Wednesday, February 14, 2018

[VNCH] Những năm tháng vùng hỏa tuyến _Hà Quế Linh


Hà Quế Linh

* Trong ĐS CHS LTQN 2017

Đã hơn 40 năm giã từ vũ khí trong ê chề nhục nhã. Phải trải qua bao nhiêu trại giam khổ sai, đọa đày đói rách, rồi làm công dân hạng bét, ngày đêm bị rình rập, khó dễ và cuối cùng mang thân phận ly hương

Quê hương đó, sao ta không được sống ?

Mang hận thù, lê lết khắp năm châu !

Cũng vì TA LÀ LÍNH CHIẾN, lắm lúc nhớ đến đời binh nghiệp, làm trai thời loạn và bị đày ải qua các đơn vị nhất là Đại đội B 40 HỔN HỢP. Tôi phải nhắm mắt, ôn lại những hình ảnh vùng phi quân sự mà tôi đã dọc ngang như những con mèo bắt chuột trong đêm khuya.

Cái tên đại đội  B40 HỖN HỢP nghe sao dài lê thê và có vẻ hài hước cải lương. Nó không nằm trong hệ thống quân giai, không thuộc tiểu đoàn nào cả, được thành lập giữa năm 1966 để phù hợp với chiến trường vùng phi quân sự.

Một đại đội… «bất hợp pháp», hoạt động quân sự trong vùng phi quân sự, lén lút trốn tránh, lính không ra lính, dân chẳng ra dân và tôi là người đại đội trưởng đầu tiên khi thành lập.

Từ một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị Đại Đội 1 Dân Sự Vụ ở Đànẵng thấy chuyện bất bình, đã ra tay nghĩa hiệp giúp đám học sinh Quế Sơn / Quảng nam, phản đối vụ chi trưởng công an cảnh sát bắn chết học sinh. Tôi đã tổ chức cuộc phục kích trong đêm khuya bắt y và giao cho học sinh, nên bị thiếu tướng  Tôn Thất Xứng phạt với lý do “Vô kỷ luật”, bị trục xuất khỏi ngành CTCT, 30 ngày trọng cấm, trừng giới 1 năm, phục vụ đơn vị tác chiến. Sau đó tôi được đưa ra trung đoàn 2 Bến Hải / Đông Hà để thi hành kỷ luật, trừng giới lên Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo và đi sâu vào đất Lào hơn 15 km sống với  tiểu đoàn 101 Hoàng Gia Lào do một Đại Tá chỉ huy.

Ông vừa là tiểu đoàn trưởng  vừa là quận trưởng “cai trị” dân cư trong vùng. Tiểu đoàn này tồn tại được nhờ sự yểm trợ cuả VN, vì nó bị cô lập, không có đường tiếp tế. Đường bộ chạy về thủ đô Lào phải qua thành phố Tchépone, nhưng thành phố này bị bọn Pathet Lào và VC chiếm đóng, chỉ còn con đường tiếp tế bằng không vận qua sân bay Khe Sanh VN, rồi chở ngược đường bộ vào đất Lào.

Năm 1965, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 kiêm Khu 11 Chiến Thuật, đã tích cực yểm trợ cho tiểu đoàn này, lợi dụng nhờ nó làm tiền đồn biên giới cho VN. Tôi sống ở đây, theo một toán công tác đặc biệt tình báo VN. Mới đầu tưởng họ là lính Lào, họ hướng dẫn tôi cách sống, phong tục và tôi cũng thành một sĩ quan Lào nói tiếng Việt. Tôi phải dùng bốn ngôn ngữ cùng một lúc Việt, Anh, Pháp và... “body language” càng nói nhiều càng mỏi tay. Doanh trại tiểu đoàn là những dãy nhà tole lụp xụp, trên một ngọn đồi, không hầm hố, kẽm gai. Súng đạn được cất vào kho, chỉ trừ anh lính gát cổng mới có súng. Binh sĩ nằm ngủ trên nhà sàn cao khỏi mặt đất. Vị Đại Tá di chuyển bằng chiếc xe dodge, ra đường dân chúng gặp phải quì rạp, hai tay xá lạy, rất phong kiến.

Nhân ngày lễ tạt nưóc (Tết Lào) vào trung tuần tháng tư, những sĩ quan VN là những ông “vua con”, được tiếp đãi tử tế  trên nhà sàn. Tiếp khách do một toán thiếu nữ chưa chồng đến dâng rượu. Họ quì rạp dưới chân, đưa khay rượu lên khỏi trán, mời mỗi  người chúng tôi phải uống cho mỗi nàng một ly. Họ di chuyển  bằng cách quì hai đầu gối, khi nào mời hết họ mới dám đứng lên (chúng tôi ngồi trên ghế  vòng quanh vách nhà sàn). Tiếp đến vị Đại Tá tổ chức một bữa cơm trưa đãi khách (số sĩ quan VN này thuộc tiểu đoàn 2/2 đóng tại căn cứ Làng Vây) có nhiệm vụ yểm trợ và cố vấn cho tiểu đoàn 101 Hoàng Gia Lào nhân dịp lể lên thăm.

Lối ăn cuả họ đơn sơ, rau sống là những nhánh rau rừng rửa sạch để cả  bó trên bàn, xôi đựng trong những giỏ đan bằng tre, canh đựng trong tô có thìa để múc, xôi họ dùng tay bốc. Riêng với sĩ quan VN họ cho chén đũa và cơm. Phong tục họ cũng nhiều cái lạ, tôi không dám nói phong tục của cả xứ Lào; đây là một làng nhỏ cách VN 15 km, nghèo, quê muà, nhưng so ra họ văn minh nhiều hơn dân tộc thiểu số VN dọc theo biên giới.  Khi vào tiệc những cô gái làng ăn mặc xinh đẹp chia nhau ngồi rải rác theo hai dãy ghế của chiếc bàn dài. Chàng thượng sĩ Tánh  tình báo VN đã sống ở đây khá lâu nói với chúng tôi, muốn ngồi bên cô gái nào cũng được nếu mình thích, đến bên cô ấy làm quen và chuyện trò.

Trong khi đang ăn tôi được một cô gái Lào xinh xắn, e ấp đến cạnh tôi nở nụ cười duyên dáng, líu lo một tràng tiếng Lào và đưa vào miệng tôi một thìa cơm vo thành viên tròn và một ít đồ mặn kèm theo. Tôi ngạc nhiên không hiểu, liếc nhìn sang Thượng Sĩ Tánh cầu cứu, vì nhớ nhiều lần về phép má tôi và bà Ngoại có dặn chớ lăng nhăng với gái Lào nó thư trứng thúi, kim may, lưỡi cày trong bụng nếu mầy bỏ nó. Tôi muốn từ chối sợ cô nàng bỏ buà, nhưng Thượng Sĩ Tánh bảo cứ ăn đi và giãi thích : “Đó là một cử chỉ tỏ tình củA thiếu nữ Lào, nếu chấp nhận thì làm như vậy đáp lễ, nếu không  cũng không sao. Thấy nàng vừa xinh vừa yểu điệu thơm ngát như cành phong lan tinh khiết  củA núi rừng, bỏ lỡ sẽ hối tiếc. Được trớn tôi đáp lễ ngay và kéo chiếc ghế của mình lại ngồi kề bên nàng, kể từ đó tôi lại có mối tình Việt Lào lãng mạn nhưng cũng đầy thương đau.

Thỉnh thoảng nàng dẫn tôi đi lễ chùa, vừa đến cổng chùa nàng bảo và ra dấu lấy mũ xuống, vòng tay trước ngực, đi đứng nghiêm trang, tôi đi như một chú tiểu theo chân ni cô. Trong chánh điện trống rổng đơn sơ, không hình tượng rườm rà loè loẹt, nhưng phiá sau chùa đầy nhóc các chú tiểu, đọc kinh, xem sách, học bài.

Người Lào rất hiếu khách, vào nhà họ có gì mời nấy, họ cho tôi ăn xoài xanh chấm  muối (muối ở đây rất hiếm,1 bao muối đổi lấy 1 radio phi-líp) dả với loại rau rừng trông sền sệt đen đen tôi không dám chấm, phải ăn xoài không chua quắng lưởi. Ăn xong 2 vợ chồng chủ nhà vác rựa, mang gùi đi làm rẫy bỏ lại tôi với cô con gái của họ trò chuyện; vận dụng mọi ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng cho nàng hiểu và dần dần chúng tôi không cần nói cũng hiểu. Cứ mỗi lần gặp nhau, nàng cột vào cổ tay tôi một sợi chỉ trắng to đánh dấu tình yêu và chúc lành. Vào trong làng thấy nhà nào phía dưới sàn có bao nhiêu khung cửi  dệt vải là biết nhà đó có bao nhiêu cô gái chưa chồng.

Một kỷ niệm khó quên trong đêm múa hát, họ cho các sĩ quan VN bốc thăm trúng tên cô gái nào thì được đưa lại đứng kề bên cô ấy, đẹp xấu may rủi. Khi kèn trống, phèng la nổi lên với giọng hát các ca sĩ vườn trầm bổng, chúng tôi rộn ràng quấn quít bên nhau, vòng quanh bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi chỉ biết làm theo, bước tới vài bước, thụt lui vài bước, vung tay bên này, ngã người bên kia, lắm lúc sai nhịp cười nghiêng ngả. Lúc dồn dập như băng rừng vượt suối, lúc êm ả nhẹ nhàng như ngắm cảnh hồ thu. Sau mỗi màn vũ lại cụng ly nhau giao hữu lính Việt gái Lào.

Tôi đã say đắm trong chuỗi ngày gọi là trừng giới, xem như một chuyến du lịch không tốn tiền, không cần thông hành, chiếu  khán. Hết thời hạn lưu đày phải trở về trong sự luyến tiếc. Ở đây chưa có dấu vết chiến tranh, một làng quê thanh bình, khác hẳn với bên kia biên giới VN từ Lao Bảo, Làng Vây, Khe Sanh, Rào Quán đã nhuộm màu tang tóc của chiến tranh. Tôi phải bỏ lại mối tình lãng mạn với cô gái Lào thơ ngây, mộc mạc. Tôi bùi ngùi, luyến tiếc nhìn nàng thiểu não vẫy tay chào tạm biệt trông theo khi xe tôi từ từ xuống núi, xa dần sau lớp bụi đỏ che mờ.Tôi hẹn nàng trở lại nhưng đành thất hứa, vì chiến tranh mỗi ngày một leo thang. Đường bộ bị cắt đứt, phải vận chuyển bằng hàng không từ Đông Hà lên Khe Sanh, trăm ngàn cách trở, biên giới mờ xa... Lính mà em..!

o  O  o

 Vùng phi quân sự Demilitarized zone (DMZ) từ Dốc Miếu ra đến cầu Bến Hải (Hiền Lương) trên  trục lộ số 1 vào khoảng  trên 6 km và từ đó  kéo về  hướng Đông  tới biển Cửa Tùng và hướng tây đến bắc Lao Bảo tận biên giới Lào gần 100 km một vùng rộng lớn do Nha Cảnh Sát Đặc Biệt Trung Lương chịu trách nhiệm an ninh, với mấy khẩu rouleau bụp xẹt làm gì có sức mạnh để trị bọn du kích, kinh tài, cán bộ  từ bờ Bắc xâm nhập ngang nhiên vào bờ Nam hoạt động chống phá, thu thuế, ám sát cán bộ xã ấp, dụ dỗ thanh niên thoát ly sang bờ bắc, tuyên truyền, địch vận...

Để chống lại tình trạng nầy, thiếu tá Vũ Văn Giai trung đoàn trưởng trung đoàn 2 Bến Hải quyết định thành lập Đại Đội B40 Hổn Hợp và tôi là người đại đội trưởng đầu tiên. Thành phần Đ/Đ có 4 trung đội; gồm 1 trung đội nghiã quân do quận Gio Linh đưa  tới (trung đội này là dân địa phương là đầu dây mối nhợ để tôi giăng mạng lưới tình báo, theo dõi các hoạt động cơ sở địch trong vùng); 3 trung  đội chủ lực của trung đoàn 2 đưa ra. Từ hạ sĩ quan đến binh sĩ toàn là “đầu trâu mặt ngưạ”, đâm cha chém chú, khó trị từ đủ các binh chủng, nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, lao công đào binh được phục hồi và các binh sĩ bị phạt từ các đơn vị khác đưa ra trung đoàn 2, và tôi cũng là tên đã thi hành xong lệnh trừng giới từ đất Lào về.

Thật đúng với cái tên HỖN HỢP. Có lẽ để tránh cái danh từ Đ/Đ Trừng Giới nghe nặng tai, giống như tội phạm, làm mất cái oai hùng của người lính xăm mình hiên ngang đỡ đạn, vùng hỏa tuyến, nên cho cái tên mỹ miều nhẹ nhàng hơn. Hoá ra tôi lại bị trừng giới lần thứ 2.

Vũ khí được che giấu, quân phục cởi bỏ, ăn mặc tự do, giả dạng làm thanh niên chiến đấu trong làng. Né tránh khi có tin nhân viên kiểm soát đình chiến (KSĐC) đi làm nhiệm vụ. Hoạt động chính về ban đêm phục kích, bắt cóc, theo dõi tém gọn những cán bộ ban ngày trốn bên bờ Bắc tối đến lẻn về bờ Nam họat động.

Những ngày đầu tiên tôi làm quen với đồn cảnh sát ở đầu cầu Bến Hải, họ đưa tôi lên cầu, tức khắc công an áo vàng bên kia cũng bước lên cầu. Nếu thấy bên này bao nhiêu người thì bên kia bấy nhiêu người và lúc nào cũng gặp nhau giữa cầu.

Lúc mới phân chia Nam Bắc, nửa cầu bờ Bắc sơn màu đỏ, nửa cầu phiá Nam màu xanh, sau một thời gian, không hiểu thế nào CS sơn phủ màu xanh lên, lâu ngày không tu bổ, sơn xanh bị tróc ra, lòi màu đỏ nhem nhuốc, loang lổ tệ hại. Có lẽ màu đỏ trông khát máu quá, hiếu chiến, tàn bạo quá, trong khi đó nửa cầu bờ Nam màu xanh dịu hiền, thanh bình, vì lẽ đó đảng CS muốn mị dân nên sơn cùng màu xanh để che đậy cái bản chất xảo trá, lường gạt. Miệng nói bảo vệ hòa bình, mà tay chân động thủ, đưa người và vũ khí vào Nam. Phỉnh phờ dân lành với khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước”, trong lúc chính chúng ngửa tay, nhận viện trợ súng đạn Nga Tàu đem về chém giết đồng bào ruột thịt miền Nam.

Tôi xin phép họ cho đi xem đầu cầu bờ Bắc (không được bước chân xuông đất). Mặt cầu lót ván, chiều dài mỗi bên 89m, rất ngạc nhiên khi thấy đường lên cầu là những nấc thang tam cấp. Tôi hỏi khẽ anh cảnh sát phe ta, được giải thích rằng trước đây có một xe chở công nhân sửa đường vụt chạy qua cầu phía Nam xin tỵ nạn tìm tự do, nên sau đó đường lên cầu được sửa lại, để tránh trường hợp xe vượt biên trái phép. Đảng CS miệng nói một đàng làm một nẻo – “Không có gì quí hơn độc lập tự do” - nhưng trên thực tế lại ngăn sông cấm chợ, nếu xã hội tốt, đầy đủ tự do hạnh phúc làm gì có cảnh chạy trốn của công nhân làm đường.

Từ đầu cầu nhìn ngược về hướng thượng lưu, đoạn sông phía trên chia làm 2 nhánh, nhánh phiá bắc tả ngạn chi lưu Sa Lung thuộc phần riêng của CS có chiếc phà đưa nhân viên qua lại bởi 2 người kéo chiếc dây giữa 2 bờ sông. Sau ngày phát động phong trào “một người làm việc bằng hai”, chiếc phà này giảm bớt một nhân viên. Những lúc gió to, hay mưa lũ chiếc phà cứ vật vờ xoay qua xoay lại trông thảm hại cho nhân viên kéo phà.

Tại sao cái đỉnh cao trí tuệ lại ngu dốt, máy móc đến thế, bình thường 15 phút một chuyến nếu 2 người kéo, bây giờ phải mất 30 phút mà chiếc phà vẫn còn lờ đờ giữa dòng, chưa nói đến khi  mưa to, gió lớn. Nên miền Bắc có ca dao “Mỗi người làm một thành hai, để cho cán bộ mua đài mua xe. Mỗi người làm một thành ba để cho chủ nhiệm xây nhà lát sân !”.

Dân tình trong vùng phi quân sự (Trung Lương) dọc sát bờ sông hoặc vùng xa trên núi  Bến Tắt, Cồn Thiên (bờ Nam), họ xa lạ với chúng tôi, lúc nào cũng lầm lủi né tránh. Có lần hết lương thực, năn nỉ họ bán cho con gà, tôi trả giá có thể gấp đôi nhưng “khôn là khôn” - (không là không), tức mình cho lính bắn và sau đó trả tiền sòng phẳng họ lấy, tôi dùng tình cảm và tâm lý để tìm hiểu thì ra, họ rất thương và mến quân đội Cộng Hòa, nhưng không dám ra mặt. Nếu bên kia biết được bán gà cho địch, khi chúng tôi rút đi, tối về họ sẽ bị khó dễ, mang tội tiếp tế cho địch, có thể bị ám sát để làm gương cho kẻ khác.

Tội nghiệp cho dân họ phải sống giữa 2 lằn đạn. Từ đó muốn mua cái gì của dân, tôi phải cho lính đóng kịch hùng hổ, doạ nạt và sau lưng trả tiền sòng phẳng, để tránh thảm hoạ đổ lên đầu dân vô tội. Còn những người  buôn bán ở chợ bọn cán bộ tuyên truyền dùng thủ đoạn khác. Có một hôm tôi hỏi người đi chợ về giá 10 đồng  một con cua, bảo lính ra mua thì họ tăng giá gấp 3 hoặc 4 lần, tôi năn nỉ cách mấy họ cũng “khôn khôn”, tức mình bảo lính bưng đổ xuống sông số cua của mụ đanh đá nhứt trong đám, trị một tên đầu sỏ, mấy chị kia thấy vậy kêu  lại bán với giá bình thường 10 đồng. Hỏi tại sao, các chị nói nhỏ , cán bộ CS bảo tăng giá cho lính Cộng Hòa khỏi mua (ở đây tôi là “tư lệnh, tiền trảm hậu tấu”). Cũng vì thế tôi phải mang tên Thiếu Úy ác ôn mặc dù tôi nghiêm cấm lính không được phá phách, xâm phạm tài sản cuả đồng bào. Tôi đã từng sống trong chế độ Cộng Sản trong thời kháng chiến chống Pháp thấy cái ưu, khuyết điểm của “bộ đội cụ Hồ”, làm mọi hành động để thu phục nhân tâm, hơn nữa tôi là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị.

Đối với dân chúng bên kia bờ Bắc, họ sống rất âm thầm, sinh hoạt di chuyển dưới giao thông hào, họ bị kiểm soát gắt gao. Những em bé chăn bò, chiều cho bò xuống sông uống nước, không bao giờ được ngó về phương Nam, phải xây mặt về hướng Bắc trong khi chờ bò uống nước xong, lầm lũi đưa bò về. Chúng  tôi gợi chuyện, dụ dỗ nhứt quyết không xây mặt lại.

Dọc theo bờ sông cách khoảng 300 mét dựng một dàn phát thanh trên 30 ống loa, 24/24 hướng về Nam ra rả suốt ngày đêm, điếc tai loạn óc. Lắm lúc hết tin tức chúng lại kêu tên tôi ra đay nghiến doạ nạt : “Thiếu Úy H.K. ác ôn, nợ máu phải đển bằng nợ máu”. Nổi khùng tôi cho M79 bịt miệng thúi chúng lại, nhưng ngày sau chúng lại  “vũ như cẫn”.

Từ ngày phân chia đất nước 1954, sau 10 năm tôi được đổi ra đây vào năm 1964. Dọc theo vùng giới tuyến rất nhiều thay đổi được kể lại, đó là 2 lá cờ bên đỏ bên vàng. Mới đầu cờ vàng lớn hơn, trụ cờ cao hơn, thấy thế miền Bắc tức mình đập phá xây lại cờ đỏ to hơn và trụ cờ cao hơn, cứ thế 2 bên thi nhau đập phá, và cuối cùng ngày tôi được chứng kiến cờ đỏ cao, lớn hơn cờ vàng. Đài phát thanh Bến Hải, bờ Nam phóng thanh có giờ giấc, trụ loa phát thanh dọc theo bờ sông ít hơn, cường độ âm thanh mạnh hơn, ngược lại bờ Bắc ra rả cả ngày đêm trụ loa phóng thanh nhiều hơn và kiên cố hơn. Bên kia gọi là chọi cờ, chọi màu sắc và chọi âm thanh, chọi loa.

Có những đêm trăng sáng, nằm trên đỉnh Cồn Thiên nhìn qua Vĩnh Linh, một vùng trời sáng rực vì máy bay Mỹ đang hùng hổ oanh kích. Một nỗi buồn vui trộn lẫn trong lòng tôi lúc này. Tôi rất khâm phục những phi công Mỹ, gan dạ, tài tình khéo léo dùng chiến thuật khác lạ để thả bom. Họ đâm thẳng từ trời cao trong bóng tối che khuất của dù đèn, gần thẳng góc với mặt đất lao xuống, vừa ló dạnd ra vùng đèn sáng vội vàng cất đầu lên ngay trong lưới phòng không nổ như pháo bông, đường bay hình chữ V. Dưới đất là một biển lửa. Tôi thầm cầu nguyện những trái bom nặng ký ấy, có đầu “chip” thông minh đánh trúng vào cơ cấu đầu não địch, kho vũ khí lương thực, để quân dân miền Nam bớt đổ máu và những người dân vô tội miền Bắc bớt tan thương. Nhưng không khỏi một thoáng buồn vì dòng máu dân tộc lại kêu gào. Nếu những quả bom Mỹ thả rớt vào dân làng thì nỗi đau này sẽ đánh động đồng bào ruột thịt cùng dòng máu Tiên Rồng cả Nam lẫn Bắc ! Máu chảy ruột mềm... nhiểu điều phủ lấy giá gương... ! Oan nghiệp này từ kiếp nào đã đổ ụp lên dân tộc VN với súng đạn ngoại bang Nga, Tàu Mỹ... !

Càng đi sâu vào vùng quê người dân dùng thổ âm nên giọng nói khó nghe. Vào một nhà thấy người đàn bà chữa tôi hỏi chồng bà ở đâu ? Được đáp lại “Dôn miền sang nát ngoài rào”, tôi lắc đầu không hiểu tưởng người đàn bà nầy là dân tộc thiểu số, khẽ gọi cậu lính người Quảng Trị hỏi bà ta nói gì?  Được dịch rằng chồng bả gánh nước ngoài sông; hoặc những câu “Hai cấy dôn đập chắc ngoài cươi” là hai vợ chồng đánh lộn ngoài sân, “Uống mén nát cho mát cái rọt” tức uống miếng nước cho mát cái ruột..     Một hôm chúng tôi kéo quân về làng Võ Xá nhìn vào căn nhà bên đường thấy thấp thoáng một cô  gái ngồi bên khung cửa sổ học bài, tôi cho lệnh dừng quân, bung ra lục soát rồi bố trí nghỉ ngơi cơm nước.

Phần tôi la cà vào nhà nàng và muợn nơi đây đóng quân tạm thời, nàng e thẹn chào tôi. Bước vào nhà nhìn lên tường thấy những tấm hình xinh xắn của nàng và một hình chàng trai mặc đồ sinh viện sĩ quan Đà Lạt, tôi khẽ hỏi có phải bồ không? Nàng mỉm cười không nói. Giữa chốn quê mùa, héo hắc, cày lên sỏi đá này lại có một bông sim tím hoang dã tinh khiết lại muốn cột chân thằng lãng tử ba gai này chăng? Được biết nàng là nữ sinh trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị. Cuối tuần nàng về nhà với cha mẹ, và tôi cũng đợi ngày ấy kéo quân về lân la hít thở và chiêm ngưỡng mùi huơng hoa rừng cỏ nội.  Nhà nàng nằm sát bờ sông, phiá sau bờ tre bao bọc và bến nước, bọn trẻ chăn bò thường cho bò về đây uống nước trước khi về chuồng. Mùa khô nước cạn có thể lội qua lội về dể dàng và chính nơi nầy tôi đã phục kích bắt nhiều tên cán bộ.

Mỗi lần về vùng này tôi rải quân lục soát rất cẩn thận, nấu ăn và nghỉ ngơi. Tôi móc võng ngoài bờ tre sau nhà, thấy vậy nàng lại ra mời vào nhà nằm nghỉ, và bảo mấy chú lính tà lọt vào trong nhà bếp nấu ăn, cần gì nàng sẽ giúp, và cứ thế lần lần quen nhau đến một ngày tà lọt của tôi khỏi cần nấu ăn, cứ ghé vào nhà nàng là có sẵn một bữa cơm sốt dẻo ngon miệng. Gặp nhau thì vui vui, xa nhau lại nhớ nhớ trông trông. Có lẽ đây là tâm trạng chung cuả những chàng trai lính chiến độc thân, lây lất trên địa đầu giới tuyến. Rồi một  ngày  tình yêu đến lúc nào không hay và cơn bệnh tương tư bắt đầu phát tán nếu tôi về mà không gặp nàng.

Một hôm tôi kéo quân về ghé lại nhà không gặp nàng, chỉ thấy cha mẹ nàng ngồi khóc, liền hỏi, nhà có chuyện gì buồn hả bác ? Mẹ nàng vừa khóc vừa nói “Con Hoa nó đi học về ngang qua đồn cảnh sát Trung Lương bị mấy ổng bắt rồi”. Máu nóng tôi bừng lên, vì trước đây tôi đã không có cảm tình với cảnh sát, nó ngồi mát ăn bát vàng; con gái đẹp ở thành phố, nó là bầy ong bướm bao vây chiếm hữu, phỏng tay trên, còn đâu cho những thằng lính tác chiến như tôi, chỉ còn hưởng thừa hưởng xái.

Bây giờ tại địa đầu giới tuyến vùng đất chết, xác xơ vì chiến tranh họa hoằn mới có một bông hoa thơm ngát, tinh khiết lại bị mấy chàng cảnh sát ngồi phỏng tay trên. Máu anh hùng rơm nổi lên, tôi tức tốc kéo quân vào bao vây, ra tối hậu thư phải thả người nếu không, sẽ nổ súng. Một sĩ quan cảnh sát mang lon 2 bông cúc trắng, (lúc bấy giờ cảnh sát chưa mang lon như quân đội) tự xưng quận trưởng thượng hạng, Giám Đốc Nha Cảnh Sát Đặc Biệt Trung Lương, nhã nhặn nói với tôi cô ấy là tình báo, địch vận Cộng Sản. Tin sét đánh, ngỡ ngàng, tôi không tin, có bao giờ nàng nói về Cộng Sản đâu; lại nữa, hình treo trong nhà anh em toàn là lính quốc gia, là nữ sinh, tôi cho đây là cái cớ để bắt người đẹp và xin bảo lãnh với tư cách vợ chưa cưới.

Dưới áp lực quân sự của tôi, nàng được thả ra và sau đó... mất dạng. Mỗi lần ghé lại nhà hỏi, cha mẹ nàng nói : “Ở đây nó sợ, nên cho vào Saigòn học”. Một nghi ngờ, tại sao nàng không cho tôi hay ? Hỏi ra mới biết  đã bị đưa sang bờ Bắc và chính nàng là địch vận mỹ nhân kế bị cảnh sát “phát hiện”. Một dấu hỏi lớn tại sao nàng không giết tôi, nếu nàng cố tình thì cái chết của tôi dể như trở bàn tay khi ở nhà nàng, hoặc gài bẫy tôi rơi vào ổ phục kích để bắt sống hoặc ám sát không một chút khó khăn. Có lẽ  cái máu Cộng Sản không đủ đậm đặc để chống lại nhịp đập của trái tim, nàng không thể tự mình bóp trái tim mình cho nghẹt thở đành buông tha tội chết cho thằng ác ôn này chăng? Hay nàng đã thấy tình yêu cháy bỏng cuả tôi, bảo vệ bằng mọi giá buộc  cảnh sát phải thả người, bất chấp những hình phạt kỷ luật sau này.

Theo tôi nghĩ, nàng bị đưa về Bắc vì không đủ can đảm đem bàn tay búp măng học trò nhúng vào máu, lại là máu cuả ân nhân, của người yêu, thà bị đảng phạt để còn ngưỡng mặt làm người.

Cuối cùng tôi cũng bị phạt, bàn giao đại đội cho sĩ quan khác, đổi về tiểu đoàn 3/2 đóng trên đồi 46 Gio Linh, kế cận vùng phi quân sự (đồn Dốc Miếu). Đây là căn cứ hoả lực cấp tiểu đoàn đã từng bị tấn công bất ngờ trong đêm. Bờ rào phía Nam căn cứ là dãy nhà cuả tổ Kiểm Soát Đình Chiến, tưởng đây là mặt an toàn nhứt nên phòng thủ lơ là dồn hoả lực về 3 hướng phiá trước. Không ngờ tổ KSĐC là nơi ém quân của CS, có hầm bí mật. Nửa đêm chúng trào ra bung những tấm cót đan bằng tre lên bờ rào kẽm gai, đạp lên, tràn vào bất ngờ tấn công. Một hành vi bao che cho CS bị phơi bày, Tổ KSĐC tức tốc bỏ trốn chạy vào Huế.

Kể từ đó vùng DMZ được sang bằng thành chiến địa, oanh kích tự do với bờ rào điện tữ McNamara, dân chúng phải di dời vào các quận kế cận Gio Linh, Đông Hà  và Cam Lộ.

Căn cứ hoả lực đồi 46 Gio Linh lại tiếp nhận thêm tiểu đoàn TQLC Mỹ, từ Đànẵng ra, không đầy một tiếng đồng hồ sau, trận mưa pháo kích từ bờ Bắc trút lên đầu lính Mỹ để chào đón, trong khi quân Mỹ chưa kịp đào hầm phòng thủ. Tội nghiệp cho những cậu lính trẻ ngơ ngát chưa có kinh nghiệm chiến đấu, chưa hình dung được chiến trường VN như thế nào, chạy hổn loạn, la gào ầm ĩ.  Pháo binh Mỹ và ta lập tức phản pháo, và cứ thế bánh ít trao đi bánh qui trao lại.

Tiểu đoàn3/2 chúng tôi kế bên cùng một ngọn đồi cũng bị vạ lây (tháng 4 năm 67). Đạn pháo rớt vào miệng hầm trung tâm hành quân của tiểu  đoàn (là lô cốt xây chìm trước 54 của Pháp để lại), tôi trưởng ban 3 thoát nạn, Đ/U trưởng ban 2 tử thương (bị phạt đổi ra mới 5 ngày), Đ/U tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu THÔNG bị thương nhẹ (sau này là Đại Tá trung đoàn trưởng 42 / sư đoàn 22 mất tích năm '75 trên bờ biển Quinhơn).

Những buổi chiều buồn, tôi lên đài quan sát, kéo ống kính viễn vọng nhìn về cầu Hiền Lương, rẽ về trái, làng Võ Xá, nép mình bên bờ sông, có lũy tre xanh bao bọc, để nhớ về một bông sim tím lạc loài dạt qua bờ Bắc, có an toàn không, hay bị trù dập vì không thi hành lệnh giết người của đảng.

Bỗng tiếng hát đau thương uất hận của Phương Hoài Tâm trên đài phát thanh Bến Hải bờ Nam vọng về “Toàn dân thương Trung lương, Toàn quốc thương Gio Linh, Thương Bến Hải thương cầu Hiền Lương”. Tôi lơ đãng nhìn lên bầu trời xám xịt, đầy mây, một đàn cò trắng vội vàng bay về tổ, tôi lẩm bẩm, rồi còn ai thương mình đây?

Đối với bên kia mình là tên ác ôn, họ tìm mọi cách để giết, đối với bên này mình là thằng lính bất trị, bị đày ra cõi chết, suốt mùa chinh chiến, nhưng  có lẽ ở hiền gặp lành, Trời, Phật, Chúa thương tình che chở cái thằng coi kỷ luật quân đội như trò chơi, nên phải mang lon chuẩn úy gần 3 năm trước ngày giãi ngũ, cấp trên thương tình xét lại hồ sơ, trả thiếu úy hồi tố được 1 năm 6 tháng, gọi là an ủi.

Cũng từng ưởn ngực đứng trước hàng quân nhận lãnh huy chương Anh Dũng Bội Tinh Sao Vàng, Sao Bạc, nhưng trong quân bạ giải ngũ chẳng có sao nào, vì họ nghĩ nó không cần khi trở về làm dân, cho nó cũng vô ích, họ đánh cắp chia nhau để có điểm sớm lên lon, sống trên xương máu đồng đội.

Khi mang balô ra trung đoàn 2 Bến Hải thi hành lệnh phạt, tôi đã mất đi một đoá Hồng tinh khiết ban sơ, thơ mộng, một nữ giáo sinh sư phạm Qui Nhơn. Thấy cái chết cận kề, nên nàng vội sang sông, tìm tổ ấm an toàn với đồng nghiệp. Tình yêu này mang từ quê nhà ra phố thị rồi vỡ vụn trong chiến tranh ! Rồi một cánh lan rừng thanh bạch, nồng hương xứ Vạn Voi chớp nhoáng cũng tan theo sương chiều gió núi, vì trường sơn cách trở, biên giới ngàn xa.

Và cuối cùng cánh hoa sim tím, chưa nỡ rộ cũng vội tàn phai, trên đồng khô cỏ cháy, trôi trên giòng sông lịch sử tận địa đầu giới tuyến. Tôi chết lặng giữa lằng ranh tình yêu và thù địch đầy trái ngang. Tôi phải nhận những hình phạt chồng chất, đày ải từ đơn vị này sang đơn vị khác.

Đồng khóa 15 Thủ Đức giãi ngũ với cấp bậc trung úy, được về hậu cứ nghĩ trước một tháng, còn tôi thiếu uý phải dẫn quân đi cứu viện tận đèo Phú Gia, Lăng Cô / Thừa Thiên với tiểu đoàn 2/2 do Đ/u Hà Thúc Giác làm tiểu đoàn trưởng, trong trận phục kích  đoàn xe từ Đà nẵng ra Huế của quân đoàn I, gây thiệt hại đáng kể cho quân ta.

Đến ngày 30 tháng 7 năm 1967 mới được cho về hậu cứ ở Đông Hà, trả vũ khí, quân trang, nhận giấy giải ngũ vào ngày 31 tháng 7 do Thiếu tá Vũ Văn Giai trung đoàn trưởng ký.

Nhìn lại hai bàn tay trắng, nhẹ tênh, nợ tang bồng, trai thời loạn tưởng như trả xong, giã từ vũ khí nhưng trong lòng nặng trỉu nợ tình, trả cho ai đây, 3 mối tình 3 cành hoa thơm nối tiếp nhau rơi rụng, suốt mùa  binh đao khói lửa.

Tôi cúi đầu chấp nhận lấy số phận hẩm hiu mà tạo hoá đã an bài, tự an ủi “Vì anh là lính chiến” và nhủ thầm

"Tình vẫn đẹp khi tình còn dang dở,
Đời mất vui, khi đã vẹn câu thề" - (H. DZ.)

Hà Quế Linh

www.chsltqn.com/

No comments:

Post a Comment