Tuesday, July 9, 2019

Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng _T/g Bạch Diện Thư Sinh

Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng

NHÂN ĐỌC BÀI GẶP LẠI BẠN CŨ

Mới đây, tôi được thiên hạ gửi cho đọc bài Gặp Lại Bạn Cũ của một tác giả hải ngoại.

Ngay đầu bài, tác giả nói ông có nhiều bạn. Trong số đó, có hai người bạn đặc biệt là Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng vì cùng là người có chung trời Quảng Nam, tâm tình Quảng Nam, chung mái trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng, chung Đại Học Luật Khoa, Sài Gòn. Nhưng đáng buồn cho tác giả vì ông và hai ông bạn Trừng, Đằng đã phải li biệt nhau tới 3 lần rồi. Lần thứ nhất là hồi 1967, 1968, sau khi đậu cử nhân Luật, tác giả làm việc trong hệ thống tòa án VNCH còn Trừng và Đằng ra khu theo Cộng sản. Lần thứ hai là khi biến cố 30.4.1975 xẩy ra, Trừng và Đằng từ khu về để ‘bước lên sân khấu chính trị Việt Nam’, còn tác giả lại bị bắt bỏ tù vì tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng’. Lần thứ ba là vào năm 1985, tác giả vượt biên và tới Mĩ vào năm 1986.


Mặc dù đã 3 lần li biệt, nhưng tác giả xác định: ‘Biệt ly ba lần hay biệt ly nhiều lần hơn nữa, tôi vẫn không bao giờ quên các bạn Quảng Nam của tôi’ và tác giả ‘bao giờ cũng ấp ủ trong lòng một mơ ước. Ước mơ mai mốt nọ, Quảng-Nam-Trừng và Quảng-Nam-Đằng sẽ làm điều gì đó khiến cho khí phách Quảng Nam bừng bừng sống dậy’.

Theo tác giả: ‘Giờ đây mơ ước kia đã thành hiện thực’.

Hai ông Trừng và Đằng đã làm gì mà khiến cho tác giả cảm thấy sung sướng và công khai lên tiếng nhận bạn bè như vậy?

Về Ông Nguyễn Đăng Trừng: Đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch Đoàn Luật sư Sài gòn (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố HCM).

Theo tác giả, trong phiên họp Quốc hội CSVN ngày 02.10.2010, Nguyễn Đăng Trừng, đã ‘bừng bừng khí phách Quảng Nam’ khi ông ta ‘dõng dạc’ lên án cách quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả. Ông Trừng nêu ra việc làm ăn thua lỗ cực kì lớn của Vinashin làm điển hình và gán ‘trách nhiệm đó thuộc về chính phủ, thuộc về thủ tướng’.

Về Ông Lê Hiếu Đằng: Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tác giả trưng ra 2 thành tích của ông Đằng:

Ngày 11.11.2010, Ô. Đằng đã gửi cho boxitvn.net bài viết nhan đề ‘Kiến nghị dừng khai thác bauxit do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội’.

Ngày 15.11.2010, Lê Hiếu Đằng lại gửi cho boxitvn.net bài viết nhan đề: ‘Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước’.

Việc tác giả nhận bạn bè, đề cao bạn bè và hãnh diện về Quảng Nam địa linh nhận kiệt là quyền của tác giả. Thực ra, tôi có đọc đâu đó một vài bài viết khác của tác giả hải ngoại này và xin minh xác: Tôi công nhận tác giả là người quốc gia. Người quốc gia yêu tự do, dân chủ và sẵn sàng tôn trọng ý kiến của người quốc gia khác.

Vả lại, nếu đọc hết bài Gặp Lại Bạn Cũ, độc giả sẽ hiểu thêm thiện chí và lòng ái quốc của tác giả, đồng thời hiểu cái ý nghĩa hết sức nghịch thường của tình bạn ở đây. Tác giả viết: ‘Và ba chúng tôi đã gặp lại nhau. Gặp lại ở đây không có nghĩa là Trừng và Đằng theo tôi hay ngược lại. Gặp lại ở đây chỉ có nghĩa là: Trong hiện tình đất nước, người Việt Nam không có chọn lựa nào khác hơn là hãy cùng nhau đi chung một con đường. Con đường khí phách làm người Việt Nam. Con đường của tự do dân chủ’. Nghĩa là tác giả làm một chọn lựa thực tế, tuy xác nhận ông và hai người bạn học cũ vẫn còn khác chính kiến, nhưng vì quyền lợi của đất nước, tác giả sẵn sàng đi ‘chung đường’; có lẽ vì tác giả tin là hai người bạn cũ, tuy là Cộng sản, nhưng đang tranh đấu chống tham ô, tắc trách hoặc là đấu tranh cho tự do dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ?

Tự do, dân chủ là điều kiện cần hẳn để có chính quyền xứng đáng lãnh đạo đất nước, phục hồi đạo đức dân tộc, chấn hưng văn hoá giáo dục, làm cho dân giàu nước mạnh, đoàn kết toàn dân bảo vệ bờ cõi giang sơn. Trong hiện tình nguy nan của đất nước, bất cứ tiếng nói hoặc hành động nào thật lòng tranh đấu cho tự do, dân chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ đều đáng được cổ vũ và noi gương.

Đã ghi nhận, có một số đảng viên khi đã về hưu hoặc vừa ra khỏi chính quyền, đã lên tiếng đòi hỏi dân chủ. Thế nhưng với nhiều kinh nghiệm đau thương, những tiếng nói đòi dân chủ hoặc chống bá quyền Trung Quốc hiếm hoi của các đảng viên CS đương quyền, vẫn được người quốc gia ghi nhận một cách hết sức dè dặt. Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng nằm trong trường hợp này.

Nguyễn Đăng Trừng và Lê Hiếu Đằng là sinh viên Việt Cộng hoạt động tích cực trong mặt trận Đại học thời chiến tranh Quốc-Cộng và là hai cán bộ Cộng sản có chức tước địa vị tại thành phố Sàigòn (HCM) sau ngày Cộng Sản Bắc Việt chiếm được miền Nam.



LÊ HIẾU ĐẰNG

Nhận thấy Ông Lê Hiếu Đằng trước đây chỉ nắm chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM và nay nắm chức phó một hội đồng tùy phụ của Mặt trận tổ quốc VN. Thời gian gần đây, ông chống giặc Tầu công khai. Ở hải ngoại, ông được một bạn học đề cao qua bài Gặp Lại Bạn Cũ (đã nêu trên); ở trong nước, ông cũng được Gs. Hà Sĩ Phu (tác giả của những bài luận thuyết nổi tiếng Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ ,1988 và Chia Tay Ý Thức Hệ, 1995…) ca ngợi với bài viết Cảm Ơn Ông Lê Hiếu Đằng (viết ngày 11.11.2010. thongluan.com).

Mới đây nhất, ngày 27.7.2011, người ta thấy hai ông Lê Hiếu Đằng và Huỳnh Tấn Mẫm cùng một số nhân sĩ trí thức tới Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, số 43 Nguyễn Thông (trước 1975, là Cư xá Phục Hưng của các linh mục Dòng Đa Minh, Chi Lyon) để tham dự ‘Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hi sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam, Hoàng Sa và Trường Sa’. Khi trả lời phỏng vấn của báo chí, Ông Đằng có nhắc tới 74 chiến sĩ Hài Quân/QLVNCH đã hi sinh bảo vệ Hoàng Sa trong trận đánh với Hải quân Trung Cộng ngày 19.01.1974(con số 74 chiến sĩ hi sinh là con số trong bài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Hoàng Sa 19,01.1974 đăng trên danchimviet.info). Trong Hội trường Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình người ta thấy những người tham dự cầm nhiều tấm biển ghi nội dung rất ‘chiến đấu’, như: ‘Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam’, ‘Yêu cầu nhà cầm quyền không đàn áp biểu tình yêu nước của nhân dân’, ‘Ủng hộ Kiến nghị 10.7.2011 của nhân sĩ, trí thức gởi Quốc Hội & Bộ Chính trị’...

Có thật ông Lê Hiếu Đằng đang đi theo tiếng gọi của tổ quốc không hay ông lại đang được lệnh đóng một vở kịch của đảng CSVN để mị dân, để đánh lừa dư luận, để cứu đảng? Tại sao ông ‘được’ chống Tầu Cộng xâm lược thoải mái, đang khi các nhà tranh đấu cho dân chủ cũng muốn chống thì bị canh gác nghiệm ngặt, không cho ra khỏi nhà; còn thanh niên, sinh viên, học sinh đi biểu tình thì bị đàn áp thẳng tay, thậm chí bị đạp thẳng vào mặt? Hay là tại vì đảng sợ diễn biến ‘cách mạng hoa lài’?

Thực hư ra sao, có lẽ còn phải quan sát thêm nữa. Do đó, về Ông Lê Hiếu Đằng, xin ‘hạ hồi phân giải’.

NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG LÀ AI?

Riêng Ông Nguyễn Đăng Trừng, từ khi theo đảng, ông luôn nắm được những vị trí then chốt, đầy quyền lực; chứng tỏ ông là một đảng viên trung kiên, được ‘trên’ đánh giá cao. Nay nhân có người bạn học cũ đề cao ông, thiển nghĩ, nên nói đầy đủ hơn về ông, để độc giả ‘rộng đường dư luận’.

Hiện nay, Nguyễn Đăng Trừng hành nghề luật sư tại Sài Gòn, đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tong đảng và nhà nước CSVN: Đại biểu Quốc Hội CS khóa 13 ( Bầu ngày 22.5.2011. Đã là đại biểu QHCS khóa 12), Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố HCM (Sài Gòn), nhưng quan trọng nhất là chức vụ Bí thư Đảng ủy Đảng Đoàn Đoàn Luật sư thành phố.

Thời học sinh sinh viên: Trừng là người Quảng Nam, sinh 1942. Học trường Trung học công lập Phan Châu Trinh Đà Nẵng, rồi vào học Luật Đại học Sài Gòn. Năm 1965, Trừng bị lao phổi, phải vào Bệnh viện bài lao Hồng Bàng (nay là Bv. Phạm Ngọc Thạch), khu dành riêng cho sinh viên. Nghĩa là thời sinh viên học sinh, Trừng được VNCH đào tạo và chữa trị miễn phí. Công lao đào tạo và chữa bệnh cho Trừng của VNCH coi như là nuôi ong tay áo. Khi đủ nanh vuốt, Trừng sẽ cắn cổ VNCH.

Thật vậy, ngay từ những năm 1967, 1968, Trừng đã tham gia tích cực vào phong trào sinh viên thân Cộng chống chính quyền VNCH. Vì có thành tích cho nên Trừng được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam và được Thành Đoàn Cộng Sản chỉ định ra tranh cử chức Chủ tịch Ban đại diện sinh viên Luật khoa 1967-1968 (Thành đoàn tức là Đoàn Thanh niên Lao động (sau đổi là Cộng Sản) Hồ Chí Minh hoạt động chuyên trách về thanh niên, sinh viên, học sinh ở nội thành Sài Gòn – Gia Định và vùng ngoại ô. Theo Trần Bạch Đằng thì năm 1966, Nguyễn Văn Linh, lúc là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định là ‘bố đẻ’ của Thành đoàn (Nhịp Khúc Lên Đàng, trang 498) ), rồi Chủ tịch Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn niên khóa 1967-1968, kiêm Chủ nhiệm tờ báo Sinh Viên (của nhóm sinh viên thân Cộng). Năm1968, sau khi quân dân VNCH đánh bại cuộc Tổng công kích Tống tấn công do CS Hà Nội phát động vào dịp Tết Mậu Thân ít lâu, Trừng thoát li ra khu.

Khoảng thời gian từ 1968 tới 1969: Trừng được cử làm Ủy viên Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam Khu Sài Gòn – Gia Định, rồi Ủy viên Chủ tịch đoàn Đại hội đại biểu Quốc dân Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để bầu ra cái gọi là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Cả hai đều là những tổ chức của CSVN trá hình để đánh lừa dư luận trong và ngoài nước.

Khoảng thời gian từ 1969 tới 1972: Trừng được điều về Ban Thanh vận Trung ương Cục Miền Nam và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 12.4.1971.

Khoảng thời gian từ 1972 tới 1975: Trừng là cán bộ Ban An ninh T 4 trực thuộc Đặc khu Sài Gòn – Gia Định.

Sau 30.4.1975:

Khi Cộng Sản Hà Nội chiếm trọn Miền Nam, từ mật khu trở về, Nguyễn Đăng Trừng được giao cho làm Phó Trưởng phòng bảo vệ chính trị 3 thuộc Công An Thành phố (tiền thân của nó là Ban an ninh T 4 khi còn ở ngoài mật khu).

Khoảng thời gian từ 1982 tới 1989: Nguyễn Đăng Trừng là Bí thư Chi bộ Sở Tư pháp thành phố HCM.

Khoảng thời gian từ 1989 tới 1995: Trừng là Phó Chủ nhiệm thường trực Đoàn Luật sư thành phố HCM. (Ngành luật sư tại nước ta có từ năm 1867. Khi Cộng sản chiếm được Miền Nam, ngành luật sư bị bãi bỏ và chỉ cho tái lập ngành này vào năm 1989, sau khi CS đã nắm chắc được tình hình Miền Nam).

Khoảng thời gian từ 1995 cho tới nay: Nguyễn Đăng Trừng là Chủ nhiệm kiêm Bí thư Đảng Đoàn Đoàn Luật sư thành phố HCM. (Hiện nay đoàn có 4.230 thành viên, 2.881 luật sư và 1.349 luật sư tập sự).

Về huân chương, Nguyễn Đăng Trừng đã được tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng 1 và Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Trừng đã từng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN thành phố HCM gìới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội; lần mới nhất được giới thiệu ra ứng cử Đại biểu QH. Khóa 13, đơn vị bầu cử số 1, gồm 3 quận 1, 3 và 4, bầu ngày 22.5.2011.

MỘT SỐ GHI NHẬN KHÁC

Ghi nhận một: Hồi còn trong tù cải tạo, lúc bên ngoài sắp tổ chức bầu cử Quốc hội CS, tôi tình cờ thấy trên báo đảng CS một bài viết kí tên Nguyễn Đăng Trừng. Thời gian quá lâu, tôi không còn nhớ hết nội dung bài viết, nhưng tôi không bao giờ quên cái đinh của bài viết, đó là Trừng khẳng định chỉ có chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mới có sự bầu cử tự do thực sự, tự cổ chí kim chưa có chế độ nào được như thế. Lí do thứ hai khiến tôi không bao giờ quên được bài viết ấy vì điều Trừng khẳng định quá trơ trẽn, trơ trẽn đến khôi hài. Mặc dù ngày xưa Trừng lo tranh đấu hơn là lo học, nhưng chắc chắn anh ta không thể nào quên được lí thuyết phân quyền danh tiếng của Montesquieu được dùng làm nền tảng hiến pháp của các nước văn minh tiến bộ trên thế giới. Tại các nước Cộng sản, tuy độc tài, toàn trị, nhưng vẫn phải đóng kịch trình diễn một bộ mặt chính quyền dựa trên tam quyền phân lập. Kì thực, tất cả quyền hành đều tập trung trong tay Đảng CS, thực tế là trong tay một số các ủy viên trong Bộ chính trị. Cho nên, đối với một đảng viên trung kiên như Trừng, tính hồng vẫn hơn chuyên, nghĩa là luật là thứ yếu, đảng trên hết. Khi đảng trên luật pháp, thì cái gọi là luật chỉ là luật rừng. Làm sao có tự do bầu cử, khi dân chỉ được bầu cho nhửng người do đảng cử?

Ghi nhận hai: Vào khoảng 1989, sau khi mới ra khỏi tù CS ít lâu, trong bữa tiệc mừng tân gia của người bà con, tôi gặp lại một anh bạn cùng trường, cùng nghề nghiệp, cùng đi cải tạo dài hạn. Anh bạn kể, anh mới tới văn phòng của bạn học cũ là Nguyễn Đăng Trừng. Trừng bảo anh: ‘Về lo làm ăn chân chính. Đừng chống. Chống không nổi đâu’!

Nghe xong, tự nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện Sào Phủ - Hứa Do trong sách giáo khoa thuở xưa. Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, Sào Phủ dắt trâu ra suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: ‘Ông Nghiêu gọi tôi vào, bảo tôi làm vua’. Nghe xong, Sào Phủ dắt trâu lên dòng nước phía trên cho uống nước. Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ bảo: ‘Anh rửa tai anh xuống đó, tôi sợ trâu tôi uống phải nước dơ’. Sào Phủ nói tiếp: ‘Anh đi đâu cho người ta biết mà muốn truyền ngôi cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi’. Nhà văn hóa Huỳnh Tịnh Của phê: ‘Nghe mà rửa, chi bằng giữ vẹn đừng nghe’.

Cả câu chuyện của hai bậc hiền nhân không ăn nhập gì với câu chuyện của anh bạn tôi, ngoại trừ câu phê bình của nhà văn hóa Huỳnh Tịnh Của. Có lẽ anh bạn tôi tưởng bạn bè là bạn bè, chính trị là chính trị. Tiếc là người Cộng Sản lại đặt đảng lên trên tất cả.

Ghi nhận ba: Ls. Nguyễn Đăng Trừng và việc thành lập Hội đồng Lâm thời Luật sư Toàn quốc.

Hồi 2008, nhằm khống chế các đoàn luật sư trong cả nước, Đảng CSVN đã ra lệnh cho Bộ Tư pháp CSVN chuẩn bị thành lập Liên đoàn Luật sư toàn quốc, khởi đầu bằng lập ra Hội đồng Lâm thời Luật sư toàn quốc. Bộ Tư pháp CSVN đã cử ra một người không xuất thân luật sư là cựu thẩm phán Lê Thúc Anh làm chủ tịch.

Thấy vậy, ngày 11.6.2008, lấy cớ đây là một hội nghề nghiệp của giới luật sư, không phải là cơ quan nhà nước, Ls. Nguyễn Đăng Trừng , Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố HCM, đã gửi thư lên Bộ trưởng Tư pháp xin rút tên ra khỏi Hội đồng Lâm thời, nguyên văn mở đầu như sau: ‘ Kính gởi: Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất. Trích yếu: V/V thông báo rút tên ra khỏi Hội đồng Lâm thời Luật sư toàn quốc’ (hcmbar.org). Xin độc giả lưu ý: Bộ trưởng Tư pháp là đồng chí, chánh án là đồng chí và chủ nhiệm đoàn luật sư cũng là đồng chí, mà lại còn là Bí thư đảng ủy đảng Đoàn Luật sư. Vậy còn nói chi tới nguyên tắc ‘pháp bất vị thân’ hay là tính dân chủ và quyền tự quản của nghề luật sư.

Mặc dù đây là câu chuyện giữa các ‘đồng chí’ với nhau, nhưng bên ngoài có dư luận cho đây là hành động ‘mang tính li khai chưa từng xẩy ra ở Việt Nam’; ngược lại có người lại bảo chẳng qua vì ông Trừng không được chia ghế trong Hội đồng Lâm thời của tổ chức luật sư toàn quốc và trong Liên đoàn luật sư toàn quốc trong tương lai, cho nên mới ra nông nỗi. Nếu như Bộ Tư pháp mời ông Trừng một chân coi được được một chút thì chắc ông ta đã không xin rút tên như vậy.

Mặc dù Ls. Trừng đã chính thức xin rút tên, nhưng ‘Ban Chỉ đạo’ lại không chấp thuận, lấy lí do việc rút tên của ông Trừng ‘không chính đáng’. Có kẻ lo xa cho tương lai của ông Trừng: ‘Phải giử Ls. Trừng lại mới ‘kiểm soát’ được chứ. Một thời gian sau, ta sẽ vạch lá tìm sâu, rồi đuổi Ls. Trừng ra khỏi tổ chức. Lúc đó Ls. Trừng mới biết chống lại đảng là có hậu quả như thế nào’.

Ngày 10.5.2009 khai mạc Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc, Ông Trừng còn lên diễn đàn đòi chức chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN phải do tất cả các đại biểu bầu trực tiếp để bảo đảm nguyên tắc tự quản, độc lập và dân chủ. Nhưng vô vọng, vì mọi chức vụ đã có ‘trên’ lo xong cả rồi. Tất cả là một kịch bản soạn sẵn. Chẳng lẽ Ô.Trừng là đảng viên mà không biết cách làm việc ‘đơn giản, gọn nhẹ’ cố hữu của đảng sao. Nhà văn Nguyên Ngọc, một cựu đảng viên kì cưu đã từng nhận xét: ‘…Các hội chúng ta đang có, tất cả, đều thực chất là một kiểu cơ quan nhà nước không hơn không kém, việc chúng đều được nhà nước trả lương là một bằng chứng không thể chối cãi. Và như vậy thì tất yếu không có xã hội dân sự. Chỉ còn có độc quyền, ‘độc điều hành’, ‘độc chỉ huy’ của nhà nước…’ (Nguyên Ngọc. Hộp vuông và khối tròn. x-cafevn.org).

Ghi nhận bốn: Nguyễn Đăng Trừng và vụ án Ls. Lê Công Định

Bắt đầu từ tháng 6 năm 2009, vụ án Ls. Lê Công Định nổ ra, làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Vụ án này không là chủ đề của bài viết, cho nên, sau đây, chỉ nêu lên những chi tiết liên quan tới nhân vật Nguyễn Đăng Trừng.

Ls. Lê Công Định là phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố HCM. nhiệm kì 2005-2008 mà chủ nhiệm là Ls. Nguyễn Đăng Trừng. Hai người đã từng sát cánh trong một số hoạt động đáng chú ý; chẳng hạn như ngày 05.01.2008, Ls. Lê Công Định và Ls. Nguyễn Đăng Trừng đã cùng hơn 2.000 thành viên trong đoàn luật sư thành phố đứng lên giơ tay biểu đồng tình một Bản tuyên bố lên án Quyết định thành lập thành phố Tam Sa của Trung Cộng. Bản Quyết định do chính Ls. Lê Công Định thảo ra.

Ngày 13.6. 2009, Ls. Lê Công Định bị Công an CS Việt Nam bắt khẩn cấp với lí do ‘có các hành vi cấu kết với bọn cầm đầu phản động nước ngoài chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam’. Công An nói họ đã thu được rất nhiều tài liệu, chứng cứ âm mưu lật đổ Nhà nước Việt Nam của Ls.Định.

Ls. Lê Công Định bị bắt được 5 ngày (bắt 13.6.2009), mới chỉ có lời công bố tội trạng của Công an (18.6.2009), còn lâu tòa mới xét xử (xử 20.01.1010) thì ngay chiều ngày 22.6.2009, Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố HCM., thay mặt Ban Chủ nhiệm kí quyết định xóa tên Ls. Lê Công Định ra khỏi đoàn luật sư Thành phố HCM. Lí do đưa ra là Ls. Lê Công Định ‘đã có hành vi vi phạm pháp luật, bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố và bắt tạm giam, vi phạm điểm g, khoản 1, điều 9 Luật Luật sư; điều 1 và điếu 2 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư’.

Ngao ngán thay cho tình đồng nghiệp (có thể có cả tình bạn) của Nguyễn Đăng Trừng. Xin nhắc lại, Ls. Lê Công Định là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố nhiệm kì 2005-2008, mà Ls. Trừng là Chủ nhiệm.

Đường đường là một chủ nhiệm luật sư đoàn mà lúc nào cũng sẵng sàng tuân theo lệnh đảng, thì đề nghị Ls. Nguyễn Đăng Trừng hãy từ bỏ nghề luật sư và trở về với Ban An ninh T4, với Phòng bảo vệ chính tri của Công an cũ của ông. Như thế có lẽ hợp với khả năng của ông hơn. Đồng nghiệp vừa mới bị Công an bắt giam, thay vì tìm cách biện hộ, lại vội vàng đi trước pháp luật, xóa tên người đồng nghiệp ra khỏi luật sư đoàn, thì coi như Nguyễn Đăng Trừng đã biến Công an thành Công tố, biến Công tố thành Xử án và như thế có phải là tự hủy đi vai trò biện hộ của tất cả các luật sư trong cả nước?

Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nam California phê bình về quyết định xóa tên Ls. Lê Công Định ra khỏi đoàn luật sư Thành phố HCM như sau: ‘Với quyết định này, mà theo tôi, không cần phải có, Ban Chủ Nhiệm đã khai tử ngành biện hộ vừa chớm nở, tự tạo thêm những khó khăn cho chính giới luật sư. Khi rút giấy phép hành nghề của đồng nghiệp Lê Công Định, vô tình quý vị đã tự thu hẹp lãnh vực hành nghề của tất cả các luật sư Việt Nam vốn đã vất vả trong đời sống nghề nghiệp hàng ngày dưới chế độ luật pháp hiện nay trong nước’ . (Thư ngỏ kính gửi Luật sư Nguyễn Đăng Trừng Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM. Thẩm Phán Phan Quang Tuệ. July 17, 2009. viettribune.com).

Ghi nhận năm: Bauxit và biển đảo.

Đây là chuyện sống chết của cả dân tộc. Mặc dù biết đảng CSVN đã phạm tội tày trời buôn dân bán nước, nhưng một số đảng viên còn chút liêm sỉ, chí ít cũng đã lên tiếng, chỉ lên tiếng thôi, để tránh né được phần nào những mũi tên bắn căm phẫn của đồng bào cả nước, để còn dám mở miệng nói hai chữ Tổ Quốc thiêng liêng. Cứ cho là Nguyễn Đăng Trừng là loại đảng viên đó, vì đã ghi nhận một số lần Đoàn Luật sư thành phố HCM và cá nhân ông Trừng lên tiếng trên báo chí và trên diễn đàn Quốc Hội nhà nước CSVN về chủ quyền biển đảo nước ta. Chẳng hạn như Tuyên bố ngày 28.01.2008 của Đoàn Luật sư thành phố HCM Việt Nam có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ô. Trừng cũng lên tiếng tại Quốc Hội CSVN ngày 29.4.2009 yêu cầu Quốc Hội CSVN ‘không thể trì hoãn ban hành luật biển’.... Thế nước nguy biến, chúng ta phải ghi nhận bất cứ hành động nào nhằm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ ai, không phân biệt người đó thuộc thành phần nào.

Song cũng không quên nhắc cho ông Nguyễn Đăng Trừng 3 tội tày trời mà đảng CSVN đã phạm phải về vấn đề biển đảo của nước ta như sau:

Một: Ngày 14.9.1958, Thủ tướng CS Bắc Việt Phạm Văn Đồng gửi công hàm cho Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai xác nhận ‘tán thành’ và ‘tôn trọng’ Quyết định của Trung Cộng về hải phận của họ (theo tham vọng bành trướng của họ).

Hai: Hai ngày 03,04 tháng 9 năm 1990, Tổng Bí thư CSVN Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, Cố vấn Phạm Văn Đồng đã bí mật sang Trung Cộng gặp gỡ Tổng Bí thư Đảng CSTQ Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lí Bằng tại Thành Đô, Thủ phủ Tỉnh Tứ Xuyên, theo sáng kiến của Đặng Tiểu Bình. Gặp để làm gì mà phải gạt cả Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ra, không cho tham dự, đến nỗi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải than: ‘Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu’! Sau đó Ông Thạch bị mất chức và bị đá văng ra khỏi mọi chức vụ. Từ đó, đất nước Việt Nam thân yêu chịu biết bao nhiêu điều cay đắng tủi nhục vì tham vọng cướp đất cướp biển của bọn bá quyền Bắc Kinh. (xin đọc Bùi Tín. Thời kỳ ‘Bắc thuộc mới’. diendannguoidanvietnam.com).

Ba: Ngày 25.6.2011, Thứ trưởng ngoại giao CSVN Hồ Xuân Sơn đi Bắc Kinh gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Cộng là Trương Chí Quân. Sau cuộc họp này, vào ngày 28,6.2011, Tân Hoa Xã của Trung Cộng công khai kêu gọi Việt Nam thi hành thỏa thuận song phương về vấn đề «biển Nam Trung Hoa» mà 2 bên vừa đạt được.

Cùng ngày 28-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng là Hồng Lỗi họp báo, cột chặt phía Việt Nam vào cái gọi là ‘hiểu biết chung về thỏa thuận đã đạt được’, mà 2 nội dung quan trọng nhất là «giải quyết tranh chấp bằng tham khảo hữu nghị song phương», tránh các động thái có thể làm cho tình hình trầm trọng hay phức tạp thêm, và ‘hai bên phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam’. Điều này có nghĩa là muốn loại hẳn Hoa Kì ra khỏi vùng biển chiến lược, để cho Trung Cộng vùng vẫy một mình một cõi!

Trước sự yên lặng có vẻ vụng trộm của chính quyền CSVN, 15 trí thức trong nước, vào ngày 04.7.2011, đã gửi kiến nghị yêu cầu Bộ ngoại giao CSVN phải cung cấp tin tức về cuộc gặp gỡ này. Các vị trí thức ấy muốn biết xem có đúng như phía Trung Cộng tuyên bố không. Bộ Ngoại giao CSVN vẫn chưa dám xác nhận điều gì.

Dư luận còn thắc mắc tại sao Trương Chí Quân đưa Hồ Xuân Sơn tới gặp Đới Bình Quốc là một trong 5 ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, người có cương vị về ngoại giao còn cao hơn cả Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng là Dương Khiết Trì. Chắc là không phải để đi chào xã giao, cũng không phải để bàn bạc tay đôi, mà là để nhận chỉ thị.

Hậu quả của những cuộc đi đêm tại Bắc Kinh có tính cách ‘triều yết’ đó có thể thấy được phần nào qua những dấu chỉ như sau: Cuộc xuống đường chống bá quyền Trung Cộng vào ngày Chủ nhật 10.7 đã bị đàn áp mạnh tay hơn trước. Các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt dịu giọng: hãy để cho chính phủ thương lượng song phương giải quyết mọi sự, giữ tình hữu nghị truyền thống, tránh gây thêm phức tạp… Cuộc họp lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI diễn ra suốt 7 ngày, không có một ai đề cập tới tình hình biển Đông, và về quan hệ Việt – Trung, quan hệ Việt – Mỹ. (Xin đọc Bùi Tín. Hoài Nghi về cuộc gặp giữa ông Hồ Xuân Sơn và ông Đới Bình Quốc tại Bắc Kinh. wordpress.com).

Ghi nhận sáu: Quốc nạn tham nhũng.

Xin trở lại với đoạn văn trong bài Gặp Lại Bạn Cũ: Trong phiên họp Quốc hội CSVN ngày 02.10.2010, Nguyễn Đăng Trừng, đã ‘bừng bừng khí phách Quảng Nam’ khi ông ta ‘dõng dạc’ lên án cách quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đã chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả. Ông Trừng nêu ra việc làm ăn thua lỗ cực kì lớn của Vinashin làm điển hình và gán ‘trách nhiệm đó thuộc về chính phủ, thuộc về thủ tướng’.

Chỉ bấy nhiêu thôi, có đủ để ông Nguyễn Đăng Trừng được tung hê là ‘bừng bừng khí phách Quảng Nam’ không?

Thực sự thì Ông Trừng chỉ mới chống tham nhũng đây thôi. Theo châm ngôn ‘ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau’, ông lên tiếng chống tham nhũng sau nhiều nhân vật lãnh đạo đảng và nhà nước, sau nhiều Đại hội Trung ương đảng. (Ở đây không cần kể tới các nhà tranh đấu dân chủ ngoài đảng khác). Ông xếp lớn cũ của Trừng là Trần Bạch Đằng (khi Trừng mới là Đoàn viên thì Trần Bạch Đằng đã là Bí thư Đặc khu ủy Sàigòn – Gia Định) đã lên tiếng chống tham nhũng từ lâu, chống nhiều lần, ngay từ những năm 1990. Khoảng 20 trong số 439 bài viết của Trần Bạch Đằng trong cuốn Tuyển tập Trần Bạch Đằng (gần ngàn trang, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007) là để chống nạn tham nhũng, tệ nạn quan liêu, thu tiền mãi lộ, hối mại quyền thế…Nhưng ông Trần Bạch Đằng chỉ nói mồm, mục đích để chỉnh đảng, cứu đảng. Muốn đổi mới mà sợ xáo trôn, sợ ‘thế lực thù địch’ lợi dụng. Cho nên cũng như nước đổ lá khoai, như tiếng kêu trong sa mạc. Để được tiếng ‘đời nay chỉ mình ông thức’!

Chính Ông Trừng, với tư cách Đại biểu Quốc Hội, trong bản Góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đã ví von như sau: ‘Chống tham nhũng ở nước ta giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 - hiện thực phê phán - thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ’.

Thưa có chứ, có giải pháp chứ, nhưng đảng CSVN không dám và không muốn làm. Bởi vì tham nhũng làm mất uy tín của đảng, nhưng diệt tham nhũng coi như là giết đảng. Tất cả những chế độ độc tài đều phải nắm lấy các nguồn lợi kinh tế tài chánh, và dùng các nguồn lợi này để chia chác cho những lực lượng có khả năng bảo vệ cái chế độ độc tài đó. Cho nên nếu trong sạch, trong sáng, công bình, thượng tôn pháp luật thì ‘bỏ mẹ’ đảng!



Lịch sử đang lặp lại. Hồi giữa thế kỉ 19, vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn có nghe biết, nhưng không chịu quyết tâm đổi mới kịp thời, cho nên không đủ sức bảo vệ đất nước thoát khỏi tay bọn thực dân Pháp. Ngày nay, đảng CSVN còn biết rõ hơn nữa rằng đất nước đang cần tự do, dân chủ để có lãnh đạo tài đức, hầu cứu nguy dân tộc trước kẻ thù hung hãn truyền kiếp phương Bắc; nhưng vì sợ mất đảng, vì sợ mất quyền lợi bất chính của giới cầm quyền, cho nên họ dứt khoát chọn con đường mãi quốc cầu vinh, mặc kệ dân, mặc kệ nước.

Nếu mà đảng thật lòng muốn diệt trừ quốc nạn tham nhũng thì đảng đã nghiêm túc nghiên cứu những đề xuất của các trí thức yêu nước chân chính. Một trong những đề xuất ấy là đề xuất của Ls. Lê Công Định: Tháng 3 năm 2009, trong bài "4 giải pháp chống tham nhũng" đăng trên báo Tia Sáng, Ls. Lê Công Định cho rằng các biện pháp nhà nước đã ban hành nhằm chống tham nhũng chỉ mang tính hình thức nhiều hơn thực chất, không đảm bảo hiệu quả…Ông đề ra 4 giải pháp như sau: từ bỏ cơ chế xin cho, cấp phép vì đó là gốc rễ của tham nhũng; tư pháp độc lập và chuyên nghiệp vì đó là công cụ trừng trị tham nhũng công minh và hiệu quả; người dân có quyền khởi kiện (tạm thời thông qua tòa hành chính và lý tưởng là trước Tòa Bảo hiến) các văn bản pháp quy để cơ quan công quyền thận trọng khi ban hành văn bản vi phạm quyền lợi hợp pháp của dân; cuối cùng là quyền được tự do thông tin của người dân thông qua báo chí và truyền thông. (Wikipedia.org/Lê Công Định).

Theo các phân tích quốc tế khách quan, Việt Nam không phải là nước duy nhất có nạn tham nhũng tồi tê. Nhưng ở các nước khác, dân nước họ điêu đứng vì nạn nội thù tham nhũng, nhưng may mắn, họ không sợ mất nước. Riêng Việt Nam ta hiện nay, tứ bề thọ địch, phải chống một lúc cả nội thù là quốc nạn tham nhũng gắn liền với đảng CSVN độc tài toàn trị, lẫn kẻ ngoại thù ngàn đời phương Bắc. Đánh thằng giặc nào trước? Không thể đánh được giặc ngoại xâm hung hiểm, nếu không có sự đoàn kết dân tộc. Mà làm sao có thể đoàn kết với bọn buôn dân bán nước là đảng CSVN?.

THAY LỜI KẾT

Bởi vì bài này có mục đích cung cấp thêm dữ kiện để độc giả ‘rộng đường dư luận’, và để chính độc giả sẽ rút ra kết luận cho mình.

Vậy để thay cho lời kết, tôi xin trích dẫn lời Gs. Nguyễn Văn Trung đã chỉ ra quan niệm về bạn - thù của người quốc gia và người Cộng sản khác nhau như thế nào.

‘Sách lược Lêninít, Stalinít chủ trương phân biệt bạn thù dứt khoát, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, biến cả học sinh, sinh viên thành những người cuồng tín, đặc biệt trong nhũng đội quyết tử ám sát kí giả (Từ Chung, Chu Tử), thày học của mình (giáo sư Trần Anh, giáo sư Nguyễn Văn Bông) và ngay cả bạn học (Lê Khắc Sinh Nhật, Bùi Hồng Sĩ). Tôi vẫn còn giữ một danh sách của đội quyết tử cảnh cáo một số sinh viên thuộc các phân khoa như Ngô Thế Vinh (Y khoa). Trước một quyết tâm như vậy, phe Quốc gia không phân biệt bạn thù dứt khoát, mơ hồ, vô tình hay cố ý tham gia những hành động tự diệt’…

‘Ngoài ra biết bao người, kể cả Tướng, Tá trong quân đội, viên chức, biết rõ (không phải tình nghi, chụp mũ) người nọ người kia là Việt cộng nằm vùng mà không tố cáo vì đặt tình người, tình bạn trên những lựa chọn chính trị. Tôi xin kể một trường hợp: Trong một buổi họp mặt ăn uống ở nhà Hồ thành Đức – Bé Ký, một sinh viên tranh đấu đang giữ vai trò lãnh đạo hội Trí thức Yêu nước hỏi tôi: Thầy có nhớ mấy anh bạn học cũ hiện ở đâu không? Trước 1975 em hoạt động nội thành thỉnh thoảng gặp bạn học đang canh gác khu vực em công tác, tụi này nói chuyện, rồi họ nói: ‘Thôi mày đi nơi khác, ra khỏi khu vực của tao phụ trách’, mà không tố cáo bắt em. Tôi hỏi lại: ‘Nếu bây giờ mấy anh ấy hoạt động chống Cộng trong khu vực của anh phụ trách, anh có bắt không? Bắt chứ’! (Nguyễn Văn Trung. Đôi điều trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc. Tạp chí Văn Học, Hoa Kì, Số 124. Tháng 8 năm 1996. Trang 68, 69).

Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô M. Gorbachev thú nhận: ‘Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lí tưởng Cộng sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá’. Cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cũng nói một câu để ngàn đời: ‘Đừng nghe những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm’.

(Tôi xin lỗi không nêu tên tác giả bài Gặp Lại Bạn Cũ , không phải vì tôi không kính trọng tác giả mà vì đích nhắm của bài viết là hai nhân vật Trừng và Đằng chứ không phải là tác giả; vả lại ngày nay, nếu cần biết tên tác giả một bài viết, người ta chỉ cần vài phút lên google).

Bạch Diện Thư Sinh

nguon : Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Cận Đại Với Bạch Diện Thư Sinh (http://motgoctroi.com)

No comments:

Post a Comment