Tuesday, November 26, 2013

Một Thoáng Trường Nữ _T/g Lương Lệ Huyền Chiêu


Lương Lệ Huyền Chiêu
Học sinh Đệ Nhị C
Nữ Trung Học Nha Trang
(1965-1966)

Bài đã được đăng trong ĐS Áo Trắng Trường Xưa Phát hành nhân dịp cựu học sinh Nữ Trung Học Nha Trang hội ngộ tri ân thầy cô tổ chức tại Nha Trang ngày 25 tháng 11- 2012./.

Năm 1965 tôi chuyển trường vào học lớp đệ nhị C ở Nữ Trung Học Nha Trang. Trước đó tôi chưa từng học ở một trường nữ nên trong lòng tôi thầm có sự so sánh. Và thực lòng tôi thấy tiêng tiếc cho quyết định tách nữ sinh của Võ Tánh để thành lập trường Nữ. Ngồi ở trường Nữ tôi cảm nhận một không khí khá tẻ nhạt và thiếu cái vui của lứa tuổi học trò luôn tràn đầy ở những trường có nam nữ học chung.


Chúa rất nhân từ và tâm lý khi cảm nhận được sự cô đơn của Adam dù chàng đang được sống ngay trên thiên đàng, và ngài đã tạo ra nhân vật nữ Eva để từ đó họ không thể sống thiếu nhau. Nếu trái đất của chúng ta được chia làm hai phần, một lãnh địa riêng cho đàn ông và một phần đất bên kia dành cho đàn bà thì mọi sự sẽ trở nên không bình thường.

Không những học sinh trường Võ Tánh, trường Nữ bị mất đi một quảng đời học sinh thú vị mà ở trường Nữ, các cô giáo trẻ trung, xinh đẹp của tôi cũng rất thiệt thòi. Khi đọc chuyện Tây Du Ký chẳng phải chúng ta đều ngạc nhiên và bâng khuâng thương xót cho cái xứ Tây Lương Nữ Quốc?

Có thể ai đó cho rằng hình ảnh giờ tan trường ở Gia Long, Trưng Vương, Đồng Khánh, Nữ Trung Học với những tà áo trắng tung bay như bướm lựơn là nét đẹp đáng tự hào của thành phố, của truyền thống, và là niềm mơ mộng của thi nhân. Tôi không đồng ý với quan niệm hơi thiên về hình thức này.

Một lần đọc một bài thơ tả cảnh tan trường ở trường Đồng Khánh với những tà áo tung bay trắng cả cầu Tràng Tiền và trắng cả bến đò Thừa Phủ tôi thấy buồn. Các nhà thơ chỉ biết thưởng thức cái đẹp của tà áo trắng nhưng ít người hiểu được những suy nghĩ của chúng tôi. Cho nên cũng cám ơn Huy Cận khi ông mô tả giản dị:

“Sáng hôm nay hồn em như tủ áo
Ý trong veo là lược xếp thành đôi”

Ngồi học ở trường Nữ, tôi lại nhớ đến ngôi trường Nguyễn Huệ của tôi ở Tuy Hòa. Đó là một ngôi trường cũ kỹ và quê mùa nhưng rất sinh động vì có …Adam học chung với Eva. Tôi nhớ những lần du ngoạn ở bãi biển Mỹ Á với biết bao hồi hộp, chờ đợi rộn ràng, những lần cắm trại ở rừng Dương, bọn con trai con gái chạy nhảy tung tăng, hít thở biển trời thoáng đãng, nhớ những buổi diễn văn nghệ mà không cần gái giả trai đóng vai tướng sĩ, nhớ hình ảnh rất lãng tử của anh K, học lớp đệ nhất cao lêu nghêu, gầy gò ôm đàn guitar hát bài “Tôi Đưa Em Sang Sông” :


“ Tôi đưa em sang sông
Bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân
Sợ bến gió buốt trái tim…”

Hôm ấy các thầy sững sờ nhận ra học trò của mình đã lớn và chắc chắn anh K cũng đã làm “buốt trái tim “ của ai đó.

Hè đến chúng tôi thẹn thùng trao cho nhau tập lưu bút ngày xanh. Những tấm hình được dán nghiêng nghiêng chung quanh có vẽ mấy cành hoa vụng về và bên cạnh là những dòng chữ viết nắn nót:

- Tặng Tuấn để nhớ mãi đến Lan
- Kỷ niệm mùa phượng vỹ 19….
- Người ơi thấm thoát niên học hết rối…

Những ngày mới vào trường Nữ lòng tôi hoang mang như vậy đó. Nhưng tôi phải quay về với việc học chứ. Sắp đến kỳ thi tú tài bán rồi.

Điều mà tôi thích ngôi trường này là tôi được học với các cô giáo rất giỏi. Cô Cung điều khiển lớp học như tướng quân ra trận. Nhờ vậy lớp luôn im re, luôn trật tự, luôn quy cũ và môn tiếng Anh của chúng tôi tiến bộ trông thấy . Tôi vẫn còn nhớ những đoạn văn của Mark Twain viết về dòng Mississippi mà cô Cung trích dạy cho chúng tôi.

Tiếng còi của những chiếc tàu hơi nước trên dòng sông xa lạ ấy như vẫn còn vang vọng trong ký ức của tôi. Tôi vẫn nhớ chị Bich Vân, nhớ bạn Phú Thành, Tuyết Nhung, Kim Chi, Như Thường vui vẻ thân thiện và luôn học thật giỏi môn tiếng Anh.. Cô Thu Tuyết dạy Việt Văn rất hấp dẫn. Có lần dạy “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh cô đặt câu hỏi “Theo các em, Loan không yêu chồng nhưng cô có ghen không?”

Hiền lành vui vẻ nhất là cô Mỹ dạy vạn vật. Phóng khoáng và vô cùng tự nhiên là cô Mộng Lan, dạy công dân, có lần cô vừa giảng bài vừa trèo lên bàn giáo sư ngồi.

Thầy Bào là một trong vài thầy giáo hiếm hoi dạy ở Nữ Trung Học. Than ôi, thầy còn dịu dàng hiền lành hơn cả các cô giáo. Còn thầy Can dạy lý, hóa thầy Trung Trinh dạy toán cũng bắt chước thầy Bào, lúc nào cũng tươi cười nhũn nhặn, hiền như Bụt.

Hình như bọn con gái chúng tôi đều mong có nhiều thầy giáo nghiêm khắc, khó chịu hơn và kiêu kỳ một chút để chúng tôi có dịp…dèm pha và tò mò theo dõi cuộc sống riêng tư của các thầy.

Ở trường Nữ, điều dễ chịu nhất là tôi có thể nhìn ngắm các cô giáo xinh đẹp. Cô Phương Thanh có dáng đi uyển chuyển, cô Thanh Trí có nụ cười thật tươi và đôi mắt biết nói. Cô là giáo sư dạy hội họa và cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Cô rất “ấn tượng” vì vừa mang nét đẹp hiện đại của tây phương vừa mang nét đẹp đằm thắm của đông phương. Tôi rất ái mộ cô Thanh Trí. Tôi cũng thích ngắm cô Bùi Ngoạn lạc với đôi môi tô son màu cánh sen. Cô là tấm gương thanh lịch, trang nhã cho học trò của mình.

Và cô giáo mà tôi nhớ mãi là cô giáo dạy tiếng Pháp, Đặng Thị Thu Vân. Sinh ngữ chính của tôi là môn tiếng Anh. Lên lớp đệ tam tôi mới bắt đầu học tiếng Pháp và tôi chưa quen với ngôn ngữ khá phức tạp này. Nhưng tôi không muốn làm buồn lòng cô Thu Vân. Tôi mua một quyến văn phạm tiếng Pháp và cố học cho theo kịp các bạn.

Cô Vân rất đẹp và ít khi thấy cô cười. Cô hơi buồn. Khi đến trường cô hay ôm chiếc cặp trên ngực như học trò.Tôi thích nghe cô Vân đọc tiếng Pháp. Nhờ học với cô Thu Vân tôi thấy yêu tiếng Pháp và nhận ra nét đẹp của nền văn chương vô cùng lãng mạn.


 Một lần cô dạy chúng tôi hát bài Sur Le Pont D’Avignon, khi hát đến câu

“Les beaux messieurs font comme’ ça
Et puis encore comme’ ça “

Cô cúi đầu, một tay đặt sau lưng, một tay làm điệu bộ cầm chiếc mũ quý tộc chào một công nương nào đó. Rồi cô nhoẻn miệng cười thật đẹp.

Kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt năm đó, trong giờ thi oral môn tiếng Pháp tôi bắt trúng lá thăm đọc thuộc lòng bài thơ khóc con gái vừa qua đời của Victor Hugo.

Tôi lên bảng đứng nhiêm chỉnh đọc, giọng thủ thỉ:
“Demain des l’aube, à l’heure où blanchit la campagne
Je partirai, vois tu, je sais que tu m’attends….”

Kỳ thi đó tôi được cô Vân chấm điểm cao nhất môn đọc tiếng Pháp. Tôi rất sung sướng.

Một năm ở trường Nữ rồi cũng trôi qua. Sang năm đệ nhất tôi lại được qua Võ Tánh học chung với nam sinh vì trường Nữ khi đó chưa có lớp đệ nhất. Vậy là Eva gặp lại Adam. Nhưng năm học ấy tôi không thấy vui. Không hiểu sao chỉ mới 17 tuổi mà tôi thấy bọn tôi đã già.

Cánh cửa đời đã hé mở, chờ đón bước chân non nớt của chúng tôi, và chắc chắn con đường phía trước sẽ vô cùng chông chênh với nhiều bất trắc .. Bạn gái của tôi có người đã có người yêu và có người đã kín đáo nhận lễ dạm hỏi. Chiến tranh đang đến rất gần, các bạn trai cùng lớp trở nên già dặn, ưu tư, lo lắng vì chuyện học hành, thi cử, lính tráng. Lớp học không còn hồn nhiên như thuở mới lớn.

Lúc này tôi lại bâng khuâng nhớ về trường Nữ với những kỷ niệm rất nhẹ nhàng. Nếu cuộc đời là một dòng sông thì một năm ở trường nữ là một bến sông êm ả và trong trẻo.

Thời đi học, tôi thay đổi nhiều trường và niềm vui, nỗi buồn cũng thay đổi theo những tâm trạng bất chợt, suy nghỉ mông lung của tuổi mới lớn.

Nhưng tôi vẫn luôn cho rằng rằng tôi may mắn vì các thầy cô mà tôi từng được theo học đều rất đẹp, đẹp từ trí thức đến nhân cách.

http://www.ninh-hoa.com/VT-NTH-2012_LLHuyenChieu_MotThoangTruongNu.htm

Poster's note: Không biết hoa hậu xứ xã nghĩa có khả ái như nữ sinh VNCH?

No comments:

Post a Comment