Friday, January 26, 2018

Cầu sắt xưa ở Ninh Hòa đã không còn nữa _Huyền Chiêu


Đứng ở Cầu Dinh, nhìn về hướng tây, du khách sẽ nhìn thấy cây cầu xe lửa màu đen in trên màu xanh của núi Vọng Phu. Nhưng ngoài những đứa trẻ đa cảm vẫn hay nhìn về hình ảnh ngọn núi mang trên mình một câu chuyện cổ tích, người Ninh Hòa đã quá quen thuộc với hình ảnh cầu Sắt đến nỗi họ ít khi ngắm nhìn nó.

Một hôm họ ngạc nhiên khi nhận ra cây cầu Sắt trăm tuổi đã biến mất từ hồi nào.


Thay vào đó một cây cầu xe lửa mới toanh màu xanh đọt chuối xuất hiện in bóng trên dòng sông Dinh cạn nước.

Nhưng rồi người ta lại vô tình với cây cầu. Nó có xanh hay đen thì cũng chỉ là cây cầu cho xe lửa chạy qua.

Dầu sao, tôi biết đối với rất nhiều người cây cầu sắt cũ kỹ năm nào vẫn luôn là cây cầu mang nhiều kỷ niệm.

Cây cầu ấy đã thọ gần trăm tuổi, tôi nghĩ thế vì khi tôi sinh ra đời cây cầu ấy đã có vẻ lớn tuổi và chững chạc lắm rồi.

Những năm tôi học ở Tuy Hòa, mỗi cuối tuần tôi vẫn về thăm nhà bằng xe lửa.

Và cuộc hành trình quá dài đối với một đứa trẻ sẽ chấm dứt khi tiếng còi tàu thét lên lảnh lót trong tiếng bánh sắt nghiến vang khi đoàn tàu chạy qua cầu.

Và trái tim nhớ nhà của tôi cũng rộn lên niềm vui khi con tàu bắt đầu giảm tốc để nặng nề tiến vào sân ga.

Hai ngày cuối tuần bên mẹ bên đàn em nhỏ trôi qua thật nhanh.

Chiều chủ nhật tôi lại lủi thủi ôm cặp ngồi chờ tàu trên sân ga, bây giờ sao buồn quá đổi.

Đôi khi tôi lang thang ngắm nhìn những con đường sắt cắt nhau ở đầu ga rồi kéo dài đến vô định.

Tôi cũng thích ngắm nhìn những bụi bồn bồn mọc hoang, những cột dây thép ngã nghiêng bên lề đường sắt.

Ngày ấy tàu lửa chạy bằng hơi nước, nên từ xa người ta đã nhận ra nó từ cột khói được thở ra một cách nặng nề từ nồi súp-de khổng lồ.

Tiếng còi tàu thuở ấy cũng buồn bã nôn nao lòng người hơn bây giờ.

Và khi tàu vượt qua cầu Sắt, tôi biết Ninh Hòa thân yêu của tôi đã bị bỏ lại sau lưng.

Cầu Sắt ở nơi nào cũng có hình dáng giống nhau. Nhưng cây cầu Sắt không dài lắm bắt qua sông Dinh luôn gây cho tôi nhiều xúc cảm mỗi khi nhìn thấy nó.

Thuở bé tôi đã từng được đến gần cầu Sắt không phải từ cửa sổ toa tàu mà từ con đường đất nối làng Vĩnh Phú với làng Quang Đông..

Khoảng năm 1960, tôi học lớp đệ thất (6) trường Bán Công Ninh Hòa.

Việc học thuở ấy vui và lạ lẫm biết bao khi trường học không chỉ là nơi học hành, trường học còn là nơi ta cùng bè bạn rong chơi..

Buổi sáng nếu chưa đến tiết học, chúng tôi thường đạp xe lên cổng xe lửa chỉ để nhìn đoàn tàu 9 giờ sáng băng qua quốc lộ 21 để vào ga và để nghe tiếng còi tàu rộn rã..

Buổi chiều 2 giờ vào lớp nhưng không sợ cơn nắng chang chang, ăn cơm trưa xong, chúng tôi đã đến nhà từng bạn để rủ bạn đến trường.

Chủ nhật, chúng tôi rủ nhau tìm đến những làng quê xa để thăm bạn.

Nhà chị Kiều Thị Lắm nằm gần một cái ga xép bé xíu ở Thuận Mỹ..

Muốn đến nhà chị Phùng Thị Tài phải vượt qua con đường rầy ở Phong Ấp.

Nhớ vườn chanh nhà chị Tung ở Bến Đò.

Một lần chúng tôi chui gầm cầu Sắt để thăm nhà anh Nguyễn Thân ở Quang Đông.

Cầu Sắt nhìn gần thật đẹp với những thanh sắt màu đen in những nét gấp hình học lên nền trời xanh biếc, tương phản vời dòng sông lặng lờ trôi giữa hai hàng tre êm đềm, thơ mộng. Một vài người đang ngồi câu cá, một vài đứa con trai gan lì nhảy ùm xuống sông từ những thanh sắt thành cầu.

Tôi không quên được những năm tháng thanh bình nơi quê hương có dòng sông nhỏ trôi dưới cầu Dinh, cầu Sắt.

.. .

Sau năm 75, người dân quê tôi phải tự tìm mọi cách để sống sót.

Ruộng lúa phải nộp cho nhà nước làm hợp tác xã.

Làm sao để có miếng ăn đây.

Người thì lên rừng hái củi, lên núi làm rẫy trồng khoai mì, kẻ thì chặt tre về đan thúng.

Và khi ấy cây cầu Sắt dù đã bắt đầu già yếu cũng đã gắng còng lưng chở đoàn tàu chở đoàn người lủ lượt ra tận Tuy An, La Hai mua đường về cung cấp cho nhu cầu làm bánh, nấu chè của người Ninh Hòa.

Vì không có nhà máy đường nên đường được nấu theo cách thủ công. Và từng bánh đường còn nguyên màu mật được mang về để được dùng dao chặt thành từng tảng bán ở các chợ lớn nhỏ.

Và món đường còn nguyên màu mật ấy vẫn là món xa xỉ cho dân nghèo, nên khi nó được chế biến thành món kẹo được phủ bên ngoài một lớp bột trắng vẫn là món quà quý giá cho bọn trẻ.

Thật bất ngờ, cây cầu Sắt già nua rất thân quen với thế hệ chúng tôi, đã cùng với chúng tôi trải qua những năm tháng ấu thơ đầy kỷ niệm, đã sống sót cùng chúng tôi sau một thời bom đạn chiến tranh, đã chia sẻ với chúng tôi một thời hòa bình trong nghèo đói đã lặng lẽ qua đời..

Và cứ mỗi lần đi về làng Quang Đông nhìn đống sắt màu đen dở ra từ cây cầu trăm tuổi tôi lại ngậm ngùi như thể đang nhìn nấm mộ của một người thân.

 www.ninhhoa.com/

No comments:

Post a Comment