Tuesday, January 1, 2019

[VNCH] Chùm hoa trắng _t/g ?



Thời gian đã vừa đủ xa để những dáng dấp của kỷ niệm tôi ngả màu tím. Dù tâm hồn tôi là cái nôi lúc nào cũng muốn đu đưa để dỗ dành hoài kỷ niệm xanh mãi như lúc ban đầu. Song bận rộn một phần cuộc sống chen chúc vất vả náo nhiệt của mọi tiếng động, động cơ xe, động cơ máy bay, cùng những tiếng bom, tiếng đại bác đã làm thành phố mỗi ngày một thêm bé nhỏ, nồng nặc một bầu không khí chen đua, chạy đuổi. Đó là một phần lớn của lý do tại sao những ngọn cỏ trong các công viên thành phố không còn xanh và không biết đến bao giờ mới thèm xanh lại. Tất cả đã làm cho chúng ta héo úa mất nhiều kỷ niệm, riêng tôi, đã đánh rớt biết bao những điều yêu dấu vào lãng quên.

Còn lại có chăng là Chuyên, người con gái đầu tiên đã đi qua đời tôi.


Năm ấy, nghĩa là bảy năm về trước, khi tôi mười bảy tuổi, học đệ tam. Cái thuở mười bảy của tôi còn khờ khạo và vụng dại như một đứa trẻ. Tôi đã gặp Chuyên. Một buổi sáng tôi tới trường muộn, muộn lắm, bởi cái đồng hồ nhà tôi ưa chết bất tử. Đã thế, cái xe đạp của tôi lại còn có tật, hể cứ đạp nhanh là tuột xích. Mới đi được chừng nửa đường mà hai bàn tay tôi đã đen ngòm dầu nhớt như một chú thợ sửa xe. Mỗi lần tuột xích là mỗi lần đáp lề và nhảy xuống cong lưng hì hục ráp mắt xích khớp vào răng của cái "đĩa" rồi nhấc bổng bánh xe đạp "pê đan" quay đi một vòng trước khi leo lên lưng con ngựa già nua khốn khổ ấy, lại còng lưng đạp. Sốt ruột quá cho hai giờ Toán, học trò ban B đã dốt toán mà còn lười nữa thì năm sau sao mà thi nổi ?

Đi học, cứ mỗi lần tới con đường Thống Nhất thênh thang là có thể biết tới trường sớm hay trễ. Con đường Thống Nhất, khi những hàng me bên đường còn thích xanh lá, còn thích rắc những cánh hoa me bé tí tặng lên những mái tóc của các cô học trò ngang qua, con đường Thống Nhất dạo ấy không có những hàng rào kẽm gai hay những "con ngựa gỗ" kéo ra giữa đường. Con đường ấy vào những giờ tới trường, tan trường ngợp những tà áo trắng của học trò Trưng Vương và màu đồng phục xanh của trường Võ Trường Toản. Tới con đường Thống Nhất, nếu thấy thưa bóng học trò thì đã muộn. Buổi sáng ấy, khi sang con đường Thống Nhất, tôi không còn thấy một ai. Tới trường trễ15 phút thì bị cấm túc, "cúp cua" cả buổi học lại là một vấn đề nan giải hơn. Tôi cắm đầu đạp thật lực, khi gần tới ngã rẽ sang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, một khúc đường ngắn trước khi vào trường, cái xe tàn tệ của tôi lại bắt tôi đáp lễ thêm lần nữa. Thật là khổ hết sức, tôi bực bội làm lại các động tác dầu mỡ, với các mắt xích đã hành hạ tôi suốt quãng đường. Chính lúc ấy là cái giây phút đầu tiên trong cuộc đời tôi, khi tôi vừa ngước lên thì gặp nàng. Người con gái nhỏ có mái tóc cột bằng những sợi len ấy, nàng ôm cặp khép nép đi sát bờ rào của toà dinh thự cao. Nàng khẽ nhìn tôi khi ngang qua, đôi mắt rộng và ướt như một con nai sao, nàng chớp nhanh rồi vội vã cúi xuống. Những cành lá me xanh mướt của mùa mưa mới như sà xuống trên đầu tôi, xao động lạ thường. Có lẽ máu tôi đã kéo đầy lên mặt lúc ấy, còn đôi tay bê bết dầu mỡ đen thui của tôi thì thật là thảm, sao nó làm tôi ngượng hết sức nói làm sao nổi sự thừa thãi ấy. Đã định lên xe đi, tôi lại cắm đầu xuống như người tiếp tục sửa, chừng cho đến khi nàng rẽ vào con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và đi qua trường tôi một quãng xa, tôi mới lên xe đi.

May cho tôi hôm đó là giáo sư Toán nghỉ. Nhưng hai giờ sinh ngữ sau tôi cũng chẳng học được một chữ. Đôi mắt người con gái gặp ban sáng lúc nào cũng mở rộng ra trên các trang vở của tôi.

Mười bảy tuổi của tôi bắt đầu bằng buổi sáng hôm đó. Và nàng, người con gái đã đem đến cho tôi cái xao xuyến ban đầu. Về nhà, tôi bắt đầu làm một thứ thư sinh Tú Uyên. Tú Uyên trong truyện, trong thơ tôi học thuở nào còn có may mắn là có khiếu thi họa, biết làm thơ hay nhờ Tiên vẽ lại hình ảnh Giáng Kiều để mơ mộng, chứ tôi, thứ học trò ban B chỉ có bút thước và compas để kẻ những đường thẳng và vẽ những vòng tròn. Những vòng tròn hay những đường thẳng thì tôi cũng không gặp lại được người con gái của buổi sáng hôm nào tôi đi học trễ. Có những giờ ra chơi hay những giờ tan học, tôi đứng ở những bậc thang nhìn con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm qua vuông cửa sổ rộng, tôi mong được thấy người con gái quang qua. Nếu tôi thấy nàng, tôi tự hỏi thế, thì tôi có cái can đảm để theo nàng không, dù là ở xa xa ? Tôi có cả ý nghĩ là tới đợi trước cửa trường nàng, chờ giờ tan học. Bạn bè tôi có thể làm được những điều đó, còn tôi thì không. Mười bảy tuổi của tôi, tôi vẫn còn là một anh học trò yếu đuối, nhút nhát và khờ dại.

Người con gái có đôi mắt rộng và ướt như mắt con nai sao ấy, tưởng đã bước nhẹ nhàng qua những trang vở lòng của tâm hồn tôi, nhưng bất chợt nàng trở lại. Buổi chiều tôi thấy nàng trong sân nhà Khoa, tôi bỡ ngỡ, có lẽ, y như cái bỡ ngỡ của chàng Thư Sinh thấy Giáng Kiều từ trong tranh bước ra, cuống quýt, rộn rã.

Khoa với tôi, bạn cùng lớp từ những năm trước, không thân, nên khi mỗi đứa theo một ban, không cùng lớp, chúng tôi ít khi còn gặp nhau. Tình cờ tôi gặp Khoa ở phố, Khoa rủ tôi về nhà hắn chơi. Tôi không ngờ gặp lại nàng. Người con gái nhìn tôi khép nép buổi sáng nào trên đường Thống Nhất chính là Chuyên, em gái của Khoa.

Những đường kẻ, những vòng tròn của học trò ban B bắt đầu cuống quýt, rối rắm, ngang dọc, đan lấy nhau, chồng chất lên nhau một cách khờ khạo. Tôi "tự nhiên", bắt thân với Khoa. Tôi tới nhà Khoa luôn, nhưng cả dăm bảy bận tôi cũng chẳng gợi chuyện gì để nói với Chuyên, ngoài một điều duy nhất là biết được tên nàng. Chuyên. Chữ "C" hoa vươn cao trong tuổi mới lớn của tôi. Chữ "C" hoa tôi thường viết lớn lên vô cớ trong những bài học.

Hơn hai tháng trời, tôi vẫn chưa quen được với Chuyên. Những lần tới chơi với Khoa, tôi thường gặp Chuyên ngồi trên chiếc ghế đu ngoài sân, Chuyên đọc báo với con mèo nằm ngủ trong lòng. Cái con mèo tinh nghịch, có khi nó đứng trên vai và cào cả hai chân trên mái tóc của Chuyên rối bời. Chuyên có dáng dấp của một cô bé ngoan, Chuyên ít nói và làm biếng cười. Còn đôi mắt, đôi mắt rộng và ướt của con nai sao ấy, mỗi lần nhìn tôi lại làm tôi khờ dại cả người.

Chữ nghĩa của tôi bắt đầu mọc cánh. Tôi đã nghĩ tới công việc của một lá thư. Tiếng nói không có nghĩa thì chữ viết nói lên được đầy đủ hơn. Tôi sẽ viết cho Chuyên một lá thư. Tôi sẽ đưa cho nàng một cuốn sách và khi nàng mở ra thì sẽ thấy một phong thư đề tên mình.

Yêu đương, cái thuở ban đầu nó vẫn nguyên vẹn những ngô nghê ấy, từ thời đại này sang thời đại khác. Cách tỏ tình có khác nhau, song tâm hồn vẫn giao động vậy. Bây giờ nhớ lại, tôi còn thấy tiếc. Bức thư tôi đã viết trong ý nghĩ lộn xộn nhưng không viết được ra trên giấy và chẳng biết dạo ấy Chuyên có đọc được là tôi yêu nàng không, những lần nàng nhìn tôi. Thế mà nàng đã xa tôi. Hai tuần sau khi tôi không có dịp đến gặp Khoa thì tôi nhận được thư của Khoa viết từ Đơn Dương. Gia đình Khoa dọn nhà đột ngột vì ba Khoa phải thuyên chuyển đi.

Câu chuyện đơn giản, tầm thường thế, nhưng "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên". Tôi có tiếc ngày ấy, nhưng đến bây giờ nhớ lại, trong những ồn ào, phiền toái vây bọc hàng ngày, tôi bằng lòng với một kỷ niệm đẹp. Cả những tiếc nuối cũ sót lại cũng không làm tôi ân hận nhiều. Giá ngày ấy tôi tỏ tình với nàng. Không, tôi vẫn muốn tôi mãi chỉ là cậu học trò mười bảy tuổi khờ dại của ngày nào, để răng tôi không phải cắn vỡ những trái cây đắng ngắt môi miệng, ê chề và mệt mỏi của cuộc đời.

Tác giả là ai ?

Bài "Chùm Hoa Trắng" đã đăng trong tuần báo Tuổi Ngọc - tuần báo của tuổi vừa lớn - Chủ Nhiệm: Duyên Anh, số 1, bộ mới, tuần lễ từ 27-5 đến 03-6-1971. Trong trang 1 phần "Mục Thường Xuyên": Bông Hồng Cho Tình Đầu có ghi tên là: Anh Chi. Nhưng trong trang 18, mục Bông Hồng Cho Tình Đầu đăng bài "Chùm Hoa Trắng" lại thiếu sót, không ghi tên tác giả.

Vậy tác giả là ai ? Tờ Tuổi Ngọc có bài "Chùm Hoa Trắng" đã từ Sài Gòn lạc đến Paris. Nay, người giữ tờ Tuổi Ngọc có bài viết này, xin được phép "đánh máy" và rất cẩn thận không để đánh sai sót một chữ nhỏ nào ! Bài đã đăng thế nào, thì ... "đánh máy" lại y chang vậy. Vài phút nữa đây, bài "Chùm Hoa Trắng" sẽ từ Paris mà theo con đường điện thư tìm về sân trường VTT ... Hy vọng khi đến địa chỉ này: http://www.votruongtoan.com, "Chùm Hoa Trắng" sẽ đem lại cho chính tác giả một niềm vui, chứ không phải là một sự phiền muộn, vẩn vơ nào đó ! Ai là tác giả bài viết này vào năm 1971, hãy liên lạc về địa chỉ trên để nhận lại một nỗi nhớ, một bông hoa cho tình đầu của mình nhé .. Thời gian mới chỉ là 29 năm thôi đó mà!

No comments:

Post a Comment