Monday, September 7, 2015

Chuyện kể từ ngày 30/4 năm ấy _ Nguyễn Thị Lộc


Đầu Tháng 1/1975 tỉnh Phước Long bị xâm chiếm. Tiếp tục đến Tháng 3/1975 các tỉnh miền cao nguyên: Quảng Đức, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum và các tỉnh miền Trung: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng liên tiếp mất. Liên Tỉnh Lộ 7 trở thành con đường máu. Hàng trăm ngàn người nằm vất vưỡng bên lề đường, xác người chết nằm la liệt không kịp chôn... Đâu đâu người ta cũng thấy hàng đoàn người di tản. Những bà mẹ gánh con thơ để ngồi trong thúng, những cụ già bế cháu băng qua xác người. Họ gồng gánh đồ đạc, họ không muốn bỏ lại thứ gì...

 Giòng người di tản bỏ nhà bỏ cửa ra đi, hớt hơ hớt hải nối đuôi nhau trốn chạy không biết bao nhiêu cây số. Trên Quốc Lộ 1, những chuyến xe đò từ miền Trung chạy vào, xe nào cũng đầy nghẹt hành khách. Họ ép mình ngồi trong xe, quá tải trên mui còn có những thanh niên cố đeo theo ở cuối xe suốt cả đoạn đường dài. Họ bất chấp tất cả, chỉ cần giành giựt con đường sống cho bản thân mình.
Cuối Tháng 3/1975 chuyến bay đưa gia đình chúng tôi khởi hành từ Nha Trang, may mắn đã đáp an toàn xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Chắc đây là chuyến bay của Hàng Không Việt Nam cuối cùng rời Nha Trang. Cái tâm trạng hoang mang, lo lắng, sợ sệt những điều bất hạnh xảy đến, không những riêng đối với chúng tôi mà còn hiện rõ trên khuôn mặt những người xung quanh. Đâu đó... quanh đây... mọi người nơi phi trường cũng vậy.

 Hai vợ chồng trẻ và ba đứa con trai nhỏ, cháu lớn nhất mới 4 tuổi. Xuôi theo đoàn người, chúng tôi nhanh chân bước ra cửa. Tình cờ gặp Hiệp trên đường đi. Hiệp là người bà con bên ngoại cũng là người thân duy nhất trong thời sinh viên ở Đà Lạt. Tuy mừng rỡ đã gặp nhau, nhưng chỉ có những cái bắt tay siết mạnh... những lời thăm hỏi vội vàng... Rồi thì... mạnh ai nấy chạy...

 Kể từ lần đó, sau một thời gian dài lắm trên con đường đầy gian nan vất vả, có ai nghĩ đến còn ngày có cơ hội gặp nhau? Người ta truyền miệng nhau tin tức những người tù cải tạo được thả ra. Sau 13 năm dài, nhờ trời Hiệp là một trong số những người tù cải tạo may mắn còn sống sót trở về từ những trại tù xa xôi khắc nghiệt nhất, nơi những vùng núi non hiểm trở, nơi rừng sâu nước độc mãi tận biên giới Việt Bắc mà những con người thắng cuộc luôn luôn lộ vẻ thù hằn.

 Nói lại về gia đình chúng tôi, sau khi tìm chỗ ở tạm năm ba ngày, nhờ một người quen giới thiệu, chúng tôi đã thuê được một chỗ trong căn nhà trên đường Lê Văn Sâm. Anh chị Nhiễu cũng đã đưa được mẹ vào Sài Gòn. Chúng tôi đã đến thăm và mẹ đã đồng ý về ở tạm với gia đình chúng tôi. Nhờ bà nội giữ giùm các cháu, chồng tôi đến trình diện ở Bộ Nội Vụ Sài Gòn, còn tôi đến Bộ Giáo Dục. Cả hai nơi những nhân viên vẫn còn làm việc, nhưng tôi nhận thấy họ không còn tinh thần mà chỉ làm việc cầm chừng, lo lắng hồi hộp...

 Ban ngày chúng tôi đi ra ngoài để nghe ngóng tin tức và mua tạm thức ăn cho cả nhà. Sau vài ngày, không thể giữ mãi cảnh "cơm hàng cháo chợ ", chúng tôi bàn tính với nhau mua soong nồi và một ít đồ dùng trong bếp. Tôi sắp xếp đi chợ và nấu ăn cho cả nhà.

 Ở cái chợ chồm hỗm băng qua đường là tới, một lần vào buổi chiều, cầm tiền trong tay và đang hỏi mua một ít rau. Một tên giựt dọc đứng từ phía sau nhào tới giựt tiền nơi tay tôi. Nhờ giữ chặt trong lòng bàn tay, nó không giựt được, nhảy thoát và tôi cũng bị té lăn cù. Sợ quá tôi ngồi bệt xuống đất, vừa ôm ngực vừa run lên cầm cập. Cũng may chỉ bị xây xát ngoài da.

 Một người đi chợ thấy vậy đỡ tôi đứng lên, bà hỏi chuyện và đưa tôi về tận nhà. Bà ấy và tôi đi thật nhanh. Cũng không biết người này là người ngay hay kẻ gian? Cho đến bây giờ, đã 40 năm qua tôi cũng không nhớ được trạng thái của mình lúc đó. Đến được trước cửa, tôi cám ơn, chào bà ấy và chạy nhanh vào nhà.

 Ngày 2/4/1975 thành phố Nha Trang rơi vào tay Cộng sản. Niềm tuyệt vọng khôn cùng!

 Cuộc chiến ngày càng sôi động, Cộng quân tấn công Xuân Lộc tỉnh Long Khánh, chỉ cách Sài Gòn 60 cây số. Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy đánh trả. Tướng tá và binh lính cùng sát vai nhau chung lòng quyết chiến. Xuân Lộc đứng vững được 5 ngày. Phía Cộng quân bị tổn thất nặng nề, xác chết nằm ngổn ngang. Nhưng cùng lúc đó, quân Bắc Việt ồ ạt tràn ngập miền Nam. Chiếm không được Xuân Lộc, chúng quay qua Biên Hòa, Dầu Giây... rồi Phan Thiết. Lực lượng quân đội miền Nam ở Xuân Lộc buộc lòng phải phân tán đi khắp nơi. Khoảng giữa Tháng 4/1975 chúng pháo kích phi trường Biên Hòa, cắt đứt đường yểm trợ bằng máy bay. Chúng pháo kích Xuân Lộc. Cầm cự được 5 ngày, Xuân Lộc thất thủ. Những tỉnh lân cận Sài Gòn dần dần mất nhanh, bị nhuộm đỏ như máu thấm loang nhanh qua băng vải mỏng. Tinh thần mọi người, mọi giới càng bất an bấn loạn...

 Một phi cơ ném bom vào sau Dinh Độc Lập do Nguyễn Thành Trung sĩ quan Không Quân miền Nam, người do Cộng sản cài vào.

 Ngày 21/4/1975 tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức làm chấn động lòng dân. Người người hoang mang lo lắng.

 Tôi không nhớ do đâu mà chúng tôi liên lạc được với anh chị Mai Phát. Ngày 28/4/1975 chúng tôi hẹn nhau, gặp được và đi chơi với nhau. Chúng tôi nói chuyện thời sự. Chưa ai nói chuyện bỏ nước ra đi. Chị Bạch Mai còn nói sẽ đi mua mùng mền chăn chiếu và đồ dùng nhà bếp chiều nay.

 Chúng tôi tìm đến thăm anh chị Quy Hiếu cũng vậy!

 Sáng sớm hôm sau, ngày 29/4/1975 chúng tôi tìm đến được nhà ba má anh Phát, mong gặp được anh chị để kiếm đường ra đi. Bác gái cho biết gia đình anh chị đã vào phi trường tối hôm qua.

 Quay trở lại nhà anh chị Quy Hiếu. Tình trạng cũng thế. Tất cả đã bỏ đi. Chúng tôi lâm vào ngõ cụt!

 Phó Tổng Thống Trần Văn Hương lên nắm chính quyền trong vòng 7 ngày, trước khi bị Quốc Hội áp lực phải từ chức và bàn giao lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Lại bị áp lực từ phía Cộng sản, Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

 Đạn pháo kích rơi liên tục suốt ngày đêm. Người dân cuống quít tìm đủ mọi cách ra đi. Bến tàu, bến sông, số lên tàu được cũng nhiều và số rơi xuống biển sâu cũng không kém. Sài Gòn chìm trong lửa máu.

 Nói chung, cuộc di tản trốn chạy Cộng sản bằng đủ mọi phương tiện của toàn thể quân dân miền Nam Việt Nam lớn lao nhất, chết chóc nhiều nhất trong lịch sử!!!

 Quân dân cán chính miền Nam còn bị kẹt ở lại còn đau khổ gấp trăm lần, hầu hết lâm vào cảnh lầm than điêu đứng kể từ ngày đó!!!

 Sáng ngày 30/4/1975 những người thuê cùng chung nhà, gặp chúng tôi nơi cầu thang, họ cùng rủ nhau trốn chạy.
_ Tại sao anh chị chưa đi?
_ Biết đi đâu bây giờ???

 Chúng tôi đi ra đường, thấy thi thể một người Cảnh Sát nằm sóng soài bên vũng máu đã khô tự bao giờ. Chiếc xe mô tô của ông ấy vẫn còn dựng bên lề đường. Niềm thương cảm dâng tràn. Tôi thầm cầu nguyện cho linh hồn ông được bình an bên kia thế giới.

 Chồng tôi trả lại chỗ ở tạm trên đường Lê Văn Sâm. Đưa mẹ và vợ con đến nương náu nhà anh chị Nhiễu. Tất cả không còn có được một quyết định gì. Trước mắt là một con đường không lối thoát.

 Theo chân người trong xóm, tôi theo mẹ ra trước đường, nhìn đoàn quân nhân chiến bại bị bắt đi trên đường:
"Tôi biết mình không khóc mà tại sao hai hàng nước mắt cứ thi nhau lăn tròn trên đôi má! "

 Ngày 10/5/1975, các sĩ quan trong quân đội và viên chức chính quyền Sài Gòn có lệnh phải đi trình diện. Mỗi người phải mang theo giấy tờ cá nhân, áo quần dùng trong 10 ngày. Chồng tôi và anh chồng lập tức thi hành. Họ cứ nghĩ đi sớm về sớm. Đợt này đông người quá, các anh lại trở về chờ đến đợt sau. Mọi người lo lắng sợ sệt. Các anh bức đầu tức tối!

 Lần thứ hai các anh chuẩn bị sớm hơn. Kể từ ngày đó họ ra đi không một ai có tin tức gì. Biệt vô âm tín. Mãi đến khoảng nửa năm sau mới có vài hàng tin ngắn.

 Tính chồng tôi rất chu đáo, trước khi đi trình diện khoảng hai tuần, anh đưa tôi đi xem, định mua một căn nhà nhỏ, số nhà 3 xuyệt trong một xóm lao động để me cùng ở với mẹ con tôi, 10 ngày nữa anh về sẽ có nơi nương náu lúc nắng, lúc mưa. Hai vợ chồng cùng đi đóng tiền đặt cọc. Tại sao lúc đó đầu óc tôi trống rỗng, không suy nghĩ được gì.

 Giờ đây, không có anh bên cạnh. Tuy có me tôi, nhưng sống giữa nơi xa lạ, chưa biết làm gì để nuôi thân và nuôi con nữa. Tâm trạng cô đơn và hụt hẩng vô cùng!

 Về lại Nha Trang nương náu nhà ông bà ngoại. Nơi đây còn có các cậu các dì, chung quanh hàng xóm láng giềng dù gì cũng quen thuộc. Ý nghĩ này giúp tinh thần tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn.

 Tôi thưa chuyện với me, chị Nhiễu. Cám ơn tất cả đã giúp đỡ gia đình tôi có nói cư ngụ trong thời gian di tản. Tôi quyết định đưa các con về lại Nha Trang. Cuộc sống gia đình tôi bắt đầu những khúc quanh co chông gai, trắc trở... từ đó...

 Cuối Tháng 10 Năm 1980 chồng tôi được thả về. Vợ chồng chung sức chung lòng nuôi dạy các con.

 Đến khoảng cuối 1988, chúng tôi gặp lại Hiệp. Mừng vui chị em còn gặp lại được nhau. Nhưng cũng thật xót xa cho Hiệp, khi trở về không gặp được người vợ trẻ, vì hoàn cảnh đã không giữ được lòng mình. Vợ chồng đành phải phân ly...

 ***

 Đến khoảng cuối năm 1990 chúng tôi đưa tiễn gia đình Hiệp trên sân ga Nha Trang và ngày 3/6/1991 gia đình chúng tôi đặt chân lên đất Mỹ, mảnh đất tự do mà nhiều người hằng mong ước.

 Nghĩ lại thời gian 40 năm trước, chiến tranh... xâm chiếm... thù hận... lao tù... Đã cướp mất bao tuổi thanh xuân của con người... Những nhân tài đã không được trọng dụng... Những chất xám bị vùi dập và mục nát trong những trại cải tạo... Số người chịu không nổi phải bỏ thân nơi rừng sâu núi thẳm... Số người chịu đựng được... giờ đây chết dần... chết mòn... cơ thể mang vài ba chứng bệnh nan y, quái ác...

 ***
 Cám ơn anh Chung Thế Hùng, Diễn ĐànThụ Nhân Đà Lạt. Đã design tấm hình 40 Năm 1975_ 2015 và Tờ lịch Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975.
 Cám ơn các anh chị và các bạn trong Diễn Đàn Thụ Nhân Đà Lạt.

HẾT

Nguyễn Thị Lộc,  Cựu Giáo sư Trung học Ninh Hòa Trần Bình Trọng,  Niên khóa: 1968-1972
http://www.ninh-hoa.com/NguyenThiLoc-ChuyenKeTuNgay-30-4-NamAy.htm

No comments:

Post a Comment