Wednesday, December 23, 2015

Rước voi giày mả tổ, cõng rắn cắn gà nhà: Nguyễn Ánh Gia Long (1762 - 1820)

Nguyễn Phúc Ánh còn gọi là Nguyễn Ánh, cha là Nguyễn Phúc Luân bị quyền thần Trương Phúc Loan bắt giam và chết trong ngục khi Nguyễn Ánh mới lên 4 tuổi.
.
Năm 1777, chúa Nguyễn Phúc Thuần, Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương, và nhiều người trong gia tộc lần lược bị tử trận bởi quân Tây Sơn.

Nguyễn Ánh chạy thoát ra đảo Thổ Chu, được Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) là một giám mục người Pháp giúp đỡ, và Đỗ Thành Nhân phò trợ thành lập đội quân nghĩa dũng, quân sĩ mặc toàn đồ tang quyết tử chiến chiếm lại Sài Gòn. Năm 1778, khi Nguyễn Ánh được 17 tuổi, các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính.

Năm 1780, Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Sài Gòn, khắc ấn “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”, nhưng vẫn dùng niên hiệu nhà Lê, phong Đỗ Thành Nhân chức Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng công. Sau đấy, Nguyễn Ánh nghi ngờ Đỗ Thành Nhân cậy công lộng hành nên mật bàn với tướng Tống Phước Thiêm, rồi gọi Đỗ Thành Nhân đến cho võ sĩ giết chết vào tháng 3 năm 1781.

Năm 1782, Nguyễn Ánh bị thua quân Tây Sơn, phải chạy ra đảo Phú Quốc, sau khi Tây Sơn rút quân về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh trở lại Gia Định.

Năm 1783, Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Ánh tan tác, ông mang tàn quân chạy ra đảo Phú Quốc lần nữa.

Năm 1784, Nguyễn Ánh qua Xiêm cầu viện được 3 vạn quân và 300 chiến thuyền, do hai tướng Xiêm là Chiêu Tăng, Chiêu Sương thống lãnh, trở về chiếm lại Rạch Giá, Trà Ôn, Sa Đéc... quân Xiêm làm đủ điều tàn bạo với dân chúng. 

Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa, bèn cố thủ Gia Định dù quân Xiêm thế mạnh và sai người về Qui Nhơn báo tình hình nguy cấp. Khi Nguyễn Huệ nhận được tin liền cử quân vào Nam đánh đuổi quân Xiêm và Nguyễn Ánh tan tác, Nguyễn Ánh trở lại Xiêm, lập doanh trại ở Long Kỳ (Bangkok).

Ngày 25-11-1784, Nguyễn Ánh đưa Hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) 4 tuổi làm con tin và một tờ quốc thư cho giám mục Bá Đa Lộc (tục gọi cha Cả) đưa qua Pháp, để làm con tin cho việc cầu viện. Tháp tùng có các tướng Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm. Đến tháng 2-1787, Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Cảnh mới tới hải cảng Lorient của Pháp và đầu tháng 5-1787, họ mới được gặp vua Pháp là Louis XVI.
.
     Ngày 28-11-1787, tại cung điện Versailles, Bá Đa Lộc là người đại diện cho Nguyễn Ánh đã ký với Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc, một bản hiệp ước “Tương trợ tấn công và phòng thủ” (thường gọi Hiệp ước Versailles). Nhưng Bá Đa Lộc có xích mích với Bá tước De Conway, nên De Conway tâu với vua Pháp, giúp Nguyễn Ánh không có lợi. Đến ngày 14-7-1789, cuộc cách mạng Pháp lật đổ triều đại phong kiến Louis, lập nền Cộng hòa Pháp. Do đó, Pháp lơ là không thực thi hoà ước. Thấy vậy, Giám mục Bá Đa Lộc đã tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở An Nam và số tiền 15.000 Franc của gia đình ông, đem mua súng đạn và tàu chiến, còn chiêu mộ được 14 sĩ quan và 80 thủy binh rồi cùng Hoàng tử Cảnh lên tàu La Méduse về đến Gia Định ngày 24-9-1789. Người Pháp giúp Nguyễn Ánh về chuyên môn, như: Công binh, huấn luyện binh sĩ, chứ không trực tiếp tham chiến. Sau đấy, một người Pháp là Paure tiếc rẽ: “Nếu Pháp nghe lời Bá Đa Lộc thì Pháp đã bảo hộ An Nam, không cần phải đánh chiếm sau này”.

     Năm 1787, Nguyễn Ánh được Bồ Đào Nha và Pháp giúp quân và chiến cụ. Tháng 8 năm 1788, đem quân đánh Gia Định, Nguyễn Lữ thất thủ, Nguyễn Ánh chiếm được Sài Gòn, Gia Định. Lúc đó, Nguyễn Nhạc bo bo giữ Qui Nhơn, Nguyễn Huệ chuẩn bị đánh đuổi trên 20 vạn quân Mãn Thanh (Tàu) đang hùng hổ tại thành Thăng Long ở Bắc Hà. Trớ trêu thay! Nguyễn Ánh sai Phan Văn Trọng và Lâm Bồ đem 50 vạn cân lương giúp quân xâm lược Mãn Thanh (Tàu)?!.
.
Nguyễn Ánh đặt ra hàng loạt chính sách: Trai tráng khi cần là lính chiến, hết chiến trận về làm ruộng, đãi ngộ chiến sĩ trận vong và tưởng thưởng những người có công lao rất hậu. Ông liên lạc ngoại giao với các nước láng giềng và Tây phương. Tháng 9 năm 1799, giáo sĩ Bá Đa Lộc mất, Nguyễn Ánh cho cử hành tang lễ cực kỳ trọng thể, thi hài được ướp thuốc thơm, quan tài làm bằng gỗ tứ thiết, chuyển từ Diên Khánh (Khánh Hòa) về Gia Định, quàn 2 tháng, tang lễ theo quốc táng, truy tôn Bá Đa Lộc là Thái phó Bi quận công, nhà mồ làm bằng gỗ quí, ngày đêm có 50 lính canh giữ?!!!
.
Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, Tây Sơn yếu dần. Nguyễn Ánh mở thế công, năm 1799 chiếm được Qui Nhơn.

Ngày 3-5-1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm được Phú Xuân.

Ngày 1-6-1802, Nguyễn Ánh lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi ở Phú Xuân (Huế), lấy đế hiệu Gia Long. Năm 1804, vua Gia Long cử Lê Quang Định làm chánh sứ sang Tàu xin phong vương, đổi tên nước là Nam Việt, nhà Thanh lo ngại Nam Việt sẽ lẫn với tên nước Nam Việt của Triệu Đà (gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của nước Tàu), nên gọi ngược lại là Việt Nam.
.
Trong nước, vua Gia Long cho lập thành 6 bộ:
 1. Bộ Lại: Xem xét thăng thưởng, thảo chiếu, sắc, dụ...
 2. Bộ Hộ: Lo việc thuế khóa, kho tàng, tài chính...
 3. Bộ Lễ: Lo việc tế tự, khoa cử, triều hội...
 4. Bộ Binh: Lo việc tuyển mộ, tổ chức quân ngũ...
 5. Bộ Hình: Sửa sang luật pháp, xét hình án...
 6. Bộ Công: Lo xây cất cung điện, lăng tẩm, hào lũy...
    .
Việc ngoại giao: Vua Gia Long không thân thiện lắm với các nước Tây phương, vì vua Pháp đã không thực thi hòa ước khi Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện.

     Năm 1804, nước Anh gởi sứ thần Sir Robert đến Việt Nam, Chaigneau Vannir lại xúi nhà vua khước từ ngoại giao với Anh. Năm 1819, các chiếc tàu buôn Tây phương lui tới Việt Nam, giao dịch song phương về thương mại, họ bán vải vóc... và mua của Việt Nam tiêu, chè... Như vậy, vua Gia Long có dễ dãi với người Pháp, nhưng đến các vị vua kế tiếp lại gây khó khăn với người Pháp nhất là việc truyền đạo Công giáo.
.
     Vua Gia Long lưu ý đến việc học hành thi cử để tuyển lựa quan văn, cho sang sửa lại các Văn miếu, thành lập Quốc tử giám ở Phú Xuân để dạy con vua và con các quan, tổ chức thi Hương theo định kỳ để tuyển chọn nhân tài. Ngoài ra, nhà vua còn đặt thêm chức đốc học ở các trấn, để coi việc dạy dỗ các địa phương. Đề cử Binh bộ thượng thư Lê Quang Định biên soạn 10 quyển “Nhất thống địa dư chí” vào năm 1806, ghi nhận về tình hình địa lý, chính trị nước ta.
.
     Thời của vua Gia Long là thời thịnh về thơ văn quốc âm, có nhiều tác phẩm kiệt xuất: Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, truyện Kiều của Nguyễn Du... Về luật pháp, vua Gia Long cho soạn Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Luật Gia Long), do Nguyễn Văn Thành chủ biên, bao gồm 22 quyển và 398 điều. Vua Gia Long cho khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long, đào kênh Vĩnh Tế và kênh Thuỵ Hà. Tại Bắc Hà, nhà vua cũng cho thực hiện việc đắp đê, để ngăn lũ lụt.

     Lực lượng hải quân cũng được chú trọng vì địa thế Việt Nam có bờ biển dài. Vua Gia Long cho tuyển mộ các cư dân sống gần biển, doanh Quảng Đức và Quảng Nam lập thành 6 vệ thuỷ quân. Còn ở các cửa biển đều có một cơ lính thủy và đặt súng để phòng thủ và trông giữ việc đi lại của tàu nước ngoài. Ngoài ra, vua Gia Long đã cho đóng loại thuyền lớn kiểu Tây phương, bọc đồng để đi lại tuần tra trên biển.
.
     Năm 1816, vua Gia Long cử thuỷ quân ra quần đảo Hoàng Sa đo đạc, điều đó đã chính thức xác định chủ quyền quốc gia của Việt Nam ở Hoàng Sa.

       Để trán ảnh hưởng quá lớn về chính trị, vua Gia Long bãi bỏ chức Tể tướng, và Hoàng hậu, chỉ còn chức Hoàng phi và cung tần mà thôi.
.
     Các công thần của vua Gia Long như: Đỗ Thành Nhân, Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường đều bị vua Gia Long giết hại. Vua Gia Long trả thù tàn bạo các vua Tây Sơn, Gia Long đã cho đào mồ vua Tây Sơn đem đổ xuống sông?!. 

    Khi vua Gia Long sắp mất căn dặn Thái tử Đảm: “Trẫm dựng cơ nghiệp gian nan, nay giao cho con, nên cẩn thận giữ gìn... Ta sắp mất rồi không thể nói nhiều, cần lưu ý là ngày sau phải cẩn thận chớ nên gây hấn ngoài biên”. Sau khi vua Gia Long băng hà, được đặt miếu hiệu là Thế Tổ.
.
 *- Thiết nghĩ: Vua Gia Long là người bền bỉ chiến đấu trong suốt 25 năm mới hoàn thành được sự nghiệp. Trước đó, nước ta đã bị nội chiến kéo dài 224 năm do 2 lần phân tranh: Lê-Mạc (47 năm: 1545-1592) và Trịnh-Nguyễn (177 năm: 1600-1777). Từ đấy, ghi nhận thành quả của vua Gia Long là người đã có công thống nhất đất nước với diện tích rộng lớn nhất cho đến thời đó, kéo dài từ ải Nam Quan (biên giới với nước Tàu) tới mũi Cà Mau (vịnh Thái Lan), bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, công đức này đáng được toàn dân ca tụng. Nhưng không thể xoá đi vấn đề ông đã “cõng rắn cắn gà nhà”; lầm lỗi cầu cứu quân Xiêm, nhờ vả Pháp giúp đỡ là một hành động đi ngược lại quyền lợi quốc gia, dân tộc?!. 

Vua Gia Long là người hẹp hòi, giết hại công thần đã đồng cam cộng khổ với mình. Ông đã trả thù các nhân vật của nhà Tây Sơn một cách tàn nhẫn là việc đáng trách!. 

     Triều đại của vua Gia Long được đánh dấu bằng việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam (chính thức đặt tên nước của chúng ta là Việt Nam kể từ năm 1804).
.
     Cảm niệm: Vua Gia Long
 .
Nguyễn Ánh bôn ba, dạ phập phồng!
Miệt mài dựng nghiệp, sắt son lòng!
Lỗi lầm nhờ Pháp, tan làng xóm?!
Sai trái cầu Xiêm, thẹn núi sông?!  
Thành kiến, trả thù, đau đớn hận?!
Giang sơn thống nhất, rỡ ràng trông!
Gia Long, công tội xin nghiền ngẫm?
Bình luận rạch ròi, tha thiết mong?!
.
Nguyễn Lộc Yên

Source: https://vietbao.com/p112a247085/trang-su-viet-vua-gia-long-nguyen-phuc-anh

No comments:

Post a Comment