Friday, January 25, 2013

Viết Cho Người Còn Ở Lại _Hoàng Lan Chi


Nguyễn Văn Đông  1974

Tôi yêu nhạc lính nhưng không thích những nhạc phẩm ủy mị, lướt thướt. Ảnh hưởng  thơ Quang Dũng, tôi yêu nét hào hùng. Vì thế sẽ không lạ nếu tôi mê nhạc Nguyễn Văn Đông.
Từ thuở sinh viên, tôi thấy hồn mình như bay bổng, tim mình như thổn thức  lúc nghe  Hà Thanh với “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” hay “Mấy dặm sơn khê”…
Cũng bị ảnh hưởng bởi giáo dục gia đình, tôi yêu nhạc và không bao giờ chú tâm đến tác giả. Tôi chỉ thưởng thức như một nhu cầu về tinh thần cho mình. Cho đến khi ra xứ người, số mệnh run rủi cho tôi quen một số tác giả mà thuở nào tôi yêu mến giòng nhạc.

Xuất phát từ nhóm “Những người thích nhạc Phạm Duy” mà Lê Hữu và tôi quen nhau. Bẵng gần hai năm sau vô tình gặp lại, tôi rủ rê và sau đó cùng Lê Hữu thực hiện chương trình Nhạc Chủ Đề. Số một trình làng của Lê Hữu khiến tôi hoàn toàn hài lòng. Mang tên “Mấy dặm sơn khê” và “… mời quý thính giả cùng nghe lại những khúc nhạc quen thuộc của một mùa chinh chiến, cùng nghe lại những khúc hát về những người lính anh dũng cầm súng chiến đấu để giữ yên bờ cõi…”. Trước khi mời thính giả thì tôi… đã mời tôi nghe, không phải một mà nhiều lần. Nhiều lần vì phải “save” từng nhạc phẩm và nghe đi nghe lại khi hoàn tất chương trình. Chương trình giới thiệu gồm các nhạc phẩm Mười Sáu Trăng Tròn của Trần Thiện Thanh; Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp của Nguyễn Văn Ðông; Anh Ði Chiến Dịch của Phạm Ðình Chương; Tình Quê Hương của Ðan Thọ (phổ thơ Phan Lạc Tuyên);  Còn Chút Gì Ðể Nhớ của Phạm Duy (phổ thơ Vũ Hữu Ðịnh); và Mấy Dặm Sơn Khê của Nguyễn Văn Ðông qua các giọng ca Nhật Trường, Elvis Phuong, Duy Khánh, Mai Hương, Thái Thanh và Hà Thanh.



Sáu nhạc phẩm và hai thuộc về Nguyễn Văn Đông. Lại là hai nhạc phẩm tôi yêu thuở nào.
Tôi yêu lắm những lời nhạc sau:

Người đi giúp núi sông
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Hàng hàng nối tiếp câu thề
Gìành lấy quê hương


Bao chàng trai trẻ lên đường, hiến dâng đời cho núi sông với lời thề sắt son giành lấy quê hương. Nếu thuở học trò, niềm xúc động chỉ là từng nốt nhạc hào hùng khuấy động tuổi thanh niên đang ấp ủ những giấc mơ ngút trời cho tổ quốc thì bây giờ tha hương xứ người, nghe lại giòng nhạc tôi mang một tâm trạng mù sương. Quê hương còn cơ hội “giành lấy” không! Rồi nhìn hình ảnh tác giả, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông do Lê Hữu gửi, hình chụp vào năm 1975, thật đẹp trai trong quân phục đại tá, tôi thấy lòng rưng rưng. Đôi mắt ấy phải chăng đã nói lên cuộc đời ông? Một đôi mắt buồn. Vâng, buồn. Không sắc bén nhà binh, chẳng lẳng lơ nghệ sĩ mà chỉ man mác buồn.


Vì sao tôi có số điện thoại để rồi liên lạc và sau đó thực hiện một chương trình riêng cho Nguyễn Văn Đông, tôi không còn nhớ. “Hà Thanh-Nguyễn Văn Đông” là tựa mà tôi đặt cho chương trình. Trong đó, chỉ giọng hát Hà Thanh và nhạc Nguyễn Văn Đông. Chiều mưa biên giới, Nhớ một chiều xuân, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Mấy dăm sơn khê, Hải ngoại thương ca, Về mái nhà xưa. Những nhạc phẩm xem như “của Hà Thanh”.


Nguyễn Văn Đông đã rất cẩn trọng khi chấp bút viết tâm tình của mình về ca sĩ Hà Thanh. Lúc điện thoại tôi thưa rằng, câu hỏi đây, mười lăm phút sau Lan Chi gọi lại nhé. Nhưng nhạc sĩ nói không và yêu cầu cho ông thì giờ viết. Nhận bài từ ông, tôi có phần kinh ngạc. Kinh ngạc là phải vì trước đó tôi chả biết Nguyễn Văn Đông là ai! Thì bây giờ, ngoài một nhạc sĩ với nhạc lính mà tôi “yêu nhất trần đời”, Nguyễn Văn Đông đã chứng tỏ một khả năng viết rất cừ. Hóa ra ông từng viết tuồng cải lương nên thuộc nhiều điển tích và viết văn trôi chảy. Bây giờ thì tôi đã biết những lời nhạc như “nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha; ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê…”  ra đời vì đâu.
Đoạn tâm tình về ca sĩ Hà Thành nhưng lồng trong đó hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm, như một tài liêu lịch sử. Vì thế, chỉ trong hai mươi bốn giờ sau khi phát thanh và đưa internet, tôi nhận e-mail và điện thoại khá nhiều. Tất cả đều được chuyển ngay cho Nguyễn Văn Đông. Ông vui lắm.


Còn Lê Hữu và tôi thì tủm tỉm sau lưng ông khi đọc “Nhưng đặc biệt tiếng hát Hà Thanh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niêm tốt đẹp, bền bỉ tuy thời gian ngắn ngủi kể từ khi cô ấy bỏ đi lấy chồng để tôi độc hành trên đường nghệ thuật”.



Một mình Hà Thanh với Nguyễn Văn Đông làm khán giả trong và ngoài quân đội xôn xao khi nghe lại những nhạc phẩm về lính. Tôi có bất công chăng khi không báo cho Hà Thanh biết và cũng không hề có tiếng nói Hà Thanh trong chương trình? Không biết nữa nhưng sống trên đời, hễ có duyên là gặp.


Khi gọi lại cho tôi, con chim họa mi xứ thần kinh ríu rít:

-Hoàng Lan Chi! Chị đi tìm em mà không gặp. Vì nghe nhiều người nói. Cả Hoàng Ngọc Tuấn cũng hỏi chị, có nghe chương trình phát thanh của Lan Chi chưa? Khi về California, chị mới được cô em cho nghe.
Tiếp đó là Hà Thanh và tôi ôm điện thoại đúng một tiếng rưỡi! Mail cho Nguyễn Văn Đông biết là tôi đã gặp “người bỏ đi lấy chồng để ông bơ vơ trên bước đường nghệ thuật” và cả cái thời gian một tiếng rưỡi, Nguyễn Văn Đông cười vui: “Lan Chi, nghe cô nói anh Đông lo lắm” Tôi ngây thơ “Tại sao hả anh” “Thì Hà Thanh sẽ dụ cô đi tu, vào chùa. Lan Chi mà đi tu thì còn gì Lan Chi!” Tôi bật cười. Lúc ấy, thoáng hiện trong tôi hình ảnh Nguyễn Văn Đông năm 1975, quân phục đại tá và đôi mắt diệu vợi. Tôi thầm nhủ “Anh đã hết buồn!”


Vâng, nếu xin cám ơn bức thư của Nguyễn Văn Đông gửi gia đình Hà Thanh và sau đó chúng ta có một tiếng hát mượt mà lảnh lót để “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” sống mãi với thời gian thì xin cám ơn giọng hát ấy đã khiến Nguyễn Văn Đông “sống lại”. Tôi có cảm tưởng rằng ông có sinh khí hơn, vui hơn khi biết hàng hàng lớp lớp ở hải ngọai vẫn nhớ Nguyễn Văn Đông với Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Hải Ngọai Thương Ca…


Duyên kỳ ngộ vẫn tiếp nối. Từ những bạn hữu mới của tôi, khi nghe tin Nguyễn Văn Đông, người nào cũng đòi gặp ông. Tôi nối điện thoại cho họ và kỷ niệm được nhắc. Chân tình từ những đàn em trong tù có làm bớt chút gì u uẩn?


Câu hỏi muôn thuở vẫn là vì sao Nguyễn Văn Đông không ra đi? Tôi tránh không chạm vào nỗi đau ấy. Đôi mắt buồn vẫn ám ảnh tôi. Từ đâu đó có thông tin và tôi mail, ông chỉ xác nhận “Vâng, lúc đó cha già chỉ mình tôi là con và tôi quyết định ở lại” Về quyết định sau khi ra tù thì “Mọi cái đã vào nếp, tôi bệnh tật liên miên và chẳng hứng thú đi”
Cho dù các nhạc sĩ ra đi sau này không còn cảm hứng sáng tác nhiều nhưng ít ra họ còn hai chữ Tự Do. Tự do nhìn về quá khứ để tô hồng chuốc lục, để cảm khái hay uất hận. Và một số đã được “vinh danh” bởi các chương trình đặc biệt. Ông có gì? Không thể thực hiện một chương trình tại hải ngoại bởi Asia hay Thúy Nga! Bởi vì nhạc Nguyễn Văn Đông “đậm đặc chất lính”, ông ngậm ngùi như thế. Quả tình nếu thực hiện một chương trình Nguyễn Văn Đông mà thiếu mầu áo lính, nhạc lính thì… thà không có. Tiêu biểu cho dòng nhạc lính hào hùng, chỉ có Nguyễn Văn Đông. Thế mà tiếc thay giờ phút này một chương trình riêng vẫn còn bỏ ngỏ…


Trong một lần trao đổi tâm tình, chuyện đời chuyện nghề với Lan Chi, nhạc sĩ Nguyễn văn Đông tỏ ý tạ lỗi với Trung Tâm Thuý Nga, đặc biệt là với ông Tô văn Lai, người điều hành Trung Tâm này. Ông Tô Văn Lai  đã cùng với ông lên kế hoạch phác thảo chương trình nhạc Nguyễn văn Đông trong suốt ba năm trời, và đã duyệt đi duyệt lại nhiều lần vì sự an nguy của người còn ở lại trong nước, vốn có vai vế trong xã hội ngày xưa. Từ chủ đề “Nguyễn văn Đông – Một thời chinh chiến” xét ra không ổn, đổi thành chủ đề “Hát cho tương lai Việt Nam“, xét cũng không yên, chỉ vì chương trình Nguyễn văn Đông mà không có nhạc lính, không có bóng dáng anh lính Cộng hòa minh họa trong chương trình thì không còn là Nguyễn văn Đông nữa. Sau nhiều lần hứa hẹn với người yêu nhạc, ông Tô văn Lai cùng Trung Tâm Thuý Nga dù hết sức cố gắng thu hẹp khoảng cách tư duy bên này bên kia, cũng đành phụ lòng mong mỏi của cộng đồng về một chương trình mà nhiều người mong đợi.


Tôi lại thấy đôi mắt u uẩn hiện lên. Một việc rất nhỏ, cơ hồ như hạt bụi trong vô vàn đồi cát của quê hương nhưng là nỗi niềm của một người lính từng ở tuyến đầu lửa đạn để đón xuân trong một phiên gác đêm, một người nhạc sĩ đóng góp biết bao nhiêu cho âm nhạc một thời, tạo tên tuổi cho hàng bao ca sĩ…

Mai sau dù có bao giờ…

Hoàng Lan Chi

www.hoanglanchi.com/

No comments:

Post a Comment