Thursday, November 28, 2013

Dục Mỹ: Quê Xưa Yêu Dấu _T/g Hà Thị Thu Thủy


1- Dẫn Nhập:

Ánh nắng chói chang oi bức giữa đô thị Sài Gòn vào tiết tháng 3, làm tôi chợt nhớ đến những cơn nắng nóng oi ả giữa lòng đất Dục Mỹ. Dục Mỹ là quê nhỏ của tôi, thuộc xã Ninh Sim quận Ninh Hòa, một thành phố nhỏ cách "bùng binh" Ninh Hòa khoảng 14 cây số trên quốc lộ 21 về hướng cao nguyên Khánh Dương và Buôn Mê Thuột. Nắng ở Dục Mỹ gay gắt ban ngày, đặc biệt thường gây ra những ngọn gió Nam mà đô thị Sài Gòn hay những đô thị khác ở miền Nam không có, thổi bụi cát bay mịt mù. Tùy theo lúc, hướng và vận tốc gió, gió Nam tạo thành những cơn lốc xoáy tròn bay cao vút lên không rồi từ từ hạ xuống đất và tự tan biến trong không gian như một con ma trơi ẩn hiện.


Dục Mỹ quê xưa, một vùng đất nhỏ bé cưu mang tôi, đã cho phép tôi dung thân cho tới ngày tôi khôn lớn, để rồi cuối cùng tôi thật xót xa rời nơi thân yêu này năm 1975, hơn 30 năm qua vì hoàn cảnh chiến tranh của đất nước. Khởi nguồn, gia đình chúng tôi từ Nha Trang di dời đến huyện Ninh Hòa được 3 năm, rồi đến  ngụ tại vùng đất này năm 1958 theo bước chân của cha trên bước đường binh nghiệp để sinh sống trong lúc nhà cửa còn xơ xác và dân cư rất thưa thớt. Dĩ nhiên, tuổi non dại của tôi bắt đầu từ Dục Mỹ cho đến khi tôi tập tễnh cắp sách đến trường bằng lớp vở lòng tại đây, rồi nghiễm nhiên trở thành cô nữ sinh của hai trường Trung Học Bán Công và Trần Bình Trọng, Ninh Hòa.

Dục Mỹ có rừng núi cằn cổi nhưng có địa thế nằm trong khung cảnh thiên nhiên bình dị và được bao bọc chung quanh bởi những dãy núi thật hùng vĩ, như che chở sự sống bình yên cho những người dân di cư trú ngụ từ bốn phương trời. Hầu hết, họ là những gia đình quân nhân di hành theo bước chân của người cha trong quân ngũ đến đây lập nghiệp sinh sống trên mảnh đất này.


2- Trái Cây Rừng và Dân Bản Thượng:

Vì đời sống ở Dục Mỹ gắn liền với vùng núi, nên chúng tôi thường thưởng thức nhiều loại trái cây rừng rất ngon và lạ miệng quanh năm. Nhất là trái Chùm Bao có vị chan chát được bọc trong lớp lụa mỏng; trái Say có lớp nhung tuyệt đẹp và óng ả bên ngoài, đậm đà với hương vị chua chua ngọt ngọt. Muốn nếm hương vị bùi bùi của trái Cầy, người đi rừng phải đi tận vào rừng sâu nhặt những trái chín khô rơi rụng xuống mặt đất. Vỏ của trái Cầy được đập ra làm đôi sau khi vứt bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, bên trong kết tụ một lớp nhân trắng ăn rất đậm đà. Muốn nhuộm chàm, Dục Mỹ có trái Trâm. Trái Trâm có màu tím đậm, vị ngọt chát, khi ăn xong, dù chỉ một quả, người ta không thể nào che dấu được một màu tím sẫm khó phai nhuộm hằn trên môi miệng. Còn nhiều loại trái cây rừng khác nữa như trái da đá, trái chùm quân,....mà tôi không thể nào liệt kê hết được với khuôn khổ hạn hẹp của bài viết.

Trong tất cả các loại cây trái rừng, một số trái cây chúng tôi có thể tự hái trên cây, còn một số trái khác do người dân tộc Rađê hái sẵn để đổi lấy lương thưc hay nhu yếu phẩm với người Kinh buôn bán tại chợ. Cũng cần nhắc lại, người dân tộc Rađê sinh sống trong những bản rừng xung quanh Dục Mỹ, họ chiếm đa số trong số những sắc tộc thiểu số có mặt trong tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ. Họ giữ phong cách riêng theo phong tục của người dân bản Thượng, đáng kể nhất là việc họ ăn mặc chỉ đủ che thân. Ðàn ông thì đóng khồ chân trần, trong khi phụ nữ Rađê cuốn sà rông với một máng gùi đeo sau lưng để điệu con nhỏ theo cùng, hoặc những thứ trái cây nặng trịch, hằng ngày xuống chợ Dục Mỹ mua bán hoặc trao đổi lương thực.


3- Con Suối và Nhu Cầu Nước:

Băng ngang qua chiếc cầu lớn Dục Mỹ, bên dưới cầu là một con suối lớn có dòng nước chảy xiết quanh triền núi, và là nguồn cung cấp lượng nước bất tận cho sinh hoạt hằng ngày của dân cư tại vùng đất nhỏ khô cằn này. Ngoài suối lớn Dục Mỹ, còn có những con suối chung quanh khu vực như suối Cầu Treo, suối Cầu Đỏ, suối Nhà Thờ, và suối Núi Đeo..., tât cả cùng một thượng lưu sông nguồn cung cấp lưu lượng nước không kém.



Hình ảnh khi tôi còn bé, cứ vào mỗi chiều về, hầu hết mọi người, như một thông lệ dắt nhau ra tắm suối, song trong tay của họ luôn bận rộn với thau, chậu chất đầy quần áo khệ nệ mang ra suối để giặt giũ trên những mõm đá lởm chởm quanh đó. Dưới chiếc cầu nhỏ với chiều ngang khoảng 4 mét tạo một vùng nước cạn có nước chảy xiết, nên bọn trẻ thích thả mình trôi theo dòng nước chảy mạnh một cách thích thú. Hình ảnh khó nhọc của những phụ nữ bước nhanh trên đôi chân thoăn thoắt nhịp nhàng, đôi vai chùng xuống với chiếc đòn gánh bắt ngang giữ hai thùng đấy ắp nước nặng chĩu. Họ đi đi, về về, lấy nước đổ đầy bồn hoặc thùng tô-nô (tonneau), thùng phi (fût) chứa nước để gia đình xử dụng. Nước suối cũng đã đóng góp không ít vào việc tạo dựng công ăn việc làm hằng ngày cho những người gánh nước thuê đến các hộ gia đình khá giả hơn. Hình ảnh sống động của nếp sinh hoạt quanh con suối vào những buổi chiều về, thật nhộn nhịp và ấm áp tình người mà tôi dù đi đâu vẫn không bao giờ quên được hình ảnh dễ thương ấy.

 

Ai đã từng sinh sống tại Dục Mỹ chắc chắn đồng ý với tôi rằng dòng suối thiên nhiên mát dịu và ngọt lịm này đã nuôi dưỡng đời sống và là nguồn tiếp liệu nước uống cần thiết quanh năm cho mọi người.

Chung quanh quê nhỏ của tôi là những dãy núi đứng sừng sững mà trên ấy có nước nguồn đổ xuống với cường độ mạnh chảy thành dòng thác; tạo thành một đường thẳng trắng xóa với bọt nước như tô điểm cho dãy núi thêm hương sắc núi rừng. Xa hơn nữa, một dãy núi cao vời vợi với hai chóp núi cao và thấp, nằm kế cận bên nhau mà người dân Dục Mỹ gọi là núi Vọng Phu. Ðây là một ngọn núi lịch sử làm tôi rất hãnh diện cho quê nhỏ của tôi bởi lẽ theo truyền thuyết xa xưa truyền tụng về một sự tích nói lên sự chung thủy của người phụ nữ chính chuyên bồng con chờ chồng biền biệt ngoài quan san biên ải, và đặc biệt nhắc tôi nhớ lại 3 bài hát bất hủ "Hòn Vọng Phu 1,2, 3" do cố nhạc sĩ Lê Thương sáng tác.





4- Suối Nước Nóng:

Theo quốc lộ 21 đi lên cây số 24, Dục Mỹ còn có một con suối nước nóng với khung cảnh rất thiên nhiên của núi rừng miền nhiệt đới. Suối nước nóng chỉ cách chợ Dục Mỹ khoảng chừng 7 cây số (km) về hướng Khánh Dương và Buôn Mê Thuột. Khoảng cách từ ngoài lộ đi vào con suối độ khoảng dưới 1 cây số dọc theo con đường rừng. Khung cảnh núi rừng thật nên thơ, quyện trong làn khói trắng bốc lên từ những giòng nước nóng có nhiệt độ khoảng từ 75° C và 80° C tuôn ra từ những phiến đá lớn nhỏ.

Mọi người thường đến đây vui chơi trong những ngày cuối tuần, hưởng hương vị trong lành của rừng núi và được thả mình trong giòng nước âm ấm đặc mùi khoáng chất thiên nhiên. Họ không quên mang theo trứng gà đến đây để luôc ngay dưới những giòng nước phun âm ỷ đang bốc khói.

Tiếc thay, những năm sau đó vì tình hình an ninh nghiêm ngặt nên chẳng ai lui tới nữa, nhưng con suối vẫn tồn tại với đất trời và thiên nhiên, giòng nước nóng vẫn tuôn ra từ những phiến đá. Ngày nay, con suối đã được tu bổ lại thành một khu du lịch nổi tiếng, nên suối nước nóng không thể nào thiếu trong những chương trình của các Tour du lịch tại thành phố NhaTrang.


5- Lũ Lụt:

Vì có những thác nước nguồn bao quanh quê nhỏ của tôi nên lũ lụt thường xảy ra vào mùa mưa khoảng tháng 10 mỗi năm. Nước lũ chảy tràn trụa vào những thung lũng. Lòng người dân nơm nớp lo sợ và âu lo như những hàm số biến đổi theo mực nước khi họ nhìn thấy dòng nước suối đã biến sắc, đang trong veo biến thành một màu đỏ đục ngầu, hoặc khi mực nước chẳng mấy chốc dâng cao tràn vào các khu dân cư...Nhờ có 3 trung tâm quân đội trong thời chiến tranh đóng tại đây, nên người dân Dục Mỹ luôn luôn được sự giúp đỡ kịp thời. Đặc biệt, khu vực nhà thờ và ngôi chùa là những nơi cao ráo không bao giờ bị nước lũ tràn vào, do đó người dân chọn hai nơi này để tá túc tạm thời trong những lúc nguy khốn. Dù dòng nước đã đổi màu nhưng chúng tôi vẫn phải dùng nước suối để uống bằng cách áp dụng phương pháp lọc nước cổ điển qua quá trình lọc nước, thấm thấu xuyên từng lớp than, sỏi và cát mịn ngõ hầu có lượng nước tinh khiết cần cho sự sống của cả gia đình trong mùa mưa.


6- Những Con Ðường Chánh và Sự Sinh Hoạt:

Vị trí con suối nằm ngay phố nhỏ bao gồm trọn 5 con đường chính san sát bên nhau, được đánh số từ số 1 đến số 5.

Đường số 1 qua con phố chính sầm uất, dĩ nhiên có nhiều tiệm tạp hóa lớn, quán ăn lớn và quán cà phê đông khách vãng lai vào mỗi chiều tối sau giờ làm việc.


Đường số 2 sinh hoạt buôn bán vào buổi sáng gắn liền với chợ, một vài quán cơm bình dân với lượng khách đông đúc đến quán ăn cơm tháng thường xuyên.


Đường số 3 đặc biệt có nhiều tiệm Bida và bóng bàn cho thuê tính theo giờ. Một vài quán cà phê, một ít tiệm cho thuê truyện, tiệm may, tiệm giặt ủi và những hàng bán bánh kẹo rải rác trên con đường này.


Đường số 4 và số 5 gồm hầu hết những hộ dân làm những món ăn chuyên môn của người miền Bắc như đậu hủ, tương, dưa muối và cà pháo muối... Lúc nào cũng có người đến mua dùng, tiện lợi và tăng thêm hương vị cho những bữa cơm gia đình.

Tuy chiều dài của mỗi con đường chỉ vào khoảng 300 mét nhưng cuối đường đầy dẫy những sinh hoạt và giải trí cần thiết. Cuối dãy phố 1 và 2 là khu chợ nhóm họp tấp nập nhưng chỉ nhóm vào buổi sáng vì không có chợ chiều, và cuối đường số 3, 4, 5 là rạp hát. Thỉnh thoảng, các đoàn cải lương đến trình diễn tại rạp, tạo cho bầu không khí nơi quê nhỏ đèo heo hút gió của tôi thêm náo động và nhộn nhịp về đêm.

Sinh hoạt về đêm càng tấp nập hơn nhờ những quán nước sinh tố dọn ra tại các đầu phố trước lúc chiều muộn ngã màu đen. Những ngọn đèn xanh đỏ chớp nháy pha lẫn tiếng nhạc mở to của các quán nước đã không hề có sự phiền hà chung quanh.

Dân cư của vùng đất nhỏ này càng ngày càng đông đúc, nên sự buôn bán trở nên phồn thịnh hơn. Dần dần người dân quanh đây hưởng một đời sống tương đối ổn định, một mảnh đất thân yêu để sinh sống trong đó có các khu trại gia binh san sát trong những khu vực riêng của mỗi đơn vị quân đội. Vì sự gần gủi và cảm thông cảnh ngộ của những người di cư từ những nơi khác nên họ có tình làng, nghĩa xóm và cách sống rất thân thiện trong tình người.


7- Chùa và Nhà Thờ:

Bên kia quốc lộ 21 là bến xe Lam Ninh-Hòa - Dục Mỹ. Ðầu các con đường chính nằm ngay quốc lộ 21 này, nơi đây ta có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ chính phía bên tay phải. Từ ngoài cổng nhìn vào là hai hàng dương cao và thằng tấp dẫn vào chánh diện của nhà thờ, bên cạnh là một hang đá kiên cố nằm đối diện với dãy phòng học của ngôi trường Tiến Đức. Hồi ấy, tiếng chuông nhà thờ rung và ngân vang đúng vào giữa trưa và 6 giờ chiều như chiếc đồng hồ lớn điểm báo giờ quen thuộc ở Dục Mỹ. Mỗi buổi sáng chủ nhật, mọi người có thói quen đi xem lễ, tạo cho trung tâm phố chợ nhỏ bé nơi có núi rừng bao bọc thêm màu sắc vui tươi và sinh động.

Ngôi chùa Mỹ-Sơn-Tự nằm phía tay trái, có một khoảng sân rộng giữa những hàng cây cao su được trồng xen kẻ với nhau. Nhờ những tàng lá xum xuê rậm rạp che khuất ánh nắng chói chang gay gắt giữa trưa và tạo nhiều bóng mát nên đã giúp nhiều cho khối học sinh của trường Tiểu Học Bồ Ðề hiếu học ngồi dưới gốc cây hàng giờ để khảo sát hoặc ôn bài vở.

Thành phố Dục Mỹ luôn tổ chức linh đình những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Phật Đản, Vu Lan ..., nhờ vào sự hổ trợ của ba trung tâm quân đội, đã tạo niềm vui hân hoan cho tất cả người dân không phân biệt tôn giáo. Họ cùng nhau tham dự và đón mừng ngày Phật Ðản và Chúa giáng sinh vào giữa đêm khuya vui nhộn.

Tôi không quên những bộ đồng phục váy xanh áo lam trong đoàn sinh Oanh Vũ và những buổi sinh hoạt tập thể trong Gia Đình Phật Tử tại chùa Mỹ Sơn Tự vào những chiều Chủ Nhật. Sinh hoạt Gia Ðình rất hấp dẫn và mạnh mẽ nhờ vào sự hướng dẫn của các anh quân nhân Huynh Trưởng đến từ các thành phố lớn. Chúng tôi có Đoàn Quán để sinh hoạt và một sân chùa thật rộng lớn dưới chân cây Bồ Đề cổ thụ. Dựa vào nền tảng đạo pháp và tinh thần tập thể được giải thích tường tận và dẫn dắt tỉ mỉ nên chúng tôi luôn biết nhường nhịn, chia xẻ, và nhất là tránh được sự đố kỵ lẫn nhau.


8- Trường Học:

Dục Mỹ có 2 ngôi trường do nhà Chùa và nhà Thờ dựng lên: Tiểu học Bồ-Đề và Trung Tiểu Học Tiến-Đức. Tôi theo học 6 năm tiểu học từ lớp Mẫu giáo đến lớp nhất (1960-1966) tại trường Bồ Đề. Trường có tất cả 6 phòng học tọa lạc phía sau Chùa. Ngôi trường thân yêu của tôi lúc bấy giờ thật nghèo nàn được xây bằng vách đất mái tranh, đã trải qua bao tháng ngày nắng mưa và lũ lụt nên tường đất bị tróc đụng chân tường, loang và khoét lổ lớn nhỏ nhiều nơi. Ðám học trò quỷ quyệt chúng tôi tinh nghịch đặt tên "lổ chó đẻ" vì ai ai cũng có thể chui ra chui vào lớp học xuyên qua những lổ này mà không cần ra vô bằng cửa chính. Rồi những trận mưa rào tầm tã kéo đến, chúng tôi phải ngồi co rút cả hai chân trên chiếc ghế nhỏ ngồi học bài vì nước mưa dâng tràn vào các lớp học. Vài năm sau, trường học được xây cất lại khang trang hơn với gạch ngói, gia tăng thêm ba phòng học và sân chào cờ. Với đà phát triển không ngừng lúc ấy, ngôi trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội cũng đã được lập nên và khánh thành sau đó.

Khi hoàn tất xong các lớp tiểu học, chúng tôi phải xuống phố Huyện Ninh-Hòa hầu tiếp tục bậc trung học tại các trường Trung Học Tư Thục Bán Công, Đức Linh và Trung Học Công Lập Ninh Hòa. Vì chúng tôi là những hộ gia đình quân nhân nên ba trung tâm quân đội đặc phái ba chiếc xe vận tải lo đảm trách việc chuyên chở và đưa đón học sinh mỗi ngày.

Tôi không thể nào quên được những giây phút đứng chờ xe đến đón tại bãi tập trung trước cổng nhà thờ và vui đùa cùng bạn bè trên xe. Những hình ảnh thầy cô và trường lớp thật khó phai mờ trong ký ức của tôi trong suốt 7 năm Trung Học ở Ninh Hòa. Tôi nhớ bộ môn Văn Nghệ như đàn, ca, múa và hát mà học sinh Dục Mỹ chúng tôi được quý thầy cô chiếu cố hoặc trưởng ban văn nghệ nhà trường chọn lựa, và luôn luôn chiếm ưu thế toàn trường cả lượng lẫn phẩm . Dù chúng tôi sinh ra tại Dục Mỹ hay theo bố mẹ đến đây từ những miền Trung, Nam và Bắc nhưng những cá tính riêng biệt của mỗi miền, của mỗi cá nhân đã được chúng tôi hòa đồng với nhau và thương yêu nhau hết mực.


9- Kết Luận:

Chiến tranh đã xảy ra không sao tránh khỏi sự tàn phá một phần tích xưa. Người người đã ly tán khắp nơi, vật đổi sao dời, bao sinh hoạt cũng buồn cuốn mất. Dù đã xa rời vùng đất nhỏ nhưng trong tôi lúc nào cũng ôm chặt vào, lòng hoài niệm Dục Mỹ, và tôi mong muốn trở về quê nhỏ của tôi để nhìn lại những hình ảnh và kỷ niệm xưa. Thật thế, tôi tin chắc những ai đã từng sống và từng ghé qua xứ nhỏ Dục Mỹ dù thời gian ngắn hay dài, ai ai cũng giống như tôi đều ao ước một lần quay trở lại. Nếu được nghe bạn nào đã từng sống tại Dục Mỹ, lòng chúng tôi thật vui mừng chào đón bạn như tìm lại được một người thân yêu trong gia đình vậy!


Cho mãi đến bây giờ dù cuộc sống của mỗi người đã tứ tán khắp nơi và ba trung tâm quân đội đã giải tán, thế nhưng anh chị em chúng tôi, những người đã từng trải qua những thời thơ ấu trên vùng đất nhỏ Dục Mỹ này, còn có chút may mắn liên lạc được với nhau trong tinh thần tương thân tương trợ như những cánh chim Oanh Vũ đã một thời cùng một tổ ấm.

Con suối vẫn tồn tại, dòng nước êm đềm vẫn chảy như ngày nào, những con đường xưa còn đó nhưng: "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ ?..."

Tôi yêu lắm dòng suối mát ngọt ngào, nhớ tiếng nước róc rách chảy, thương quá một vùng trời nhỏ, bao la núi rừng, đời sống mộc mạc và ấm áp tình người; Dục Mỹ, tên gọi thân thương của quê nhỏ dấu yêu, chắc chắn không bao giờ đánh mất trong lòng tôi.


Hà Thị Thu Thủy
Giữa tháng 3/2004

http://www.ninh-hoa.com/Ninh-Hoa_HTTT_Duc-My-1.htm

No comments:

Post a Comment