Sunday, May 25, 2014

(VP VNCH) Những ngày xa xưa ấy _G/s Đặng Thị Tuyết Như

 

Riêng tặng các em học sinh :

- Trung học Vạn Ninh, Khánh Hòa (1962-1966)
- Trung học Trung Thu, Sài Gòn (1966-1975)
               
     Vợ chồng chúng tôi ít đi ăn nhà hàng, nhưng hôm nay, ngày 8-3 kỷ niệm ba mươi bốn năm đám cưới, nhà tôi đãi tôi ăn điểm xấm. Tình cờ tôi gặp Kim Long và phu quân, cô bạn búp bê năm 1955 của tôi ở Sài Gòn. Thế là hai đứa cứ túm lấy nhau mà nói chuyện.


Thôi thì chuyện ngắn, chuyện dài. Chuyện dài, dài quá, tụi tôi hẹn nhau đến ngày đại hội 23/4 ở Texas sẽ tiếp tục. Khi ra về, Long dặn:“Lang Toe ơi (biệt danh của tôi) bồ cố gắng bổ vài thang thuốc cười cho các bạn TV nhé !” Và đây xin các bạn TV của tôi quay về dĩ vãng và cười lên nào.

     Tôi có rất nhiều biệt danh, mỗi năm tôi có một tên: hạt tiêu, chuột nhắt, Tý nho, Tống Giang. Tên Tống Giang do các bạn đệ tam B1 đặt cho vì tôi thường cướp đồ ăn lớp 3C chia cho lơớ p 3B1(cướp trái cốc, me, khoai lang khi học sinh 3C đi ngang qua 3B1). Tôi thích nhất tên Lang Toe do lớp đệ nhất đặt cho. Số là Thầy Lê Ngọc Huỳnh dạy địa lý, khi gọi học sinh đọc bài, thầy hỏi rất ngắn gọn và chỉ có hai điểm là điểm 16 và điểm 15. Hôm ấy, tôi lên đọc bài, tôi trả lời được hết các câu hỏi. Tôi thấy Thầy cầm bút và cúi xuống, tưởng là Thầy đã ghi điểm, bèn cười. Tôi có tật hay cười và thích nói chuyện tiếu lâm. Thầy ngẩng lên và nói: “16 điểm rất đầy, toe toét còn 15”. Thế là truởng lớp Lê Hương đặt ngay cho tôi tên Lang Toe. Tôi cũng trả đũa lại. Một hôm, Hương đi họp, tôi viết lên một mảnh giấy dán vào lưng áo Hương ba chữ “Đây Hương Bòn”. Sau khi đi họp về, mảnh giấy vẫn còn. Hương Bòn và Lang Toe là hai nhân vật tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Hải Thủy.

     Năm 1953 tôi học lớp 7B4 TV Hà Nội. Cô Hải là Giám Thị. Cô hay nói với chúng tôi bằng tiếng Pháp. Mỗi khi Cô hỏi:”Lớp nào?”, tụi tôi đềuđáp:”Thưa Cô, lớp xếp bê cát ạ” (7B4). Có lần, không hiểu sao trong sổ điểm tên Cao thị Ninh lại có dấu nặng(.). Cô Chất dạy toán rất nghiêm, ai cũng sợ, Cô dở sổ gọi đọc bài, Cô kêu:” Cao thị Ni ịnh”. Cả lớp cười như phá và từ đấy bạn đó đều được gọi là Nịnh. Tôi cũng nhớ chị Quách Lệ Hằng, một người rất giống đàn ông, chơi bóng chuyền khá hay và có tên do tụi”xếp bê cát” đặt là “cầu thủ 54”. Có người đồn rằng Chị là một thanh niên lãng mạn người thiểu số tên là Quốc Lê Ân, vì mê các giai nhân người kinh nên đã “nằm vùng” hợp pháp ở TV để có dịp thường xuyên chiêm ngưỡng người đẹp áo lam. Vị nào có thắc mắc cứ về Hà Nội một chuyến tìm cụ Quách Lệ Hằng mà hỏi.

     Sau khi hiệp định Genève ký kết, TV di cư vào Nam. Tôi vào Sài gòn tháng 12/54. Tôi được nhập vào lớp 6B. Hồi đó, TV học nhờ Gia Long. Gia Long học buổi sáng, TV học buổi chiều. Học sinh cả hai trường không “friendly” lắm.
Một hôm, trên góc bảng đen bên tay trái có câu:”Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Loan vào lớp thấy thế, đề ngay lên góc bên phài câu:”Cài đẹp đè bẹp cái nết”.
Cô Sắc, giám thị lớp tôi, vô lớp thấy vậy, bắt học sinh xóa bảng góc bên phải.
Loan xóa tuốt luốt cà hai góc bảng luôn.

     Cũng năm đó cô Tỉnh dạy Pháp văn, ngoài việc dạy chữ, cô còn dạy chúng tôi cách nói năng lễ độ, lịch sự và cô rất kỵ việc nói ngọng. Một hôm, cô hỏi:” Trong lớp này có ai nói ngọng không?”. Loan đáp ngay:” Trịnh thị Nan ạ”. Trịnh Thị Lan người Phát Diệm thường phát âm sai chữ L và N. Cô và cả lớp đều cười. Lan hiền lành cũng cười theo.

     Năm đệ Ngũ, cô Tuyết dạy Việt văn. Hôm đó, lớp hơi ồn vì cả lớp được lệnh mỗi học sinh viết một lá thư thăm chiến sĩ nhân diệp Xuân về. Cô gõ bàn để cả lớp yên lặng. Cô chợt thấy Lệ Thanh còn cười nói, Cô la Thanh: “Phan Lệ Thanh, trông mặt hiền lành thế kia mà hay nói chuyện”. Sau đó tôi có hỏi Thanh về chuyện này thì vỡ lẽ ra là Lệ Thanh liếc thấy lá thơ của Tú Nhật có câu: “Chúng em rất thương các anh phải chịu cảnh màn trời gối đít nơi chốn biên thùy”. Thanh tức cười bảo Tú Nhật sửa chữ i thành chữ â. Thanh có đức tính là không bao giờ nói xấu bạn. Thanh hiền và thông minh lắm. Tôi và Thanh ở khu bàn cờ đến Gia Long học. Những bài học thuộc lòng Việt văn tôi đã thuộc đọc lại cho Thanh nghe. Từ nhà đến trường là Thanh thuộc lòng. Thanh khâu cũng khéo. Thanh học giỏi, nhưng trong cuộc đời cũng có những chuyện không vừa ý. Thôi thì “ Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” mà.

     Tụi tôi học đệ Tứ năm 1956. Năm đó có chuyện đặc biệc là TV chọn mười học sinh đứng đầu lớp từ 5B1 đến 5B5 cho vào lớp 4B1, mười học sinh sau đó vào lớp 4B2, rồi 4B3, 4B4, 4b5. Năm 1956, ông Đôn là Tổng Trưởng Giáo Dục, ông ra lệnh: Tất cả học sinh toàn quốc thi trung học đệ nhất cấp đỗ từ bình thứ trở lên mới được vào học lớp đệ tam trường công lập. Học sinh công lập đi thi rớt phải ra khỏi trường.

     Lớp 4B1 (1956) được gọi đùa là nơi họp mặt của anh hùng tứ xứ. Hôm đó, giờ Anh văn, không biết ai điền thêm chữ “lịm” bằng bút chì sau tên Lê Thị Ngọt trong sổ điểm của lớp. Cô Lan hỏi ai viết. Không ai nhận, thế là cả lớp phải phạt đứng dậy 15 phút. Giờ Toán, thầy Tá dạy, cuối giờ cả lớp phải nghe bản tin “luật đi đường” do Hồng Yến đọc. Tên nhân vật trong bản tin là Đực. Yến lung túng, xấu hổ không muốn đọc tên ấy, đọc trại ra là Đức. Tuyết ngồi cạnh, đứng dậy tỉnh bơ nói với cả lớp: tôi xin đính chính, anh ta tên Đực chứ không phải tên Đức, rồi quay sang Yến nói: “Tên cúng cơm của người ta bồ phải đọc cho đúng, chứ cha mẹ người ta nghe bồ đọc sai tên con họ, người ta kiện có ngày”. Yến đỏ mặt. Cả lớp cười, may mà thầy Tá đang ghi điểm vào sổ không để ý.    

     Giờ Việt văn cô Tỉnh dạy, hôm ấy nhiều người không học bài. Bích được gọi giảng hai câu thơ của Cao Bá Quát:

          Thế sự thăng trầm quân mặc vấn
          Yên ba thâm sứ hữu ngư châu.

     Bích giảng là cuộc đời lên xuống, nhà ngươi hỏi làm gì? Ta cứ như ông câu kìa. Cả lớp cười. Cô đang giận cũng bật cười theo.

     Giờ âm nhạc , bà Clara Ngọc người Pháp dạy. Bà không nói được tiếng Việt, Bà chỉ Mềm, một học sinh hiền lành, ít nói nhất lớp hát. Bà không đọc được tên Mềm. Thục đứng ngay dậy nói: “Madame, Mềm dite soft”. Thục nói rất lễ phép và không cười. Bà Clara tưởng thật, cả lớp cắn răng nín cười và Mềm có nick name Miss Soft từ đấy. Sau này Mềm lấy chồng người Mỹ. Thục quả là nhà tiên tri đại tài. Miss Soft thành Mrs. Smith thật là dễ phát âm cho bạn bè ở quê hương thứ hai của chúng ta. Mềm có một cô con gái rất đẹp và học rất giỏi. Bạn nào muốn có dâu hiền, có nét đẹp Âu Á, thông thạo Việt Anh cứ đến Oklahoma mà tìm. Nếu tìm được, đừng quên tặng cái đầu heo cho Lang Toe này nhé.

***

P2

Tiếp theo KỲ 1

               
Kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp năm đó có hai học sinh đỗ bình là Lưu Mai Thư và Bùi Thị Thúy, còn hầu như cả lớp đều đậu bình thứ. Anh hùng tứ xứ lại tái xuất giang hồ ở 3B1. Năm đệ Tam, học tà tà, tụi tôi lại nghịch hơn. Giờ phá phách là giờ thầy Hối, thầy dạy Việt văn. Thầy già, rất hiền. Thầy hay ngâm thơ và giảng chuyện đời cho tụi tôi. Thụy Hương mô tả thầy như sau: Thầy Hối, bụng thầy như cái cối.

      Thầy Hối thường nói về người con trai duy nhất của thầy. Một hôm thầy khoe con thầy mới đậu vào trường kỹ sư Phú Thọ. Bình ngồi cuối lớp đang làm nốt đoạn kết bài luận văn, thấy cả lớp cười mà Bình thì chưa nghe rõ chuyện, Bình hỏi: “Thưa thầy, thầy nói gì ạ?”. Thầy Hối không nghe rõ, hỏi lại cả lớp:
“Chị ấy nói gì?”. Tuyết đứng lên và bịa ngay: “Thưa thầy, chị Bình hỏi anh ấy tên gì ạ?”. Thầy cười : “Nó tên Hồng”. Cả lớp lại cười và nhao nhao: “Tên anh ấy giống tên con gái quá thầy”. Thầy vội giải thích: “Hồng ở đây không thuộc bộ mịch là hồng quần đâu mà thuộc bộ điểu nghiã là chim hồng. Nó sinh ngày chín tháng chín âm lịch. Thầy lấy ý từ một bài thơ Đường đặt tên cho nó đấy”:   đoạn thầy ngâm vang:

      Hôm nay trùng cửu lên đền
      Khác làng, khác tiệc, rượu rền đưa nhau.
      Cõi này người chán đã lâu
      Chim hồng còn ngóng từ đâu bay về.

    Cả lớp vỗ tay ran và Tuyết đặt tên cho Bình là “Dâu Hối ông” (con dâu thầy Hối). Thầy Hối rất thương Tuyết vì Tuyết học giỏi, Tuyết còn giúp thầy làm điểm, đọc bài sửa phần giảng văn cho lớp chép. Hôm ấy không biết Tuyết vô tình hay cố ý, đến đoạn cuối, Tuyết nghiêm chỉnh nói cùng cả lớp: “Các chị ơi, chữ này tôi đánh vần nhé, không đọc được, kỳ lắm”. Đánh vần lên. Cả lớp đáp. Tuyết thong thả đọc :”d…a…i sắc ngựa”. Cả lớp cười ầm. Thầy Hối đang chấm luận văn, ngẩng đầu lên, ngạc nhiên nói:“đái ngựa là yên ngựa có gì mà cười”. Cả lớp lại cười lớn hơn. Vinh la lên:
     -Ê, mày lỡm cả lớp hả Tuyết? Giờ ra chơi, tụi này xơi tái mày nghe không?
     -Tại thầy quên bỏ dấu ngang chữ d thì tao phải đọc như vậy chứ. Tuyết trả lời.
     -Đưa vở thầy tao coi. Vinh nói.
     -Không được, mày làm dơ vở của thầy thì sao? Tuyết đáp.
    Lại nữa, hôm ấy là ngày thứ hai, giờ Toán, cả lớp phải sửa hai mươi bài toán tập về phép vị tự và tịnh tiến. Lớp học im phăng phắc, ai cũng sợ bị gọi lên bảng. Tuyết kéo ghế ngồi, có âm thanh “kít” kêu nhẹ. Trang ngồi bên cạnh tưởng Tuyết làm xấu, cười. Trang có tật hể cười là đỏ mặt và không nhịn ngay được.Thầy An hỏi Trang: “Chị cười cái gì?”. Tuyết được thể chọc Trang : “Nói đi Trang, tại sao bồ cười?”. Trang hết cười, sắc mặt đổi từ đỏ ửng sang tái xanh. Tuyết thương hại bạn, giơ tay xin thầy cho phép nói nguyên nhân cái cười của Trang. Thầy đồng ý. Tuyết thưa: “Tại con kể chuyện việc con chứng kiến đám ma một người tàu sáng qua con gặp ạ”.
     -Gặp đám ma phải khóc chứ sao lại cười. Thầy nói.
     -Dạ thưa, con thấy đám ma khi đến cổng nghĩa trang, bỗng dàn nhạc thay đổi âm điệu và thổi kèn bài “Quyết tiến” ạ.
     -Cả lớp cười. Tuyết tiếp lời:
     -Thưa thầy, con có hỏi ông nhạc trưởng tại sao vậy thì ông đáp:“Người quá cố lúc sinh thời rất sợ ma nên chúng tôi thổi bài đó để lên tinh thần cho ông cụ tiến vào nhà mồ”.
     -Cả lớp cười như phá, thầy cũng cười và Trang được phép ngồi xuống.
     Năm đệ Nhị chúng tôi bớt nghịch. Ngoài sân hoa phượng đã nở nhiều. Kỳ thi Tú Tài I bắt đầu. Phòng thi nam nữ ngồi chung xếp tên theo vần A, B, C với số ký danh. Huệ ngồi cạnh anh Huề, cũng là hàng xóm của Huệ. Hết giờ thi, ra khỏi phòng, Huệ gặp Tuyết và than: “Tức quá Tuyết ạ, khi đề lý hóa vừa viết lên bảng xong, tên Huề ngồi bên tao vỗ đùi cái đét và la khẽ: “trúng tủ”. Tao cũng mừng, nghĩ bụng phen này mình có dịp ăn ké. Đề giáo khoa làm xong, đến bài toán, tao thấy hắn cắn bút. Tao khẽ hỏi: “Trúng tủ sao không làm đi, đáp số bao nhiêu ampère?”.
     -Trúng tủ sướng quá, quên hết rồi. Hắn trả lời. Kỳ đó cả Huệ lẫn Huề đều “danh lạc Tôn Sơn”.
     -Kỳ 2, Huệ laị ngồi cạnh Huề. Hôm đi xem bảng, tình cờ Huệ nhặt được một mảnh báo có hai câu thơ khá hay:

            Khói đưa em đến phòng hoa ấm
            Mà tiễn anh về cõi gió sương.

     Huệ đưa cho Tuyết xem và hỏi:
     -Khói là gì hả Tuyết?
     -Khói pháo chứ khói gì? Tuyết trả lời. Tuyết đồng ý thơ hay.
     -Kỳ 2, Huệ lại rớt. Huề đậu Tú Tài I. Qua năm sau, Huệ đậu Tú Tài I khóa đầu. Huề rớt Tú Tài II cả hai khóa. Gặp Tuyết, Huệ giỡn:
     -Chà, hắn rớt để đợi tao đấy.

***

P3
   
Tuyết rất tiếu lâm và nhậy bén, nghe Huệ nói vậy làm ngay một bài thơ tặng Huệ:

         Huệ ơi, anh đã trượt
         Tú Tái phần thứ hai
         Trượt để đợi em đấy
         Sung sướng em cười hoài
        Chao ôi, đời là thế?
        Nhưng anh không hận đời
        Vui tươi là đằng khác
        Vì…lại gần em tôi
        Rồi mai đây em đỗ
        Rượu nhà ai thơm lừng
        Mừng giai nhân danh toại
        Mà lệ anh rưng rưng
       Anh khóc vì sợ rằng
       Đại đăng khoa em đặng
       Tiểu đăng khoa gần chăng?
       Lúc đó em sẽ ngâm:
          “Khói đưa em đến phòng hoa ấm
           Mà tiễn anh về cõi gió sương”

     Bài thơ này làm năm 1960. Đến năm 1985, lúc tôi đến chào Huệ để đi Mỹ, Huệ vẫn còn giữ và cho tôi xem. Xin ghi lại để các bạn TV đọc chơi.

     Năm đệ Nhất cũng có nhiều chuyện lý thú lắm. Năm ấy thầy Tăng Xuân An dạy lịch sử. Giờ này lớp rất im lặng, một phần vì thầy nghiêm, một phần vì có đứa nào học bài đâu. Hôm ấy thầy giảng bài “Chủ trương Pháp Việt đề huề của Phạm Quỳnh”. Cả lớp giở sách sử để trước mặt. Trong sách có bức ảnh chụp hai cụ Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng mặc y phục Việt Nam: Khăn xếp, áo the. Phương Lan sửa hình biến cụ Huỳnh thành một cô tân thời uốn tóc. Lan đưa cho Tuyết coi. Tuyết ghi ngay cạnh hình bên lề sách bốn câu:

       Anh mang khăn đóng vận áo the,
       Em ngồi bên cạnh tóc “phi dê”.
       Chao ôi, bức ảnh nom tình quá
       Mới, cũ: hai ta thật “đề huề”.

     Trang sách được truyền cho cả lớp, tới đâu mọi người cười rạp tới đó. Lan phải xé trang sách này giữ làm kỷ niệm vì thầy An mà biết, hai đứa nếu không bị đuổi học một tuần thì ít nhất cũng lãnh hai “hột vịt”.

     Cũng năm này, nhằm ngày lễ Hai Bà Trưng, cả trường TV đến trước dinh Độc Lập dự lễ. Ban tổ chức xếp học sinh TV đứng cạnh học sinh CVA. Điều này làm các bà giám thị lo ngại. Cụ Tỵ, giám thị lớp Tuyết, dặn cả lớp:
     - “Đến đó các chị phải nghiêm trang. Họ có chọc ghẹo thì cứ im lặng. Con gái phải nết na kẻo nhà trường mang tiếng”.
     - Lúc đầu, lớp rất trật tự, bỗng các đại diện đồng bào thiểu số Ban Mê Thuộc xuất hiện, đứng đối diện lớp Tuyết. Tuyết la lên:
     - Chà, người lý tưởng của chúng ta đã tới.
    Cả lớp hướng về phía tay Tuyết chỉ. Thế là mọi người cười ầm. Số là các ông đại diện, ai cũng mặc áo vét mà lại đóng khố. Loan tỉnh bơ nói:
     - Các bà hội phụ nữ design kiểu đó tụi bay.
     Tuyết nói nhỏ với tụi bạn chung quanh:
-  “Tao chọn anh chàng đen nhất, chàng có hàm răng bịt vàng. Da đen răng vàng mới nổi làm sao! Biết đâu tao chẳng có số lên bà. Đồng bào thiểu số ứng cử vào Quốc hội dễ đắc cử lắm tụi bay ơi!”.
     Thế rồi Tuyết hát theo điệu vọng cổ bốn câu:

          Anh sẽ lên ngôi cửu ngũ
          Em sẽ lên ngôi hoàng hậu
          Cuộc đời là những hoa vinh (thơ VĐL)

     Tụi bạn cười bò lê. Đúng lúc cụ Tỵ tới. Các nữ sinh cắn răng nín cười. Tuyết có cái tài chọc cười mọi người, nhưng cũng có cái tài làm mặt tỉnh, thành ra không khi nào Tuyết bị bắt đang phạm tội. Chỉ có Trang là luôn “chịu trận”, thế mà Trang vẫn khoái Tuyết, thích xếp hàng với Tuyết.

     Cụ Tỵ đưa mắt nhìn học trò cụ, rồi cụ liếc sang các tướng CVA dò tình hình. Cụ cảm thấy có gì bất thường ở chỗ Tuyết, Loan, nhưng cụ không bắt được quả tang kẻ phá phách. Cụ dặn dò cả lớp một lần nữa:
     _ Các chị nhớ nhé, không được đùa nghịch kẻo “người ta” bảo mình là “lẳng lơ”.
     Thật là tội nghiệp cho cả lớp và các tướng CVA đứng bên cạnh phải chịu hàm oan.
   
      Các em học sinh Trung học Vạn Ninh( Khánh hòa) và Trung học Trung Thu(Sài gòn), thời học sinh vui nhộn như thế đó, có em nào nghịch bằng nhân vật Tuyết trong truyện không? Nếu không, thì các em hãy tôn người ấy là  “sư phụ”.


     Thân ái chào các em.  

 HẾT


Cô ĐẶNG THỊ TUYẾT NHƯ
4/2011
http://www.ninh-hoa.com/TH-VanNinh_DTTN-NhungNgayXaXuaAy-1.htm

No comments:

Post a Comment