Friday, January 25, 2013

Trường Xưa Thầy Cũ _T/g Hoàng Lan Chi

Gia Long Nien khoa 1965-1966

Năm đệ thất

Năm 1959  thì phải tôi lò dò vào Gia Long. Trước ngày khai giảng, cũng chịu khó đi xem lớp để còn dành chỗ bàn trên. Nhà khá xa, đệ thất còn bé bỏng, mới 11 tuổi đầu,  lại tính ngốc và tồ nên mẹ tôi phải cho đi xe đưa rước của trường. Hồi đó, muốn đi xe đưa rước của trường thì ngày đầu tiên mình phải tự  đi. Lúc về xe trường mới đưa về vì tài xế hoàn toàn chưa biết học sinh ở đâu để sắp xếp lộ trình. Hôm sau thì xe trường mới bắt đầu đón. Những người ở xa như tôi thường thiệt thòi vì bị đón sớm và về muộn.




Từ khi đi học, tôi thích ngồi bàn nhì chứ không thích bàn nhất. Bàn nhì vừa phải để đọc chữ trên bảng và cũng có thể hoãn binh đôi chút khi thầy cô đang xem bàn nhất. Năm đệ thất, tôi cũng đã dành được bàn nhì. Nhưng than ôi, giờ đầu tiên của chúng tôi là môn Toán cô Hoa Lâu. Cô hơi lớn tuổi, mập mạp nhưng khuôn mặt đẹp. Tuy vậy cô dữ quá trời, đứa nào cũng run khi đứng trước mặt cô. Cô bắt chúng tôi lên bảng đứng rồi cô xếp lại. Tôi khá cao nên phải ngồi bàn bốn mà lại bên trong nữa! Tức chưa?


Cô đi lòng vòng xem chữ từng đứa. Cuối cùng cô dừng trước Mai Loan và chỉ định nhỏ coi sổ đầu bài. May phước mình viết chữ tàm tạm chứ không bị túm viết sổ đầu bài cũng mệt lắm!


Cô Hoa Lâu dạy thì cũng được nhưng cô dữ và hay la. Tôi nhớ có lần bị cô kêu  lên bảng, khoảng tuần lễ thứ hai của niên học. Tôi làm cái gì đó, cô la. Tôi ấp úng “ Em tưởng là..” Cô quát “Tuởng tưởng cái gì ? À tại sao đi học mặc đầm, áo dài đâu? ”.  Tôi  rơm rớm nước mắt, im re. Các giáo sư khác và cả giám thị chẳng hạch hỏi gì mình cả. Chắc họ biết  mình may áo dài chưa kịp chứ ai khùng mà mặc đầm đi học Gia Long? (không phải may không kịp mà đã chuẩn bị học Marie Curie nhưng phút cuối, ông bố ghét mấy mụ đầm hách dịch nên bảo tôi học Gia Long. Ngày xưa lịnh cha mẹ là nghiêm lắm, chứ có phải như thời buổi bây giờ đâu cơ chứ! )


Cô Nữ dạy Việt Văn thì cao, gầy. Cô cũng khá hiền nhưng dạy không hấp dẫn như nguời đẹp Phạm thị Nhung của tôi năm đệ nhị.
Còn cô Sáu dậy Pháp văn thì trời ui, cô tròn như búp bê và diện dễ sợ luôn. Áo dài nhiều đếm không xuể. Có cả áo hở cổ kiểu Lệ Xuân …Cùng dạy Pháp Văn với cô là cô Lệ Hạnh nhưng cô Hạnh không “bụ bẫm” như cô Sáu. Coi như hai cô Sáu và Lệ Hạnh hồi đó nổi tiếng vì diện!


Hồi đó đệ thất có 14 lớp chia ra 7 lớp Anh và 7 lớp  Pháp. Tôi học lớp Pháp chót hết : đệ thất 14. Lớp ở dãy trệt nhìn ra đuờng Phan Thanh Giản. Tan học, tôi cũng rất ngố chẳng biết xe đưa rước ở đâu. Mà mẹ tôi cũng kỳ, lẽ ra phải đi hỏi ở trường rồi cho con biết  đằng này mặc kệ tôi trong khi con bé mới 11 tuổi. Ngày xưa 11 tuổi nhát và khờ thấy mồ chả ma mãnh như bây giờ. Vì khờ và nhát, không dám hỏi nên tôi đã đi lạc ra ngoài đường trong khi xe đưa rước của trường ở trong khuôn viên trường. Tôi leo lên đại một xe đưa ruớc sau khi ngó tới lui không biết xe nào. Kể cũng ngộ !Sau đó chủ xe cũng tử tế đưa tôi về tận nhà dù biết tôi lộn. Họ dặn tôi ngày mai phải vào trường lên phòng (quên tên)  hỏi xe đưa rước đậu ở đâu?


Hôm sau tôi lên văn phòng đưa biên lai và hỏi. Té ra xe đưa ruớc của trường đậu ngay trước sân chính ( vì trường có 4 cổng nhìn ra 4 đuờng ) là sân nhìn ra đường Phan Thanh Giản. Xe tư nhân có tài xế và phụ xế giúp các em bé như tôi lên xuống. Xe trường không có. Cách đưa đón thì như sau : đưa nguời ở gần về trước và đón nguời ở xa truớc. Vì thế nữ sinh ở xa như tôi thì luôn luôn đi sớm về trễ. Sau này buổi trưa xe đưa các chị buổi sáng về thì ghé đón các nường buổi chiều luôn. Vì thế tôi phải đi sớm, chẳng bao giờ được  ngủ trưa miếng nào. Ngồi trên xe giữa trưa nắng toàn ngủ gục không, mắc cỡ ghê đi. Hồi đó cũng ngộ, ngủ gục trên xe cũng xấu hổ nữa chứ!


 Năm đệ lục
 
Lớp tôi có đến 3 Nguyễn Thị Bạch Tuyết và cô Hoa Lâu đã “chua”  thêm nơi sinh và biến thành thành ra BT Saigon, BT Gò Công và BT Long An. Ngoài ra còn hai Cúc Hoa nên được gọi là Cúc Hoa Gia Định và Cúc Hoa Chợ lớn. Tất cả đều là tác phẩm của cô Hoa Lâu! Mấy chục năm sau gặp nhau, chúng tôi vẫn “Bạch Tuyết Long An!”


Lên đệ lục chúng tôi phải chui xuống gần bệnh thất rất tối tăm. Năm này không có gì để nói. Văn cô Thu, Pháp cô Thái  Oanh Oanh. Năm nay có bà đầm Tâm dạy tiếng Pháp. Bà dạy chúng tôi nhiều bài hát tiếng Pháp như Alouette, Aupre de la blond. Cô Thu này dường như bà con gì với nhóm Nhất Linh. Tôi chẳng thích cô Thu vì tính lạnh lùng và gọi học trò là Chị nghe rất xa cách, chẳng có tình cảm gì cả.


Cuối năm có văn nghệ toàn truờng. Dường như có bài (quên tên ) “ Ngồi nhìn trăng xế..Trăng khói mờ..” các chị múa đẹp lắm. Chị chính giữa múa  ngả nguời tận đất làm tôi phục dễ sợ! Phải nói lớp tôi rất ngoan chứ không phá gì  cả.


 Đệ ngũ

Năm đệ ngũ lại đuợc về lớp ngon cùng với đệ thất là dãy nhìn ra đường  Phan thanh Giản.
Năm này chúng tôi có 2 giáo sư mới ra truờng còn trẻ măng: cô Ngọc Lan dạy toán và cô Ngọc Minh dạy Vạn Vật. Cô Lan dạy bình thuờng còn cô Minh khá hay.


Cô Minh Nhựt dạy vẽ rất hiền. Cô Mai dạy Nhạc tính dễ thương. Cuối năm chúng tôi yêu cầu cô hát, cô đồng ý với điều kiện, cả lớp úp mặt xuống bàn, không được xem. Cả lớp tuân răm rắp. Đến bây giờ tôi hơi tiếc là sao mình không lén thử coi cô hát kiểu gì mà không muôn học trò nhìn!


Cô Bạch Thu Hà rất xinh dạy nữ công. Chúng tôi hay trêu cô “Võ Đông Sơ đâu rồi hả cô?”. Cô Lệ Mai dạy Việt Văn thì trời ơi là điệu. Ngồi trong lớp mà cô thường xuyên mở bóp, nhìn mình trong gương ngắm qua lại thật tức cười.


Năm này có lần quên học bài,  tôi cũng giả vờ bịnh để trốn xuống bệnh  thất. Nhưng bình thường tôi vốn ngoan nên hôm đó có giả đò cũng không ai biết. Hồi đó hay có màn giả bộ bịnh để trốn trả bài. Khu bệnh thất được xem là to nhât trong các trường trung học thời đó. Nhưng âm u và lạnh lẽo thấy mồ. Nghe đồn có ma nên đứa nào cũng ớn nếu phải xuống bệnh thất lúc chạng vạng. Sau này, đặc biệt Gia Long có phòng khám nha khoa với nha sỹ hẵn hòi. Các trường bạn qua khám ké.


Năm này, tôi  thường phải ở lại trường chờ các lớp học thêm giờ nên hay lang thang sang chùa Xá Lợi. Có lẽ vì thế mà tôi ảnh huởng đạo Phât khá nặng.Thích đấy nhưng chỉ thuộc vài kinh ngắn ngủi. Sau này tôi tiếc là vừa làm chồng/vợ,  mẹ/cha nên không có thời gian đưa con gái đi chùa khiến tôi có cảm tưởng con nhóc vô thần quá. Trước khi nó đi úc, tôi bắt nhóc phải quy y. Sợ mẹ nó cũng quy nhưng khi Thầy giảng  không đuợc  sát sinh, nó quay sang nói nhỏ  “Vậy chứ con muỗi đốt mình, mình đập nó là cũng sát sinh sao?”  Tức quá, tôi đập cho nó một cái!


  Đệ tứ

Hè đệ ngũ, chuẩn bị cho thi trung học tôi đã đi học thêm toán với cô ruột tôi cùng mấy đứa em và vài nguời bạn. Vì vậy vào lớp GL là khá vững. Tự nhiên năm nay tôi học hăng lắm. Coi như tôi và Ngọc Dung học giỏi nhất nhóm. Có bao nhiêu sách bài giải toán, tôi làm hết. Đến nỗi khi vô lớp ở GL, thầy vừa đọc đề tôi đã biết đề đó nằm ở sách nào!
Cô Thái Vân dạy Văn khá hay. Cô rất thuơng tôi nên hay kêu tôi đọc. Tuy vậy năm đó tôi còn nhát lắm. Đọc lí nhí cả lớp nghe không rõ.
Năm này có vụ Phật Giáo. Khi lên cao trào thì lính Dù cũng vô sân trường dàn chào và chúng tôi được nghỉ học. Đứng trên lầu cao nhìn xuống, tôi thấy ghét đám lính đó. Chả là vì lúc đó mình cũng tự xem  như là một phật  tử mà.  Hầu như cả lớp tôi ghét vì đa số là theoPhật giáo! Bọn nằm vùng trong trường có cơ hội hoạt động tưng bừng. Sau này nhiều cô biến mất vì đi vô bưng. Sau 75 thì về, xuất hiện và giữ các chức vụ khá. Con nhỏ học khá dốt lớp tôi sau này là Giám đốc một khách sạn lớn ngay trung tâm Sài Gòn. Dường như các vị năm vùng, lo học chính trị, lo họp tổ, lo biểu tình nên đa số,  đa số chứ không phải tất cả, đều học dốt thì phải!


Sau khi cách mạng thành công năm 1963  thì có vụ bầu cử  Ban Đại Diện trường. Có hai liên danh ra ứng cử, một của Mai Hương học lớp đệ nhất và một của X (??) học đệ nhị. Các liên danh đi từng lớp để tranh cử.
Đa số trong lớp tôi chẳng để ý mấy nhưng thấy Mai Hương xinh xắn còn chị kia mập quá (!) nên bỏ phiếu cho MH. Xem ra con gái đẹp lúc nào cũng lợi thế! Cuối cùng Mai Hương đắc cử.


Tôi lo học thi Trung Học bù đầu, không chú ý đến chính trị. Nhưng lúc đó cũng thấy ghét chế độ độc tài gia đình trị của ô Ngô Đình Diệm. Ghét nhất là giọng điệu hỗn xược của Bà Ngô Đình Nhu khi các vị sư tự thiêu. Ai đời cương vị là đệ nhất phu nhân, chủ tịch Hội liên đới phụ nữ mà bà lên đài phát thanh phát ngôn như sau  “.. đầu trọc. Tôi cung cấp thêm xăng cho mà đốt..”. Lâu quá, tôi không  nhớ chính xác nhưng đại khái chính tai tôi nghe qua radio giọng điệu “hỗn xược” của bà và tôi vừa ghét vừa giận!


 Đệ tam

Năm đệ tam chúng tôi học ở dãy trên lầu cũng nhìn ra đường Phan Thanh Giản.
Năm này có thêm một số bạn từ truờng khác vào và bù lại cũng có một số bạn nghỉ học đi làm.
Năm này tôi nhất quyết phải bạo dạn và nói to! Khi cô kêu tôi cố gắng hét lớn nhưng khi tôi hỏi nhỏ bạn kề bên, nó cuời “Có thấy hét gì đâu, coi như đủ cả lớp nghe”.


Bà Nghiêm Phú Phi dạy Pháp văn. Thiên địa ơi, cô dữ không thua gì cô Hoa Lâu. Hay la học trò lắm. Mà suốt ngày khạc nhổ trong khăn  “mouchoir”. Dường như cô bị bịnh gì đó. Cô hay kêu tôi lên bảng viết  bài vì tôi viết chữ to rõ ràng và không leo núi xuống đồi. Phần khác tôi học Pháp văn khá. Sau này tôi đuợc biết về hoàn cảnh riêng của cô. Hèn chi tâm lý cô không bình thường.

Cô Thu Ba dạy vạn vật, Cô có đôi mắt sâu khá đẹp nhưng tính nết thì rất lạnh. Chỉ lo dạy, không tâm tình, cởi mở mà cũng không la như bà Phi, không chú ý đến ai. Ngay tôi hạng nhất vạn vật cô cũng không quan tâm. Sau này cô có làm Hiệu Trưởng.

Năm đệ tam học tà tà vì cũng chẳng phải thi cử gì. Năm này chúng tôi đã theo chuyên ngành nên cũng phân tán khá nhiều. Môt số bạn qua ban B hay C. Đa số học ban A và lớp tôi bấy giờ thành lớp chót hết: đệ tam A9.


  Đệ nhị  

Năm đệ nhị là năm nhớ đời của tôi.

Chúng tôi ban A và may mắn đuợc  học Văn với cô Phạm Thị Nhung. Cô rất đẹp và dậy rất hay. Tôi mê cô và mối tình này làm kinh động đến cả bà Giám Học lẫn vài thầy cô giáo khác. Ngoài ra chúng tôi được học Toán với cô Dung. Cô dạy tận tâm. Pháp Văn là cô Lê thị Kim. Tôi mê cô Nhung nhưng thích thì là cô Kim.


Hồi tôi mê cô Phạm Thị Nhung là giữa đệ nhất lục cá nguyệt năm đệ nhị. Lỗi do trời nắng đẹp, gió hây hây và ai biểu cô đẹp quá chừng để “con nhỏ” rớt tim! Tôi có tính đàn ông là mê nguời  đẹp. Kỳ cục, đến bây giờ cũng vậy. Ra đường, thấy con gái đẹp là ngắm!


Nhưng nếu nói thích thì tôi thích cô Lê Thị Kim, dạy môn Pháp Văn từ đầu năm. Cô Kim không đẹp nhưng rất hiền, có mái tóc cúp vô như búp bê. Cô dạy cũng khá hay. Không biết vì sao tôi và Ngọc Dung, con nhỏ học gỉoi nhất trong lớp hay ghẹo cô lắm. Giờ ra chơi chúng tôi đi theo sau cô trêu làm cô cứ đỏ măt giống con gái mười lăm vậy đó. Nhỏ Dung còn ít chứ tôi thì khỏi nói, chọc cô tưng bừng. Thỉnh thoảng hai đứa lại kéo nhau đến nhà riêng cô ở Tân Định. Thật tình mà nói, chưa thấy giáo sư nào chiều học sinh như cô Kim. Chúng tôi đến chơi, cô sai nguời làm mua phở cho hai đứa ăn. Cô dắt chúng tôi đi chơi lăng quăng. Ấy thế mà tôi “bạc tình” ghê. Chưa bao giờ mua hoa cho cô Kim cả. Chả bù với cô Nhung, tối ngày tôi  ôm hoa đứng trước cửa lớp đệ nhị C để tặng hoa. Có lẽ cái máu tặng hoa lậm vô tôi từ hồi đó nên sau này tôi hay ngoại giao bằng tặng hoa! Cô Kim đang ở VN và “Người đẹp Phạm thị Nhung” của tôi đang ở Pháp.


Lý Hoá do cô Bạch Hạc phụ trách. Cô Bạch Hạc mới đổi từ Huế vào. Cô chuyên môn vừa giảng vừa xem sách. Cô xinh xắn, dễ thương. Vạn Vật do cô Lan Phuơng, con gái nhà văn Hoàng Đạo phụ trách.  Cô đẹp nhưng thân hình như con trai. Cô dạy rất hay. Cô nổi tiếng vì dạy hay và hoạt động văn nghệ rất sôi nổi cũng như mê học trò đẹp. Chính cô là đạo diễn cho vở Tây Thi Phạm Lãi trong buổi văn nghệ lớn cuối năm. Cô chọn hai nguời đẹp của lớp bên cạnh tôi làm Tây Thi và Phạm Lãi. Tây Thi Kim Dung sau này học dược còn Phạm Lãi học Y.


Tôi có khiếu học bài nên mấy môn bài học không ai qua được. Vạn vật hạng nhất. Khi trả bài thi, cô Lan Phuơng nói: “ Câu số X em làm rất đẹp, đẹp hơn trong sách nhưng tôi đã lỡ cho một em khác điểm tối đa rồi nên cũng cho em điểm đó nhưng tôi cho thêm nửa điểm ở câu khác”. Đến bây giờ tôi còn nhớ như  thế. Nhưng cô Lan Phuơng viết cho tôi trong lưu bút “Em là môt học sinh hơi quá lãng mạn!” Chèn đét ơi, đã  “hơi”  còn  “quá”? Ý cô nói vụ tôi mê cô Nhung!


Năm này, Gia Long bắt đầu thưởng cho các nữsinh đậu Tú tài 1 hay 2, từ hạng Bình trở lên huy hiệu là hai chữ G và L quyện vào nhau băng vàng 18. Năm sau thì đổi thành hoa mai vàng, tức huy hiệu trường Gia Long. Nhắc lại, hạng Ưu là tất cả các môn phải 18/20, Bình là 16/20. Hồi đó chúng tôi thi hầu hết các môn học trong lớp chứ không như bây giờ.


Tôi cũng “lụm” đuợc một huy hiệu Gia Long chớ sao không. Dân chăm chỉ quá mà. Học gì mà ngủ từ 12 giờ thì 4 giờ đã dậy tụng kinh rồi! Siêng kinh khủng!  Môn Sử Địa, Vạn vật tôi có thể đọc thuộc lòng từ đâu đến cuối trang! Bởi vậy sau này có cớ nẹt con cái!  Nhưng ngẫm nghĩ lại, lối học đó của VN xưa không hay. Nó làm con nguời  kiệt quệ sớm. Lụm xong đại học là có khi đuối sức. Khác Mỹ, Trung học tà tà,  Đại học mới căng.Tôi đậu tú 1 Hạng Bình. Tiếc là đã đánh mất cái huy hiệu đó.Ngày xưa đông con, cha mẹ ít quan tâm đến việc lưu trữ cho con.Chả bù sau này, tôi cất hết thành tích con gái vào cặp táp. Không thiếu cái gì từ lớp 1 đến lớp 10, cho đến khi chị ta đi nước ngoài.


Năm đệ nhất  

Năm nay, số học sinh giảm xuống, vì sau khi có tú tài 1, có thể đi làm. Do đó chỉ còn 7 lớp đệ nhất. Lớp tôi là lớp chót và bị xé lẻ. Đi tứ tán sang ba lớp khác. Tôi lại học lớp chót : đệ nhất A7.


Năm nay găng. Sau khi thi tú tài, phải thi đại học. Ngày đó Y, Duợc, Nha, phải thi. Còn ghi danh là Luât, Văn Khoa, Khoa Học. Năm này, lo học bù đầu. Cũng đi học thêm Toán Lý Hoá. Mấy năm trước, giáo sư tư ra đề cho mỗi lớp. Năm này, ra đề chung cho cấp lớp.


Kỳ thi đầu, gọi là đệ nhất lục cá nguyệt, cô Lan day triết lớp tôi ra đề. Lớp chúng tôi làm bài đuợc, các lớp khác thì khóc vì môn Triết rất khó học và còn tùy giáo sư giảng nữa! Trong các môn năm đệ nhất, tôi ghét nhất triết. Tư nhiên năm thi Tú Tài 2, cho thêm vô chương trình môn triết. Giời ạ, môn Tâm Lý hay Đạo Đức còn nhá nổi. chứ cái môn Luận Lý Học thì thiệt là chịu không thấu! Toàn những từ ngữ mới, trúc trắc, cóc hiểu gì cả và cứ nhắm mắt học thuộc lòng cho xong chuyện.


Thầy Loan dạy Lý Hoá.  Vì khá trẻ nên dù có vợ nhưng Thầy cũng làm mặt nghiêm vì sợ các nữ sinh phá. Thầy hay gọi học trò là  “mấy người” và xưng tôi. Học được gần hai tháng, tự nhiên có hôm thày hỏi tôi “Có phải có cô chị là QM không?”. Hóa ra thầy  dậy cả hai chị em tôi. Bà chị tôi học trước tôi bốn  năm. Bả học Lý Hoá cũng giỏi nên Thầy nhớ kỹ. Tôi hạng nhất Lý Hoá. Hồi đó chúng tôi làm bài thi bình thường trên giấy học trò. Ai trình bầy kiểu gì cũng đuợc.Tôi hay viết  tên của các môn thi băng kiêu chữ Gothique rất cầu kỳ. Cả lớp chỉ có tôi thôi. Nên khi trả bài thi, thường các giáo sư thời đó hay để bài cao điểm nhất lên trên nên  tôi chỉ việc “nhón nhón” nguời  là biết mình có hạng nhất không.
Bao năm trôi qua, giờ tôi vẫn còn thấy thú vị khi nhớ lại thời gian ấy. Cái hồi hộp khi thầy cô trả bài thi. Khi hạng nhất thì chao ôi, “sướng rên mé đìu hiu” ! Oai lắm nhé,  mình sẽ là người  đi thu bài cả lớp và về xếp hạng ! (các giáo sư để bài cao điểm nhất lên trên nhưng thường chưa xếp hạng. Người hạng nhất hay có nghĩa vụ ôm về nhà xếp hạng)
Năm đệ nhất, chúng tôi thường tham dư thi “Trung Học Toàn Quốc”. Hao hao các cuộc thi học sinh giỏi cấp Thành phố bây giờ. Tôi giỏi Lý Hoá nhưng không giỏi Toán nên thầy Loan đề nghị tôi nhuờng cho Ngọc Yến, giỏi toán và hạng nhì Lý Hoá  đi thi Lý Hoá toàn quốc. Tôi OK ngay dù hơi tiêng tiếc.


Ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng, ngoài việc tổ chức diễn hành với Hai Bà  của hai truờng nữ oai nhất là Trưng Vương và Gia Long (chọn hai cô đẹp nhất), còn thi môn Văn chương. Ối chao, lúc nghe kết quả thì cả truờng hồi hộp. Ganh đua mà. Nhưng đa số thành tích học rơi vào Gia Long nhiều hơn Trưng Vương. Có lẽ Gia Long bị kềm kẹp bởi những nhân vật “nghiêm” như bà Hiệu Trưởng Huỳnh Hữu Hội, Nguyễn thị Tỵ ? Cứ hỏi giới giáo chức, họ sẽ nói cho nghe về cái “ khó” của các cô trên ! Năm nào “thắng” Trưng Vương ở môn thi Văn chuơng  là nữ sinh cả trường  mừng lắm.


Tôi cũng vác bị gậy đi thi Văn chương toàn quốc đấy chứ. Đại diện cho lớp tôi mà nhưng tôi học ban A (Khoa học) thì làm sao sánh được các mợ ban C (Văn Chương).  Coi như chưa bao giờ tôi lụm đuợc thành tích gì về văn của trường cả? Ấy nhưng truờng cũng như gia đình, hoàn toàn không biết tôi đã viết báo từ đệ tứ với cái bút hiệu “cải lương” dài ngoằng là Giang Kiều Việt Giao Tiên !  Tôi lý giải, là “Con sông Việt kiều diễm tên là Giao Tiên”.  Bài báo đầu tiên tôi viết  là “ Cuộc bầu cử ban đại diên  truờng  tôi”. Ấu cũng là số, vì sau này tôi cũng bị “dính” vào các phóng sự cộng đồng!


Sau khi “ra quân” bằng bài báo viết về cuộc bầu cử của trường, năm đệ tam tôi viết lai rai. Hai năm sau không viết vì bận thi và khi lên đại học thì tôi viết trở lại. Có thời gian khá rum beng với cái nick “Quỳnh Couteau”  ở mục “Nói hay đừng”  của Chính Luận và là một trong ba cây bút sinh viên thường xuyên ở đây. ( Quỳnh Couteau là chơi chữ vì tên thật là Quỳnh Giao. Con dao tiếng Pháp là Couteau!) Tôi còn lấy cả chục bút hiệu để viết truyện  tình. Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Hóa, tôi  viết ít đi nhưng cũng còn chút chút.  Một lần, bài báo của tôi ở Sóng Thần của Chu Tử  đã gây rúng động Bộ Kế Hoạch và Phát Triển Quốc Gia! Bộ Truởng đích thân gọi phone hỏi cô đó là cô nào! Xem ra cái gan của tôi nó chả bé tị nào từ thuở “che chẻ”!


Trở lại lớp. Cô Quỳnh Hoa dậy Anh văn. Cô đẹp quá trời. Tánh tôi lúc đó rất dạn dĩ nên mỗi khi giáo sư nào hỏi, “Ai giúp cô làm bản đồ lớp” thì “con nhỏ” tôi luôn xung phong dơ tay. Cô Hoa thích cái dạn của tôi. Vả lại tôi học Anh văn giỏi vì có bố kèm thêm ở nhà. Tôi không hiểu sao tôi thuộc lòng tuần và tháng kinh khủng. Có mẹo gì đó, tôi quên rồi,  khi cô Hoa kêu, tôi đọc nhanh kinh khủng, còn hơn xe lửa chạy. Cả lớp thán phục, đến bấy giờ còn thuộc. Veo veo từ January đến December như gió! Nhưng chỉ thế thôi còn quên rất nhiều. Tuy vây tôi học Tóan tệ, không gỉoi như năm đệ tứ. Nhiều khi làm kiểm tra, phải hỏi bạn, tức anh ách.

Vạn vật do cô gì đó dạy cũng khá. Không hay như cô Lan Phuơng nhưng cũng khá. Đương nhiên tôi “lụm” hạng nhất Vạn vật rồi. Ai mà qua được tôi các môn học bài. Có lẽ vì vậy, bây giờ tôi hay quên quá nhưng nhiều “netters” lại khen tôi có trí nhớ tốt vì kể chuyện xưa cứ vanh vách.
Cuối năm thi Tú Tài hai. Học chăm quá, khi vào phòng thi bị quỵ. Tôi làm bài Pháp Văn quá  tệ. Kết quả là thiếu một điểm đậu Bình. Vì thế không được phần thưởng của trường là hoa mai vàng. Buồn năm phút!
Ai cũng luyến lưu thời trung học. Không còn quá nhỏ để không biết gì như tiểu học mà đã biết làm dáng chút đỉnh từ năm 15. Nhưng chúng tôi hồi đó, nữư sinh Gia Long bị kỷ luật quá nghiêm khắc của trường nên rất ngoan. Lo học. Ít lộn xộn. Năm tôi học đệ tam, có nghe đồn vài chị lớp lớn theo phong trào CTY( tức Cho Tình Yêu, Cướp Tình Yêu gì đó) nhưng nhà truờng đã điều tra và đuổi học ngay tức khắc. Cứ nhìn vô thành tích số nữ sinh đậu Tú Tài hạng Ưu, Bình so với các truờng khác là biết.

Gia Long ngày đó còn nổi tiếng với “lò Nguyễn Đức” . Nơi đây sản xuất ra khá nhiều ca sỹ như  Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Phuơng Hồng Quế, Phuơng Hồng Hạnh, Thanh Lan, Kim Loan..

Thời gian. Mới ngày nào còn cột áo dài nhảy lò cò trong sân truờng mà bây giờ tóc đã pha sương. Ôi trường xưa yêu dấu ơi.
 
 Hoàng Lan Chi

www.hoanglanchi.com/

No comments:

Post a Comment