Wednesday, October 30, 2013

"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông." _Nguyễn Bá Học, nhà mô phạm của mọi thời.


nguyen-ba-hoc
Trong nhóm Nam Phong tạp chí có một cây viết, tuy để lại văn đàn không nhiều tác phẩm nhưng tên tuổi và di bút của ông lại gây tiếng vang cho đến nay đã ngót một thế kỷ. Nhà văn này chính là Nguyễn Bá Học.

Nguyễn Bá Học sinh năm 1857 quê ở làng Mọc, tên chữ là Nhân Mục, tổng Giáp Nhất, huyện Từ Liêm phủ Hoài Đức, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Dòng dõi nho phong nhưng mồ côi cha từ nhỏ, Nguyễn Bá Học sống trong cảnh nghèo khổ và trông cậy vào từ mẫu nuôi dưỡng. Mẹ ông, thương đứa con côi độc nhất (vì anh cả Nguyễn Bá Học cũng chết sớm), nên đã gắng sức tần tảo và khuyến khích ông xây dựng sự nghiệp khoa danh. Nhưng vì thiếu phương tiện học hành và người dìu dắt nên Nguyễn Bá Học đi thi hai khoa hương thí đều thất bại. Tuy nhiên là người có chí tiến thủ và sớm thức thời, ông chuyển sang học chữ quốc ngữ và thi đậu ngạch giáo học và được bổ làm giáo học tại Sơn Tây vào khoảng 1886.


Nhìn lại lịch sử, 1884 thỏa ước Giáp Thân (Patenôtre) ra đời, thì hai năm sau Nguyễn Bá Học đã đi dạy chữ quốc ngữ mới biết ông là nho sĩ ở miền Bắc có tầm nhìn tiến bộ sớm nhất.

Nhà giáo lúc này ở tuổi 28 hay 29 tuổi, sau đó được đổi về Hà Nội dạy tại trường Yên Phụ, và ít lâu sau lại đổi về Nam Định và dạy ở thành phố này trong hai chục năm cho tới khi tạ thế (1921).
Trong những năm dạy học và chuyển sang dùng chữ quốc ngữ, Nguyễn Bá Học đã trau dồi thêm chữ Pháp nên trở thành kiêm thông hai nền văn hóa Âu-Á.

Nguyễn Bá Học về hưu năm 61 tuổi (1918) và quay sang nghề văn mặc, gửi bài cho tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh. Trên tạp chí này, với quan niệm bảo tồn tinh hoa văn hóa cổ và chấn hưng đạo đức, Nguyễn Bá Học tiếp tục những bài giảng quý báu cho giới trẻ đầu thế kỷ XX qua loạt bài Lời khuyên học trò. Ngoài ra, ông còn sáng tác nhiều truyện ngắn và cùng Phạm Duy Tốn, được coi là những cây viết truyện ngắn đầu tiên trong văn học chữ quốc ngữ.

Ông viết tác phẩm đầu tay, Câu chuyện gia đình, khi đã 60 tuổi. Trong vòng ba năm (1918-1921), ông viết bảy truyện ngắn đăng trên tạp chí Nam Phong.

Năm Tân Dậu 1921 ông mất, thọ 64 tuổi.

Muốn biết vai trò của Nguyễn Bá Học, một trong những nhà giáo dạy chữ quốc ngữ đầu tiên trong nền giáo dục mới của nước ta, và đóng góp của ông trong ngành giáo dục mới cũng như trong văn học chữ quốc ngữ buổi đầu, chúng ta không thể không đọc lại bài điếu văn của chủ báo Nam Phong, Thượng Chi Phạm Quỳnh đọc khi hạ huyệt nhà mô phạm lớn này vào ngày 26 tháng 8 năm 1921 tại Nam Định:

“Thưa các Ngài,
“Cụ Nguyễn Bá Học mất là báo quán Nam Phong chúng tôi thiệt mất một tay trợ bút có giá trị; không những thế, lại vắng mất một bậc sư hữu rất đáng kính đáng tôn. Thật thế: Nguyễn tiên sinh đối với báo quán chúng tôi, không phải là một người trợ bút thường: anh em chúng tôi đều coi Cụ, như lời sách nói, là một bậc “sư cổ chi quân tử, kiêm sư tư hữu nghị” và một lòng yêu mến kính trọng Cụ.

Cụ vốn không phải là nhà làm sách, hay trước thuật. Cụ bắt đầu viết vào tạp chí Nam Phong chúng tôi cũng là một sự tình cờ. Trước Cụ không từng làm sách vở, viết báo chí bao giờ. Nhưng chúng tôi vẫn biết và vẫn phục Cụ là một người mô phạm đạo đức, túc học lão thành. Một hôm nhân ngồi tiếp chuyện Cụ, chúng tôi có nói rằng: “Tiên sinh từng trải đã nhiều, việc đời tất hiểu. Thuộc về những vấn đề quan trọng trong nước bây giờ, chúng tôi vẫn ước ao được biết ý kiến một bậc lão thành như Tiên sinh. Tiên sinh thỉnh thoảng có thể cho tạp chí chúng tôi một vài bài không?” – Cụ ngần ngại mà đáp rằng: “Tôi không hề làm văn chương bao giờ. Nghề văn tôi thật vụng. Tôi vốn là một ông đồ già, bình sinh chỉ châu tuần trong vòng giáo dục. Từ khi về nghỉ, nhân dạy bảo con em trong nhà, có soạn thành một tập sách nhỏ, đề là Lời khuyên học trò. Các ông xem có đăng báo được thì đăng”. Chúng tôi trân trọng lĩnh lấy tập cảo ở tay Cụ, về đọc một lượt, bất giác có cái cảm khái vô hạn, mới biết rằng sách này tuy nhan đề nhỏ mọn, văn thể bình thường, mà thật là lời tâm huyết của một người tiền bối muốn di truyền lại cho kẻ hậu sinh cái tâm thuật ở đời. Sau khi đăng báo chương, xét ra cũng có ảnh hưởng; người thức giả đọc thấy những lời trầm trọng thiết thực, khác hẳn giọng văn thường ở các báo, chắc đương đọc cũng phải ngừng lại mà nghĩ rằng: “Người nào viết nên những lời này, chắc là người hữu tâm về thế đạo vậy”.

Từ đấy, cứ cách một vài tháng, Cụ lại gửi cho một tập cảo, hoặc là dịch thuật các sách cổ kim, hoặc là bàn bạc những việc giáo dục, nhưng hay nhất, có giá trị nhất là mấy bài đoản thiên tiểu thuyết, toàn là ngụ ý răn đời. Lập ý đã hay, lời văn lại nhã. Mỗi bài in ra, các bạn đọc báo lấy làm khoái trá vô cùng. Tôi thường nhận được thư ở các nơi, từ trong Nam đến ngoài Bắc, đều đồng thanh mà khen rằng: “Nguyễn tiên sinh không những là một bậc đạo đức mô phạm, mà thật là một tay văn sĩ có tài”. Thuật lại Cụ nghe, Cụ thường gạt đi: “Các ông ấy có bụng yêu quá khen như thế. Tôi có phải là văn sĩ đâu. Tôi bình sinh có làm văn chương bao giờ!”

Ôi! Cụ không chủ ý làm văn chương mà văn chương Cụ hay; Cụ không chủ ý làm văn chương mà văn chương Cụ không những làm cho người ta cảm động, lại làm cho người đó khoái trá. Có lẽ cái bí thuật của nghề văn chính là ở đó. Các văn sĩ mới ta cũng nên ngẫm nghĩ điều ấy.
Nói đến đây, tôi không thể dừng không đọc lại những lời bàn của Cụ về văn chương trong tập Lời khuyên học trò, lời lời thiết thực, ý ý thâm trầm, càng đọc càng có vị, càng ngẫm càng thấy hay, Cụ nói rằng:

“Khéo mồm mép mà làm hại tâm thuật, không gì bằng văn chương. Vì văn chương hay vì tình mà không hay vì lý; cho nên những người làm văn hay không biết chép sự thực, và những câu luận chân lý lại không phải những văn hay, xem thế thì văn chương không phải là đồ thực dụng.
“Tiểu thuyết, ký sự, luận thuyết, diễn thuyết, là những văn chương hữu dụng; còn thơ phú ca dao, có vần, có điệu, chỉ dùng để ngâm nga, không suy ra thực sự, chẳng những vô ích mà lại có lúc làm cho mê mẩn mất cả tinh thần, tô điểm sai cả cảnh thực.

“Hãy xem như nước ta, nghề học văn chương càng đua tranh bao nhiêu thì nghề học thực dụng càng suy lạc đi bấy nhiêu, càng ngày càng tệ, đến nỗi làm cho trong nước nhiều người thông minh tài tuấn đã hóa ra một bọn ngồi không ăn dưng.

“Ngày nay học trò phải có tư tưởng cho cao, tập luận nghị cho rộng; phải đọc những sách có kinh luân trong xã hội, phải bàn những chuyện có quan hệ đến nước nhà, để ngày sau có thể đem học vấn suy ra việc làm. Còn những lối ngâm hoa vịnh nguyệt dù hay cho quỉ khốc thần kinh, cũng không đáng một đồng tiền kẽm.

“Văn quí có sinh khí… Văn khí bởi đâu mà ra? Cũng là bởi kiến thức tinh thần của người làm văn mà ra. Người cục súc hay làm những văn tiểu xảo; người nhu nhược hay làm những văn chi ly; người thô sơ hay làm những văn sống sượng; người danh lợi hay làm những văn thù phụng; người bợm bãi hay làm những văn hoa tình. Những người ấy mà có làm văn nói về phong tục, đạo đức, lịch sử, chính trị, chẳng qua mơ mơ màng màng, ba câu lề lối, mấy chữ bẻm mép, sao gọi là văn chương có khí!

“Văn chương với đạo đức thường không có quan hệ với nhau: xưa có một người, kể trong đạo đức là kẻ tội nhân, mà văn hay truyền tụng còn đến bây giờ. Vì chính trị có luật phép, mà văn chương không có luật phép; cho nên khen văn chưa hẳn là yêu người, mà luận người cũng không ở văn tự…”

Ấy tư tưởng Cụ về văn chương như thế, mà văn chương Cụ lại như thế. Nếu văn chương chỉ là mấy bài thơ ngâm hoa vịnh nguyệt, ba câu lề lối, mấy chữ bẻm mép, múa khéo để ngộ hoặc người đời, thời Cụ quyết không phải là nhà văn. Nhưng nếu văn chương là cái máy động để truyền đạo lý, chấn nhân tâm, sửa phong tục, cứu nước nhà, thời Cụ chính là một nhà văn có tài ở đời nay vậy.

Nhưng mà văn tài của Cụ tức là ở đạo học của Cụ mà ra. Cụ sống vào một đời rất khó xử, mà đến tuổi già vẫn giữ gìn được trọn vẹn, không đến nỗi làm nhục cho danh giáo, không những không làm nhục cho danh giáo, lại làm sáng cho danh giáo, bày cho kẻ bằng bối, kẻ hậu sinh một gương xử thế rất là chính đại quang minh, một tấm tâm thân rất là thanh cao xứng đáng; ấy sự nghiệp một đời Cụ là ở đó, không phải đâu. Ôi! Tiên nho ta đã có câu nói rằng: “Trời sinh ra người hiền, cốt là muốn cho dùng ra đời, nhưng mà lại muốn để giữ cho đời, sự nghiệp ấy còn lớn lao và to tát hơn nhiều”. Nguyễn tiên sinh bình sinh ít được ra dùng với đời, nên sự nghiệp không được rõ rệt như người ta; bởi thế mà ngày nay không có võng lọng, không có cờ quạt, không có bằng sắc nhà Vua, không có mền đay Bảo hộ, không có quan Nhà nước đọc bài viếng, không có lính bồng súng đứng chào mồ; mà một kẻ thư sinh nhỏ mọn như bỉ nhân đây mới được cái danh dự đau đớn đọc mấy câu tống biệt này. Nhưng Cụ không có sự nghiệp rõ ràng như người ta, mà Cụ có cái sự nghiệp vô hình còn cao giá hơn biết bao nhiêu! Ngày nay dẫu người đã vắng rồi, mà tiếng còn để lại, là để lại cái tiếng một người “bố y quân tử” ở giữa cái đời “kim tiền thiết huyết” nay. Tiếng ấy chẳng cũng vẻ vang lắm dư?

Bữa qua, con rể cụ là anh Tiêu Đẩu, đến báo tin cho tôi biết Cụ sắp mất, nói rằng trước khi lâm chung, Cụ có dối lại cho người nhà, bảo bấy nhiêu mọi việc; hỏi việc khâm liệm, Cụ dặn rằng chỉ nên mặc cho Cụ một tấm áo vải trắng. Thuở sống Cụ đã là một người “học trò áo vải”, lúc chết cũng muốn giữ cho vẹn cái bản sắc sinh bình. Mọi việc đó đủ tỏ cái khí tiết thanh cao của Cụ.
Lúc lâm biệt Cụ cũng không quên đồng nhân trong báo quán. Cụ dặn ông Tiêu Đẩu nói với chúng tôi rằng Cụ chỉ dối lại cho chúng tôi có bốn chữ, là “bảo tồn quốc túy”. Ôi! Bảo tồn quốc túy, đó chính là cái chủ nghĩa của anh em chúng tôi; nhưng từ trước đến nay chúng tôi khổ vì chưa biết rõ quốc túy ở đâu mà bảo tồn. Văn chương mỹ thuật là cái tinh hoa trong một nước: văn chương nước mình, mỹ thuật nước mình, tưởng không có gì sánh bằng người ta. Phong tục, lễ giáo, cũng là cái tinh túy trong một nước: phong tục nước mình, lễ giáo nước mình, thật cũng không có gì đặc sắc hơn thiên hạ. Vậy thời quốc túy ở đâu mà bảo tồn? Nay xét thân thế Cụ, mới biết là quốc túy chính ở đó, không phải đâu. Quốc túy chính là cái đạo tu thân xử thế của các bậc hiền nhân quân tử của nước nhà, quốc túy chính là cái cách căng trì cẩn thủ, sửa mình ở đời làm sao cho khỏi thẹn với người trước, làm sao cho thực hành được cái lý tưởng đạo đức của các bậc cổ thánh hiền trong nước vậy. Một đời Cụ thật đã làm trọn cái công bảo tồn quốc túy ấy mà Cụ muốn truyền lại cho anh em chúng tôi. Chúng tôi xin cam đoan trước linh cữu Cụ rằng sẽ hết sức làm cho khỏi phụ lời di chúc ấy.

Nguyễn tiên sinh ôi! Nay tiên sinh mất không những là thiệt riêng cho báo quán chúng tôi một người giúp bút giỏi, lại thiệt chung cho xã hội một người đạo đức mô phạm đủ làm gương cho con em nước nhà đương cái buổi giao thời hỗn độn này. Thật đáng tiếc thay!”

Hoàng Yên Lưu

- See more at: http://thoibao.com/2013/10/29/nguyen-ba-hoc-nha-mo-pham-moi-thoi/#sthash.qpAtj6Dr.dpuf

No comments:

Post a Comment