Friday, January 25, 2019

[VNCH] Con đường kỷ niệm 💗_VTT Nguyễn Như Sơn

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1974

Trường Võ Trường Toản nằm ở gần cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai hàng cây dài bóng mát. Ngoài Sở Thú ra thì chung quanh phần nhiều là những công sở hay khu quân sự. Phải ra đến tận Đa Kao, Tân Định, Thị Nghè hay Bà Chiểu mới thấy có những khu dân cư đông đúc. Thành ra phần lớn học sinh Võ Trường Toản (VTT) đều cư ngụ ở những khu vực xung quanh nói trên. Ngày hai lần đi về, những con đường như Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Đinh Tiên Hoàng (ĐTH) hẳn phải trở nên thân thuộc biết bao trong lòng những học sinh đã trải qua đến bẩy năm đèn sách dưới mái trường VTT.



 (Cũng khoảng đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm này - Năm 2000 - hình LAT)

Cuối năm 2012 vừa qua tôi có dịp trở lại Việtnam lần đầu tiên sau 30 năm xa cách. Dù chỉ có 3 tuần lễ ngắn ngủi và biết bao nhiêu chỗ phải đi, tôi vẫn cố dành ra một buổi để trở về xóm cũ của mình trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi đã có dịp đặt lại bước chân trên những con đường nhỏ chung quanh đã gắn liền với một phần đời của mình, và trong đó dĩ nhiên có cả con đường Đinh Tiên Hoàng. Chắc chắn con đường này không thể nào xa lạ được với các bạn VTT ngày xưa đã từng lớn lên ở các khu Đa Kao, Tân Định, hay Bà Chiểu.

Hãy bắt đầu từ ngã tư Phan Đình Phùng để theo đường Đinh Tiên Hoàng đi về hướng cầu Bông. Vào những ngày xa xưa thập niên 60-70 về phía bên tay mặt ĐTH có một nhà hàng Pháp La Cigale. Nhà hàng chắc phải có những thực khách sành điệu và quen thuộc vì nằm ở một góc hơi khuất mà vẫn có thể tồn tại cho đến năm 1975. Sau 1975, tôi vẫn còn thấy hai ông bà chủ người Pháp dắt con chó to tướng đi dạo vì vào thời buổi xã hội chủ nghĩa đó thì còn bán cơm Tây cho ai nữa. Được ít lâu sau thì hai ông bà về Pháp, bỏ lại nhà hàng cho phường khóm lấy làm cửa hàng thực phẩm. Mỗi tháng dân chúng phường 7 phải đến đó xếp hàng mua gạo, khoai, hay bột mì. Ngay cạnh La Cigale là nhà thêu Hoàng Mai (HM) số 20. Nhà thêu HM có mấy chị em gái đều là học sinh Trưng Vương. Một trong các cô đó lại là bạn học với chị của Trần Ngọc Rao, cô này được học bổng đi du học bên Mỹ trước năm 1975. Sau 1975, vì gia đình này đi ra nước ngoài nên chi đoàn Thanh Niên lấy nhà làm trụ sở sinh hoạt. Khi đến đó dọn dẹp những đồ đạc ngổn ngang vứt bỏ lại, người làm cũ của gia đình HM giải thích tấm ảnh mấy chị em còn treo trên tường nên tôi mới biết chuyện. Những lần ngồi trong căn phòng họp treo cờ đỏ sao vàng, nghĩ đến mấy chị em HM nay đang sống ở phương trời Tây mà thấy chạnh lòng với cảnh kẻ ở, người đi.

Ở phía bên kia đường đối diện với nhà thêu HM có phòng mạch của bác sĩ Vĩnh Phán chuyên về mắt. Năm 75, ông Vĩnh Phán cũng ra đi nhưng không biết định cư ở đâu. Đi thêm vài căn là mấy cửa hàng bán hoa cườm và quan tài mà bây giờ tôi không còn nhớ được tên nữa. Có lẽ vì gần nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nên mới hình thành dẫy cửa hàng tang chế này chăng? Thời đó ở Sàigòn người ta đi viếng đám ma bằng vòng hoa cườm chứ không dùng hoa tươi. Còn bây giờ thì người Sàigòn chắc cũng đi viếng bằng hoa tươi như ở hải ngoại này.

Từ nhà thêu HM đi xích lên vài bước có nhà của một nữ sinh Trưng Vương tên Nguyễn Thị Thu Hương, căn số 36. Thu Hương là người tình trong mộng không thành của TNRao vào những năm 72-73. Những ngày tháng “Ngày Xưa Hoàng Thị” đó Rao vẫn theo Thu Hương về tận nhà mỗi độ tan trường. Cũng ở dẫy nhà mặt tiền đường này còn có quán cà phê Hân. Trước mặt cà phê Hân phía bên kia đường còn có thêm cà phê Duyên Anh. Nghe nói ngày trước 1975 những văn nghệ sĩ và sinh viên hay ghé quán Hân. Ở đây chủ quán có để thêm những tạp chí ngoại quốc cho khách đọc. Người ta nói rằng khách hàng của quán Hân có vẻ trí thức lắm, hay bàn cãi đủ mọi vấn đề triết học, văn chương, chính trị, và xã hội. Sau 1975, cà phê Hân thấy vắng khách hẳn đi. Những khách hàng trí thức kia chắc còn đang bỡ ngỡ để thích nghi với cuộc sống mới.

Chỉ đến sau 1975 tôi mới tập tành đi uống cà phê như để tỏ thái độ một cách tiêu cực với cái tương lai mờ mịt của mình. Dạo đó bạn bè chỉ rủ nhau đến quán Duyên Anh mà thôi chắc là vì có cô hàng cà phê xinh đẹp. Những năm 75-76, Sàigòn thật buồn. Mới sau 7 giờ tối là ngoài đường đã vắng tanh. Thỉnh thoảng mới thấy một người lầm lũi đạp xe đi trong trong ánh đèn hiu hắt, vàng vọt. Những buổi tối lặng lẽ như vậy với bọn thanh niên chúng tôi khi được ngồi ở Duyên Anh với ly cà phê sữa đá và một điếu Sàigòn Du Lịch có đầu lọc hầu quên đi khoảnh khắc thực tại thì quả là một hạnh phúc tuyệt vời. Sau quầy dưới ánh đèn mầu mờ tỏ, Quý, cô hàng cà phê, trông đẹp như một pho tượng. Đó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà là của hầu hết những người bạn mà tôi quen biết đã từng là khách hàng của cà phê Duyên Anh dạo đó. Sau này có dịp gặp lại những người bạn cũ này bên trời Tây, các bạn tôi vẫn thường nhắc nhở về Quý cà phê Duyên Anh như một dấu ấn của những ngày xa xưa.

Cùng dẫy với cà phê Duyên Anh có nhà của cô Thái Thị Hạc Oanh dậy môn vẽ những năm đầu đệ nhất cấp. Chồng của cô Oanh là một nha sĩ có phòng mạch tại nhà. Gần đó thì có Butagaz, một cửa hàng bán gas. Vào đầu thập niên 70 dân Sàigòn đã bắt đầu xài bếp ga thay cho dầu hôi. Còn ngay góc ĐTH và Tự Đức là nhà phía bên vợ của thầy Lê Huy Thiện dậy môn Vật Lý lớp 12. Vợ của thầy có mấy cô em gái, trong đó có một cô tên là Khang hình như cũng học ở TV. Tại sao tôi biết tên cô này thì xin hỏi Phan Văn Thành (12B2). Vào những buổi tối của những năm 72-73, Thành và tôi hay đi qua đó, và vẫn thường nghe tiếng piano của cô Khang từ trong nhà vọng ra qua cái cửa sổ nhỏ quay ra đường Tự Đức.

Ngay góc đường ĐTH và Tự Đức là trường nữ tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Trường Đinh Tiên Hoàng nằm xéo cổng sau trường tiểu học Lê Văn Duyệt. Có một sự liên hệ rất đặc biệt là nhiều nữ sinh Trưng Vương có gốc gác từ trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng trong khi nhiều nam sinh Võ Trường Toản lại xuất thân từ trường tiểu học Lê Văn Duyệt. Chạy cặp một bên hông trường ĐTH song song với Tự Đức là đường Nguyễn Thành Ý. Trong đám bạn Bảng Đỏ (BĐ*) có nhà của Dư Quang Nam ở trên con đường nhỏ này. Tại góc ngã ba đường Nguyễn Thành Ý trước trường ĐTH sau tết Mậu Thân có mọc lên một cái lô cốt nhỏ làm bằng bao cát. Đây là nơi mà tôi vẫn thường cầm khẩu Carbine gác đêm trong suốt những năm 1971-1975 khi còn là Nhân Dân Tự Vệ. Đối diện lô cốt NDTV phía bên kia đường ngày xưa có mì Cây Nhãn rất nổi tiếng vào những năm đầu thập niên 1960. Sau này người ta phá đi và xây lên một khu chung cư mới, bên dưới là những cửa hàng bán lẻ trông khá sang trọng và đẹp.

Ở trước mặt trường ĐTH có nhà chụp ảnh Mỹ Ngọc của gia đình bạn Phùng Ngọc lớp đệ thất 5 cũng là một BĐ. Trong bao nhiêu năm đi học mỗi lần phải chụp ảnh để làm đơn thi cử hay học bạ thì anh em tôi chỉ có một địa chỉ duy nhất đó là hiệu ảnh Mỹ Ngọc. Ngoài ra đây cũng là nơi gia đình tôi hay đem phim đến đây để rửa ảnh. Cùng dẫy với nhà chụp ảnh Mỹ Ngọc hướng về Phan Thanh Giản có một nhà hàng cơm Tây bình dân là Chez Albert. Thuở nhỏ tôi có được đến đây vài lần thưởng thức món súp hành, súp cá, hay bít tết mà họ phục vụ từng món một như trong tiệc cưới vậy. Sau này khi tuổi đã về chiều, thỉnh thoảng muốn tìm lại những kỷ niệm xa xưa tôi có đi một vài nhà hàng Tây nơi tôi đang ở. Nhưng rất tiếc là không thể tìm lại những phong cách của những ngày tháng cũ. Đối diện với Chez Albert có một tiệm chả cá, hình như là Duy Ban thì phải. Chắc phải hỏi lại Lê Việt Thạnh cho chắc.

Gần ngay góc ngã tư ĐTH và Phan Thanh Giản, vào khoảng những năm 1960, có một rạp xi nê nhỏ. Tôi nhớ mang máng đó là rạp Asam. May ra có bạn Phạm Văn Toàn (Florida) ngày xưa nhà cũng ở dẫy này nên có thể còn nhớ và kiểm chứng giùm. Về sau người ta phá nó đi và xây lên một khu chung cư. Cũng ở khoảng đầu đường có tiệm mì Mỹ Vị rất đông khách vào cuối những năm 70. Sau này chủ nhân qua Mỹ định cư và có mở lại cửa hàng mì ở khu Little Saigon. Từ đầu đường đi vào mấy căn là đến nhà sách Chí Công mà tôi tin là các bạn BĐ khu Đa Kao vẫn thường đến đó mua sách vở, bút thước, compa, vân vân vào mỗi dịp tựu trường. Chí và Công là tên hai người con trai vẫn thấy đứng ngoài quầy phụ cha mẹ bán hàng. Theo tôi được biết thì cả hai anh em Chí và Công cũng ra đi nhưng không may mất tích trên đường vượt biển. Ngay góc đường ĐTH và Huỳnh Khương Ninh có tiệm thạch chè của gia đình bạn PVToàn. Còn góc đối diện là tiệm bánh mì Thành Lộc, vẫn bỏ mối bán ở dưới Câu Lạc Bộ nhà trường mỗi buổi sáng.

Bắt đầu từ đây là đã ra sát tới chợ Đa Kao, nhiều cửa hàng bán lẻ mọc san sát nhau. Đặc biệt là quanh đó có rất nhiều cửa hàng giò chả mà tên bao giờ cũng có chữ Hương đi kèm như Đức Hương hay Phú Hương. Một con đường nhỏ rẽ từ ĐTH ra Nguyễn Huy Tự, đó là đường Nguyễn Văn Giai. Một Bảng Đỏ nay đã quá vãng là Nguyễn Văn Thông nhà ở trên đường Nguyễn Văn Giai này. Tôi biết Thông từ khi còn học tiểu học, vào lúc đó chỉ biết với tên Thái. Sau này vào VTT mới thấy gọi là Thông. Năm 1984 lúc mới đến định cư ở Virginia, tôi lên sở Xã Hội xin trợ cấp. Trong lúc ngồi chờ phỏng vấn có tán dóc với một cô còn rất trẻ, cũng đi xin trợ cấp, cho qua thì giờ. Nói chuyện một hồi mới biết ra đó lại là em gái của Thông, hình như tên là Thu thì phải (xin lỗi nếu không đúng vì đã 30 năm rồi).

Đoạn đường ĐTH gần chợ Đakao này có hai ông bác sĩ mà chắc hẳn các bạn có nhiều cơ hội để gặp. Một là nha sĩ Bích, hai là Nguyễn Đình Hoàng (radiologist). Vào những năm 60 nha sĩ hay radiologist ở Sàigòn hiếm lắm. Tôi tin là thể nào các bạn cũng có dịp làm bệnh nhân ở đây. Khi người Mỹ đến VN, đường phố bắt đầu xuất hiện các loại xe gắn máy như Honda, Yamaha, Suzuki, vân vân. Trên khúc đường này có showroom Ngô Văn với các loại xe gắn máy mới nhập cảng. Mỗi khi đi đâu ngang qua đó, tôi vẫn đứng lại hồi lâu ngắm nghía những chiếc xe bóng lộn không chán mắt. Gần cuối đường có rạp xi nê Casino Đa Kao và bên cạnh là thạch chè Hiển Khánh. Phía bên này đường có nhà may Chánh của gia đình bạn Nguyễn Trí Dũng. Tôi còn giữ được một tấm hình chụp cả lớp, hình như là lớp nhì trường LVD, trong đó có Dũng.

Tới khoảng năm 73-74, tiệm thạch chè ngay góc ĐTH và Huỳnh Khương Ninh không còn nữa. Thay vào đó đã là nhà thuốc tây Hoàng từ bao giờ. Trong một lần ghé vào mua thuốc, tôi bất ngờ gặp cô bán hàng cũng trạc khoảng tuổi của mình ngày đó sao mà xinh quá. Từ đó trở đi, lâu lâu tôi hay cố tình ghé lại nhà thuốc Tây Hoàng chỉ để mua một hộp vitamin C (Cetonic) hầu mong có dịp gặp lại cô bán hàng chứ còn trai tráng như vậy thì làm gì mà có bệnh tật. Những ngày tháng ngắn ngủi đẹp đẽ thời sinh viên trôi qua nhanh chóng. Tin chiến sự bắt đầu từ Ban Mê Thuột, rồi đến triệt thoái khỏi Pleiku, Kontum, rồi đến Huế, Đà Nẵng… Mặt trận đã lan tới ngưỡng cửa Sàigòn một cách mau chóng. Buổi chiều ngày Thứ Bẩy 26 tháng 4 năm 1975, bọn nhân dân tự vệ chúng tôi được gọi ra trụ sở. Tại đây, ai cũng cảm thấy tình hình nghiêm trọng khi được phát một khẩu M16 thay cho Carbine thường lệ, và được dặn là cắm trại sau giờ giới nghiêm đúng 8 giờ tối. (Sau này đọc tài liệu mới biết được đó cũng là lúc phía đối phương bắt đầu chiến dịch cuối cùng để chiếm Sàigòn.) Lúc trời nhá nhem tối, phố phường vắng vẻ trong tiếng súng ven đô vọng về, tôi thả bộ ra nhà thuốc tây Hoàng để vẫn mua một hộp vitamin C như mọi lần. Vẫn gặp cô bán hàng xinh đẹp và bặt thiệp. Trong một thành phố đang hấp hối, tôi không biết rằng đó là lần cuối cùng tôi còn thấy cô ta. Đêm hôm đó nhiều quả hỏa tiễn đã rơi vào Sàigòn. Qua hệ thống truyền tin của Cảnh Sát Dã Chiến mà chúng tôi đóng quân chung, có rất nhiều thương vong. Sáng hôm sau, gia đình tôi phải chạy lên ngã Bẩy để tránh nguy cơ bị kẹt trong vòng lửa đạn ở các khu quân sự gần nhà.

Sáng 1 tháng 5 năm 1975, Sàigòn tràn ngập dấu tích của một trận chiến đã tàn. Lịch sử đã bắt đầu một chương mới. Bầu không khí mà tôi đang hít thở có gì là lạ như một chế độ khác đã bắt đầu nhen nhúm. Đến nhà TNRao thì biết Rao đã ra đi. Đến nhà một vài bằng hữu nữa để xem ai còn, ai mất sau những ngày biến động vừa qua. Tôi có đi qua nhà thuốc tây Hoàng thì thấy cửa đóng, then gài như bao cửa hiệu khác trên đường ĐTH. Tôi đoán rằng có lẽ gia đình này cũng đã đi ra nước ngoài như rất nhiều người khác có điều kiện. Người con gái chỉ vài lần gặp gỡ, biết mặt mà không biết tên, từ từ mờ dần trong tâm trí tôi khi cuộc sống hàng ngày phải lo thích ứng với hoàn cảnh mới. Khó khăn trong cuộc sống dần dà vây kín đã làm tôi tự cắt đứt hết mọi mối dây liên lạc với bạn bè gần xa.

Ngày tháng thoi đưa, đã ngót 40 năm từ những ngày tháng Tư lịch sử đó. Người bạn đầu tiên mà tôi gặp lại trên đất Mỹ là TNRao tại Virginia năm 1984 khi vừa từ trại tỵ nạn sang. Dần dà, qua những manh mối mà nhất là qua internet tôi đã có dịp gặp lại rất nhiều bạn bè cũ trong lớp Bảng Đỏ của mình. Đó là chưa kể cũng liên lạc lại được với rất nhiều bằng hữu còn ở Việtnam . Thời gian cắp sách tới trường đã lùi xa, chỉ còn là kỷ niệm vẫn được các bạn cũ trân trọng nhắc nhớ lại mỗi khi có dịp tái ngộ. Mấy năm trước, qua Dương Thế Hồng (San Jose) tôi được biết cô gái nhà thuốc tây Hoàng ngày nào tên là Hoàng Phương Nam, học TV cũng bằng lớp, bằng tuổi với mình. Và cũng là trái đất tròn, tôi lại biết thêm HPNam lại từng là bạn học cũ với Lê Phú Hữu ở khoa Luật. Nhờ những chi tiết đó tôi có vào website TV và tìm được một tấm ảnh của HPNam rất mờ trông không rõ mặt, mà cũng không thấy nói đang ở đâu. Nhìn tấm ảnh này tôi cảm thấy thật sự xa lạ. Tấm ảnh này cũng chẳng còn có thể gợi ra được bất kỳ điều gì của ngày xa xưa còn sót lại trong tâm tưởng của tôi. Đã mấy mươi năm rồi, tất cả đã trôn chặt vào dĩ vãng.

Tôi đến Sàigòn vào dịp cuối năm nhưng sao trời vẫn còn nóng quá, không hiểu có phải biến đổi khí hậu do môi trường thay đổi hay không. Dù tiết trời oi bức vẫn không làm tôi giảm đi sự hăm hở tìm lại đường xưa lối cũ. Dừng chân chỗ khoảng nhà cô Hạc Oanh một hồi lâu, tôi nhìn lại căn nhà của ông Cao Đồng Hưng nằm gần kề đó mà bây giờ là trụ sở của một công ty. Ngày xưa căn nhà to lớn và đẹp đẽ này là biểu hiện của sự thượng lưu trong xã hội. Những năm 76-78, tôi vẫn đến đây để kèm hai đứa cháu ngoại của ông CĐHưng, Hồ Thiện Đăng và Hồ Thiện Khoa. Gia đình hai đứa học trò này ở chung nhà với ông CĐHưng. Một buổi tối cuối năm 1978, ba thầy trò đạp xe ra bến Bạch Đằng. Trên bến vắng vẻ và thấm sương lạnh cả ba người yên lặng nhìn ra ngoài dòng sông tối đen trước mặt, không ai nói với ai một lời. Chỉ ít lâu sau, tôi nhận được tin cả hai đứa học trò đã chết cùng gia đình khi vượt biển vào cuối năm 1978.

Tôi đi ra ngã tư ĐTH và Phan Thanh Giản. Nơi ngã tư này, đêm 26/4/1975, tôi đã nằm sát xuống cái miệng cống bên lề đường trong sự sợ hãi khi những trái 122 ly nổ xé màn đêm Sàigòn. Vì lòng đường nay đã được mở rộng ra khá nhiều, cái miệng cống nơi tôi cận kề với làn ranh sống chết đó đã bị phá đi không còn thấy dấu vết gì nữa. Phía bên kia đường là nhà của nhạc sĩ Đan Thọ, người sau năm 75 vẫn gắn bó với văn nghệ thanh niên phường khóm cùng chúng tôi một thời, bây giờ trở thành cửa hàng đặc sản cua. Đến góc Huỳnh Khương Ninh, nhà thuốc tây Hoàng năm nào nay lại là bánh cuốn Tây Hồ. Không biết hiệu bánh cuốn này có gì liên quan gì với bà cụ bán bánh cuốn trong khuôn viên đền ông Phan Chu Trinh bên cạnh chợ Đa Kao mấy chục năm về trước hay không. Bên kia đường, mấy hiệu giò chả, nhà may ngày xưa nay đều không còn nữa.

Chốn cũ vẫn còn đây, những người xưa nay ở đâu? Nhìn quanh, mọi thứ đã đổi thay, mình chẳng còn biết ai, chẳng ai biết đến mình. Bỗng dưng tôi nhớ lại lúc nẫy bắt đầu từ góc Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng, tôi như còn nhìn thấy mình là đứa bé mười một tuổi đầu đang hăm hở ra sân Hoa Lư chạy nhẩy với lũ bạn trong giờ thể dục thể thao. Trên đoạn đường ĐTH từ Phan đình Phùng đến Tự Đức, trụ sở chi đoàn thanh niên ngày nào gợi tôi lại những ngày tháng tuổi trẻ vật vờ với một tương lai bất định. Để rồi tại ngã tư Huỳnh Khương Ninh – Đinh Tiên Hoàng này thì trở về với thực tại mình đang là một ông (sắp) già đứng giữa một Sàigòn bể dâu. Chỉ mới có xa cách có 30 năm thôi mà sao như trở về từ một thế giới nào vậy. Tôi đã trải nghiệm qua gần một đời người khi bước chân chỉ trên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng ngắn ngủi đó.

Những người muôn năm cũ
Hồn giờ ở nơi đâu?

Một trong những ngày cuối cùng ở Sàigòn, tôi qua Tân Định tìm đến nhà phía bên nội của hai đứa học trò cũ của mình. Tôi xin phép gia chủ được thắp một nén hương cho cả gia đình hai đứa học trò, Khoa và Đăng, không gặp may mắn trên bước đường tìm tự do. Khoa Đăng, nghe tên con để biết lòng cha mẹ. Tôi cũng đã trải qua kinh nghiệm làm cha mẹ này nên thấy lòng mình chùng xuống khi phải chứng kiến những mong ước bị vùi dập bởi thảm kịch, nhất là những thảm kịch do hệ lụy lịch sử. Trong một giây phút yên lặng với mùi hương nồng nàn, tôi thả hồn về khu phố nhỏ Đakao hiền hòa ngày nào. Cảnh cũ nay đã thay đổi quá nhiều. Mà những người ngày xa xưa mà tôi được biết gần như chẳng còn ai. Không ngờ trong cuộc đời của mình lại phải chứng kiến những cảnh vật đổi sao dời nhanh như vậy.

Nguyễn Như Sơn (66-73)
(Bài viết đã được đăng trên Đặc San VTT 2014, kỷ niệm ĐHTP 2014. Hình ảnh và chú thích thêm từ L.A.Tuấn 68-75)

Ghi chú:
(*) Theo nội quy, học sinh VTT phải đeo bảng tên trên ngực. Để dễ phân biệt, bảng tên mỗi cấp lớp có một mầu khác nhau. Bảng tên của lớp đệ thất niên khóa 1966-1967 có mầu đỏ. Bắt đầu từ niên khóa 1973-74, theo quy-định của Bộ Giáo Dục, huy-hiệu trường đổi sang huy hiệu bằng vải may trên túi áo với cấp lớp đang học, lớp 10-12, huy hiệu chữ màu đỏ; lớp 6-9, huy hiệu chữ xanh dương.

No comments:

Post a Comment