêng của đêm Giao Thừa tại quê nhà thuở nào, làm sao lấy gì thay thế được? Ở đây, đời sống trôi theo nhịp điệu thường nhật, người ta tất bật đi làm. Tết nhứt Việt Nam nếu không rơi vào cuối tuần thì ít ai tha thiết đón mừng Tết, và thường quan niệm "ăn Tết Tây cho nó tiện".

Năm ấy, tôi cùng Ba Má tôi đón giao thừa Tết Việt Nam theo giờ Âu châu, thật lặng lẽ. (12 giờ khuya Âu châu đã là 6 giờ sáng mùng một Tết giờ Việt Nam!). Bàn thờ tổ tiên chỉ có cặp đèn cầy cắm trên hai cái đĩa nhỏ, cái ly đựng gạo thay thế lư hương, bình bông, dĩa trái cây và chút bánh ngọt âu tây. Má tôi đốt sáng hai cây đèn cầy, thắp 3 cây nhang, (do Dì tôi gửi từ Paris xuống) vái nguyện cúng giao thừa. Mắt Má tôi sũng ướt, nhưng có lẽ đầu năm nên bà đã cố cầm lại, không để cho nước mắt chảy! Phải là người trong cảnh mới thấm cái đau và buồn của Ba Má tôi: "Vì sao mà ông bà phải đánh đổi tất cả cho hai chữ TỰ DO, với hai bàn tay trắng trôi lạc nơi xứ lạ quê người, chấp nhận cuộc sống ly hương, làm thân chùm gửi nhà con cái, và chắc chắn một điều là sẽ vùi thân nơi đất khách."

Từ giây phút nhìn thấy những giọt nước mắt dấu kín của Má tôi, tôi đã tự thầm nhủ với mình, mai sau, tôi có gia đình, có cuộc sống riêng, bằng mọi cách, tôi sẽ "ăn Tết" Việt Nam ĐÚNG ngày tháng, ĐÚNG truyền thống, lễ nghi và tập tục của ông bà. Có như vậy thì ít ra tôi còn giữ lại được cho chính mình cái gì mà Việt cộng không thể cướp lấy đi được như chúng đã cướp đi rất nhiều thứ của người dân miền Nam.

Cho tới ngày hôm nay tôi đã làm được điều đó, thậm chí còn có chục năm dư cùng chung "ăn Tết" với Má tôi. Tôi nghĩ mình có thể kiên trì giữ vững việc này cho tới chừng nào tôi còn sức khoẻ, còn minh mẫn và chưa phải ủy thác cuộc sống của mình vào sự chăm sóc của người khác. Cám ơn chồng tôi và con tôi đã cùng tôi tâm đầu ý hợp, chung tay gìn giữ phong tục tập quán cổ truyền của ông bà, ngôn ngữ Việt Nam Cộng Hoà và nhất là chung lòng bền chí chống cộng triệt để, một lòng son sắt với quốc gia Việt Nam Cộng Hoà, với lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Thấy chúng tôi nhất quyết không quay trở về Việt Nam dưới chế độ cộng sản hiện tại, người ta hay hỏi chúng tôi không nhớ Việt Nam sao? Nhớ chứ! Cây có cội và nước có nguồn. Làm sao chúng tôi có thể quên được quê cha đất tổ? Nhưng tôi phân biệt rõ giữa nhớ thương và bổn phận của con dân Việt Nam Cộng Hoà. Chỉ giản dị như vậy thôi là tôi có thể hiểu ngay và thấy rõ mình PHẢI làm gì và KHÔNG ĐƯỢC làm gì.

2.

Tết ta hay rơi vào khoảng thời gian từ giữa tháng một đến giữa tháng hai dương lịch, đúng vào mùa đông tại Âu Châu. Thời tiết có năm thì dễ chịu, có năm thì vất vả vì quá lạnh và đường xá đầy tuyết, trở ngại di chuyển, lưu thông. Việc này làm cho cuộc sống thường nhật đã bận càng rộn thêm hơn.Tuy vậy, lu bu cỡ nào tôi cũng phải lo ăn Tết. Đó là liều thuốc quan trọng chữa trị tâm bệnh của tôi. Cái tâm bệnh u uẩn, tưởng chìm lắng nhưng vẫn cứ hay trở chứng mỗi khi nhớ tới những vui buồn xa xưa nơi quê nhà, trước và sau ngày bọn Việt cộng cướp mất quê hương tôi.


3.

Nhắc đến hai chữ "Giao Thừa", lắm khi lòng tôi chùng xuống. Có một giao thừa năm đó, tôi thấm thía vô cùng ý tình của câu thơ được phổ nhạc : "Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em". Người bạn thưở thiếu thời bị tịch thu nhà và bị đuổi đi về vùng kinh tế mới, xa tít nơi núi rừng Kontum, chỉ vì "cái tội" cả nhà vượt biên theo "giặc Mỹ", còn sót lại một mình và người cha già đang mỏi mòn làm thân "tù cải tạo" ngoài Bắc… Đêm Giao Thừa đó, nước mắt tôi đã chảy. Là những giọt nước mắt sung sướng chăng ? Tôi không rõ. Tôi chỉ nhớ mình rất đau lòng gặp lại người bạn cũ … Ôi còn đâu cái dáng thư sinh nho nhã ngày nào? Chỉ thấy đầy nét chán chường và tiều tụy, nhưng vẫn dành tặng tôi một nụ cười tươi để chúc mừng nhau năm mới. Chúc nhau một năm may mắn, sớm "sum họp gia đình" bên kia một đại dương. Chúng tôi đi bên nhau trong đêm trừ tịch và thật sự rất cơ hàn…chỉ còn chiếc lá vàng đượm ngát ân tình làm lộc mùa Xuân cho nhau. Vậy rồi thôi ! Ngắn ngủi vài ngày Tết thì trở về với thực tại. Người về miền núi rừng và tôi ở lại Sàigòn… hẹn một kiếp nào sẽ tương phùng. Tương lai chúng tôi lúc đó quá mù mịt và viển vông. Không thắt chặt, không hẹn hò vì sẽ chỉ làm vướng chân nhau. Ngày 30.4.1975, khi Việt cộng đặt chân trên đường phố Sàigòn cũng là ngày mà chúng mang cái định mạng đau thương đổ ập lên tất cả người dân Việt Nam Cộng Hoà nói chung và chúng tôi nói riêng. Lúc đó tôi vừa 20 tuổi. Tình yêu, tương lai và cuộc đời tươi đẹp của tuổi trẻ, tất cả bị dòng cuồng lưu oan nghiệt cuốn trôi.

Nói như vậy, nghĩa là trước đó những người sống tại hậu phương Sàigòn chúng tôi và hàng vạn người khác, được yên ổn học hành, làm việc, thụ hưởng cuộc sống an nhàn, trong khi tại tiền tuyến cuộc chiến quốc cộng đang diễn ra khốc liệt. Trớ trêu chăng khi ngày hôm nay không ít người vị kỷ quay lại "chăn chiếu với kẻ quốc thù", thật khó hiểu tâm tình những người phản bội này.


4.

Tôi trải qua 5 cái Tết dưới chế động cộng sản. Đau buồn nhất là 4 cái Tết sau cùng. Nhân số gia đình tôi ngày càng thưa thớt đi. Người anh rể phải chịu "tù cải tạo" ở Hà Nam Ninh từ sau ngày Quốc Hận là chuyện chẳng đặng đừng. Kế đó là người chị kế tôi "được Việt cộng giải phóng" oan uổng khi chị tròn 26 tuổi, chỉ vài tháng sau cái Tết Bính Thìn năm 1976.

Tôi chỉ còn gửi gấm tình thương yêu chị qua việc chăm sóc mồ mả chị hàng tuần trên bà Quẹo. Hàng năm, khi bước vào hạ tuần tháng Chạp ta, sau khi đưa ông Táo xong, tôi và người chị thứ Tư hì hục ôm vài chậu hoa, chen lấn lên xe bus, đổi xuống xe ngựa, đem cho chị tôi cùng "ăn Tết". Tôi không khỏi đau lòng khi ngày tư ngày Tết cả nhà quây quần và "…đành bỏ chị một mình cùng lũ côn trùng rỉa rúc thân hình !". Trớ trêu thay bài nhạc có lời phổ từ thơ này lại là một trong những bài yêu thích nhất của chị tôi khi còn sinh tiền. Hàng đêm, sau khi cơm nước xong, chị có thói quen thường hay đàn dăm mười bài gì đó. Gần như đêm nào chị cũng đàn bài này. Sau này, chị mất rồi, khi ngồi học bài vào buổi tối, tôi vẫn như văng vẳng nghe tiếng đàn Mandoline réo rắt của chị. Lòng tôi sũng ướt và nhớ thương chị vô cùng!

Ba Má tôi không có can đảm lên thăm mộ chị sau ngày đưa tang. Lần duy nhất ông bà lên thăm mộ là để từ biệt chị trước khi ra đi làm người ly hương! Ba tôi có làm một bài thơ cho chị. Tôi nhớ ông đọc trong nước mắt, ngừng lại rất nhiều lần vì nghẹn ngào. Cuối cùng ông kêu chúng tôi đốt bài thơ trước mộ chị. Mong rằng khói sẽ mang những dòng chữ thương yêu của người cha già tới chị. Khoảng thời gian đó, mắt Ba tôi bị cườm, thấy mờ ảo - Thường thì chúng tôi hay làm thư ký cho ông, đọc báo hay thư từ cho ông nghe, hoặc viết thay ông các văn bản và chỉ tay vào chỗ trang giấy trắng cho ông nhắm chừng mà ký tên nguệch ngoạc. Hoàn cảnh như vậy mà Ba tôi nhất định tự tay rán viết cho được bài thơ lên trang giấy, làm quà lưu biệt cho con gái.

Mọi người trong gia đình tôi, bất kỳ ai, nhỏ lớn gì cũng đều thương yêu chị. Chị là đóa sen trắng, là hạt lưu ly óng ánh của gia đình, là người con gái toàn mỹ và thuần khiết. Sự ra đi của chị là một vết dao cắt sâu vào trái tim mọi người trong gia đình tôi.

Ngày nay hiểu Đạo hơn, tôi biết được chị xong Nghiệp với chúng tôi nên đi. Tâm tôi an lạc hơn từ khi nghiệm ra điều đó.


5.

Có lẽ người có tuổi thường nhớ nhiều đến chuyện xưa, nhớ rõ ràng từng chi tiết một. Phải chăng là khởi đầu cho cơn bệnh lãng trí? Tôi bây giờ như vậy, nhớ nhiều và nhớ tỉ mỉ đến những ngày Tết cũ, nhớ từng khuôn mặt, thói quen của những người thân.

Trong khi Má tôi tất bật điều khiển người phụ việc trong chuyện bếp núc và bánh trái ăn Tết, thì Ba tôi thì lo đốc suất người phụ việc chăm sóc "sắc đẹp" cho nhà cửa: sơn phết, trưng dọn, lau chùi. Còn chị em tôi? Lớn hay nhỏ đều có phận sự. Riêng tôi vì quá nhỏ, phá hư nhiều hơn là giúp được việc nên "thất nghiệp", chỉ biết lăng xăng theo chân Ba hay Má. Tôi rất là điệu hạnh nhưng cũng rất là lí lắt. Thông lệ nhà tôi, Tết đến mọi người đều mặc quần áo mới, đeo trang sức, để mang thịnh vượng cho suốt năm. Riêng tôi, đặc biệt ngày Tết, được sơn móng tay đỏ, quá sức là hạp với cái tính ưa trưng diện của tôi rồi.… nhưng thích nhất là tôi không bị bắt đi ngủ trưa, không bị cho lên giường sớm lúc tối, không bị rầy rà. Thật là thần tiên cho một đứa con nít như tôi, thường ngày hay bị "các ông anh bà chị khủng bố và trông chừng cẩn mật". Mà lạ, thưở nhỏ, trông mòn hơi mỏi mắt mới thấy Tết . Bây giờ quay qua quay lại, hết một năm! Chị tôi kể rằng ông Nội tôi có dạy, thời gian và đời người như một cuộn chỉ. Khi chỉ còn đầy, kéo sợi chỉ ra, ta thấy lõi chỉ quay rất chậm (giống như khi còn trẻ, thời gian trôi rất chậm). Khi cuộn chỉ cạn, ta kéo chỉ ra sẽ thấy lõi chỉ quay rất nhanh (giống như khi ta có tuổi, thời gian trôi rất nhanh).


6.

Tính đến nay, tôi trải qua 34 cái Tết tha hương. Mỗi khi Tết về, lòng tôi nặng trĩu u buồn. Càng có tuổi, nỗi buồn càng sâu đậm! Luôn cầu mong có một ngày được về lại quê nhà Việt Nam ăn Tết.

Đọc tới đây, xin đừng nói câu vô nghĩa với tôi là …bây giờ Việt Nam tự do, người ta ai cũng về ăn Tết nườm nượp, không chịu về là tại mình, than thở trông ngóng là nghĩa lý gì?.

Đúng. Ai nấy về nườm nượp, nhưng vẫn còn những người như tôi, vọng bái cố hương tổ tiên từ xa vì tôi KHÔNG thể làm kẻ PHẢN BỘI màu cờ vàng của Việt Nam Cộng Hoà. Chính những chuyến máy bay đầy ắp những "khúc ruột ngàn dặm" là yếu tố gia tăng thêm sức mạnh bốc lột của đám tư bản đỏ ngày nay tại Việt Nam.

Xin cũng đừng nói tôi là động vật máu lạnh, quay lưng với quê hương. Không nhất thiết phải về lại nơi-gọi-là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới là người yêu quê hương, mới là ra tay giúp dân tộc khốn khó. Không quay lại Việt Nam khi còn cộng sản, lại càng không có nghĩa nếu bị gán cho là người có máu lạnh với tình tự dân tộc.

Tôi không bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ "quê hương là chùm khế ngọt, già rồi cần về hái sớm, nếm vị ngọt, để không nuối tiếc khi nằm xuống; hãy hưởng thụ trước khi nhắm mắt xuôi tay". Là con Phật, theo lời Phật dạy, cái sống cần có chính nghĩa, chính kiến, chính đạo và chính ngữ. TÂM và Ý đã ĐỊNH thì ngoại vật chỉ là KHÔNG. Tết tại nơi đây, dù hình thức có đơn giản đến thế nào, với lá cờ vàng chính nghĩa giương cao, vẫn hơn hẳn cái Tết phồn hoa giả tạo nơi quê nhà, khi mà đồng bào của tôi từ 40 năm nay vẫn còn đang bị bọn cộng sản Việt Nam và tư bản Đỏ thao túng xiết cổ.


7.

Tết Bính Thân 2016 năm nay lại thêm một lần gia đình tôi phải mời rước Ông Bà về cùng hưởng Xuân tha hương. Có lẽ Ông Bà cũng hoan hỷ, về chung vui ba ngày Tết nơi đất nước tuy lạnh lùng này nhưng ấm tình gia tộc. Ông Bà tôi chắc hẳn sẽ hãnh diện vì con cháu mình là người chung thủy, có trước có sau, ăn cơm Quốc Gia và nhớ ơn tiền nhân tổ phụ Quốc Gia.


lê ngọc tuý hương
ất mùi 2015
_oOo_

June 2, 2014




***
Tháng Tư 2015 & Chiến Hạm USS Midway

Tác giả: Lisa Trần

Tác giả đến Hoa Kỳ năm 1975, khi mới 14 tuổi.  Lisa hiện là Marketing Director cho Công ty Quốc Việt và tham gia sinh hoạt với Câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ khoảng một năm nay. Bài viết sau đây ghi lại kỷ niệm về chuyến đi dự chương trình Quốc Hận và Kỷ Niệm 40 Năm Chiến Dịch Cơn Gió Lốc được tổ chức trên chiến hạm USS Midway vào dịp cuối tháng Tư 2015.

* * *




Tháng Tư cờ Vàng trên chiến hạm USS Midway.

Sau nhiều ngày sửa soạn và chờ đợi, sáng Chủ Nhật 26 tháng 5, 2015, chúng tôi đã lên đường đi San Diego, dự lễ tưởng niệm bốn mươi năm ngày 30 tháng 4, trên chiến Hạm USS Midway.

Lãnh phần lo cà phê cho đoàn, tôi dậy từ 4 giờ rưỡi sáng. Tính nhẩm số lượng anh chị em trong đoàn, thấy cần 20 ly lạnh và 10 ly nóng, tôi lọc cà phê bằng cái vợt lớn, mùi cà phê thơm phức. Rót cà phê ra ly, tôi nghĩ đến từng người anh, người chị, người em thật dễ thương trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (CLB TNS) của tôi.

Hơn sáu giờ sáng, tôi đến điểm hẹn trước Saigon Performing Arts Center, trên đường Brookhurst và Edinger.

Đến nơi, thấy các chị Thanh Thanh, Quỳnh Giao đang ngồi trong xe chơ sẵn. Chúng tôi tạm thời dùng bục xi măng của cột đèn làm bàn bày ra: nào cà phê sữa đá, cà phê nóng, creamer thượng thặng, đường, ống hút, đến nắp đậy, napkins, v.v. Y như trong một nhà hàng.

Vừa lúc đó, anh Phạm Hoàng và Thuỳ Châu xách tới 3-4 bịch bánh mì ổ. Rồi xe của anh chị Hội Trưởng Cao Minh Hưng cũng vừa mới tới.

Sau khi nhận những ổ bánh mì do Thủ Quỹ Phạm Hoàng phân phối, xong màn cà phê bên trụ đèn, chúng tôi lên xe khởi hành. Vì chỗ parking đó không cho đậu quá 3 giờ đồng hồ, nên các anh chị em phải chạy về khu nhà chị Thanh Thanh gần đó đậu xe để cùng đi car pool với nhau theo sắp xếp từ mấy ngày trước. Xe chạy được một lúc, nhạc trong CD với tiếng hát của anh Trần Hào Hiệp, một ca sĩ trong nhóm được bật lên. Sau đó là phần trình bày nhạc sống tại chỗ của các ca nghệ sĩ trong xe.

Tôi không biết những xe khác ra sao. Còn "xe đò" của tôi thì phải nói nguyên môt lò...ca sĩ: Nào là Tân Hương với giọng khàn khàn, đục đục (giọng Rock & Roll)! Rồi đến Thanh Thanh với những bản nhạc được yêu cầu bởi MC/Thi sĩ Quỳnh Giao, những bản nhạc "vàng" rất hay của thời Việt Nam Cộng Hòa vàng son. Kế tiếp, anh Dương Viết Đang với những nhạc phẩm của các anh Không Quân như "Một Chuyến Bay Đêm".

Đôi song ca Thanh Thanh và Dương Viết Đang tiếp nối với những bài AVT quá hay, xuất sắc, ngay cả đoạn nói giọng Huế, 2 người cũng rất ăn tiền. Đề nghị: Anh Cao Minh Hưng thành lập ban AVT Tê En Ét Sờ (TNS), với 2 con chim đầu đàn: 1 đại bàng, 1 se sẻ, là Dương Viết Đang và Thanh Thanh.



Màn múa và hợp ca "Hẹn Ngày Về" (nhạc và lời: Cao Minh Hưng & Hạnh Cư, trình diễn: BVN - CLB TNS).

Hơn một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi vào tới parking lot của khu Chiến Hạm USS Midway.

Chiếc tàu USS Midway thật hùng dũng, hiên ngang, hiện ra trước mắt tôi. Ôi! Tôi không ngờ nó vĩ đại như thế. Đây là con tàu đã chuyên chở hàng ngàn người với biết bao đau khổ, xót xa, mất mát, hãi hùng của 30 tháng 4 năm 75, để đến bến bờ tự do. Nhìn con tàu cao sừng sửng, tôi thật hết sức xúc động.

Nước biển làm không khí dịu lại, khi nắng đang bắt đầu lên. Man mác những làn gió nhe nhẹ. Hứa hẹn một ngày tuyệt đẹp.

Chúng tôi chuẩn bị bước lên thang tàu để lên tầng trên cùng, nơi nghi lễ tưởng niệm sẽ diễn ra.

Theo như một nhân viên trên tàu cho biết, chiến hạm này có 2,000 phòng! Anh Đạt và tôi thắc mắc, không biết trên tàu này có phòng tập trận không!

Chúng tôi đem hành lý xuống boong tàu, vào một phòng dành cho tất cả các diễn viên nữ, bên cạnh là phòng cho nam. Nơi đây, một số đông các em đang sửa soạn quần áo trình diễn. Mọi người cùng náo nức tham gia góp phần trong ngày tưởng niệm này.

Anh Alan Vo Ford với nụ cười chào đón chúng tôi và nhắn nhủ cần gì cho anh hay.

Tôi cất hành lý xong, đi lên trên sân tàu chuẩn bị buổi trình diễn.

Những hàng ghế chạy dài bề ngang, bề dọc sắp trước sân khấu thật đẹp mắt. Nơi đây đã có số đông đồng bào và cựu quân nhân của các binh chủng đã có mặt. Phải nói đúng là ngày Đại Lễ. Moi người chào đón nhau, các nhân viên người Mỹ, có thể là các chiến binh, các cựu chiến binh một thời gắn bó với Việt Nam, chào đón đồng bào thật thân tình. Hình như họ muốn chia sẻ ngày kỉ niệm đau thương này với chúng tôi.

Trong khi chờ đợi tới giờ trình diễn, tôi và người bạn dễ thương Mai Chi cùng với anh Đinh Đắc đi tham quan những chiếc máy bay. Sân bay trên tàu rộng mênh mông, có cả chục máy bay chiến đang đậu. Anh phó nhòm Đinh Đắc đã chụp cho chúng tôi một số hình ảnh, mặc áo bà ba, mang kiếng mat, cầm nón, ngồi trên máy bay.

Chúng tôi trở về sân khấu. Tội nghiệp người đẹp Thuỳ Châu, vì mỗi khi ra nắng, là bị sun burnt, đỏ và rát da. Nhưng hôm nay, Thuỳ Châu đã hy sinh, để tham dự ngày trọng đại này để giữ cho ban múa chúng tôi không bị mất đi đội hình, nhất là hình chữ S của nón khi đưa ra được trọn vẹn chữ S theo bản đồ Việt Nam.

Chương trình bắt đầu. Ban Hợp Ca CLB Tình Nghệ Sĩ chuẩn bị chào cờ trên chiến hạm USS Midway. Chúng tôi đứng trên bục sân khấu thật trang nghiêm để chuẩn bị hát Quốc Ca Việt Nam Cộng Hoà. Tôi nhìn xuống thấy khung cảnh đầy xúc động. Trong rừng người này, biết bao người 40 năm trước đã được tàu USS Midway vớt lên, đem về quê hương thứ hai này.

Bài Quốc Ca bắt đầu: "Này Công Dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai Quốc Dân, cùng xông pha khói tên….” Chúng tôi cất tiếng hát...




Màn múa và hợp ca "Hẹn Ngày Về" (nhạc và lời: Cao Minh Hưng & Hạnh Cư, trình diễn: BVN - CLB TNS).

Sau màn chào cờ, chúng tôi xuống để chuẩn bị cho bài hợp ca "Hẹn Ngày Về", với màn múa nón đi kèm theo. Hôm trước, chúng tôi đã có dịp trình diễn bài này trong chương trình trực tiếp thâu hình của đài VNA-TV 57.3. Lúc đó, má tôi ở nhà coi qua TV, má nói "Đẹp quá con ơi, và hay quá. Nhẹ nhàng, truyền cảm mà ý nghĩa." Tôi nói " Má ơi, Hội trưởng của con với anh Trưởng ban văn nghệ đấy!"

Sau một số các tiết mục, chúng tôi bắt đầu bước lên sân khấu để trình diễn ca khúc "Hẹn Ngày Về". Các anh chị trong ban hợp ca đi ra trước. Các chị em với những tà áo dài hình chữ S thật đẹp. Trời thương cho chị Quỳnh Giao và các chị em một sức khoẻ phải nói là lạ thường. Giữa trời nắng chang chang, mà phải dậy sớm nữa, thế mà khuôn mặt người nào cũng tươi tắn, và sẵn sàng...chiến đấu!

Thương nhất các anh trong ban hợp ca, mỗi người cầm một chiếc ghế đem theo để đứng lên hàng sau cho được đồng đều. Thế mới biết, Tình Nghệ Sĩ vô cùng Nghệ Sĩ, sẵn sàng mọi thứ, mọi dụng cụ, trong mọi tình huống để cho bản nhạc, lời ca phải xứng đáng, hoàn hảo...

Sau khi ban hợp ca đi lên, tiếp theo là các chị trong chiếc áo bà ba. Nắng hôm nay thật đẹp, chan hoà vào với những chiếc áo bà ba nền đen, được tô điểm những bông hoa nhiều màu sắc. Trên tay mỗi người trong nhóm múa cầm theo 2 chiếc nón lá. Chúng tôi, 5 cô trong chiếc áo bà ba đi lên, đứng vào hàng. Theo sau áo bà ba, là 2 chị trong chiếc áo dài trắng nữ sinh. Màn múa của chúng tôi thêm phần tha thướt là nhờ 2 người mẫu với áo dài trắng nữ sinh này.

Khi nhạc bắt đầu trổi lên, tôi thấy như mình đang về bên quê mẹ, trong vòng tay âu yếm của Mẹ Việt Nam, về với quê hương tôi, bạn bè tôi, các thầy cô của tôi của thời thơ ấu... Tôi thấy các anh đang đưa tay như nhìn về quê hương mến yêu của thời trước năm 1975. với hình ảnh lúa toả ngát hương ấp ủ tình quê... Những con đò bên dòng sông hiền hoà...Nghe đâu đây tiếng hát dân ca.....

Rồi tất cả chúng tôi cùng đồng thanh hát "Việt Nam ơi, bao nhiêu năm ta sống xa nhà..." Vâng, chúng tôi đã xa, đã mất hết những gì thân yêu nhất của thời thơ ấu, của Sài gòn thương yêu... Tôi thấy trong lòng mình thổn thức.

Rồi một rừng cờ dưới khán giả được giơ lên cao, bay phất phới, khi chúng tôi hát tới đoạn: "Ta sẽ về trên quê hương, trong mùa Xuân rợp bóng cờ vàng..." Trên sân khấu, các anh Bình Trương, Cao Minh Hưng, Dương Viết Đang, Ngọc Lân, đưa cao ngọn cờ lên, cờ bay phất phới: Việt Nam ơi, Việt Nam ơi, hẹn sẽ trở về....

Sau phần nghi lễ của chương trình với một số bài phát biểu rất cảm động của các diễn giả nhắc lại về những kỷ niệm cách đây 40 năm đã xảy ra trên chiến hạm này, chúng tôi trở lại sân khấu để kết thúc chương trình bằng bài hùng ca "Thắp Sáng Việt Nam" của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Cao Minh Hưng. Trong khung cảnh gió biển lồng lộng, những ngọn đuốc được giơ lên cao như muốn cùng nhau chuyển ngọn lửa đấu tranh cho quê hương Việt Nam sớm có ngày được Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền.

"Đốt nến lên thắp sáng Việt Nam tiến theo nhân quyền. Một nắm tay, muôn vạn nắm tay vượt như giông bão quét quân đê hèn". Đó cũng chính là ước mơ và niềm tin của tất cả mọi người Việt Nam chúng ta.

Niềm tin ấy đã được thể hiện đầy đủ qua suốt chương trình kỷ niệm quốc hận Tháng Tư trên chiến hạm USS Midway, một ngày Tháng Tư.

Viết trong tháng Tư đen 2015

Lisa Trần

Source: http://vietbao.com/a237897/thang-tu-2015-chien-ham-uss-midway

~ oOo ~

Tùy bút: Nước Mắt Trưng Vương

T/g Trưng Vương SG

(Tình cờ được đọc bài tùy bút dưới đây của một Trưng Vương Sài Gòn. Thấy giòng máu hai Bà sôi sục trong bài nên chuyển ra để xin các bác Trưng Vương hải ngoại cho biết ý kiến. _Tuân)

 Tùy bút:   NƯỚC MẮT TRƯNG VƯƠNG

 Mỗi năm đến dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng vào ngày mồng 6 tháng 2 ÂL, tôi lại nhận được thư mời của Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, về dự lễ được tổ chức tại trường.

 Trường tôi nằm cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy cây cao bóng mát. Bước chân về chốn cũ,  lòng tôi bồi hồi rộn rã, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, và tiếc nuối thời ấu thơ! Nơi đây đã từng ghi dấu chân tôi và bạn hữu bao tháng năm dưới mái trường thân yêu, cùng thày cô rèn luyện trí, đức. Ngôi trường đối với tôi sao mà thân thương đến thế, nơi đã dạy cho chúng tôi nên người, nhưng nhất là đã hun đức cho chúng tôi tinh thần yêu quê hương tổ quốc!

 Nhớ mãi ngày xưa ấy, mỗi lần Lễ Hai Bà Trưng là trường tôi lại rộn ràng chuẩn bị tổ chức lễ hội, chọn các kiều nữ trong trường để đóng vai Hai Bà Trưng và các nữ tướng, để ngồi xe hoa diễn hành khắp đường phố Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, trước mắt bao người dân hân hoan đón chào.

 Không hiểu vì sao, nhưng từ lâu người dân thủ đô đã dành cho trường chúng tôi một cảm tình đặc biệt. Đó cũng là niềm vinh hạnh cho chúng tôi, một trường nữ trung học được mang tên hai vị Nữ Anh Hùng của dân tộc.

 Hai vị nữ anh thư của đất Mê Linh xưa, Trưng Trắc và Trưng Nhị, là con của Lạc tướng thuộc dòng dõi vua Hùng. Sinh ra trong thời loạn, nước nhà bị quân Đông Hán xâm lăng, thân phụ mất sớm, hai chị em được thân mẫu là bà Man Thiên, đã thay chồng nuôi dạy hai con nên người, lại còn rèn luyện cho con tài cung kiếm, và nhất là lòng yêu nước cao vời.

 Khi tướng quân Thi Sách là chồng của bà Trưng Trắc bị giết bởi Tô Định, một tên quan Tàu hung bạo, hai chị em với chí khí hào hùng của kẻ nam nhi, đã vì nước mất, nhà tan mà quyết trả thù nhà, đền nợ nước, với lời thề còn lưu lại:

“Một, xin rửa sạch nước thù.
Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba, kẻo oan ức lòng chồng.
Bốn, xin vẻn vẹn sở công lênh này!”
(trích“Thiên Nam Ngữ Lục”).

Tang chồng vừa thọ, lại thêm nợ nước trên vai, hai vị anh thư đã chiêu mộ quân sĩ, cùng với hơn 70 tướng lĩnh, trong đó có các nữ tướng như Thánh Thiên ở Bắc Giang, Lê Chân ở Hải Phòng, Thục Nương ở Thái Bình, Nàng Nội ở Phú Thọ, Lê Thị Hoa ở Thanh Hóa…, oai hùng cỡi voi xông trận, giẹp tan giặc và giải phóng giang sơn khỏi ách thống trị của quân xâm lăng phương Bắc.

Sau khi tan giặc và thu hồi được 65 thành trì, Hai Bà lên ngôi vua lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh, trị vì dân trong 3 năm (năm 40-43 sau Công Nguyên), khiến kẻ thù phải kiêng nể gái nước Nam! Tinh thần ấy đã gieo vào lòng những nữ sinh Trưng Vương chúng tôi niềm tự hào dân tộc, xây dựng trong chúng tôi một tình yêu quê hương tổ quốc nồng nàn, và khiến mỗi người chúng tôi luôn có gắng sống sao cho xứng danh con cháu của Hai Bà.

 Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là ngọn cờ chống xâm lăng đầu tiên, viết lên trang sử hào hùng của  dân tộc Việt, và khiến cho danh Trưng Vương được liệt vào hàng ngũ những nữ tướng anh hùng của thế giới!

 Vì được thừa hưởng hào khí ấy, mà trước năm 1975 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, thời mà miền Nam phải đối phó với Cộng Sản xâm lăng miền Bắc, dù không được chung vai sát cánh cùng nam nhi ngoài chiến trường, nhưng nhiều nữ sinh TV đã gia nhập phong trào Phụ Nữ Bán Quân Sự, hoặc hăng hái tham gia những chương trình ủy lạo chiến sĩ tiền đồn, động  viên tinh thần các anh hăng say chiến đấu bảo vệ nền tự do độc lập cho quê hương. Cũng còn phải nói đến không ít các nữ sinh TV là vợ, con của chiến sĩ, hay vinh dự trở thành cá quả phụ tử sĩ, để một mình nuôi dạy con cái nên người, thay cho chồng đã hy sinh đền nợ nước!

 Tôi miên man hồi tưởng về dĩ vãng mà hầu như quên hiện tại. Bỗng có ai đặt tay trên vai mình kèm với giọng nói êm dịu: “ Chúc mừng bạn trở về họp mặt Trưng Vương!”. Người bạn học không…nhớ mặt nhớ tên, đã thân mật kéo tôi vào hội trường, vì đã đến giờ khai mạc lễ. Những tiếng cười nói rộn ràng, những cử chỉ tay bắt mặt mừng, và những cái ôm thân thiết.

Tôi quan sát khắp hội trường, nhìn lên hàng ghế đầu, các thày cô của tôi còn lại nay đã già, vì học sinh chúng tôi đã vào cái tuổi ngoài năm mươi đến “thất thập cổ lai hy”, huống chi là thày cô! Tôi đang bồi hôì suy nghĩ thì một giọng nói Bắc kỳ ngọt ngào của chị xướng ngôn là cựu nữ sinh TV vang lên từ micro, mời mọi người hướng về sân khấu để chào hiệu kỳ Trưng Vương. Bài “Trưng Nữ Vương” được chọn là hiệu ca, hùng tráng vang lên:

“Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà, mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca. Thu về giang san cho lừng uy gái Nam, bầu trời Á sáng ngời ánh quang! Nợ nước phó tay người nhi nữ, tình riêng cứu nguy cho toàn dân. Một lòng trung trinh son sắt bền, Hát Giang sóng rền!...”.

Một dòng máu nóng ran chảy trong khắp cơ thể tôi. Mọi người chúng tôi cùng đứng trang nghiêm hướng về ảnh của hai vị Nữ Anh Hùng được trưng bày trên sân khấu, cùng hát lên một cách thành tâm và trang nghiêm.

Nhiều dòng nước mắt tuôn trên những đôi má đã qua thời xuân trẻ của cả thày và trò! Tôi biết có người khóc vì nhớ thời xa xưa dưới mái trường thân yêu, riêng tôi vừa xúc động khi nhớ về quá khứ, nhưng còn khóc vì hiện tại! Gương hy sinh cứu quốc của Trưng Vương khiến tôi liên tưởng đế hiện tình đất nước và người dân Việt.

Khi xưa đất nước bị quân Tàu xâm lược, Tô Định hà khắc với dân lành, thì nay người dân tôi cũng đang chịu cảnh mất cửa nhà, đồng ruộng; nhiều gia đình phải tan nát, và đang rên siết dưới ách thống trị  của bọn người Cộng Sản mất lương tri, tham lam tàn bạo! Không những thế, họ còn manh tâm dâng tổ quốc cho lũ sài lang! Nhưng ngày xưa thì đã có hai vị nữ anh hùng quyết “đem phấn son tô điểm sơn hà”, còn ngày nay ai sẽ cứu nguy cho tổ quốc, đồng bào tôi?

“Trưng Nữ Vương, dày đức cao ân! Xin ứng linh, ban phước cho giang sơn hòa bình.Trưng Nữ Vương! Nước Nam còn đó, giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông! Hồn quốc gia mờ phai má đào, Nhà Việt lặng buồn rầu rĩ sầu đau! Xui lòng nhi nữ mưu phục thù: Mê Linh rợp trời cờ Việt sắc phô. Mang phấn son tô màu sơn hà, lòng vì nước vì nhà. Cho Việt Nam muôn đời hùng cường, nhờ ân đức Trưng Vương!”.

Bài hiệu ca “Trưng Nữ Vương” vừa  kết thúc, tôi bỗng ngồi sụp xuống ghế và khóc!

Ngày xưa tôi nghe bài hát này với cảm nhận hân hoan nao nức bao nhiêu, thì ngày nay tôi lại cảm thấy xuyến xao và tủi buồn bấy nhiêu. Đất nước tôi ngày nay cũng đang bị đe dọa bởi kẻ thù xâm lăng phương Bắc: cả một dải giang sơn hoa gấm mà tiền nhân đã dày công vung đắp, và đem máu xương để giữ gìn, nay đã lọt vào tay quân thù! Những điạ danh ghi dấu các chiến công hiển hách oai hùng của tiền nhân như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, nay đã nằm bên kia ranh giới của Tàu, do những kẻ vì tham lam đã manh tâm dâng bán cho ngoại bang!

Nhiều người Việt ngày nay muốn đi thăm lại quê hương hình chữ S, lần theo sử sách để tìm: “Nam Quan cho đến cà Mâu, một nhà Việt Nam non nước tươi một màu…”, thì hỡi ôi! Ải Nam Quan nay còn đâu nữa?

Xưa Nguyễn Trãi theo cha là Phi Khanh bị quân Tàu bắt đi, đến ải Nam Quan là biên giới, thì Phi Khanh quay lại từ biệt con và dặn dò: “Con hãy quay về lo mưu việc cứu nước và báo thù cho cha!”.

Nguyễn Trãi vâng lời gạt nước mắt từ biệt cha già, rồi quay về, theo Lê Lợi diệt giặc cho đến khi thành công, bình định được giang sơn, ông đã làm bài Bình Ngô Đại Cáo lưu danh đến muôn đời, thì nay địa danh đó đã nằm sâu trong đất địch!

Những quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đầy tài nguyên thiên nhiên như hải sản và dầu mỏ của ta, nay quân xâm lăng phương Bắc cũng đã lấn chiếm. Chúng bắt tàu bè, ngư dân của ta, hành hạ người và cướp lấy của, nhưng kẻ cầm quyền thì vẫn làm ngơ, lại còn khúm núm cúi đầu trước quân giặc! Những công trình xây dựng đất nước như đường xá, cầu cống…tiền tỷ của dân nước, được dâng vào tay những nhà thầu Trung quốc vô đạo đức , vô trách nhiệm và còn manh tâm phá hoại cả tài nguyên lẫn môi trường của ta, khiến “tiền mất tật mang”, con cháu sau này không còn gì để sống, ngoài những món nợ ngập đầu và mảnh dư đồ tan nát! Chưa kể họ đã tạo cơ hội cho hàng chục vạn công nhân Tàu tràn vào đất nước!

Giải giang sơn hoa gấm của dòng giống Tiên Rồng, nay đã tan hoang xơ xác do lũ người vong bản “cõng rắn cắn gà nhà”, đem một thứ chủ thuyết CS ngoại lai hoang tưởng về ngự trị và phá nát giang sơn, phá tan những giá trị nhân bản, đạo đức truyền thống của cha ông, khiến người dân Việt đang lâm vào cảnh khốn cùng chưa từng có trong lịch sử!

Lễ hội mừng 1000 năm Thăng Long càng lộ rõ sự thấp kém, ươn hèn của nhà cầm quyền CS lệ thuộc vào Tàu, vì “chất Tàu” nhiều hơn “chất Việt”, và mang tính phá hoại hơn là xây dựng, ly tán hơn là đoàn kết dân tộc!

 Trong khi đất nước quá nghèo nàn, đa số dân chúng còn lầm than đói khổ, nhiều nơi học sinh phải đu dây qua sông, suối để đến trường chứ không có cầu để đi, thì nhà cầm quyền dám tự tung tự tác dùng tới 94 ngàn tỷ đồng, tương đương 1/10 ngân sách quốc gia để chi cho lễ hội, với những sự việc vừa kỳ quái, vừa ngu si, và mang tính phỉ báng lịch sử, khiến nhiều báo chí, nhiều thành phần dân chúng phải lên tiếng phản bác:

Tượng vua Lý Công Uẩn thì tạc giống Tần Thủy Hoàng, bộ phim “Đường về Thăng Long” tốn trên một trăm tỷ đồng, thì từ cảnh quan, trang phục cho đến diễn viên, quần chúng, rất đông là người Tàu, cảnh Tàu!

Những trận đánh lịch sử chống quân Tàu xâm lược như trận Chi Lăng, Bạch Đằng, có trong lịch sử và trong kịch bản, thì bị đạo diễn Tàu cho cắt bỏ, khiến bộ phim lịch sử dời đô bị coi như một bộ phim Tàu, và không dám chiếu dịp lễ vì sợ sự “tức nước vỡ bờ” của dân chúng!

Chưa kể biết bao sự phí phạm nhưng kệch cỡm, càng góp phần đào sâu hố chia rẽ giữa kẻ cầm quyền với người dân, nhất là đồng một lúc xuất hiện trên báo chí, truyền hình hai hình ảnh chống chọi nhau: một lễ hội được dư luận báo chí cho là phung phí tiền tỷ, hào nhoáng nhưng thiếu tính văn hóa, trong khi miền Trung bị lũ lụt chưa từng có, nhiều ngàn ngôi nhà ngập chìm trong nước, hàng triệu dân đói rét trong mưa, thiếu từng sợi mì, giọt nước để uống, nhiều ngôi làng bị xóa sổ, dân chúng kéo nhau ẩn mình trong những hang núi đá như thời tiền sử, trong khi chính quyền và nhiều người dân Hà Nội vô cảm, ngày đêm hoan lạc với những đèn hoa rực rỡ, bằng tiền đóng thuế của dân!

Nước sắp mất, nhà sắp tan, nhưng nào ai sẽ ra tay cứu quốc? Đâu những vị anh hùng hào kiệt? Đâu những đấng anh thư mang dòng máu oai hùng bất khuất của Trưng Triệu ngày xưa?

 Nào ai dám ra tay trừ gian giệt bạo để cứu lấy non sông, cứu nguy cho dân tộc? Không! Dân Việt giờ đây vẫn không thiếu anh hùng hào kiệt, giàu lòng quảng đại với quê hương, muốn kê vai gánh vác sơn hà. Chỉ khốn nỗi, thay vì được xông pha nơi chiến trường xả thân vì nước, hay ít nhất được lên tiếng bảo vệ Tổ Quốc, thì họ đang bị những người anh em cùng con Hồng cháu Lạc, nhưng đã mất nhân tâm, mất linh hồn, ra tay sát hại, cầm tù! Kẻ “nội xâm” đã “khóa chân ngựa, cắt yên cương”, khiến cho những người yêu nước không được đem tài năng và dũng khí cứu quê hương!

Ôi! Cái nhục nào bằng, cái khổ nào bằng anh em giết hại anh em,con cháu trong nhà phản tổ tiên giòng giống?! Đau lòng lắm tiền nhân hỡi!

Nước mắt Trưng Vương chắc là đang tuôn đổ cho quê hương tổ quốc, xót thương cho những cháu con dòng dõi Trưng Triệu như Công Nhân,Thanh Thủy, Như Quỳnh, Thanh Nghiên…, bên cạnh những kẻ nam nhi mang khí phách hào hùng của Quang Trung, Lê Lợi, như LM Nguyễn Văn Lý, Điếu Cày, Công Định,Tiến Trung, Duy Thức,Thăng Long, Hà Vũ v.v…, và còn biết bao người con yêu của mẹ Việt Nam trên khắp thế giới cũng như trong nước, đang âm thầm hy sinh mưu cầu độc lập, tự do, công lý cho toàn dân.

 Thượng Đế hỡi! Hồn thiêng sông núi hỡi! Xin hãy cưú dân lành, và trả lại cho chúng con cuộc sống an bình, non sông hoa gấm như ngày nào, để Dân Việt còn viết tiếp thiên Anh Hùng Ca: Việt Nam, Việt Nam muôn đời hùng cường!

Tôi làm được gì?

 Bạn Làm được gì?

 Xin mỗi người hãy tạm quên bớt cuộc sống riêng, hãy hy sinh một phần hạnh phúc riêng để nghĩ đến đất nước, dân tộc.

 Dứt khoát phải bảo vệ non sông hoa gấm này không để rơi vào tay quân thù bạo tàn, bằng không, chúng ta sẽ có lỗi lớn với tổ tiên và với những thế hệ mai sau, nếu như thế hệ chúng ta làm mất nước!
 Còn đất nước mới còn dân tộc Việt, chúng ta không thể mãi mãi là kẻ sống nô lệ ngoại bang, hay sống lưu vong, sống nhờ vào một dân tộc khác, một đất nước khác suốt đời này qua đời nọ. Nếu chúng ta không chiến đấu chống quân thù để bảo vệ đất nước bây giờ, thì con cháu chúng ta sau này cũng sẽ phải chiến đấu dành lại quê hương tổ quốc, lúc đó sẽ muôn vàn khổ đau và khó khăn hơn bây giờ. Đừng để các thế hệ cháu con sau này đọc tên nước Việt Nam, mà không còn biết tìm Việt Nam ở nơi đâu!

 Mải miên man với những ý nghĩ riêng, tôi đã quên theo dõi những tiết mục trình diễn rất hùng tráng và dễ thương của ngày lễ hội Trưng Vương lần này! Cho đến khi một nhóm bạn cùng lớp “phát hiện” ra tôi ở một góc dưới cuối hội trường, họ ùa tới kéo tôi ra sân trường hàn huyên tâm sự, về chuyện riêng của mỗi người,và chuyện chung của đất nước, cho mãi đến qua trưa.

 Chia tay nhau chúng tôi ra về, lòng trĩu nặng một mối ưu tư chung, nhưng cũng an ủi nhau hãy nuôi hy vọng sẽ có một ngày mai quê hương bừng sáng, ngày đó chúng tôi sẽ gặp lại nhau để điểm danh xem ai còn ai mất, và chắc chắn là chúng tôi sẽ quy tụ thày trò cùng tổ chức một Lễ Hội Trưng Vương thật hoành tráng, để tạ ơn Trời, cảm ơn Tổ Tiên và anh linh của hai vị Trưng Vương đã phù hộ cho đất nước, đồng thời thắp lên một nén hương lòng để tưởng niệm những người con của tổ quốc đã vị quốc vong thân, hay những đồng bào đã chết oan trong thời tao loạn này với đủ mọi hình thức. Lúc đó, nếu còn được một chút gì để cống hiến cho quê hương tổ quốc, chắc chắn chúng tôi sẽ hết lòng không quản ngại.

                                                                                                        Saigon 13/10/2010
                                                                                                        TRƯNG VƯƠNG SG

https://groups.google.com/forum/#!msg/dienbaoanhduong/JBW0b1n_pas/c_gz5Knev2wJ


_oOo_



_oOo_

Bài Học Vỡ Lòng 
T/g Mây Ngàn Phương 

Nhược Lan, bạn tôi, sau hai mươi năm rời khỏi Việt Nam, vừa trở về thăm gia đình và tham dự đám cưới của một đứa cháu ruột. Tuần vừa qua Nhược Lan gọi điện thoại nói với tôi rằng “Tao bị xe tông. Tưởng đâu tao không thể trở lại Hoa Kỳ gặp lại mầy.” Lúc đó, tôi mới biết được rằng Nhược Lan bị tai nạn giao thông, nằm điều trị từ tháng hai đến nay. Cô nàng kể cho tôi nghe tai nạn giao thông thảm khốc tại Việt Nam và sự hỗn loạn của xã hội.

Tôi nói với Nhược Lan rằng tôi đâu có lạ gì chuyện đó. Khi về Việt Nam năm 2008, ngồi trong quán ăn với bạn bè, các anh dặn tôi rằng:

“Tối mai Noel nhưng em đừng đi ra ngoài đường”.

Tôi hỏi:

“Tại sao?”

“Vì đêm nay có một trận đá banh giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Châu Á. Việt Nam thắng thì cũng có người chết và thua thì cũng có người chết.

“Tôi hỏi tiếp:

“Sao kỳ vậy?”

Các anh thay phiên nhau trả lời:

“Đó là cách sống ở Việt Nam đó em?”

Một người khác lên tiếng:

“Em đi quá lâu rồi nên em không biết rằng thế hệ trẻ bây giờ khác thế hệ mình. Họ thích ăn chơi, xài sang, xế hộp, cá độ bóng đá, xì ke, ma túy, cờ bạc, game, gái…nỗi điên lên là chém...chặt...”

Tôi lắc đầu nói:

“Tiền đâu mà ăn chơi?”

“Thiếu gì cách kiếm tiền. Em đọc báo thì sẽ thấy rằng Việt cộng sài sang hơn Việt Kiều. Ai nghèo thì cứ nghèo. Ai giàu thì cứ giàu. Vậy đó.”

Tôi thở ra:

“Thôi, vậy là em phải hủy bỏ buổi đi uống cà phê ở quán Gió và Nước.”

Thật vậy, đêm Noel bạn bè tôi báo bận. Có người nói họ không thể chạy môtô lên Bình Dương đi uống cà phê với chị em tôi vì đường kẹt xe kinh khủng lắm. Người ta chạy đầy đường đông như kiến. Bác sĩ Hùng thì nói rằng “Trời ơi! Em không biết chớ tối nay Noel nhưng anh còn phải xuống phòng cấp cứu. Những ngày Giáng Sinh, lễ lớn, Tết là xác chết và bị thương chở vô nhà thương la liệt. Khỏi ngủ luôn. Kiếp sau anh không thèm làm nghề bác sĩ nữa đâu. Sợ lắm rồi. Xin lỗi em và chị ba.” Còn anh Năm thì gọi điện thoại di động báo với tôi đêm nay anh phải trực để có chuyện đánh lộn, mất trật tự anh phải giải quyết. Anh không thể đi đâu được.

Đêm Noel, Việt Nam trời mưa lâm râm từ chiều. Tôi nằm nhà với chị Ba tôi và nghe băng nhạc. Mặc dù, tôi không nhìn ra ngoài nhưng nghe tiếng xe chạy rầm rập nối đuôi nhau rung chuyển cả mặt đất. Ngoài đường từ Phú Lợi kéo dài đến Ngã Sáu là một rừng người chảy đi như một dòng sông. Dòng sông người và xe.

Ngày hôm sau, tôi đi ngang chùa Bà Thiên Hậu và thấy trường Tiểu Học Nam Châu Thành và Nữ Châu Thành đã có nhiều thay đổi. Cả khu vực trường Tư Thục, nhà cửa và nhà sách Khai Trí đã biến mất. Những ký ức xa mờ như còn quanh quẩn trong tâm trí tôi. Ngôi trường tôi bắt đầu bài học vỡ lòng bằng những chữ i, t…và những bài học đầu tiên như còn nguyên giá trị nhân văn để hôm nay tôi trở thành một con người hữu dụng.

Tôi đã học được những gì từ ngôi trường đó? Bài học vỡ lòng có cao xa lắm không? Xin chia sẻ cùng bạn đọc những kỷ niệm nhỏ nhoi của tôi dưới mái trường xưa…

Sau khi chôn cất ba tôi xong, má tôi nhận được giấy tờ của đơn vị ba tôi là đưa mẹ con tôi rời khỏi vùng chiến sự vẫn còn bốc lửa. Một chiếc máy bay đầm già đã đến tận nơi đón má con tôi và đưa cả gia đình đáp xuống phi trường công binh tỉnh Bình Dương. Một chiếc xa Jeep quân đội đã đậu sẳn, đưa gia đình tôi trở về căn nhà xưa bên dòng sông Bình Dương. Lần nầy trở về, không có ba tôi. Trên vầng trán ngây thơ của chúng tôi là vành khăn tang trắng. Má tôi, người goá phụ ba mươi sáu tuổi đời một mình phải nuôi dưỡng đàn con trên một đất nước còn khét mùi lửa đạn.

Kể từ ngày đó, ba tôi nằm lại một mình trong nghĩa trang bên ngọn đồi lộng gió, cạnh ngôi chùa nhỏ ở tỉnh Dầu Tiếng. Người sư già hứa rằng ông sẽ hương khói cho những người đã khuất. Những cánh hoa Mười giờ tôi trồng lên ngôi mộ ba tôi và đồng đội ông vào mùa thu, nay đã mọc cao, lan rộng và nở những cành hoa hồng đỏ thắm. Tôi cắm xuống từng ngôi mộ một cây nhang và cầu nguyện linh hồn người chết được yên nghĩ. Tôi tạm biệt Người để trở về thành phố kịp chuẩn bị niên học đầu tiên.

Những người hàng xóm biết gia đình tôi trở về làng, và ba tôi đã hy sinh trên chiến trường nên ai cũng ngậm ngùi thương tiếc. Họ hỏi han, phụ giúp má tôi sửa lại nhà cửa, hàng rào và đưa chị em tôi đi thăm các ngôi trường tiểu học trong tỉnh. Chị em tôi được tuyển vào trường tiểu học Nữ Châu Thành, còn em trai tôi thì vào trường Nam Châu Thành.

Trường Nữ Châu Thành là một trường công lập được xây dựng lâu đời, nằm cuối con đường của Toà Án Bình Dương, rất gần với Chùa Bà Thiên Hậu. Trường Nam Châu Thành nằm trên ngã Sáu, đối diện với nhà thờ công giáo, sát vách với Chùa Bà Thiên Hậu. Nhìn bên trái có con dốc cao với những hàng cây dầu, cây sao cao ngất mà ai cũng gọi đó là dốc Con Cò, trung tâm quyền lực của Tỉnh Bình Dương. Hai trường nầy nổi tiếng trong tỉnh về chất lượng giáo dục và đội ngũ giáo viên lành nghề, tri thức và tận tâm.

Đó là ngôi trường xây bằng gạch, mái ngói, tường quét vôi trắng xoá. Sân trường cỏ luôn xanh rì và được cắt tỉa cẩn thận. Ngày đầu tiên má tôi dẫn tôi vào trường, tôi thấy cô giáo tôi sao giống một bà tiên. Dáng cô nhỏ nhắn, mãnh mai trong chiếc áo dài màu ngà. Nước da cô trắng như bông bưởi. Cô cười hiền lành và hỏi má tôi một vài câu chuyện về tôi. Má tôi nói chuyện với cô lâu hơn những phụ huynh khác vì hoàn cảnh tôi đặc biệt. Cô giáo thấy má tôi còn đội khăn tang trắng và tôi vẫn còn gắn trên ve áo trước ngực miếng vải nhỏ để tang cho ba tôi. Ánh mắt cô nhìn tôi ái ngại pha lẫn sự thông cảm và chia sẻ. Cái lớp học nhỏ bé đó đã in mãi vào đầu óc thơ ngây của tôi một ấn tượng ấm áp, thánh thiện, và yên bình. Khi má tôi ra về, tôi chạy theo khóc. Nhưng cô giáo đã dịu dàng nắm tay tôi dỗ dành và nói rằng tôi sẽ tìm được niềm vui trong tổ ấm học đường.

Trường tôi nằm trong một mảnh đất rộng lớn, hình chữ nhật. Phía trước có cái cổng sắt cao luôn mở rộng. Và nó chỉ đóng lại sau khi đến giờ học và sau khi tan trường. Người gát cổng chỉ cho phép học sinh và thân nhân vào sân trường. Người lạ vào trường cần phải có giấy phép của Hiệu Trưởng. Bên tay trái là văn phòng của bà Hiệu Trưởng, Hiệu Phó và Ban Giảng Huấn được xây ăn thông với hành lang dài nối liền với các lớp học. Bà Hiệu Trưởng là nhân vật tôi nhớ nhiều. Dáng bà cao lớn, khuôn mặt phúc hậu, có hai cái đồng tiền rất sâu khắc trên má. Bà bới đầu lèo, một kiểu tóc xưa nhưng rất hợp với phong cách sang trọng của bà. Tôi chưa một lần tiếp xúc với bà nhưng tôi kính trọng và có phần sợ bà hơn cả má tôi. Bên phải cũng có một hành lang dài, xây trên cao có bậc tam cấp. Ở đó có gian hàng bán bánh, trái, nước ngọt, kẹo bánh cho học sinh. Ở cuối góc trái sát bên lớp Mẫu Giáo có treo một cái trống lớn, sơn màu đỏ. Khi đến giờ học, học sinh lớp Bốn và lớp Năm phải đánh trống báo hiệu vào lớp. Một cột cờ giữa sân trường. Lá cờ vàng ba sọc đỏ in rõ trên nền trời đầy nắng bay phất phới.

Lớp học của tôi không treo những biểu ngữ dao to búa lớn hay những tư tưởng cao siêu. Hầu như lớp nào cũng chỉ có những khẩu hiệu quen thuộc như: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon.”, “Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”, “Vâng lời thầy cô, nghe lời cha mẹ”, “Tiên học lễ, hậu học văn.”, “Lá lành đùm lá rách.”, “Tuân theo luật giao thông.”… Mỗi tháng, cô giáo tôi thay đổi những biểu ngữ trên tường cho phù hợp với bài giảng tại lớp. Tôi luôn luôn phải đi học đúng giờ. Nếu tôi đi trễ và thấy nhà trường đang chào cờ thì phải ngã mũ xuống đứng nghiêm trang chào cờ. Không phải riêng tôi mà tất cả những người đi đường cũng phải dừng xe lại ngã mủ chào cờ. Học sinh nào ăn không biết bỏ rác vào thùng rác đúng quy định sẽ bị cấm túc đi lượm rác quanh trường. Ai bị cấm túc thì thật là xấu hổ.

Suốt năm năm học tiểu học, tôi được huấn luyện trở thành một công dân nhỏ. Tôi không còn đi học trễ, nhõng nhẽo, ăn quà vặt dọc đường. Tôi không dám cãi nhau với bạn học, không băng qua đường trái quy định. Mỗi sáng vào lớp phải đứng xếp hàng. Ai thấp đứng trước, cao đứng sau và đi từng hàng một vào lớp. Khi cô giáo vào lớp, cả lớp phải đứng dậy chào. Lớp trưởng ra lệnh và tất cả đồng thanh nói “Chúng em xin kính chào cô.” Nội quy trong trường rất nghiêm ngặt buộc những đứa nghịch ngợm, phá phách nhất cũng phải tuân theo.

Lớp Một thì chúng tôi học nhiều về Tập Viết, Tập Đọc, Chính Tả, Vệ Sinh Thường Thức, Toán…Lớp Ba trở lên ngoài những môn học như Toán, Tập Đọc, Tập Làm Văn, Thường Thức, Thủ Công, Tập Viết, Sử, Địa...Chúng tôi còn được dạy về môn Công Dân Giáo Dục. Bộ môn nầy không đi sâu vào vấn đề chính trị mà chỉ giáo dục hướng dẫn học sinh các luật lệ và ứng xử của một công dân trong cộng đồng xã hội văn minh. Môn Công Dân Giáo Dục không hề dạy chém giết, thù hận, trả thù, tranh đấu, chính trị…mà chỉ đơn giản dạy chúng tôi cách sống làm người như thế nào để có thể trở thành một công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội và đất nước.

Từ bé, ba má tôi dạy rằng phải nhường cơm, sẻ áo cho những người khốn cùng. Không tham khi lượm được của rơi. Những bài tôi học trong trường thường mang những nội dung về tấm lòng nhân ái, giúp người như là “thấy người già, người tàn tật, người mù không băng qua đường được thì phải giúp đỡ. Lên xe, thấy đàn bà có thai, trẻ em, người già thì phải nhường ghế cho họ ngồi.” Có hai bài thơ tôi nhớ nhất là bài: “Miền Trung Bị Bão Lụt” trong sách giáo khoa thư do Bộ Giáo Dục Biên Soạn:

MIỀN TRUNG BI BÃO LỤT

Miền Trung bị bão lụt
Người vật của tiêu hao
Em nghe mẹ khuyên bảo
Con nên giúp đồng bào
Em soạn chiếc áo ấm
Vội vã gởi ra Trung
Chiếc áo không đáng giá
Nhưng gói trọn tình thương.

Giáo dục về giao thông thì hàng tuần chúng tôi phải học thuộc nhiều bài thơ khác nhau để trả bài cho thầy. Thầy tôi còn hỏi chúng tôi về những dấu hiệu trên đường, và làm cách nào để không gây ra tai nạn cho mình và cho người khác. Tôi học rất nhiều bài thơ về luật giao thông. Nhưng tôi nhớ rõ bài “Luật Đi Đường” với những câu đơn giản như sau:

LUẬT ĐI ĐƯỜNG

Ngoài đường xe chạy dập dìu
Em nên cẩn thận sợ nhiều rũi ro
Đi tay mặt mới khỏi lo
Muốn băng qua lộ mắt nheo ngó chừng
Ngắm xem sau trước ân cần
Thấy xe sắp đến thì đừng chạy qua
Đôi khi xe trước vừa qua
Xe sau chạy tới mà ta không ngờ
Ngã tư xem xét bốn bề
Xe to xe nhỏ sắp kề cận ta…

Ngoài đường phải tuân theo quy định nghiêm ngặt về luật giao thông, vệ sinh đường phố. Ở trong trường phải chăm lo học hành và chứng tỏ học trò ngoan. Về nhà, phải giúp đỡ cha mẹ, anh chị và vâng lời cha mẹ.

Chỉ học bao nhiêu đó mà cả đời tôi thực hành cũng đã mệt. Những bài học vỡ lòng đâu phải là những gì cao xa, vĩ đại. Nhưng sống ép mình với nó, chấp nhận nó như một chân lý ứng xử ở đời, thì khi lớn lên, ta mới có thể hiểu được rằng xã hội tốt thì cần phải có con người tốt. Muốn có con người tốt thì phải có một nền giáo dục nhân bản, tích cực và phục vụ mọi người trong xã hội.

Người thầy giáo đứng trên bục giảng phải là một tấm gương sáng. Thầy giáo không thể dạy cho học sinh những đều dối trá.

Cha mẹ phải dạy con có đời sống lành mạnh, tốt với mọi người xung quanh và trở thành một công dân tốt để phục vụ cho quê hương, dân tộc?

Khi con người không được giáo dục về cách ứng xử trong đời sống thì những lý thuyết xa vời chỉ là những cái bánh vẽ. Những lời dối trá và không thực tế sẽ đẻ ra những con người hoang tưởng tự đề cao khả năng, đạo đức bản thân một cách lố bịch.
Một nền giáo dục nhân bản sẽ giúp con người có một kỷ luật nề nếp từ khi còn bé. Khi lớn lên, đứa trẻ sẽ sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người xung quanh.

Một nền giáo dục dối trá, nhồi nhét thù hận, tranh đấu, bạo động sẽ đẻ ra những thế hệ chất chứa trong lòng sự thù hận, thích tranh giành, chém giết, bạo lực. Đó là một xã hội băng hoại về đạo đức. Và chỉ cần một việc nhỏ họ cũng có thể chém giết nhau.

Sự hỗn loạn về giao thông hiện hay tại Việt Nam là hệ quả của sự sai lầm nghiêm trọng về đường lối giáo dục, thiếu viễn kiến trong việc xây dựng, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy chụp, giựt để làm giàu, miễn sao có lợi cho mình mà bất chấp sự thiệt hại cho cộng đồng và xã hội. Hệ quả của một nền giáo dục sai lầm không biểu hiện ngay trong một ngày, một tháng, một năm mà nó xuất hiện trong tương lai và ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Người viết xin chứng minh một ví dụ điển hình nhất trong ba ngày Đại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam từ 10 đến 13 tháng 4 năm 2011. Một bản tin tên báo điện tử VNExpress đăng trên liên mạng trong ngày 13 tháng 4, cho biết rằng chỉ trong một dịp nghĩ lễ cảnh sát giao thông đã giải quyết 42.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 192 ô tô và 6.300 môtô và thu được 10 tỷ 9 đồng tiền phạt. Tổng kết thống kê cả nước trong ba ngày Đại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có 133 vụ tai nạn giao thông làm 115 người chết và 95 người bị thương. Cũng xin cung cấp thêm tin tức về tai nạn giao thông tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đáng. Báo chí Việt Nam đưa tin, chỉ tính từ ngày 30 Tết cho đến Mùng 5 Tết, toàn quốc đã có 373 vụ tai nạn giao thông khiến cho 288 người chết và 359 người bị thương.

Số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông gấp ba, bốn lần số người chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam hàng năm. Sự tổn thất không thể bù đắp được vì tang tóc và đau khổ. Những người sống sót thì tàn tật suốt đời tạo một gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cứ mỗi lần có nghĩ lễ là có người chết lãng xẹt vì ham vui, uống rượu, chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành từng tất đường, chen lấn, xô đẩy nhau. Ngày vui biến thành ngày tang. Vậy vui để làm gì? Tốt hơn hết là đóng cửa ở trong nhà cho an toàn và đỡ mệt mỏi, và còn tránh tai  nạn giao thông.

Chỉ cần nhìn những tấm hình trên internet về nạn kẹt xe ở Sài Gòn, Hà Nội là tôi đã chóng mặt và thất vọng.

Chúng ta có cơm ăn, áo mặc nhưng ý thức xây dựng giá trị tinh thần thấp kém thì liệu rằng đời sống vật chất có thể bù đắp khoảng trống đó không?

Xin trả lại cho quý vị cái nhìn thực tiển về thế hệ tương lai của dân tộc Việt Nam./.


Mây Ngàn Phương 

Ngày đăng: 14.05.2011
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15839


_oOo_





Trẻ em Việt Nam dưới chế độ phi nhân bản của lũ Việt cộng

_oOo_

Anh và Tôi

T/g Phúc Trần

Anh là bộ đội cụ Hồ miền Bắc..
Tôi là anh lính Cộng Hoà miền Nam ..
Ta gặp nhau trên một đất nước tan hoang
Nơi chiến địa , ngút ngàn khói lửa ..
Mẹ tôi mỗi chiều chờ tin con tựa cửa
Mẹ anh gục đầu quỵ ngã giữa đấu trường
Bao mái đầu già, tóc bạc thảm thương ..
Bao mái đầu xanh , lên đường nhập cuộc..
Khẩu AK trên đôi tay gầy guộc..
Mắt căm thù anh tiến bước căm gan..
Vượt Trường
Sơn, anh xẻ núi , băng ngàn
Quyết giải phóng miền Nam , vui lòng " bác
"...
Đây miền Nam ! Ruộng đồng xanh bát ngát
Người lính miền Nam không một lúc nào quên
Bảo quốc , an dân , kinh nhật tụng đầu tiên ..
Ưu tiên một trong sáu điều tâm niệm ..
Nhưng hôm nay ..!! Tiếng AK át lời kinh
cầu nguyện ..
Ngơ ngác kinh hoàng câu chuyện Mậu Thân ..
Tiếng súng chen vào tiếng pháo đầu xuân ..
Xác mai vàng trộn xác dân đẫm máu ..
Em bé thơ chẳng kịp khoe quần áo
Đã vội lìa đời mắt thao láo , mở trừng ..
Mẹ già nua , mờ khoé lệ rưng rưng ..
Lặng lẽ khóc giữa ... trùng trùng lửa
đạn..

Bác Hồ cười ..!! Ôi giọng cười .... điên loạn
Mắt long lanh như ngàn vạn yêu tinh ..
Có phải chăng " bác " đang hiện nguyên hình ...
Vâng , chính bác ..!! Hồ Chí Minh đích thị

Bác là người , hay là ma là quỷ
..
Là yêu tinh , hay " tay anh chị " Trường Sơn ..
Ai làm gì mà bác cứ ..... căm hờn
Cứ đòi tiến trên con đường chủ nghĩa ..
Trong đầu bác đầy âm mưu độc địa
Dối gạt anh , bác đã " phịa " đủ điều ..
Dân miền Nam bị kìm kẹp trăm chiều ..
Anh lên đường và tin theo ........ lời bác
..

Ta gặp nhau trên chiến trường tan nát
Ôi kiếp con người giữa đạn
lạc , tên bay ..
Vũ khí giết người của Nga , Mỹ , Tầu , Tây
Nhưng lại nằm trên đôi tay người... Việt .!!

Hè đỏ lửa , anh hăng say cuồng nhiệt
..!!
Vào Bình Long , anh quyết giết chúng tôi..
Bạn bè tôi , gãy cánh giữa lưng trời ..
Đồng chí anh cũng thây phơi chật đất..

Anh hăm hở vào Nam
theo lời bác ..
Tay anh xâm câu " Sinh Bắc , tử Nam " ..
Tôi thương mẹ già một nắng hai sương ..
Viết vào vai câu " Xa quê hương , nhớ mẹ"

Nghe bác Hồ , anh căm thù Mỹ Nguỵ
Anh hận tôi tận xương tuỷ , tim gan ..
" Bác " dạy anh , anh thù cả ...... thế gian
Và anh tin lời " ngọc vàng " của ... " bác "

Lời Mẹ tôi dạy nhiều điều ...... hơi khác ...
Dạy thương yêu, sống bát ngát tình người
Dạy thứ tha , lấy 9 bỏ làm 10 ..
Dạy vươn lên, mỉm cười trong nghịch cảnh

Đôi mắt Mẹ hiền từ như bà thánh ..
Bảo tôi đừng tập xấu tánh , thù dai ..
Không dạy căm thù , nên tôi chẳng biết phải
thù ai ..
Giờ chúng ta gặp nhau ngoài chiến trận

Anh bắn tôi , lòng
anh tràn thù hận ..
Đạn tôi đi , kèm một chút bâng khuâng ..
Cánh tôi rơi , anh hớn hở reo mừng ..
Anh gục ngã , thoáng lòng tôi bất nhẫn
..

Tuổi trẻ Việt Nam, lớn lên trong chiến trận
Là đớn đau , chua xót
lẫn hận thù ..
Ôii cuộc đời ..!! Một bể khổ thiên thu..
Thiên đường bác hứa , thiên đường mù không lối thoát

Hôm nay đây , toàn dân Nam ngơ ngác
..
Đường " bác " đi , bi đát đến thảm thương
Bắc , Trung , Nam, giờ... bí lối cùng đường
Lê lết sống đời .... vất va , vất vưởng ..

Bác tưởng mình là con " rồng " , con " phượng " ..
Nhưng " bác " chỉ là con ......... " vượn " Trường Sơn ..
Bác hận đời , " bác " nuôi mãi căm hờn ..
Ăn trúng gì
..!! Mà " bác " lên cơn say máu ..

" Bác " gian hùng từ khi còn thơ ấu
..
" Bác " làm bao nhiêu điều xấu vì tiền ..
Chó săn Tây , " bác " làm điềm chỉ viên ..
" Bác " bán đứng bao người hiền yêu nước

" Bác Hồ " ơii ..!! Có phải chăng kiếp trước
"Bác" là tên bạo ngược Mạc Đăng Dung
!!?
Hay " bác " là Lê Chiêu Thống hiện thân !?
Cõng rắn về cắn nhân dân lần nữa ..!!??

Lại là " bác " , " Người ruồi " gieo máu lửa .
Đường " bác " đi , chẳng có cửa nào ra ..
Lăng Ba Đình , còn lại một thây ma
..
Vào xem " bác " , tên cùng hung cực ác ..

Sử ghi " bác " , Hồ Chí
Minh bán nước ..
Cả biển Đông không rửa được danh nhơ..
Vẫn còn ghi , và mãi chẳng phai mờ
Lừng danh " bác " , tên tội đồ dân tộc ..

Này anh bộ đội ..!!
Lẽ nào số anh cung ............... nô bộc ...
Nên " bác " Hồ cứ đầu độc tỉnh bơ
" Bác " dùng anh như một thứ .... gia nô ..
Xúi anh làm chuyện điên rồ cho " bác " ..

Nếu có dịp , anh dừng tay một lát
..
Nghĩ thử xem tội ác đến từ đâu ..!!??
Sẽ thấy ngay hình ảnh ... " bác "
Minh Râu
Kẻ tình nguyện theo Tầu làm ..... đầy tớ ..

Này anh bộ đội
..!! Hãy luôn luôn ghi nhớ
Đất nước nghìn năm , sao lại nỡ đem dâng
Lịch sử oai hùng , từ Đinh , Lý , Lê , Trần
Quyết không nhượng cho ngoại nhân 1 tấc

Thế mà hôm nay Hoàng Sa kia biến mất ..
Tiếp theo sau , Bản Giốc cũng không còn
" Bác " Hồ ơii ..!! Tội " bác " chất tầy non
Bia đá mòn , nhưng vẫn còn ... bia miệng

Nó ô nhục như cột đồng ..... Mã Viện ..
Nó kinh hoàng như câu chuyện năm xưa ..
Đến bao giờ mới rửa sạch vết nhơ
..
Cho đất nước , không ngờ ... sinh ra "bác"

Này anh bộ đội ..!! Hãy dừng tay chốc lát
Nghe chuyện kinh hoàng hơn cả ... Pháp thực dân ..
Súng trên tay , hãy tự cứu lấy bản thân ..
Quay nó lại , xoá đi niềm hối hận
..

Cợ hội đến , khi số trời chuyển vận ..
Thì những tên trùm , táng tận lương tâm
Đã từ lâu hút cạn máu nhân dân ..
Phải trả lời trước cán cân lịch sử ..

Này anh bộ đội từng vào sinh , ra tử ..
Thấy hay không
..!!? Lũ quỷ dữ lộng hành
Đất nước mình giờ đã nát tan tành ..
Anh không biết , hay anh đành ... giả điếc

Bao nhiêu năm trong hận thù , chém giết
Xương máu dân đã cạn kiệt suy tàn..
Có nghe chăng muôn triệu tiếng oán than
Giòng suối lệ dân nước Nam đang chảy ..

Khẩu AK nằm trên tay anh đấy ..
Sẽ nhiệm mầu gấp mấy chiếc ... đũa thần
Quay súng về để cứu lấy muôn dân ..
Và cứu cả chính bản thân anh nữa ..

Còn phần tôi , dù hôm nay ... ngã ngựa
Nhưng nếu trời còn tựa chút sức tàn..
Cũng tiếp tay xây dựng lại giang san
Dù tan nát , dù muôn ngàn đổ vỡ ..

Cũng cố gắng đến tận cùng hơi thở ..
Mới mong tìm ánh sáng ở tương lai ..
Dân Việt mình mới thấy được ngày mai ..
Và mới mong sánh vai cùng thế giới ..

Mới mong thoát cảnh u mê tăm tối ..
Xuống tuyền đài không thẹn với cha , ông
Hãy nắm tay cùng góp sức chung lòng ..
Vực thẳm hôm nay mới mong qua khỏi
..!!
Phúc Trần

_oOo_


Muốn có một xã hội nhân bản,
dân chủ, và phồn vinh

by hoangkybactien

1. Nền tảng của một xã hội nhân bản là lòng yêu chuộng Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín của đại đa số dân chúng trong xã hội đó. Xã hội miền Nam trước ngày 30-4-1975, và xã hội miền Bắc trước ngày chia đôi đất nước năm 1954 đã là những xã hội nhân bản như vậy. Những người dân đã từng sống qua những thời kỳ đầy ắp tình người này hiện nay vẫn còn, tuy không nhiều nhưng cũng không phải là quá ít để kể lại cho con cháu ngày hôm nay biết. Trong xã hội nhân bản, đa số mọi người đều nhận thấy rằng những thói hư tật xấu như tham lam, ích kỷ, đố kỵ, ganh tỵ, khoe khoang, tự cao, tự phụ là những điều cần khuyến khích mọi người phải tránh xa, không nên dung dưỡng.  Tinh thần tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, lá lành đùm lá rách phải được xiển giương và khuyến khích.  Đại khái là một xã hội nhân bản thì phải là như vậy.

2.  Để duy trì và bảo vệ một xã hội nhân bản như đã được nói ở trên, thì người dân phải làm chủ xã hội đó và làm chủ đất nước đó.  Mà muốn thực hiện điều này, thì như mọi người đã biết rồi, chũ nghĩa CS không bao giờ đem lại điều đó được, cho nên bỏ qua, không nói đến nữa. Còn thể chế tam quyền phân lập như nhiều người mong đợi thì dễ đưa đến nạn độc tài như thời đệ nhị cộng hòa của TT Nguyễn Văn Thiệu, hay của TT Marcos của Phi Luật Tân sau đó vài năm.

Bởi vậy, một thể chế tốt hơn thể chế tam quyền phân lập, lại có xác suất bị nạn độc tài thấp hơn, là thể chế "hình nhân" hay tạm gọi là thể chế "một đầu và hai tay". Cái đầu của thể chế này là một Quốc Hội Lập Hiến (QHLH) do dân bầu ra.

QHLH sẽ thay mặt cho toàn dân mà điều khiển và giám sát hai cánh tay là hành pháp và tư pháp, mặc dù các chức vụ quan trọng trong cả hai nhánh, hành pháp và tư pháp, đều do dân bầu chọn ra cả (có như vậy mới gọi là 'dân làm chủ, và viên chức chánh phủ mới là người làm công'.)

Các vị dân cử trong QH được chia đều ra các tiểu ban. Mỗi tiểu ban sẽ giám sát trông coi lãnh vực riêng của mình như tiền tệ (ngân hàng), nội & ngoại thương, giáo dục, an ninh quốc nội, công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, quốc phòng, v.v...


Ai có quyền chia các vị dân cử về từng tiểu ban như vậy? Xin thưa đó là Hiến Pháp. Hiến Pháp chính là cái bản đồ hành chính điều hành quốc gia. Và những người kiến trúc sư sáng tạo ra bản Hiến Pháp đó chính là QHLH.   QHLH thay mặt toàn dân soạn thảo hiến pháp, cho toàn dân biểu quyết bằng chính lá phiếu của mình.  Một khi mà toàn dân chấp thuận bản hiến pháp rồi, thì mọi việc, mọi người cứ theo đó mà thi hành, giống như chơi cờ tướng vậy.  Cứ theo qui ứơc của cờ mà đi, và cứ theo luật của HP mà làm.

Quân đội phải trực thuộc QH mặc dù người chỉ huy tối cao của quân đội là tổng thống. Nghĩa là tổng thống chỉ được phép động binh khi QH cho phép. Và quân đội phải hiểu rằng QH là người cha đẻ của mình, chớ không phải là ông TT. Ông TT chỉ là cấp chỉ huy tạm thời của mình mà thôi. Nếu QH truất phế TT thì quân đội phải có nhiệm vụ thi hành lệnh của QH để tước quyền của TT. Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ quốc gia và bảo vệ QH của dân.

Quân đội - từ người TT là vị chỉ huy cao nhất xuống cho đến anh binh nhì - đều là công bộc của dân. Anh binh nhì không phải là đầy tớ của các cấp chỉ huy, và không có nhiệm vụ phục vụ cho các mục đích riêng tư của các cấp chỉ huy. Còn TT hay các chức vụ cao cấp khác cũng chỉ là công chức, phải phục vụ cho quốc gia trong phần trách nhiệm của mình. TT hay bộ trưởng cũng chỉ là người làm công, chứ không phải là chủ nhân của quân đội, hay là chủ nhân của đất nước. TT cũng phải báo cáo cho QH (tức là cho dân).  


Quyền hạn nằm trong tay người dân nghĩa là sao?

Quyền hạn nằm trong tay người dân nghĩa là một hệ thống chánh quyền được bầu chọn từ cấp thấp nhất là làng xã, rồi lên đến quận huyện, thị xã, rồi lên đến tỉnh, rồi lên đến vùng, rồi mới lên đến toàn quốc.

2.1. Chỉ có người dân sống trong làng của họ, hay xã của họ, nếu là ở thôn quê, hay phường hay khóm của họ, nếu ở thành thị, mới biết rõ ai là người đàng hoàng xứng đáng, đáng được bầu ra để làm việc công chính cho dân như là thôn trưởng, xã trưởng, thẩm phán, cảnh sát trưởng, thư ký văn phòng thuế địa phương, v.v…. Những chức vụ này có nhiệm kỳ là một năm hoặc hai năm bầu lại một lần, tùy theo những cuộc trưng cầu dân ý hay hội nghị Diên Hồng ở địa phương đó quyết định.

2.2. Chỉ có những người từng làm việc ở các cấp làng xã (ở thôn quê), hay khóm phường (ở thành phố) mới được ứng cử vào những chức vụ như quận trưởng, quận phó,  trưởng ty cảnh sát, trưởng ty thông tin, trưởng ty giáo dục, trưởng ty thuế vụ, thẩm phán của tòa án quận, v.v….

2.3. Tương tự như vậy, chỉ có những người từng phục vụ ở cấp quận huyện mới được ứng cử vào các chức vụ như thị trưởng, phó thị trưởng, thẩm phán của toàn án thị hay tỉnh, trưởng ty và phó ty ở các ty như ty cảnh sát, ty giáo dục, ty thông tin, ty thuế vụ, ty bưu điện, ty quân đội, v.v…, ở cấp thị xã, thị trấn, hay tỉnh lỵ, hay cấp thành phố, và đặc biệt là phải là người sinh trưởng tại tỉnh lỵ đó hay sống ở đó một thời gian ít nhất là 6 năm.

Giám sát các chức vụ cấp thị và tỉnh là một hội đồng thị xã, hay hội đồng tỉnh. Những người này là đại diện của mỗi xã, được dân xã đó bầu ra để đại diện cho xã mình và có tiếng nói ở hội đồng tỉnh. Hội đồng tỉnh chính là một quốc hội nhỏ của tỉnh đó.

2.4. Tất cả mọi viên chức trong guồng máy hành chính, kể từ cấp cao nhất là tỉnh trưởng cho đến người dân bình thường, đều phải bị truy tố trước pháp luật nếu vi phạm luật pháp. Quyền hạn của tất cả các chức vụ sẽ tự động chấm dứt vào cuối ngày mãn nhiệm kỳ. Nếu tái đắc cử thì phải chờ tuyên thệ trước công chúng mới có quyền hạn trở lại.

Tất cả mọi chức vụ từ cấp tỉnh trở xuống đều có trách nhiệm là lo ổn định và phát triển xã hội. Nói chi tiết hơn là giữ gìn an ninh trật tự công cộng, phát triển nhà cửa, đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện, xây dựng những trung tâm kỷ nghệ để tạo công ăn việc làm cho mọi người. Bảo vệ và phát triển những vùng đất dành cho nông nghiệp, dành cho chăn nuôi, và vùng duyên hải cho ngư nghiệp và kỷ nghệ du lịch.

Qua cơ cấu này thì mỗi tỉnh gần như là một nước nhỏ, sẽ có một nền kinh tế địa phương vững chắc. Từ đó, tất cả các tỉnh họp lại sẽ tạo nên một quốc gia hùng mạnh và phú cường.

3.  Bầu cử các chức vụ ở cấp quốc gia.

Muốn ra tranh cử ở cấp quốc gia, ứng cử viên phải có kinh nghiệm làm việc từ những chức vụ ở cấp tỉnh hay thị xã nơi mình sinh ra hay cư ngụ một thời gian dài.

Ứng cử viên phải có một lý lịch rõ ràng, và được xác nhận bởi ty cảnh sát địa phương.

Các tướng chỉ huy trong quân đội phải do binh sĩ bầu lên và phải được biểu quyết của quốc hội. Mọi sự thưởng phạt phải do binh sĩ bầu chọn, và quốc hội giám sát. Những chức vụ thấp hơn cũng phải do binh sĩ bầu chọn. Mọi binh sĩ đều có quyền tiến cử những người có khả năng chỉ huy cho cuộc bầu chọn.

4. Muốn giàu mạnh phú cường, thì cần có đất để canh tác làm ra lúa gạo, và cần có đất để phát triển ngành chăn nuôi, lấy thịt và sữa cho nhu cầu thực phẩm. Do đó, những vùng đất có nhiều đồi núi và những vùng đất xấu nên dùng để xây dựng thành phố, hay khu kỷ nghệ; và dành những vùng đất bằng phẳng để làm ruộng đồng, hay để làm nông trại chăn nuôi, hay trồng cây kỷ nghệ để cung cấp nguyên vật liệu để làm ra những mặt hàng khác. Các khu kỷ nghệ hóa chất phải nằm ở vùng biển và phải ở những vùng đất xấu, hay bờ biển xấu. Có như vậy thì mới không hoang phí đất đai.

Về vấn đề nhà ở thì nên xây chung cư, cao không quá 6 tầng để khỏi phụ thuộc vào hệ thống thang máy mỗi khi bị cúp điện, và cũng không bị tốn nhiều năng lượng điện để đưa nước lên cao. Chung cư 6 tầng là một trong những cách sống giúp tiết kiệm được rất nhiều đất đai, cũng như giúp giải quyết hệ thống cống rãnh và rác rưới một cách có hiệu quả hơn. Có như vậy thì thành phố sẽ ít tốn đất hơn, và người dân sẽ đở phải di chuyển nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Số lượng đất dư sẽ dùng để làm công viên hay đất canh tác.

(draft #1







***