Thursday, September 10, 2015

Viết từ Dallas: Bỏ xe hơi, đi xe đạp _Huy Lâm


Đầu tháng 8 vừa qua, Cục Kiểm tra Dân số đưa ra một bản báo cáo về thói quen sử dụng các phương tiện di chuyển của người Mỹ. Một trong những điểm được chú ý trong bản báo cáo là càng ngày càng có nhiều người trẻ ở Mỹ sống tại các đô thị không sử dụng xe hơi để đi làm nữa. Chuyện này dễ hiểu vì sống tại các đô thị với hệ thống di chuyển công cộng đầy đủ nên người ta không cần đến xe riêng nữa. Do đó việc lái xe đi làm đã giảm 6% trong số những người tuổi từ 25 đến 29. Một điều khá lý thú khác là số người sử dụng xe đạp để đi làm lại tăng, tuy chậm nhưng rất đều đặn trong mấy năm gần đây – đặc biệt là với những người có mức lương khá.

Theo bản báo cáo, từ năm 2006 đến 2013, sử dụng xe đạp để đi làm đã tăng gấp đôi trong số những người có mức lương từ $75.000 trở lên, từ 1,1% lên 2,4%. Với những người có mức lương thấp nhất (từ $24.999 trở xuống), sử dụng xe đạp đi làm tăng từ 3,1% năm 2006 lên 3,5% năm 2013. Và với những người có mức lương ở giữa (từ $25.000 đến $74.999), số người đi làm bằng xe đạp tăng từ 1,9% năm 2006 lên 2,9% năm 2013.

Nếu dựa vào những thay đổi trên trong mấy năm qua như là một chỉ dấu, thì sự cách biệt giữa thói quen lái xe hơi đi làm và thói quen mới lái xe đạp tuy còn khá xa nhưng đã khép gần lại đôi chút. Và với chiều hướng đi làm bằng xe đạp gia tăng cũng trùng hợp với sự gia tăng của những chương trình khuyến khích sử dụng chung xe đạp tại các đô thị khắp nước Mỹ.

Mặc dù còn gặp nhiều thử thách về tài chánh và luật pháp, nhiều chương trình xài chung xe đạp (bike sharing – hay còn gọi là hệ thống xe đạp công cộng) vẫn tiếp tục nở rộ ở nhiều thành phố khắp khu vực Bắc Mỹ trong thời gian qua.

Dân địa phương cũng như du khách tại những thành phố lớn như Minneapolis, New York, Washington đến thành phố nho nhỏ như Fort Worth, Texas và nhiều chục thành phố khác nữa hiện nay có thể tham gia làm hội viên của những chương trình xài chung xe đạp. Người tham gia có thể là hội viên một năm, một tuần, hay thậm chí một ngày cũng có. Hoặc có người chọn cách trả tiền theo giờ cũng được. Người mượn xe nếu đã là hội viên thì có sẵn thẻ còn không thì trả bằng thẻ tín dụng, sau đó lấy một chiếc xe đạp ra khỏi trạm và đạp dạo vòng quanh thành phố rất tiện, tránh được nạn kẹt xe và không phải mất thì giờ tìm chỗ đậu.

Những thành phố lớn khác như Tampa, San Diego, Portland và Vancouver cũng đang chuẩn bị để phát động chương trình xài chung xe đạp này.

Điển hình trong tháng 9 này có Seattle là thành phố mới nhất loan báo sẽ tham gia vào phong trào xài chung xe đạp, khởi đầu với 50 trạm giữ xe được đặt quanh thành phố với khoảng 500 chiếc xe đạp.

Thường thì tại những thành phố khác, để có được một hệ thống xe đạp công cộng như vậy phải cần từ nhiều nguồn tài chánh như tiền trợ cấp từ chính phủ, tiền bảo trợ từ những mạnh thường quân và tiền phí từ người sử dụng. Nhưng Seattle có lẽ là thành phố đầu tiên nhận được tài trợ từ một công ty hàng không là Alaska Airlines với phần đóng góp là $2,5 triệu. Điều này mới nghe có vẻ kỳ cục, không hợp lý, khi không một công ty với hình thức chuyên trở truyền thống uống xăng như uống nước lại đi giúp một chương trình nhắm tới việc làm sạch môi trường. Nhưng dù gì thì đây cũng là một số tiền lớn cho một chương trình xài chung xe đạp như tại Seattle đang cần đến.

Hệ thống xe đạp công cộng thực ra không phải là sáng kiến mới mẻ mà đã có ở Âu châu từ nhiều thập niên trước. Nhưng phải chờ đến giữa thập niên 2000 thì nó mới lan mạnh là nhờ ở kỹ thuật tin học phát triển với những trạm xe không cần phải có người trông coi. Tất cả đều tự động: người sử dụng có thể trả tiền bằng thẻ tín dụng hoặc bằng thẻ hội viên, khi trả lại xe thì chỉ cần đẩy xe vào khoang đậu là xe tự động khóa lại, thậm chí nhiều thành phố còn có ứng dụng (apps) để biết số lượng xe của mỗi trạm còn hay hết.

Thành phố Lyon ở Pháp có lẽ là thành phố đầu tiên áp dụng hệ thống xe đạp công cộng hiện đại, sau đó lan sang Paris. Hiện nay trên thế giới đã có ít nhất 900 thành phố có hệ thống xe đạp công cộng và hai thành phố Vũ Hán và Hàng Châu ở Trung Quốc đang điều hành hệ thống xe đạp công cộng lớn nhất trên thế giới với hàng trăm ngàn chiếc.



Thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon là nơi có nhiều người sử dụng xe đạp để đi làm nhất. Một phần là vì được sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương đã cho xây dựng nhiều làn đường dành riêng cho xe đạp với tổng cộng 345 dặm chiều dài quanh khắp thành phố. Hiện có 6% dân số của Portland đi làm bằng xe đạp. Nhưng ngay trong trung tâm thành phố, con số này nhảy vọt lên tới 25%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của nước Mỹ là dưới 1%.

Mà phong trào sử dụng xe đạp công cộng chắc sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai vì chi phí trung bình để đưa một chiếc xe đạp vào hoạt động cũng đã giảm bớt khá nhiều.

Năm 2010, để có một hệ thống xe đạp công cộng hoạt động trong thành phố thì chi phí cho mỗi chiếc xe là khoảng $6.000 bao gồm tiền xây trạm, khoang đậu xe và lắp ráp. Nhưng nay nhờ vào kỹ thuật mới, chi phí hoạt động giảm xuống còn từ $3.000 đến $5.000 cho mỗi chiếc. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thu phí từ người sử dụng không thôi vẫn chưa đủ nên người ta vẫn còn cần tới sự bảo trợ từ các công ty về dịch vụ y tế hay ngân hàng để gánh bớt một phần chi phí.

Ở Mỹ, ngoài một số người sử dụng xe đạp như một phương tiện di chuyển trong thành phố, đạp xe còn là cách tập thể dục. Ở công viên vào những ngày cuối tuần thường có nhiều người đạp xe và hầu như công viên nào cũng có làn đường riêng cho người đi xe đạp.

Trong chính trường Mỹ cũng có một số nhân vật tiếng tăm thích tập thể dục bằng xe đạp. Điển hình có cựu Tổng thống George W. Bush và đương kim Ngoại trưởng John Kerry. Kể cũng lạ, hai ông này khác nhau mọi mặt, từng là đối thủ của nhau trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2004 và từng chê nhau đủ điều, nhưng lại có cùng một sở thích đạp xe đạp. Ông Kerry thường đạp xe ngoài đường phố trong khi ông Bush thì thích đạp ở nông trại ngàn mẫu của ông ở Texas. Và hai ông này đã từng bị tai nạn xe đạp. Ông Bush có lần xuất hiện trước ống kính truyền hình mặt mũi trầy trụa, bị nhà báo gặng hỏi bèn trả lời tỉnh bơ là té xe đạp. Ông Kerry trong thời gian điều đình với quốc gia Hồi giáo Iran về chương trình nguyên tử cũng bị té xe đạp khá nặng đến nỗi bị gẫy chân phải đưa về Mỹ băng bó. Băng bó xong lại quay trở lại Áo Quốc điều đình tiếp.

Theo thống kê năm 2013 có tất cả 48.000 vụ tai nạn có liên quan đến xe đạp ở Mỹ, trong đó có 743 vụ gây tử thương cho người đạp xe. Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của người đi xe đạp là bị những loại xe máy tông vào. Nhưng theo kết quả nghiên cứu cho thấy xe đạp bị xe khác tông hiếm khi xảy ra mà đa số các vụ tai nạn xe đạp là tai nạn một mình (solo), có thể là do xe bị hư, hoặc có thể là do đường đi xấu, hoặc vì người đạp xe không cẩn thận.

Mặc dù có một số rủi ro có thể đưa tới tai nạn khi đạp xe, nhưng lợi ích về sức khỏe thì rất nhiều có thể bù đắp cho những rủi ro đó. Theo một nghiên cứu năm 2013, một người chỉ cần đạp xe một tiếng đồng hồ có thể đốt hết 500 calories trong cơ thể, tùy đạp nhanh hay chậm. Đạp xe cũng là cách tập thể dục hữu hiệu nhất cho sức khỏe tim mạch, nhất là ở người lớn tuổi. Ngoài lợi ích về tim mạch, khi đạp xe, nhiều khu vực cơ bắp của cơ thể, nhất là đùi và bắp vế, phải hoạt động, nhờ vậy giúp các cơ bắp được săn chắc. Hơn nữa, đạp xe không dồn quá nhiều sức vào các khớp xương ở chân như chạy bộ, thế nên đạp xe cũng là cách tập thể dục mà không mất nhiều sức và không mang lại tác động xấu cho cơ thể.

Tuy chưa có đầy đủ bằng chứng nhưng theo kết quả nghiên cứu cho thấy việc đạp xe có sự liên hệ tới kéo dài hơn tuổi thọ. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí về y khoa thể thao International Journal of Sports Medicine, những tay cua rơ tham gia trong giải đua xe đạp Tour de France sống thọ thêm tám năm hơn người bình thường.

Nhưng một nghiên cứu khác cho thấy không chỉ vì đạp xe mà có thể là nhờ tập luyện thường xuyên và ở cường độ cao đã đưa đến kết quả kéo dài tuổi thọ. Do đó, các nhà nghiên cứu nói rằng nếu đạp xe thường xuyên và mỗi lần đạp thật nhiều đến đổ mồ hôi ra có thể sẽ giúp người ta tăng thêm tuổi thọ khoảng bốn hoặc năm năm.

Trong cuộc sống, con người luôn luôn tìm cách thích nghi với hoàn cảnh. Các nhà nghiên cứu bảo đó chính là bản năng sinh tồn còn được giữ lại sau khi trải qua hàng trăm ngàn năm tiến hoá. Bỏ xe hơi để đi xe đạp cũng là cách thích nghi với hoàn cảnh. Xe đạp không có khả năng đưa người ta đi xa, nhưng để đi quanh quẩn trong thành phố thì không có phương tiện nào thích hợp hơn. Nó giúp người ta giải quyết được hai vấn đề nan giải thường thấy ở những thành phố lớn: bớt nạn kẹt xe và đỡ mất thì giờ tìm chỗ đậu. Và như đã trình bày, đạp xe còn là phương cách tập thể dục tốt cho sức khỏe. Nếu có điều kiện, mỗi ngày chỉ cần đạp hết một vòng của trung tâm thành phố thì khỏi phải tới phòng tập thể dục làm chi, dành thì giờ đó đọc sách báo bồi bổ cho trí óc. Tập thể dục tay chân rồi thì cũng nên tập thể dục cho bộ não chứ.

Khi còn nghèo chỉ có khả năng sắm chiếc xe đạp, người ta mơ tưởng có chiếc xe máy hai bánh. Có được chiếc xe máy hai bánh, người ta mơ tưởng tới chiếc xe hơi. Giờ có được chiếc xe hơi rồi nhưng sống ở thành phố chật chội đôi khi lại gây bất tiện, người ta bèn quay về với xe đạp. Cuộc sống của chúng ta vẫn luôn là cái vòng luẩn quẩn như thế.

Huy Lâm

http://thoibao.com/viet-tu-dallas-bo-xe-hoi-di-xe-dap/

No comments:

Post a Comment