Friday, December 4, 2015

Cây Vĩ Cầm và Viên Phấn Trắng _Diệp Hoàng Mai



Trong Ban giảng huấn đầu tiên của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, bây giờ chỉ còn lại một cựu giáo sư (*) duy nhất, đó là thầy Trần Văn Lộc. Thầy Lộc được tuyển chọn giảng dạy ở trường từ năm 1956, ngay khi trung học công lập đầu tiên của tỉnh lỵ Biên Hòa vừa thành lập. Sau khi trúng tuyển vào ngạch Thanh tra Tiểu học toàn quốc, thầy Trần Văn Lộc được điều động về làm Thanh tra Tiểu học tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa – Vũng Tàu). Đến năm 1972, thầy lại được điều động về làm việc tại Khu Học Chánh miền Đông. Chính vì vậy, mà tôi không có cơ hội làm học trò của thầy.


Tôi gặp lại thầy Trần Văn Lộc thật bất ngờ, khi thầy nhận lời đến dự buổi họp mặt “ Thầy Xưa, Trò Xưa – Hội Ngộ Mùa Hè 2013” tôi tổ chức tại khu Du lịch Bửu Long (Biên Hòa), nhân tiệc cưới của con trai tôi. Anh Đoàn Văn Trọng (chs.NQBH K.1) đã đưa tôi đến chào thầy:

- Đây là thầy Trần Văn Lộc, người thầy mà cô cất công tìm kiếm bấy lâu nay nè! …
Tôi hạnh phúc quá chừng, khi lần đầu được diện kiến vị giáo sư từng đứng trên bục giảng trường tôi gần 60 năm về trước. Nhưng chính những câu chuyện thầy Trần Văn Lộc kể tôi nghe sau đó, mới thực sự là những bài học thâm thúy tôi học được, từ vị cựu giáo sư từng trãi và có quá nhiều vốn sống trong cuộc đời này…

***

Mười chín tuổi, thầy Trần Văn Lộc thi đậu vào trường Sư Phạm Nam Việt với thứ hạng rất cao. Sau hai năm miệt mài cùng con chữ, năm 1954 thầy Trần Văn Lộc nhận bằng tốt nghiệp Sư Phạm hạng tối ưu. Là thủ khoa khóa Sư Phạm đầu tiên của cả nước sau thời kỳ Pháp thuộc, thầy Lộc có được quyền ưu tiên chọn nhiệm sở trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Thầy Lộc còn nhận khá nhiều lời mời của hiệu trưởng các trường Tiểu học nổi tiếng, với những ưu đãi dành cho giáo sinh xuất sắc mới ra trường. Một tương lai xán lạn trãi dài trước mắt, nếu tân thủ khoa Trần Văn Lộc nhận lời làm việc tại Sài Gòn, thủ phủ nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Đứng trước ngưỡng cửa vào đời, chừng ấy sự chọn lựa đã khiến tâm hồn chàng trai trẻ Trần Văn Lộc xáo trộn ngã nghiêng. Suy nghĩ rất lung, nhưng cuối cùng “giáo sinh xuất sắc” Trần Văn Lộc đã quyết định trở lại quê nhà. Chọn nhiệm sở gần nhà, thầy Trần Văn Lộc mới có thể phụ giúp cha mẹ già nuôi nấng đàn em thơ dại. Trường Tiểu học tỉnh lỵ Biên Hòa (tiểu học Nguyễn Du), là nơi thầy Trần Văn Lộc lần đầu đứng trên bục giảng. Anh Đoàn Văn Trọng – cũng là thầy giáo nghỉ hưu, và là chs.NQBH K1 – đã kể tôi nghe về người thầy tiểu học và trung học của anh:

- Thầy Lộc hay lắm Mai ơi! Hồi đó đứa nào được vào “lò luyện” của thầy, thế nào cũng đậu vào lớp đệ Thất trường công lập …

Năm 1956 do tình trạng thiếu giáo sư giảng dạy, nên những giáo viên tiểu học có bằng cấp chính quy, có năng lực vững vàng đã được tuyển vào ban giảng huấn đầu tiên trường trung học Ngô Quyền. Là giáo viên tiểu học xuất sắc – chuyên luyện thi vào lớp đệ thất trường công lập – nhưng thầy Trần Văn Lộc lại bén duyên với trung học Ngô Quyền bằng môn học thuộc  “nghề tay trái” của thầy…

Bởi trước khi đồng hành cùng con chữ, tâm hồn thầy Trần Văn Lộc đã sóng đôi cùng âm nhạc. Làm bạn với những âm thanh réo rắt bổng trầm từ năm lên sáu tuổi, thầy Lộc rất thích thú rồi mầy mò tự học đánh mandoline. Với năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, Trần Văn Lộc đã có được ngón đàn khá điêu luyện. Không thỏa mãn với kiến thức âm nhạc tự học, thầy Lộc tìm đến thọ giáo bậc cao thủ âm nhạc thời đó là nhạc sư Trần Mưu, để nâng cao tầm hiểu biết về âm nhạc của mình. Trong suốt thập niên 60 và những năm tháng tiếp theo, thầy giáo Trần Văn Lộc đã trở thành một trong hai cây vĩ cầm hàng đầu của tỉnh. Và bản nhạc “ Học sinh Ngô  Quyền hành khúc”, là một trong những sáng tác đầu tay của thầy.

Âm nhạc ở trường trung học không phải là môn học chính, nhưng âm nhạc lại là chất liệu ngọt ngào vun quén tâm hồn tươi đẹp cho những học trò đệ nhất cấp trường Ngô. Và thầy Trần Văn Lộc – là một trong những vị giáo sư tâm huyết với nghề – đã truyền thụ niềm đam mê âm nhạc đến những lớp học trò đầu tiên của trường trung học Ngô Quyền thời đó. Chỉ với bảy nốt nhạc: Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si … qua cây vĩ cầm be bé xinh xinh, thầy Trần văn Lộc đã biến hóa ra không biết bao nhiêu âm thanh reo vui và ngộ nghĩnh, khiến đám học trò nhỏ của thầy ngẩn ngơ, hệt những chú nai tơ trong rừng thơ thi sĩ…

Dạy học là nghề, âm nhạc là nghiệp. Phong cách chuẩn mực của nhà giáo trên bục giảng lâu năm, không chút đối nghịch với tâm hồn bay bổng phóng khoáng của nhạc sĩ Trần Văn Lộc. Mà trái lại, sự đối nghịch ấy trong một con người dường như hòa quyện lấy nhau, hình thành một phong cách rất riêng cho Thầy giáo – Nghệ sĩ  Trần Văn Lộc.

Đã bước qua tuổi tám mươi, nhưng tâm hồn của thầy giáo cũ trường tôi vẫn trẻ trung hoài cùng âm nhạc. Cư dân lâu năm sinh sống quanh con đường Lương Văn Thượng, đã quá quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng nhà giáo về hưu Trần Văn Lộc – Nguyễn Thị Kim Ngân sáng sáng cùng nhau đi bộ thể dục, chỉ để “kéo dài thêm tuổi thọ” như lời nói vui của thầy cô.

Bất chợt hôm nào bạn bắt gặp hình ảnh một người cao niên, chăm chỉ đi bộ thể dục quanh công viên Cầu Mát Biên Hòa, nhưng tai vẫn không rời headphone nghe nhạc. Người đó chính là cựu giáo sư dạy môn Âm Nhạc của trường tôi, cũng là cây “đại thụ” duy nhất hiện còn tồn tại, trong ban giảng huấn đầu tiên trung học Ngô Quyền Biên Hòa: Thầy giáo Trần Văn Lộc…

Diệp Hoàng Mai
Tháng 12/2015






-         Phụ đính: Xin CLICK vào hình để xem lớn hơn
blank
blank

blank
blank
blank
blank
blank
blank
 (*) Trước đây bậc phổ thông trung học được chia thành hai bậc:
-  Từ đệ Thất (lớp 6) đến đệ Tứ (lớp 9): Bậc “Trung học đệ nhất cấp” ( học sinh cấp II). Thầy giáo dạy học sinh cấp II, có tên gọi “Giáo Sư đệ nhất cấp”;
-  Từ đệ Tam (lớp 10) đến đệ Nhất (lớp 12): Bậc “Trung học đệ nhị cấp” (học sinh cấp III). Thầy giáo dạy học sinh cấp III, có tên gọi “Giáo Sư đệ nhị cấp”.

***********

Ghi chú: T/g bài viết là chs TH NQ BH trước nam 1975. Do sống trong chế độ Việt cộng quá lâu cho nên bị ảnh hưởng bởi một số từ ngữ xhcn.

http://www.ngo-quyen.org/p3590a4997/cay-vi-cam-va-vien-phan-trang

No comments:

Post a Comment