Tuesday, April 29, 2014

Quân Trừơng



Nữ Quân Nhân QL-VNCH (đẹp như minh tinh màn bạc!)

Có một điều cũng la, chúng tôi đã 17, 18 năm rồi, ngồi chuyện trò đủ thứ trên đời nhưng, chưa bao giờ hó hé đến “thao trường đổ mồ hôi”. Hôm nay nhân có tin Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng là Hạm trưởng Khu Trục Hạm USS Lassen (DDG 82 ) đắc giá và tối tân của Mỹ vừa cặp bến Ðà Nẳng ngày 7 tháng 11 năm 2009, chú Mười Út bổng có ý kiến: “rằng sao ta không đả động gì đến trường đã dạy ta đánh giặc!?.

Tôi đề nghị, sáng nay anh Năm Lào Cai nói trước về thời gian thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung rồi Thủ Ðức. Tôi sẽ nói về Trường Ðại Học ChiếnTranh Chính Trị Ðà Lạt ngày mai.


Tuần tự những ngày kế tiếp, các anh Hai Huế kể về Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia trong Biệt Khu Thủ Ðô ; Anh Bảy Chà nói về Trường Quân Y từ Hùng Vương qua Nguyễn Tri Phương ; Anh Ba Quảng nói về Trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt trên đồi Langbiang; Anh Tư Mập nói về Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức ngoài Ðồng Ðế, Nha Trang. Bây giờ và bây giờ đây, xin anh Năm Lào Cai bắt đầu”. Không phải mệnh lệnh nhưng là một thái độ tự nhiên và hợp lý, tôi cười xòa, đồng ý ngay. Bên kia các ông bạn Tư Mập, Hai Huế, Bảy Chà, Ba Quảng gật gù. Tôi nhắp môi hớp Trà Móc Câu Bắc Thái mà anh Hai Huế khoe là “của ông bạn mới từ Việt Nam về, đem cho”. chát chát, ngọt ngọt trơn cuống họng…bắt đầu :

Các anh đã biết, vì nhu cầu chiến tranh, đất nước ta dậy lên làn sóng nhập ngũ. Các trung tâm huấn luyện quân sự, bán quân sự và cán bộ, công chức được thành lập trên khắp bốn vùng chiến thuật. Quân Ðoàn I có TTHL Ðống Ða ở Phú Bài, Thừa Thiên. Quân Ðoàn II có TTHL Lam Sơn ở Dục Mỹ, Khánh Hòa. Quân Ðoàn III có TTHL Vạn Kiếp ở Bà Rịa, Phước Tuy. Quân Ðoàn IV có TTHL Chi Lăng ở Thất Sơn, Châu Ðốc. TTHL Cảnh Sát Dã Chiến ở Trại Mát, Tuyên Ðức. TTHL Cảnh Sát Quốc Gia, TTHL Cán Bộ XDNT và TTHL Công Chức ở Rạch Dừa, Vũng Tàu…

Chưa nói đến mỗi Sư Ðoàn, mỗi Trung Ðoàn ngay cả mỗi Tiểu Khu cũng có những trung tâm huấn luyện riêng. Nói chi những Binh Chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Hải Quân, Không Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp…đố ai mà nói cho hết, biết cho cùng. Có điều, nói đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ thì cả nước ai cũng biết rằng: “Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, xếp bút nghiêng theo việc đao cung” bắt đầu “vào nơi gió cát”.

Tôi đến đây vào buổi trưa, một ngày trung tuần tháng 12 năm 1970 để làm Tân Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan Khóa 6/70 Sĩ Quan Trừ Bị Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Thinh không iêng ả. Bốn bề cây bả đậu gai góc, âm u. Những người phung cùi lạy lục xin ăn xa xa ngoài kia. Anh lính gát đây nầy trong bót canh như buồn ngủ…như lòng buồn vời vợi !?.

Bước vào Trại Nguyễn Tri Phương là “đoạn trường chiến binh”. Ðời dân sự thong dong nghêu ngao tháng ngày xin để lại ngoài mà bước một bước vào trong là bước nhịp quân hành đời lính KBC 4091 “quân lệnh như sơn”..

Cởi cái áo Montagu đỏ màu bordeaux và cái quần Jean Levi’s cao bồi màu xám mà thay vào bộ treillis màu xanh olive thụng thịnh. Từng đứa nhìn nhau vừa cười méo miệng vừa rơm rớm nước mắt cái đầu húi trọc để ra những cái thẹo vô duyên chình ình. Ðầu thầy tu mà đội “nón hai lớp”, trong nhựa, ngoài sắt vừa đau vừa nặng. Tháo ra đôi giày “lấy le” da đen Thụy Sĩ bóng loáng, mang vào hai chiếc giày bố nhà binh, lãnh làm sao mà hai chưn hai số, mất công chạy tới chạy lui đổi.

Cất dây nịt da đắc tiền vợ mới mua tháng trước, lãnh dây centuron to tổ bố và dây ba chạc lủng lẳng kèm theo một bidon nhựa với bốn túi đạn cho đủ bộ. Trải ra cái poncho liner nylon mới phát, bỏ hết vào đó cái ballot và cái sac marin vải bố dày cộm, cái gamelle với cái ca đựng nước bằng inoxydable, cái xẻng xếp bằng sắt cán gỗ, cái võng và cái mùng nylon với cái mũ trùm chống muổi, cái mũ lưỡi trai, cặp áo thun vải màu olive với hai đôi vớ nhà binh, cái băng cá nhân với tấm thẻ bài… đi suốt cuộc đời sống chết, vui buồn người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Tất cả chúng tôi bắt buộc như những đứa con nít làm theo mệnh lệnh : “Sắp hàng lảnh quân trang, quân dụng”, “sắp hàng đến trạm xá uống thuốc”, “sắp hàng xuống nhà bàn”, “sắp hàng điểm danh”, “sắp hàng nghe chỉ thị”, “sắp hàng đi làm tạp dịch”… của ông Trung Sĩ già. Trại Nguyễn Tri Phương chỉ là trung tâm chuyển tiếp. Nơi đây người ta chú trọng việc cung ứng những nhu cầu cho một người trai sắp vào đời quân ngũ. Chúng tôi còn thời gian vài ngày quanh quẩn tư lự, tự do lòng vòng trong khuôn viên doanh trại. Những chàng trai không hẹn mà gặp, không quen mà thân.

Họ khác nhau từ “bốn vùng chiến thuật”, từ tuổi tác, từ trình độ văn hóa, từ giai cấp, từ đơn vị…về đây kết tình “huynh đê chi binh”. Tôi có các ông bạn Nguyễn Văn Trắng, nhưng đen thui, biệt danh Trắng Ðen, Ðại Ðội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến ở Sài Gòn, nguyên là Sinh Viên Sĩ Quan Biên Tập Viên Khóa III Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia; Hai ông Nguyễn Văn Phú và Lê Văn Quyền ở Ðà Lạt, gốc Nghĩa Quân. Một người em hàng xóm cùng quê Phan Thiết của tôi, Nguyễn Văn Hùng, Khóa II Chiến Tranh Chính Trị. Hùng, có lúc tôi kèm Pháp Văn tháng Hè năm 1963.

Chúng tôi lang thang ra cổng, nhìn bên ngoài, con đường dài thật dài hiu quạnh. Trong lúc chờ qua Trại Võ Tánh bước vào quân trường, chúng tôi thường “tà tà” quanh quẩn hay chuyện trò vu vơ yêu đương, bút nghiêng, lính tráng…và cải nhau về ông Chuẩn Tướng Chỉ Huy Trưởng Hoàng Văn Lạc. Có anh cho rằng, ổng là Ðại Tá. Có anh cho rằng, ổng là Thiếu Tướng. Có anh tỏ ra hiểu nhiều, không biết trúng hay sai, rằng năm 1954 ổng là Trung Tá Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 52 Bộ Binh, 1958 là Ðại Tá Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống sau là Tỉnh Trưởng Tỉnh Kiên Giang vân và vân vân. Nhưng bạn Phú lưu ý rằng, “các ông coi chừng lộn với Ðại Tá Huỳnh Văn Lạc cùng khóa 3 Thủ Ðức với ChuẩnTướng Nguyễn Khoa Nam” .

Tôi thì mù tịt, sau nầy mới biết, trong quân đội mình còn có Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc, Tư Lệnh Sư Ðoàn 9 Bộ Binh từ tháng 10 năm 1973 đến 30 tháng 4 năm 1975. Ðến trưa ngày 24 tháng 12, chúng tôi được lệnh “xả trại” 48 tiếng đồng hồ về ăn Noel. Vậy là, tôi không mất đêm dắt bà xã đi lòng vòng khu Nguyễn Huệ, Tự Do, Nhà Thờ Ðức Bà…tay cầm cây kem lạnh North Pole và đêm “Ăn Réveillon” như mọi khi. Mừng húm! Chỉ mới mấy ngày thấy đã tù túng, nhớ vợ, bạn bè, phố phường… Huống gì!!!

Xế chiều ngày 26 tháng 12, chúng tôi theo xe Lam vào lại Trại. Người người nói cười vui vẻ. Hôm sau, một người bạn tôi Huỳnh Ngọc Thuận không được tiếp tục khóa học vì, “bệnh sưng màn óc” cùng với một số khóa sinh khác. Trại, cán bộ, khóa sinh…rộ lên nỗi âu lo, phập phòng. Rồi cũng không có gì. Ðâu khoảng hai ngày sau, chúng tôi khăn gói qua Trại Võ Tánh. Ở đây mới thực sự là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ở đây mới thực sự là “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Chúng tôi khoảng 130 người di chuyển qua các các con đường nhựa sạch sẽ, rợp bóng cây bả đậu, giữa những đường giao thông hào ngoằn nghèo láng bóng chạy vòng vo quanh doanh trại. Ðược lệnh dừng lại. Chúng tôi đứng giữa con đường không tráng nhựa, trước một căn nhà. Ông Thượng Sĩ già bảo “đây là Căn Nhà Ðại Ðội của các anh”. Phớt qua một lượt, tôi thấy phía phải bên kia đường có tấm bảng ciment lớn đề Tiểu Ðoàn Ðinh Tiên Hoàng. Ngoái lại sau lưng, một căn nhà dài, tường gạch tableau, mái tôle ciment, bên trong đầy những giường ngủ hai từng làm bằng sắt, đen màu hắc ín. Tất cả được phân chia ra thành từng Trung Ðội, Tiểu Ðội, điểm danh, đếm số…

Trung Úy Ấn được giới thiệu là Ðại Ðội Trưởng Cán Bộ. Thượng Sĩ, không biết tên là Thường Vụ Ðại Ðội. Khóa sinh Thược, người già nhất trong anh em, gốc Nghĩa Quân làm Ðại Diện Ðại Ðội. Ngoài đời, một Trung Úy đâu có là gì đối với mình, nhưng trong quân trường, một Trung Sĩ Tiếp Liệu hay một Thượng Sĩ Thường Vụ Ðại Ðội cũng làm cho anh chết ngất ngư được. Cặp kính trắng đeo trề thêm vẻ savant, nghiêm trang, quan trọng, uy quyền…Trung Úy Ẩn một phần như “nhát”, một phần như “dạy”, một phần như “thị uy” ban huấn thị, điều dụ quân trường bắt khóa sinh nhất nhất như đinh đóng cột “thi hành trước, khiếu nại sau”, không được suy suy suyễn. Ông Thượng Sĩ chạy tới chạy lui lo hướng dẫn, tiếp liệu, quân cụ, vũ khí…Anh Thược được đề cử làm Ðại Diện, có nhiệm vụ làm trung gian giữa cán bộ và khóa sinh, chạy lăng xăng. Trời đổ hoàng hôn, “quân trang quân dụng để tại chỗ”, lệnh của Thượng Sĩ, chúng tôi được dắt xuống “nhà bàn” ăn cơm chiều.

Một khu đất rộng, một căn nhà to có nhiều dẫy bàn với hai hàng băng dài kèm theo… bên trong đang đông người ăn uống, ồn ào. Chúng tôi ngồi dài một dãy, theo carré 4 người. Không may hôm đó, cơm bị khét, cháy…và cá lù đù chiêng hơi có mùi ương mà chúng tôi thì mới đi phép vào. Hình như không ai ăn uống gì. Có điều, nhiều người ùa nhau giành xin cho được nước nóng đổ bidon. Rồi trở lại. Rồi vào Căn Nhà Ðại Ðội. Rồi Trung Úy chỉ “đây Trung Ðôi I, đây Trung Ðội II…,đây Tiểu đội I, đây Tiểu Ðội II …”. Những ngày chưa đi bãi thì “tập họp sắp hàng, đếm số”, “tập họp đi ăn”, “tập họp đi tắm”, “tập họp lảnh vũ khí”, “tập họp tập hát”, “tập họp sinh hoạt đại đội”, “tập họp làm vệ sinh, chà láng”…từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Thả ra, ai ai cũng ngủ thẳng cẳng, ngáy thẳng giấc, quên đời dãi dầu.

Ðại đội chúng tôi hầu hết là những bạn trẻ Khóa II Chiến Tranh Chính Trị, học căn bản quân sự trước khi lên Ðà Lạt học. Phần còn lại là Cảnh Sát Quốc Gia, Nghĩa Quân, Không Quân, Hải Quân, Thiếu Sinh Quân…Trại có các Tiểu Ðoàn mang tên những vị vua hay những vị anh hùng nước Việt Nam xưa như Tiểu Ðoàn Gia Long, Tiểu Ðoàn Nguyễn Huệ, Tiểu Ðoàn Trần Bình Trọng, Tiểu Ðoàn Trần Quốc Toản và “Tiểu Ðoàn Tạp Lục” chúng tôi - Tiểu Ðoàn Ðinh Tiên Hoàng - , một Thiếu Tá ( không nhớ tên ) làm Tiểu Ðoàn Trưởng. Ăn sáng là bánh mì với sửa bò, chuối già hay đường cát trắng. Buổi trưa và chiều thì “nhà bàn” với cơm màu vàng vàng, có người nói “có thuốc bổ trong đó” cùng với cá chiêng, thường là cá đù, cá chỉ, cá trích…mà anh em quen gọi là “cá mối” với canh cải lềnh bềnh vài cục mỡ heo.

Chúng tôi tập hát cho thuộc lòng bài “Xuất Quân” của Phạm Duy “Ngày bao hùng binh tiến lên. Bờ cõi, vang lừng câu quyết chiến. Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành. Quân Việt Nam đi, hồn non nước xây thành. Ði là đi chiến đấu. Ði là đi chiến thắng. Ði là mang mối thù thiên thu. Ði là đi chiến đấu. Ði là đi chiến thắng. Bước lên đây người Việt Nam…” hay bài “Lục Quân Việt Nam” của Văn Giảng “Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn. Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang.

Ði đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai. Ðời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…”. Ðến 4 câu sau, không biết hứng chí làm sao mà toàn Ðại đội, kẻ gõ nón sắt, nón nhựa, người đập ca, bidon…cùng hát thật lớn, thật mạnh, thật hùng “ Phá tan tành ầm ầm đoàn quân xông pha. Thét oai linh tung gươm giết tan quân thù. Ðoàn hùng binh say sưa nhìn trong trời sương. Ta anh hùng đời đời Lục Quân Việt Nam”. Anh Ðại Diện lúng túng. Ông Trung Úy Ðại Ðội Trưởng cười nhếch tỏ vẻ không vừa lòng. Ông Thượng Sĩ Thường Vụ Ðại Ðôi ngường ngượng nói : “hát là hát bằng miệng”. “Tan hàng cố gắng”, anh Thược bảo “các cha quậy, khổ em”.

Di chuyển trong doanh trại luôn luôn phải hàng lối, nhịp nhàng và hát bài “Lục Quân Việt Nam” hay bài “Xuất Quân” để giữ bước và mạnh dạn. Ðằng kia, một Ðại Ðội Khóa Sinh Dự Bị Sĩ Quan Không Quân đang nhịp bước với bài Không Quân Hành Khúc “Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió. U..u..u..u..u..u.. Ôi phi công danh tiếng muôn đời. Nhìn xa phi trường Việt Nam, Không quân ra đi cánh bay rợp trời. U..u..u..u..u..u”.

Ðằng kia nhiều Ðại đội của các Sinh Viên Sài gòn tham dự Chương Trình Huấn Luyện Quân Sự Học Ðường chững chạc trong đồng phục kaki vàng với mũ kalo. Xa xa vài Ðại Ðội Tân Binh Quân Dịch của Tiểu Ðoàn Trần Quốc Toản đang bước một, hai, ba bốn…theo bài Quang Trung Hành Khúc của Thục Vũ “Quang Trung đây Quang Trung. Anh về đây với tôi. Ta thi gan xây đời sống mới…”. Ðường ra bãi hay về trại, thường súng M.16 đeo vai hay cầm một tay bình thường, ballot mang lưng, dây đạn mang hông…

Nhưng Tiểu Ðoàn Vương Mộng Hồng là những Tân Binh Nhảy Dù, mang đủ quân trang, quân dụng nặng chình chịch, luôn luôn súng bồng “thế cầm tay” xéo 45 độ, vừa chạy vừa hát mà đại đội vẫn ngay hàng thẳng lối như thường. Mỗi sáng tinh sương, trời âm u tối mù, quân trường như bừng sáng những đèn pin, đèn bạch lạp và tiếng bay thợ hồ “chà láng” mặt giao thông hào rào rào. Một kỹ niệm đố ai mà quên !?. Một chiều, cả Tiểu Ðoàn được lùa ra chích TAB ở sân vận động. Người ta không phải dùng kim “lụi” từng người một. “Lụi” từng người một thì “Tết Congo” mới xong. Người ta dùng máy chích hình thù như máy sấy ở các tiệm uốn tóc mà “bụp”, “bụp” nhanh như chớp. Ai ai cũng nghĩ, mình đã được chích thuốc chịu đựng được nắng mưa và khoẻ ra. Nhưng không phải chút nào.

Chích TAB là để ngừa các chứng bệnh “trối nước” như Thương Hàn và Phó Thương Hàn A và B mà thôi. TAB viết tắt từ các chữ Typhoid - Paratyphoid A – Paratyphoid B. Buổi thực tập “Quăng Lựu Ðạn” cũng ngán. “Ðếm nhanh một, hai, ba…mười là quăng”, Huấn Luyện Viên bảo vậy. Cầm trái lựu đạn M26 thứ thiệt trong tay, mở khóa an toàn, lắp bắp đếm một, hai, ba, bốn…quăng. Ngồi xuống. Bùm. May không đếm cà lăm. Không có gì. Cũng như hôm tập bắn M.72. Người ta chỉ “súng để trên vai, kéo ra, nhắm đỉnh đầu ruồi giữa lổ chiếu môn, bắn…mấy xác xe tăng đằng đó”. Một tiếng nổ. đạn trúng mục tiêu cháy sáng, xác xe M-113 chảy nước. Gớm thiệt!.

Ngày Ðoan Ðường Chiến Binh, anh em cũng ngài ngại những bất cập sẽ đến với mình. Một chiếc xe Hồng Thập Tự đậu sẳn đó, gây thêm nỗi e dè hơn là bình yên. Khoảng chừng 18 chướng ngại vật phải qua. Nhảy qua từng sà đà ngang, nhiều cả chục. Ðong đu qua những thanh sắt parallel có khoảng cách không đồng đều. Còng lưng chun quanh co trong nhà chó kẽm gai. Leo lên bên nay, tuột xuống bên kia cái thang đứng cao 25 mét. Ði thăng bằng trên cây đà dọc, té xuống đi lại, đi cho đến khi nào qua được. Nhảy xuống nhảy lên khoảng 5 cái “ hố bò” sâu tới bụng, đứt hơi. Leo lên cao cây cổ thụ, hai tay nắm thật chắc, hai chưn kẹp cho chặc bò dưới sợi dây với đầy đủ súng ống, quân trang quân dụng để tới đầu bên kia xa hơn 50 mét. Người ta gọi là “đi dây tử thần”. Dẫu có tránh cách mấy, cũng có một người té lọi tay.

Có phải là người anh em bạn Chiến Tranh Chính Trị, trẻ nhất và nhỏ con nhất?. Sau khoảng 2 tháng, chúng tôi được tăng phái về giữ an ninh ven đô vào dịp Tết năm Nhâm Tý, tháng 2 năm1971 tại Quận 9. Ðại đôi lúc đầu ở Villa bỏ hoang của nhà triệu phú Ðặng Ðình Ðáng, chủ công ty xe gắn máy Sachs ở Sài Gòn, bị Phó Tổng Thống Nguyễn cao Kỳ “chơi” phá sản. Tuần sau, Ðại đôi chuyển qua Giáo Xứ Bình An của Linh Mục Hoàng Quỳnh. Ban ngày ngoài công tác, chúng tôi thường móc trùn câu cá hay “ghẹo” mấy cô gái Bắc kỳ “Xóm Chiếu”. Tết được Giáo xứ cho con heo quay với xôi nếp, bánh mì. Nhiều cô gái trẻ đẹp líu lo với mấy “anh trai ngày mai là Sĩ quan”. Về lại Trung tâm, tiếp tục ngày đi bãi, sáng chà láng, tối đi gát, rảnh tháo ráp vũ khí, chùi súng, còn thì giờ, lai rai lên “Câu Lạc Bộ Ăn Dở Mắc Tiền”…

Ðố ai đi bãi về mà không đi tắm?. Ðừng quên tắm giếng. Ở đây tắm giếng chứ không phải hồ xây. Ho trần truồng thoải mái giội nước. Có ai sợ ai nhìn?. Toàn con trai không mà. Tôi cũng chẳng dám nhìn ai và lúc nào cũng quần xà loỏng với slip cho chắc ăn. Vậy mà, đêm bò hỏa lực, ướt như chuột, dơ dáy, mệt đừ, có người bỏ tắm!. Nghe nói, bò dưới hỏa lực ở đây có phần đổ mồ hôi hơn nhiều quân trường khác. Trên mình, ballot nặng trĩu, đùng đùng lằn đạn loè sáng ngang dọc. Dưới, hai tay kẹp súng M.16 trườn trong vũng sình. Mắt, trong đêm tối mù, lau láu như thằng ăn trộm. “Vượt Sông” thì không đâu “ghê” bằng Quang Trung, lội qua con sông nhỏ “đen thủi đen thui” màu bùn nước thải của các hảng xì dầu, bột ngọt địa phương. Có nhiều anh “ma giáo” bằng cách nào thiệt là hay, không bị ướt, bị dơ. “Lưới thưa không qua mắt thánh”, các bạn bị bắt, bị “thụt dầu” 30 cái trước khi phải “nếm mùi” như người ta. “Thụt Dầu” là hai ngón tay trỏ và ngón tay cái của hai bàn tay nắm chặc hai lổ tai, ngồi xuống đứng dậy, ngồi xuống đứng dây…Những đêm phiên gác, xa xa hỏa châu lập lòe, đạn pháo rít giọng khô khan.

Bãi tha ma sát điếm canh lào xào tiếng gió, “ớn” cho tôi thằng không tin ma mà sợ ma?” Khuya 12 giờ, nghe Nhật Trường trong Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc qua cái Radio Transistor bỏ túi vặn nhỏ đủ nghe “Tạ từ anh hứa, đếm trọn hai mùa Xuân sẽ về nối lời thề. Xuân qua Hè tới, thấm thoát đã mười Ðông, không tin thư đưa về. Nhớ anh nhớ vô vàn. Nhớ anh nhớ muôn ngàn. Nhớ anh đã bao lần, mắt nhòa lệ đêm mơ. Lệ nhòa đêm mơ, mong đợi người về lau khô, nên từ đó em buồn!” mà nghĩ đến thằng Nguyễn Văn Hùng cùng lớp học Ðệ Nhi C, Trường Phan Bội Châu Phan Thiết. Nó vừa đậu Tú tài I năm 1963, liền bỏ trường, bỏ bạn, bỏ bồ, bỏ mẹ, bỏ phố vào rừng…theo Việt cộng chết toi. Khoảnh khắc lềnh bềnh nỗi cô đơn, mới biết nhớ vợ là lạnh lẽo, là buồn, là thương biết chừng nào!. Cũng thông cảm, chớ cười những “thằng đực rựa” mới cưới “vợ mới cưới”.

Anh bạn Nguyễn Văn Phú, Phú Mập, người Huế ở Ðà Lạt thường lẽo đẽo theo tôi “xin cho được” cái võng đỏ của lính Mỹ và kể rằng “cô bé Thanh Tuyền ngày nào ở Ðà Lạt, tôi thường bế nó đứng trên ghế đẩu mà hát vọng cổ…”. Những lần ứng chiến luẩn quẩn trong trung tâm, căng cái võng đỏ, nhìn tôi ảnh cười toe toét, khoái chí. Ông Phú, bây giờ ở đâu? Có những ngày Chủ nhật không được về phép, vợ ở Tân Ðịnh vào thăm, mừng vui biết chừng nào!. Buồn cho những anh em xa lắc xa lơ ngoài Trung hay tận Năm Căn, Cà Mâu…thì ”mãi mãi làm người tình cô đơn”, nán lại trong phòng, ngậm bút viết thư. Vườn Tao Ngộ, cái tên khen ai khéo đặt mà nghe Giao Linh hát thì buồn thúi cả ruột “Hôm nay ngày Chủ nhật, Vườn Tao Ngộ em đến thăm anh. Ðường Quang Trung nắng đổ xa xôi, mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi. Ta nhìn nhau bâng khuâng, đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn. Ngày mai ra đơn vị, đường trần hai lối mộng, thôi từ đây biết ra sao?...”.

Cuối tháng 3 năm 1971, một buổi văn nghệ cho ngày mãn khóa được tổ chức. Ban nhạc trẻ chơi Love Potion Number Nine của Jerry Leiber và Mike Stoller thật hay. Bài hát nầy, đã những năm trước đó, bọn học sinh như chúng ta, ai không nhâm nhi môt vài câu đỡ ghiền. Thời mà những ban nhạc trứ danh The Clovers, the Searchers, The Beatles…gây náo động toàn cầu. “I took my troubles down to Madame Rue. You know that gypsy the gold- capped tooth. She’s got a pad down on Thirty-Fourth and Vine. Sellin’ little bottles of Love Potion Number Nine…”.

Các ca sĩ Giao Linh hát, Ngọc Ðan Thanh hát những bản nhạc lính buồn buồn, thắm thiết, thấm thía, lắng động. Nữ hoàng vũ sexy Thu Thủy mới ra, đã nghe hò hét rầm rầm, bàn ghế gãy rạo rạo. Cô ưỡn ẹo theo nhạc hòa tấu Apache của Jerry Lordan mà thập niên 1960 chúng ta khoái nghe The Shadows của Vương Quốc Anh chơi nổi tiếng khắp thế giới: “tà ti ta…tà ti tá tí ta…tà ti ta…tà tí tá tí ta…tò tí…tò tí to…to tì to…tò tí…tò tí to…to tì to…tò tó…tò tó to…to tò to…tò tó…tò tó to…to tò to…truỳnh truynh truynh, truynh truỳnh truynh truynh, truynh truỳnh truynh truynh… truỳnh…” lần lượt cô cởi cái soutien nhỏ xíu quăng xuống cho mấy anh Cố vấn Mỹ chực giành. Cô khoe 2 cái vú no nê làm ai cũng muốn bú. Cuối cùng cô cởi luôn cái slip nhỏ không làm sao nhỏ hơn được nữa quăng xuống cho các Sĩ Quan nhà trường ngồi hàng ghế đầu đang bối rối, ngỡ ngàng. “Sans sú sans sì”, cô lòi ra cái của quý đen thui “ba mươi giây”, cô chạy ào vào cánh gà. Ðèn tắt. Hết.

Mấy hôm nay, nhìn và nghe cô Ngọc Ðan Thanh đọc tin trên Ðài Truyền Hình SBTN, giọng còn hết sức hay và già thì hết sức chậm. Cách đây 39 năm rồi, có gì Ngọc Ðan Thanh và Giao Linh cũng đã ít nhất sáu mươi, còn nhớ gì không ngày đó - ngày chúng tôi mãn khóa học gần 3 tháng ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, hôm sau lên Trường Bộ Binh Thủ Ðức làm Sinh Viên Sĩ Quan -.

Xe GMC chở chúng tôi vào Trường Bộ Binh Thủ Ðức khoảng 1 giờ trưa. Ðoàn xe lần lượt ngừng trước “Ðại Hỏa Lò”. Nhìn chung quanh, những huynh trưởng người nào người nấy rất “quặm xị”, hiên ngang, cứng cỏi. Một anh đứng trên bục cao trước “Ðại Giảng Ðường” hô to : “ba mươi giây xuống xe”. Ðàn em hồ đồ tranh nhau nhảy xuống. Anh Thạch, có lẻ to con lớn xác nhất, nặng ký lô nhất trong Ðại đôi, lúng túng làm sao không nhảy ngoài vùng trời cao đất rộng mà, “plonger” vào con người tôi cả cái ballot nặng quân trang, quân dụng trên người. “Theo huynh trưởng, vừa chạy vừa đếm một, hai, ba, bốn. Chạy”. Một huynh trưởng sạm đen, gân guốc truyền lệnh thốc vào tai inh ỏi. Tôi lồm cồm ngồi dậy, đứng dậy, đi, chạy một, hai, ba, bốn. Mới hơn nửa vòng Vũ Ðình Trường đã có nhiều người bò, lết, ngã…Bạn tôi Lê Văn Sết, biệt danh Sết Cô Ðơn nằm ra đó, phèo nước bọt, “quẹo culasse” . “Một, hai, ba, bốn”, huynh trưởng cứ chạy, cứ đếm và “ to lên, to lên”.

Ðàn em cứ chạy, cứ đếm nhỏ dần, nhỏ dần và hết đếm nổi. Một Ðại Úy ốm, cao, cẳng cò cùng một Chuẩn Úy lùn xủn, nhỏ con với vài anh huynh trưởng phụ họa, dắt chúng tôi về doanh trại. Người ta giới thiệu rằng, chúng tôi thuộc Tiểu Ðoàn 3, Ðại Ðội 37. Ðại Úy Khoa làm Ðại Ðôi Trưởng. Không có Ðại Ðội Phó. Trung Ðội Trưởng Trung Ðội I, Thiếu Úy Lượng. Trung Ðội Trưởng Trung Ðội II, Thiếu Úy Tâm. Trung Ðội Trưởng Trung Ðội III Chuẩn Úy Biên. Ðại Úy Khoa kiêm chức Trung Ðội Trưởng Trung Ðội IV. Tôi thuộcTrung Ðội 372 của Thiếu Úy Tâm,“Tâm Sứt”. Ðại Ðội có 141 người, nhiều nhất là các Kỷ Sư Nông Lâm Súc, các Giáo Sư Trung Học Ðệ Nhị Cấp, rồi tới các Phó Ðốc Sự Hành Chánh, các Biên Tập Viên Cảnh Sát Quốc Gia, lẻ tẻ một, hai anh Hải Quân, Không Quân,…

Học xong, họ sẽ về lại đơn vị cũ. Số còn lại là những Sinh Viên Sĩ Quan thuần túy gồm những anh em trẻ có Tú Tài I, anh em gốc Nghĩa Quân, anh em Thượng, anh em Thiếu Sinh Quân…được đặc cách thụ huấn. Ðại Ðội còn có các anh Nguyễn Văn Trắng làm Ðại Ðội Trưởng Tác Chiến, anh Dư Ngọc Huân làm Ðại Ðội Phó Tác Chiến. Hai anh nầy gốc là Ðại Ðội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến ở Sài Gòn và một anh gốc Nghĩa Quân, tôi không nhớ tên, có phải là Trí?, chạy chọt lắm mới làm được Thư Ký Ðại Ðội. Anh nầy mắc chứng bệnh trĩ nặng hết sức là nặng. Ảnh đi thì bịt đít, ngồi thì đau đít, đứng thì nhăn nhó như con khỉ già, lúc nào cũng “quạu quọ” thấy vừa ghét, vừa thương. “Ai đau khổ vì bệnh trĩ", có qua cầu mới hay!. Thật ra, Trường Bộ Binh Thủ Ðức cũng không xa lạ gì với tôi đã một lần học xong giai đoạn I khóa 24 vào những tháng đầu năm 1967, thời với Giáo Sư Trần Bích Lan làm Ðại Diện, Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn rồi Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ làm Chỉ Huy Trưởng. Thời mà Ðại Úy Tuấn dạy “Ðịa Hình”.

Ngày học “Vòng Cao Ðộ”, ổng đưa hình các cô người mẫu ở truồng rất sexy trong Tạp Chí Playboy ra mà giảng. Ổng có bộ râu mép rất đẹp nên có tên Tuấn Râu. Người nữa, Ðại Úy Thâm, dạy bài “Ðội Hình Trung Ðội”? ở Bãi Cây Gòn, còn gọi là “Bãi Con Gầy”, cạnh nhiều mả đá ong phía sau, sát Xa Lộ Biên Hòa và gần Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Ðức. Ổng như gốc người Tàu, giọng giảng như hát Cải Lương, ai cũng buồn ngủ, dù trời nắng chang chang ra mồ hôi hột. Tôi bị ổng cho một phát đạn Garant chỉ thiên bên tai. Ðiếc con ráy!. Hết ngủ. Rồi Bãi Cây Ða đầu làng, sát hàng rào kẽm gai nhà trường, học các bài Ngụy Trang, Lính Gác Giặc…mà ngủ trong ruột ngủ ra dưới bóng tàng cây mát mát gió hiu hiu...Thỉnh thoảng một anh bị lôi ra “bơm”, “thụt”, “nhảy”, “chạy lò cò”…

Ngày đó chúng tôi thường truyền miệng “ nhất Ðống, nhì Bèo, tam Thâm, tứ Lý”. Thời mà, các Sĩ Quan Cấp Tá của Cambodge gởi qua học cũng nhiều. Họ dạy và học bằng tiếng Pháp. Bây giờ trở lại sau đúng bốn năm. Chỉ Huy Trưởng là Trung Tướng Phạm Quốc Thuần. Người dạy địa hình không phải Ðại Úy “Tuấn Râu”. Thay Ðại Úy Thâm là Thiếu Tá Tuấn, thường gọi là Tuấn Gia Binh. Ổng có căn nhà bán cơm trong dãy nhà gia binh xế xế bên kia đường “Nhà Ăn” của SVSQ, gần Cổng Số 9 như nhiều Sĩ Quan Cán Bộ cơ hữu khác của trường …Ða số Cán Bộ và Huấn Luyện Viên đều mới. Chúng tôi bắt đầu cho “Giai Ðoạn Huấn Nhục”. Các huynh trưởng làm dữ lắm.

Ðằng kia nghe “năm mươi cái nhảy xổm”, “ một trăm cái bơm”. Nơi nọ nghe“lăn bột”, “đổ tường”. “đếm số”. Chỗ khác “lớn lên. Nơi đây là Trường Bộ Binh không phải Trường Nữ Quân Nhân?”. “Nhảy xổm” là hai bàn tay để trên đầu hay sau ót, hai cùi chỏ tay căng ngang ra, khi nhảy thì một chân đánh xoạt ra trước đồng thời một chân đá hễnh ra sau, miệng đếm một, hai, ba…”Cái bơm” là hít đất, khi lên hay xuống thì toàn thân thẳng băng lên xuống theo, không được đầu ngóc mà đít nằm. Có những huynh trưởng “đày”, “chơi” đàn em thì bắt “dang hai tay xa ra xa ra, dang hai chân xa ra xa ra. Chỉ có chống cũng đủ chết, đừng nói hít với hun. “Lăn bột” là nằm hẳn người xuống đất mà “lăn” tới đằng kia, “lăn” lui đằng nầy.

Tôi bị “lăn bột” sau vài ngày tới đây. Có gì đâu, đọc thơ ông cụ ngoài Phan Thiết gởi vào. “Ðây là Quân Trường Thủ Ðức, không có thư với thơ”. Anh huynh trưởng oai phong lẫm liệt, nghênh ngang la to như vậy. Các Huynh trưởng, ông nào ông nấy, ai không “nổ như tạc đạn”? Lăn qua lăn lại trên đống “xà bần” là những gạch, ngói, ciment, vôi. gỗ…lúc đang chỉnh trang doanh trại. “Ðổ tường” là động tác ở thế nghiêm, thẳng người ngã đổ ra trước, đến độ nghiêng từ 60 độ trở lên mới được bung tay ra chống đất. “Ðếm số” là một huynh trưởng đứng từ xa, xa nữa, xa nữa, bắt đàn em xa nữa, xa nữa đếm một, hai, ba, bốn…đến khi nào huynh trưởng nghe được.

Mà bao giờ huynh trưởng nghe được!? Dắt xuống phòng ăn của SVSQ, các huynh trưởng la to : “Ba mươi giây. Mời đàn em dùng cơm”. “Mời huynh trưởng dùng cơm”, chúng tôi đáp lại. “Ba mươi giây”, chúng tôi, người thì lấy tô canh có vài lá cải bẹ với ít miếng thịt ba rọi chan đại vào chén cơm để nuốt cho mau; Người thì lấy ấm nước nóng đổ đầy vào chén cơm “ực” nhanh cho no bụng, để kịp giờ. “Ðứng”, các huynh trưởng quát lớn. “Dậy”, chúng tôi đồng thanh hô to. Xong một bửa cơm chạy giặc!. Khóa 6/70 chúng tôi có hai khóa 1/71. Một khóa 1/71 Ðặc Biệt lẻ ra “đàn em” lại “huynh trưởng” vì họ đến đây khi chúng tôi còn ở Quang Trung và một khóa 1/71 Thuần Túy đàn em là đàn em. Lính mới “tò te” chỉ được quanh quẩn trong khuôn viên Ðại Ðội, không được ra ngoài.

Ði đâu cũng nhờ thằng bạn cùng xóm ở quê, đang theo học Khóa 1/71 Ðặc Biệt vào xin Sĩ Quan Cán Bộ Ðại Ðội dắt đi, tránh các huynh trưởng “xơi tái” đủ món, đủ kiểu để “làm oai”, cũng mệt.. “Tránh voi không xấu mặt nào” mà. Các huynh trưởng đang “hành” chúng tôi là “siêu huynh trưởng” Khóa 5/70, có bảng tên nền đen chữ đỏ, đóng ở Khu Thiết Giáp. Khóa 6/70 của chúng tôi, nền vàng chữ đỏ.

Họ “quậy” chúng tôi từ 5 giờ sáng đến 11 giờ khuya, “quay” chúng tôi bằng hết thẩy sáng kiến lật lộng, tinh ma, quỷ quái… cho đàn em “biết lễ độ”. Nào là “xin mặt trời hãy ngũ yên” ; Nào là “những bước chân âm thầm”; Nào là “đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm”…”Xin mặt trời hãy ngủ yên” là nằm xuống, tréo cẳng chữ ngũ, đầu kê trên hai bàn tay đan lại bên dưới, mặt nhìn thẳng lên trời, miệng đọc “xin mặt trời hãy ngủ yên”, “xin mặt trời hãy ngủ yên” như thằng khùng.

 “ Những bước chân âm thầm” là đi lò mò như người đui, từng bước ngắn thật ngắn, miệng cứ hét “những bước chân âm thầm”, “những bước chân âm thầm”. “Ðường còn dài nhưng chân cứng đá mềm” là chạy, nhảy, đi, dậm trên sạn sỏi, đá, gạch mà miệng thì cứ lẩm bẩm “đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm”, “đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm”. Người ngoài dân sự bước vào, thấy chắc buồn cười dữ, tự hỏi “có phải nhà thương điên Biên Hòa?”.

Ðây là quân trường, là thời gian huấn nhục, để tập cho một Sĩ Quan tương lại chịu đựng, nên những chuyện phạt “lạng quạng” “không giống con giáp nào” là “ba cái lẻ tẻ” bất luận trúng, trật mà không quân trường nào không có. Ðại đội 37 của tôi nằm sát đại đội 38 và 31, sau văn phòng Liên Ðoàn, trên con đường về Phòng Ăn Sinh Viên và Khu Sinh Hoạt Cổng Số 9.

Ngoài Khu Sinh Hoạt Thiết Giáp nổi tiếng ăn ngon, rẻ tiền nằm sát Tuyến C, nhà trường còn có khu sinh hoạt khác nữa là Khu Sinh Hoạt cuối Tuyến B nằm trước các Ðại Ðội 32 và 33, có các mả vôi lùm lùm phía trước. Khu sinh hoạt nầy bán những bút chỉ văn phòng, chụp hình…Nhờ đó, tôi còn những tấm hình mặc đồ đại lễ, cầm kiếm và đặc biệt mua được những băng vệ sinh phụ nữ lót đầu gối khi quỳ Lễ Gắn Alpha và Lễ Ra Trường. Ai ai cũng biết, mặt Vũ Ðình Trường đầy sỏi đá vụn, đầu gối mà “ịn” vào đó, chỉ có nước đi ăn mày. Băng vệ sinh, trai chúng tôi SVSQ mua nhiều hơn nữ Khu Nữ Quân Nhân trong trường.

Khu sinh hoạt ở cổng số 9 chính là phục vụ về ăn uống, cũng đỡ cho những lần không nuốt trôi “Cơm Nhà Bàn” hay những chiều anh em thù tạc dĩa cơm, chai bia cho đời “nhọc nhằn mà vui”. Chúng tôi được dạy ngồi hát vỗ tay, đi hát theo nhịp những bài “Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Ðức Hành Khúc” của Hoàng Thanh: “…Cất tiếng lên nào hòa thành bài ca vui tươi. Nắng sớm chan hòa gieo hương khắp bốn phương trời. Người người cùng đón gió mới. Nụ cười đẹp tươi trên môi. Ba lô trên vai, thao trường đổ mồ hôi. Theo tiếng quân hành trầm hùng đoàn quân vui ca.

Nắng sớm chan hòa gieo hương khắp trên muôn nhà. Nào “Ðồi Mười Tám” tiến tới. Kìa “Mẹ Bồng Con” chơi vơi, “ Cư An Tư Nguy” mãi mãi còn ghi….Khắp bốn phương trời từng đoàn người trai về đây. Dưới mái quân trường hăng say gắng sức đua tài. Dù ngàn hiểm nguy quyết chí. Một lòng thề luôn nêu danh Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Ðức hùng anh”. “Quân Trường Vang Tiếng Gọi” của Trầm Tử Thiêng “…Bước bước bước, chân hăng say. Ta thi gan cùng nhọc nhằn. Làm rạng ngời với giòng xương trắng máu hồng. Thao trường đổ mồ hôi! Thao trường đổ mồ hôi! Chiến trường bớt đổ máu. Chiến trường bớt đổ máu. Cố lên, cố lên, dù nhọc nhằn ( hay ). Da chan mồ hôi, pha máu hồng viết thành sử xanh.

Anh em ơi ( anh em ơi ), đem sức trai nêu chí hùng lưu tiếng ngàn thu. Anh em ơi ( anh em ơi ), ta quyết thề đem mồ hôi rửa sạch hận thù. Thao trường đổ mồ hôi. Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Chiến trường bớt đổ máu. Cố lên, cố lên, dù nhọc nhằn ( hay ). Da chan mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh. Một, hai, ba, bốn..Một, hai, ba, bốn…”. Ở đây có cái buồn cười là, các cô bán sâm sâm biết hết đường đi nước bước của các SVSQ đi phương giác, chấm tọa độ, cọc địa hình. “Các anh ăn sâm sâm em, ăn chè em, ăn hột é em…, em chỉ cho, khỏi mất công”. Cũng phải nói, các Cô Bán Sâm Sâm ở đây, cô nào cũng đẹp. Tôi nhớ cô Giang, đẹp nước da trằng, nụ cười tươi, giọng nói nhỏ nhẹ, dáng đi eo thon dịu dàng…Sĩ Quan Cán Bộ, Sinh Viên Sĩ Quan bu đặc. Các SVSQ mê đào, làm biếng…ăn sâm sâm, tán gái, trúng hết trọi. Chúng tôi lặn lội qua suối, qua ruộng lúa, qua vườn sâm sâm cả đêm, thì ba trật bảy duột kẻ được người không, còn bị cười “đã bảo không nghe”. Thời nầy cũng có cái lạ là, từng Ðại Ðội, từng Ðại Ðội đi nhiều cây số ngàn ra Bãi Bắn, học Tác Xạ dưới trời nắng chang chang đốt bộ treillis bốc khói mà cát thì nóng như lửa chỉ để bắn 3 viên đạn Garant chơi. May mà các anh lùn “vịt đẹt ” thường phải đi sau chót được mang M.16. Họ đi lụp chụp, lệt bệt trông dễ cười, dễ thương và tội nghiệp hết sức.

Nếu mang Garant thì người và súng chắc dài bằng nhau, chỉ có nước chết, nói gì “hộc xì dầu”! Bãi thì có xa, có gần. Gần đi bộ. Xa đi xe. Ði gì cũng mệt. Lúc nào cũng “nón hai lớp”, đạn đủ cấp số, ballot nặng chình chịch, súng cầm tay, dây ba chạc, bidon đầy nước, đôi botte de saut...không thoải mái chút nào!. Bãi Cây Ða, Bãi Vườn Thơm, Bãi Cây Gòn, Bãi Mẹ Bồng Con, Bãi Ðồi Bác Sĩ Tín, Bãi Vườn Cao Su, Bãi Trường Kiểu Mẫu, Bãi Làng Ðại Học, Bãi Ðồi 18, Bãi Ðồi 25…ai mà không có kỹ niệm!? Về đây không “ngán” cái “chà láng” của Quang Trung nhưng “sợ” cái giường ngủ không căng, cái mền không thẳng, đôi giày không bóng, búp nịt vàng không sáng…là bỏ mẹ “Dã Chiến”, “Gỡ Gai Bã Ðậu”, “Lấy Chữ Ký Của Các Ðại Ðội Trưởng Cán Bộ”…nhẹ là “Nhảy Xổm”, “Hít Ðất”. Sinh hoạt Ðại Ðội có “Tuần Sự Ðại Ðội”. Một lần tôi làm Tuần Sự Ðại Ðội phải thức sớm, ngủ khuya, ăn bận gọn gàng, theo quân phong quân kỷ, chững chạc, , mạnh dạn, dõng dạc, trách nhiệm…

Ðó cũng là cách nhà trường tập cho mình lảnh đạo, chỉ huy. Một sáng, vì cùng thức giấc một lượt, cùng làm vệ sinh một lượt, cùng “quấy quá” cho mau buổi ăn sáng một lượt… để còn ra bãi, anh Nghi, người Nùng ở Tùng Nghĩa Tuyên Ðức “xịt” không đúng chỗ, bị Thiếu Úy Lượng phạt ba mươi vòng Ðại Ðội vừa chạy vừa hô to, “tôi không bao giờ phóng uế bừa bải nữa”, “tôi không bao giờ phóng uế bừa bải nữa”. Anh Vượng Cận, nhà có tiệm chụp hình bên kia Cầu Kiệu, Phú Nhuận; Anh Nguyễn Chí Kham hơi “không giống ai” có tên Kham Lừng Khừng, hóa ra là Văn Sĩ. Hai ông bị Ðại Úy Khoa cho “Móc Giò”. Móc giò là hai chân móc cao lên lan can, tay chống đất, miệng phải ăn hay uống thứ mình vi phạm. Anh Vượng phải ăn gói xôi. Anh Kham phải uống ly cà phê. Trong hàng, anh em nhịn cười tức bụng. Ðố ai dám cười, dù cái nhép môi. Mua xôi, mua bánh mì, mua cà phê, mua cơm...bán rong ngoài hàng rào là vi phạm nội quy “Ăn Hàng Rong”. Còn ông Bơ lơ mơ làm sao, bị Chuẩu Uy Biên phạt, “ba mươi giây” vừa chạy thụt lùi vừa la to “súng là vợ, đạn là con, tôi không bao giờ bỏ súng”.

Tại ổng dựa súng đâu đó, chạy thật lẹ vào phòng lấy cái casquette đội. Không kịp. Tôi thì bị “ba mươi cái nhảy xổm” mệt ứ hơi vì Tuần Sự không biết trông coi, thiếu trách nhiệm. Cuối tuần bàn giao cho “Thượng Phiên” là nhẹ nhàng. Tôi không quên anh bạn Nguyễn Hiếu Mỹ, Kỹ Sư Súc Khoa Trường Nông Lâm Súc, hiện thời đang ở gần nhà tôi trong Thành Phố Kansas Tiểu bang Missouri, cũng một lần làm Ðại Ðội Trưởng Tuần Sự. Ảnh vốn “nhu mì”, văn hơn võ , đã hiền lại “lè phè”… đứng trên Bục Chỉ Huy, “lắp bắp” ra lệnh mà “run”. Ngày bàn giao “Tuần Sự Ðại Ðội”, ảnh nói: “mừng hết lớn. Trút được gánh nặng ngàn cân” .

Ảnh cùng lớp học với Nguyễn Hoàng Trúc, một tay phản chiến “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản”. Khi đi bãi, thì Ðại Ðội Trưởng Tác Chiến Nguyễn Văn Trắng, Ðại Ðội Phó Tác Chiến Dư Ngọc Huân điều khiển hoàn toàn đội hình dã ngoại, gần như Sĩ Quan Cán Bộ chẳng làm là bao. Buồn cười khi học “Trung Ðội Tấn Công”, “Tùng Thiết” hay “Lục Soát”…mình chạy thấy mẹ, mệt chết cha vô gặp Việt cộng giả là các anh SVSQ bon chen yên ổn trong bụi mát hay trong nhà im. Lính VNCH chúng tôi, đánh, đạp, thoi giả… cũng đả. Có một chiều ghé xuống Ðại Ðội 32, 33 sát Tuyến B, gần Tuyến D thăm Phú và Quyền, hai người bạn thời Quân Trường Quang Trung, nghe anh Giáo Hợi đờn và hát bài ảnh mới sáng tác “Hát Trên Ðồi Tăng Nhơn Phú”, mà thấm đời bể dâu chi lạ: “Ta ngồi đây trên đồi Tăng Nhơn Phú. Chiều đong đưa tiếng đại pháo ru về. Mẹ hiền xa nơi phương trời. Người tình xa nơi phương người. Lòng lạnh giá những đêm mong chờ trăng sáng...

Ðôi khi ôm súng leo lên đồi cao. Hát cho xanh tuổi người. Hát cho phai tuổi trời. Em ơi hai mươi mấy năm rồi. Con ngựa hoang mong tìm về, trên đồi cỏ non. Ảnh còn hát bài “Kỷ Vật Cho Em” mới ra của Phạm Duy với giọng đặc sệt Quảng Nam, rè rè, nhừa nhựa, ray rứt buồn “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về. Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime hay Ðức Cơ, Ðồng Xoài, Bình Giã. Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã. Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa. Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng…”.

Chúng tôi vật vờ môi điếu thuốc. Ngoài kia, chờn vờn bóng tối, mả mồ, lập lòe đom đóm bay qua. Gió lành lạnh! Anh Hợi, Vũ Hợi, người Quảng Nam, Giáo Sư Triết. Chúng tôi biết vậy ở trong Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Vài năm sau biết thêm, ảnh là Nhạc Sĩ Vũ Ðức Sao Biển. Ở đời ai biết được, có phải oan gia tương báo? Anh Nguyễn Văn Trắng là Ðại Ðội Trưởng Cảnh Sát Dã Chiến ở Sài Gòn, vua dẹp biểu tình. Anh Nguyễn Hoàng Trúc, học Kỹ Sư Súc Khoa Trường Nông Lâm Sức, Tổng Thư Ký Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, vua biểu tình. Hai ông vua “oánh nhau” dữ dội ở Sài Gòn, rủ nhau vào đây. Anh Trắng nằm giường trên. Anh Trúc nằm giuờng dưới. Hai ông bắt tay cười xòa “huynh đệ chi binh”.

Trung Ðội II của tôi, tôi không quên ông bạn Thọ, Luật Sư, chạy vạy cho được chức Trưởng Phòng để ít đi bãi, người Huế, nhỏ con, nhỏ nhẹ nhưng hay “cằn nhằn” vì anh em cứ lượm thượm để ảnh cứ phải dọn dẹp hoài cái phòng sao cho khỏi bị Ðại Úy Khoa chê . Một anh Thọ khác, Thọ Quốc Gia Hành Chánh, to con, vui tính, ăn to nói lớn, tục tĩu. Ảnh dính cái tên cúng cơm “Thọ Dâm Dục”. Anh Sơn, nằm giường dưới của tôi, người Thủ Ðức, đen, có tên Sơn Rhadé. Ảnh kể tôi nghe vườn mai vàng nhà mình. Vườn mai nuôi cả gia đình thông thả và ảnh đi học thảnh thơi. Nhớ nhất là, mỗi lần 24 giờ phép vào, ảnh thường đem theo xôi gà. Chúng tôi “đùm túm” xuống Câu Lạc Bộ, thêm vài chai 33 mà nghêu ngao thế sự quân trường bước thấp, bước cao. Ðời dẫu gì, cũng đáng sống chứ?. Ảnh là người tôi mến nhất trong Ðại Ðội vì tính tình hiền hòa, ít ăn nói, điềm đạm, Người Nam đúng điệu Người Nam, nhưng là người còn chút nữa giết chết tôi.

Ngày đó, tôi nhớ như đinh đóng cột vì đúng ngày đó, đúng giờ đó tôi có đứa con đầu lòng. Sau bài thực tập “Trung Ðội Tấn Công”, Ðại Ðội tập họp khám súng trước khi “tan hàng cố gắng” tìm bụi ăn cơm. Kéo cơ bẩm, bóp cò chết. Một tràng đạn thiệt xéo ngang màng tang tôi. Nhờ đang nghiêng đầu. Không thì nát cả tam tinh. Hôm đó, đúng 12 giờ trưa ngày 21 tháng 4 năm 1971, vợ tôi đẻ thằng con trai trưởng. Sơn Rhadé bị “Dã Chiến”. Anh phải gỡ một trăm mụt gai bã đậu. Anh phải chạy khắp các Ðại Ðội 31 đến 39 của Tiểu Ðoàn xin chữ ký của các ông Ðại Ðội Trưởng Cán Bộ và ông Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Khóa Sinh. Làm sao mà gặp ông Thiếu Tá Tiểu Ðoàn Trưởng Khóa Sinh? Ổng ở Sài Gòn nhiều hơn Thủ Ðức mà. Anh phải “ba mươi giây” mặc vào, thay ra, rồi lại mặc vào bộ đại lễ dềnh dàng. Anh phải 30 ngày vác, tháo ráp, chùi đại liên M.60. Chỉ có “từ chết tới bị thương”, từ “bị thương tới chết” mà thôi. Tội nghiệp!. Sơn Rhadé, còn 2 tháng nữa là 39 năm, bây giờ bạn còn sống hay đã chết. Chết ở đâu và sống ở đâu!?.

Ðại Ðội có một người bạn trẻ tên Niên, nói “pagaille” cũng đúng, “lè phè” cũng đúng, bị phạt liên miên và cũng vào 301 thường xuyên. “Ba Lẻ Một” là Ðồn Quân Cảnh trong trường để “nhốt” những anh bạn SVSQ vi phạm kỷ luật của Quân Trường Thủ Ðức, KBC 4100. Nhà trường có một giảng đường lớn là Ðại Giảng Ðường, làm toàn bằng tôle thiếc từ vách đến mái. Mỗi khi có buổi sinh hoạt đông SVSQ, nhất là vào buổi trưa, buổi xế thì nóng không chịu nổi. Vì vậy nó cũng có tên là Ðại Hỏa Lò từ xửa từ xưa. Ấy vậy mà, cũng có rất nhiều anh em ngủ ngồi ngon lành trên cái nón sắt của mình. Trong quân trường, ai không thiếu ngủ, thèm ngủ!? “Ngủ từ trong bụng ngủ ra”. Có anh cởi giày ra, banh áo ra…cho mát. Có nhiều anh giành nhau ngồi phía ngoài cửa. Giành tới giành lui bị kéo nhau ra chịu phạt “Nhất Dương Chỉ”. Món phạt “Nhất Dương Chỉ” nầy là của Cán Bộ Ðại Ðội 31 nghiễn ra. Trong Tiểu Ðoàn 3 của tôi, Ðại Ðội 31 nổi tiếng “hắc ám” nhất. “Nhất Dương Chỉ” là dùng một ngón tay trỏ ( nhất dương chỉ mà ) ấn vào cái nón sắt đặt dưới đất, người cứ quay hoài vòng tròn 360 độ mà cứ phải “nhanh lên, nhanh lên” cho đến khi nào “quẹo”, “ngoẽo”.

Vì tình hình an ninh, dù ngày đã “ngất ngư con tàu đi” học cơ bản thao diễn, chiến thuật, địa hình, pháo binh, vũ khí, tác xạ, ngụy trang, vượt sông, mưu sinh thoát hiểm… về còn tập diễn hành Vũ Ðình Trường vài vòng. Chúng tôi đêm phải ứng chiến tại Ðại Ðội hay gác bốn tuyến vòng đai. Tuyến A mặt tiền, chắn ngang cổng vào trường, nhìn ngoài kia Chợ Nhỏ.

Ðố ai không một lần làm quen một “em gái hậu phương” ở đây? Tuyến B dọc theo Khu Tiếp Tân, lảng vảng vài cái mả đá ong xưa thật là xưa. Tuyến C bọc Khu Thiết Giáp cũ, bên kia đường là Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, trường đào tạo Sĩ Quan Cảnh Sát. Tuyến D mặt hậu với Cổng Số 9 ra bãi, xa xa là Bến Nọc, khúc “đường trường xa” SVSQ Thủ Ðức thường bước ngắn bước dài thời huấn luyện . Nói đến Tuyến D lại nhớ đến ông Ðại Úy coi tuyến nầy, “bắt” chúng tôi mua cà rem, bịch nước đá chanh, chai xá xị…để “không bị khó dễ”.

Ðó, một Ðại Úy quân trường có gì đâu ngoài đồng lương cố định không đủ xài!?. Ai gác thì gác. Ai rảnh thì xuống Câu lạc Bộ, Khu Ăn Gia Binh, Khu Sinh Hoạt hay vào vài “Tiệm Lẻ Tẻ” có các cô chủ quán hết sức khêu gợi, mời mọc, hoặc chun đầu vào Rạp Chớp Bóng Thanh Vân ở cuối Vũ Ðình Trường coi “cho đỡ ghiền” hay “chơi” một giấc thẳng cẳng. Khóa 6/70 đa số Ðại Ðội đi diễn hành Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1971 trên đường Thống Nhất, giữa Dinh Ðôc Lập và Sở Thú Sài Gòn.

Ðại Ðội tôi, một ít còn lại thì ứng chiến vùng ven Gò Vấp, canh Việt Cộng trong đêm tối âm u trong khu nghĩa trang mả mồ lạnh tanh. Không “ớn” Việt Cộng mà “ớn” ma. Leo lên Château d’eau cao mà “khớp”. Nhìn về Sài Gòn, những tiếng súng đì đùng, những lằn đạn xẹt của những ông lính “trời ơi”, cowboy, nghịch ngợm, “điếc không sợ súng”. Nhớ chiều chiều đưa bồ sau là vợ vào Ciné Văn Hoa đường Trần Quang Khải hay Tiệm Chè Hiễn Khánh, gần Rạp Dakao đường Ðinh Tiên Hoàng, Tân Ðịnh hay qua Cầu Bông về Lăng Ông, Gia Ðịnh…Mới hồi nào qua mau!

Bây giờ sương gió quân trường ăn cơm dưới nắng đổ mồ hôi hột, dưới mưa trên lá tỏn tỏn vào gamelle. Rồi trước Ngày Bầu Cử Tổng Thống vào ngày 3 tháng 10 năm 1971, Ðại Ðội lại về Quốc Gia Nghĩa Tử gần Bộ Tổng Tham Mưu và Phi Trường Tân Sơn Nhứt, tăng cường an ninh một lần nữa. Ðêm cứ “nằm ấp” bên Lăng Cha Cả gần đó, đầy những mả đúc, mồ xây của những oan hồn uổng tử. Quân trường chưa ra trận, sao thấy hoài thấp thoáng hình hài bóng ma đêm!? Vì gần nhà và dễ “dù” nên các SVSQ bị phạt “lia chia”. Một ngày, sau hai ngày mưa tầm tã, nước đâu tuôn về, ngập đầy sân cỏ nhà trường, tôi bị Ðại Úy Khoa phạt “Trùm Poncho”.

Trời mát mát lạnh mà người sao nóng thật là nóng, mồ hôi chảy ra như tắm, chan đầy châu thân…,“Xỉu” . Người ngả bịch xuống….Trời đất mang mang không còn biết gì nữa. Ở quân trường, xỉu là chuyện thường, không xỉu mới là lạ! Một tuần lễ ở đây, dẫu gì cũng được ngủ trong phòng ấm, giường êm đọc hết quyển “Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn” của Tạ Tỵ do Văn Sử Học mới xuất bản và được một anh bạn Giáo Sư trường Hồ Ngọc Cẩn cho ăn cút rôti và trứng cút luộc “mệt nghỉ”.

Thời mà cút xuống “hạ cám” không còn“ thượng vàng”. Về trại chẳng được bao lâu lại “sáng theo xe đi, chiều theo xe về” làm công tác ở Bô Cựu Chiến Binh của Thiếu Tướng Phạm Văn Ðổng, đường Hiền Vương. Ðiền thêm chi tiết vào hồ sơ cũ hay lập một hồ sơ mới…mà mất cả tháng. Người ta “đi chiến dịch”, mình “đi viết lịch”. Cái nào cũng chiến dịch. Có những chiều Ðại Ðội phải ở lại bãi chờ lớp đêm. Tôi ngồi trên đồi cỏ cao nhìn ra Xa Lộ Biên Hòa, lòng thấy bâng khuâng, lao xao.

Có người gối đầu ballot, tháo đôi “botte de saut” ra, tréo chân chữ ngũ “làm một giấc”. Có người nằm dài viết thư, chắc thư tình muôn thuở với người yêu? Có nhóm vui cười rộn rả. Có nhóm im iễm như những Pho Tượng Tiếc Thương…Mới ngày nào đó “huấn nhục” chằng ăn, trăn quấn qua mau. “Quỳ Xuống Các Tân Khóa Sinh” rồi “Ðứng Dậy Các Sinh Viên Sĩ Quan”, họ đã trối chết bỏ lại sau lưng thời đọa đày, đeo lên vai, trên cồ áo con cá vàng mình ngắn, đuôi dài Alpha. Họ vênh váo cái bản mặt huynh trưởng ta đây, eo sèo nghênh ngang với lính mới tò te đàn em tập ăn tập nói, tập đi tập đứng.

Quân trường là sân khấu diễn hoài một tuồng cũ rich buồn cười, lố bịch…mà diễn viên thủ vai một cách xuất thần, say sưa, mệnh lệnh. Khán giả vô tình sẽ “ngẫn tò te”, tưởng mình đang lạc vào thế giới người “không giống ai” mà “cười xòa”, mà cũng “cười ra nước mắt” thương cho người yêu của mình lầm lũi phong trần!. Năm1967, học Cơ Bản Thao Diễn với Trung Úy Huỡn “hết sẩy”. Ðẹp, gọn, mạnh…đã lôi cuốn người ta ham học.

Bây giờ, các ông Cán Bộ Ðại Ðội cứ y như rằng, trời đổ đôm đốm lửa thì lôi người ta ra Vũ Ðình Trường mà “quần”. Cơ bản thao diễn của các ổng không ngon lành chút nào. “Súng chào”, “gác súng”, “nghiêm”, “thao diễn nghỉ”, “bên trái bẻ góc”, “bên phải bẻ góc”, “đằng sau quây”,”bên trái quây”, “bên phải quây”…không giống ai!? Là khóa sẽ diễn hành trong Ngày Quân Lực 19 Tháng 6 nên trước khi đi bãi hay sau đi bãi về hoặc trước khi vào phòng các F buổi sáng và chiều từ phòng các F về thì tất cả các Ðại Ðội phải học đi một vòng hoặc hai vòng Vũ Ðình Trường. Ngày cuối tuần, các Ðại Ðội phải diễn hành trước sự chứng kiến của Chỉ Huy Trưởng, Liên Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn Trưởng…để phạt một, hai Ðại Ðội “không được về phép” 24 giờ. Ðại Ðội nào ở lại trường thì, Sĩ Quan Cán Bộ Ðại Ðội cũng bị “coupe’ ra trại về với vợ con hay bồ bịch. Các ổng oán lắm!.

 Các ông Ðại Úy Khoa, Thiếu Úy Tâm, Thiếu Úy Lượng, Chuẩn Úy Biên hè nhau “dzợt” Ðại Ðội te tua ngoài nắng, ngoài mưa cũng đâu có đả giận. Các SVSQ bị “đì”. Biết chớ!. Làm gì?. Quân trường mà. Một thời ở Thủ Ðức, tôi chưa một lần rửa cái gamelle. Cứ việc tộng nó vào bao nylon. Cứ việc cho cơm khê, cơm nhão, bò kho carotte, canh cải…vào. Ăn xong, kéo bao nylon ra giụt. Cái gamelle vẫn sạch sành sanh. Thì giờ để tìm chỗ “ngáy” hay “ghẹo” mấy cô bán sâm sâm, chứ thì giờ đâu để tìm nước mà rửa mà tráng?. Một lần “Ðu Dây Tử Thần” từ trên chòi cao dốc xuống cột ciment xa thật là xa dưới kia. Dòm xuống, sâu thật là sâu lĩa chĩa rừng cây lởm chởm đâm lên. Hơi khớp!. Hai tay cầm hai cái róc rách, “úm ba la” tống một cái, người đi rào rào trong gió. Thả tay ra, người tõm xuống hồ nước. Có gì đâu?.

Vậy mà cũng có nhiều anh đau đít, điếng “thằng nhỏ”. Vậy mà cũng có nhiều anh “ơi ới”, còn chút nữa chết đuối như chơi!. Những ba ngày hai đêm “Di Hành Dã Trại” từ Vườn Cao Su dọc theo con đường sát rừng tre cuối bãi; Men theo con sông nằm đằng sau những lò gốm, lò gạch Tân Vạn thuộc Quận Dĩ An; Băng qua những vùng sình lầy bần, đước, ruộng lúa,… mà đến một Nhà Thờ đạo Thiên Chúa, gần Xa Lộ Biên Hòa. Con người như qua cơn vật vã, tháo ballot ra, bỏ nón sắt xuống, lỏng dây đạn cho nhẹ… nằm thẳng tay, thẳng chưn cho đả cái mình mấy ngày hụt hơi.

Ngồi, nằm, dựa… đợi xe GMC chở vê trường, ai ai trong lòng, đố mà biết đang suy nghĩ gì? Có một điều, ai cũng thấy đưọc, họ rất buồn, ngày mai xa nhau có khi không bao giờ gặp lại!. “Bốn Vùng Chiến Thuật” đâu phải nhỏ nhoi gì cho cam! Người Biệt Ðộng Quân, Sư Ðoàn, Pháo Binh…Kẻ Tiểu Khu, Quân Cụ, Nhảy Dù…nay chiến trường nầy, mai chiến trường kia, có khi chưa nghe nó ở đâu thì nó đã ra người thiên cổ.

Một hai hôm nữa làm lễ mãn khóa mà lảnh cái chứng nhận “Tốt Nghiệp Sĩ Quan Căn Bản Bộ Binh” có chữ ký của Chỉ Huy Trưởng, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần như thể lời thề nguyền sông núi, tung hoành ngang dọc Bốn Vùng Chiến Thuật. Gió thoảng qua, lao xao lời đồng vọng “Bồ Ðào mỹ tửu dạ quang bôi. Dục ẩm Tỳ Bà mã thượng thôi. Túy ngọa xa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!?”. Cầm một cái băng vệ sinh của đàn bà mới mua dưới khu sinh hoạt, vừa cười hô hố, vừa cột thật chặc, thật chắc vào cái đầu gối bên phải sắp quỳ xuống “vùng sỏi đá” chông gai Vũ Ðình Trường. Chân trái tì nhẹ trên mặt đất một góc 90 độ với đùi, tay trái giữ cái “casque” có hai Lon Chuẩn Úy để trên. Bàn tay phải nắm cứng để dọc theo lằn viền quần đại lễ. Người thẳng đứng, ngước mặt về khán đài. Im phăng phắc.

Người Thủ Khoa dương cung bắn tên bốn hướng “Tang Bồng Hồ Thỉ”. “Quỳ Xuống Các Sinh Viên Sĩ Quan”, “Ðứng Dậy Các Tân Sĩ Quan”. Mãn khóa. Chuẩn Úy. Tôi người như bay bổng chín từng mây, nhìn xuống Trường Bộ Binh Thủ Ðức: “xin giả từ”, lấp lững đọc thầm tên cuốn tiểu thuyết của Francois Sagan “Bonjour Tristest”, Buồn Ơi Chào Mi!. Ðêm trước ngày mãn khóa, một buổi lễ cầu siêu tại Trung Nghĩa Ðài, một đầu của Vũ Ðình Trường, trước và cách Rạp Chớp Bóng Thanh Vân một sân cỏ, do các vị Tuyên Úy Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành điều hành theo nghi thức tôn giáo. Nhạc chiêu hồn buồn buồn cuộn theo mây, theo gió… lất phất Quốc Kỳ, bập bùng ngọn đuốc lập lòe, não lòng Sinh Viên Sĩ Quan ngày mai ra chiến trận!.

Hai hàng Sinh Viên Sĩ Quan thay phiên nhau đứng nghiêm như tượng đá suốt đêm, cầm cứng cây Garant, nồng súng chúc xuống như “giả từ vũ khí”, như lòng đang thổn thức!? Ðêm đó, dẫu ngày mai ra trường, Ðại Ðội tôi vẫn phải “ứng chiến” trong khu Trường Thiết Giáp cũ gần đó. Trời rãi mỏng lớp sương mờ mờ nhân ảnh huyễn hoặc, u hoài!. Ánh điện đêm bàng bạc héo hon!. Tôi bỗng hát như lời tự tình mang mang nỗi niềm bài hát in vào tâm khảm tôi từ thuở nào lâu lắm thời bắt đầu lên Trung Học, đâu khoảng năm 1956 nghe cô đào Doris Day trong The Man Who Knew Too Much, “When I grew up and fell in love. I asked my sweetheart, “what lies aheads? Will we have rainbows. Day after day?”. Here’s what my sweetheart said: “Que sera, sera. Whatever will be, will be; The future’s not ours to see. Que sera, sera. What will be, will be”.

Ðời lính muôn thuở muôn nơi là gian truân và sống chết là lằn ranh may rủi. Khởi đi từ những năm tháng quân trường là mồ chôn cái ta phóng túng, nhát gan, nhẹ dạ, đối diện khắc nghiệt cái uy quyền được phong vị hóa làm mệnh lệnh, hy sinh, bổn phận, danh dự, trách nhiệm…dính như keo sơn đến tận thế đời mình, thần thánh hóa là “vị quốc vong thân”.

Bước vào quân trường, ai cũng như ai, được huấn nhục để trui rèn cái kỹ cương bền bỉ, sức chịu đựng dẻo dai, sự kiên cường lẫm liệt và tấm lòng hy sinh vì dân, vì nước. Nhớ thời học đường chênh vênh con đường khói sương sẽ phải dấn thân, đâu có cách nào lựa chọn thời đất nước qua-phân-chiến-chinh. Con đường người trai sẽ đi được đánh bóng vốn giòng hào kiệt, phải bỏ lại sau lưng tất cả nỗi niềm riêng tư mà “xếp bút nghiêng theo việc đao cung” là tất nhiên vào“thuở trời đất nổi cơn gió bụi” mà. Chúng ta đã được dạy rằng: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa. Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” thì, quân trường có đổ mồ hôi, sôi nước mắt… chẳng là gì. Một trái ớt hiểm, bảo “cay”, ừ!, thì “cay”; Bảo “không cay”, ừ thì “không cay”. “Bò hỏa lực”, “đoạn đường chiến binh, “đu dây tử thần”, nắng mưa quân trường…chẳng có chết thằng Tây đen nào. Chết chăng, những ai lội ngược giòng sóng dữ. Người ta thường nói “học trò lò mò trói gà không chặc”.

Các Quân Trường QuangTrung, Ðồng Ðế, Thủ Ðức…huấn nhục, thử lửa, đã làm cho những “học trò lò mò trói gà không chặc” đó thành những chiến sĩ can trường trong lửa đạn, anh hùng nơi trận tiền, để lại thanh sử những chiến công phi thường, hiễn hách. Một người bạn tôi, con một ông Phó Trưởng Ty Thông Tin, nhỏ nhẹ như gái nhà lành, ủy mị như trai “lại cái”. Hồi nhỏ bị tôi “pin” hoài. Ai ngờ nó đi lính chuyên nghiệp, lại lính dữ. Học Ðà Lạt. Ði Nhảy Dù. Ra trường hai năm Ðại Úy. Ðó, quân trường đã biến “cái thằng nhát như thỏ đế” nó, thành “cái thằng lì như quỷ sứ”. Bạn bè chúng tôi thường kháu với nhau như vậy.“Một, hai, ba, bốn. Ðây khúc ca vang lên nơi thao trường đầy hào hùng. Vai ghé vai, ta đua tài trong tình thân ái. Ðường còn dài nhưng chân cứng đá mềm.

Thao trường đổ mồ hôi. Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Chiến trường bớt đổ máu. Bước bước bước, chân hăng say. Ta thi gan cùng nhọc nhằn. làm rạng ngời với giòng xương trắng máu hồng. Thao trường đổ mồ hôi. Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường bớt đổ máu. Chiến trường bớt đổ máu. Cố lên. Cố lên. Dù nhọc nhằn. Da chan mồ hôi, pha máu hồng viết thành sử xanh”. Thấy cũng khô giọng mà cũng sắp khàn tiếng rồi, vã lại một cách tóm tắc thôi, chứ làm sao nói cho đủ, dù là tạm tạm đủ?. Các ông bạn sẽ bổ túc thêm khi nói vể trường của mình, Dẫu sao, quân trường nào cũng có những tương đồng nhưng khác biệt thì vô số.

Tôi xin ngừng ở đây. Ngày mai thế nào tôi cũng đến để nghe chú Mưới Út nói về Trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị làm sao đã ngốn hết bốn năm cuộc hư đời của chú?. Ðằng kia các ông bạn Tư Mập, Ba Quảng, Hai Huế, Bảy Chà, chú Mười Út vỗ tay như vui với lời kể của tôi và tán thành ý đề nghị của tôi ngày mai nghe chú Mười Út đánh bóng trường dạy chú ra trường lấy Lon Thiếu Úy Chiến Tranh Chính Trị. Cũng đã đủ trưa ai về nhà nấy, chúng tôi chia tay. Hẹn ngày mai.

Ngày mùa đông Canh Dần năm 2010
Nguyễn Thừa Bình

http://tvbqgvn.org/mywebsite/myweb/quansu/quansu47.html

No comments:

Post a Comment