Sunday, April 9, 2017

[VNCH] Ngôi trường xưa em học _Nguyễn Thị Thanh Trí


Người ta thường bảo : Người già thường nhìn về quá khứ mà chiêm nghiệm, nhớ thương dĩ vãng. Ở cái tuổi “ tri thiên mệnh “ này, chắc tôi cũng thế. “ Chắc “ là vì trong cái sôi nổi, hoạt động, chút trẻ trung trong dòng máu, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy lòng xốn xang ray rứt và thường thích ngồi một mình nhìn hoàng hôn buông xuống hay nhìn dòng sông lững lờ trôi hay ngắm chị Hằng lơ lửng trên không trung bao la bát ngát… Những lúc như thế, tôi nhớ đủ thứ và trong cái “ đủ thứ “ ấy, ngôi trường Trung học DIÊN KHÁNH cũng hiện lên trong tôi rõ mồn một như ngày nào tôi còn cắp sách đến trường.


         Nhằm giúp các em ở huyện Diên Khánh có điều kiện học lên Trung học, trường Trung học Võ Tánh mở thêm một phân hiệu ở Diên Khánh và sau đó tách riêng lấy tên là trường TRUNG HỌC DIÊN KHÁNH. Ngày ấy, không có trường Trung học Diên Khánh thì tôi không được đi học và không có tôi ngày nay. Và bây giờ, chắc tôi sẽ là bà già trầu, ăn trầu bỏm bẻm, đánh răng thuốc, lấy cục thuốc nhét vào một góc môi vảnh lên, vừa nói vừa nhai trầu. Rồi thỉnh thoảng cúi xuống vén ống quần chùi nước trầu chảy ra quanh mép miệng. Tôi sẽ là bà nhà quê cày cấy giỏi, sẽ xắn quần cao quá đầu gối, sẽ chống nạnh cao giọng lên la làng la xóm. Hihi..May quá ! Tôi vừa học xong lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) thi vào đệ Thất Trung học Diên Khánh thì đỗ ngay mà không phải qua lớp Tiếp liên. Hồi nhỏ tôi cũng lanh, chăm chỉ trong khi các bạn khác thì phải lên nhà anh Tư Minh luyện thi với Ông thầy Sắc, mà mỗi lần ông thầy giơ chiếc roi mây lên là bà thầy ở nhà dưới bay lên đưa tấm thân ốm yếu của mình đỡ đòn cho mấy đứa học trò nhỏ. Ông thầy không nỡ đánh, vì đánh trúng bà thầy làm sao, bà lấy chiếc roi của ông thầy đem giấu ở một nơi nào đó, rồi làm một ly nước chanh cho thầy đỡ tức.


                                                                      Mới vô Đệ Thất           
                                 

         Tôi, xong lớp Nhất, lên luyện thi 3 tháng, may sao chưa ăn roi lần nào, chỉ đứng nhìn xa mà ngán. Ông thầy Sắc luyện thi nổi tiếng lắm, ở Nha Trang, tận đâu đâu cũng học trò đến xin học. Chúng tôi thương anh Tư Minh lắm. Anh la thật to mà đánh thật nhẹ, chúng tôi bao quanh anh bảo gì nghe nấy. Thi vào Đệ Thất, anh thật vất vả, đưa đứa này đi thi, hỏi bài đứa kia, có khi còn chơi Cầu cơ : Hồn nào ở chốn non bồng, Qua đây hồn sẵn vui lòng ghé chơi, Hồn bay bay bổng tuyệt vời … Mấy cặp mắt chăm chú nhìn vào, mấy cái miệng há to ra nhìn con cơ chạy. Anh Tư hỏi : Kỳ thi này trò Trí đậu không, trò Lê đậu không … tụi tôi nhìn theo cơ chạy muốn nổ con mắt và run như cầy sấy, tim muốn nhảy ra ngoài. Hihi…chưa xong gì hết là ông thầy xách roi mây ra la cho một trận, tụi tôi chạy tứ tán, anh Tư bị thầy lôi vô trong nhà la quá trời.

         Và khi chúng tôi đậu là cả một bữa tiệc lớn trong đời. Ông thầy Sắc dặn dò đứa này, vuốt ve đứa kia, còn anh Tư Minh nhìn tụi tôi đầy thương yêu …rồi chuẩn bị đón lứa học trò khác chèo thuyền đưa khách sang sông. “ Khách sang sông tụi em “ vẫn nhớ về ông thầy bà thầy, về anh, với tất cả lòng biết ơn, anh Tư Minh ạ !

         Giã từ ngôi trường nhỏ bé gần gũi ở xã, tôi bước lên bậc Trung học với chiếc áo dài trắng vụng dại ngây thơ, suôn đuột từ trên xuống dưới, đôi guốc lộc cộc, tóc có một nhúm thế mà lúc nào cũng xõa ngang vai. Điệu đàng thế, lúc nào tôi cũng chăm chăm giữ chiếc áo dài trắng sợ vấy mực vì chị Hai cứ đe :
 - Dính mực là tao giặt không ra dơ ráng chịu đó !
 Và càng chăm chỉ học tại ông già cứ bảo :
 - Cho con học là may lắm đó. Học mà ở lại lớp là ở nhà nghe chưa!


Cổng Thành Diên Khánh
với bao nữ sinh đi học tung bay áo trắng

         Nhà tôi nghèo, ba má anh chị lo cho tôi được khoác chiếc áo dài trắng là cả niềm vui lớn và là vinh dự ở làng Thanh Minh rồi. Hồi đó, thi Đệ Thất rất khó đậu, cả làng chỉ có một, hai người đậu, mà tôi mới thi là đậu năm đầu nên cũng hãnh diện lắm nên ba má cũng mừng mà kèm thêm nỗi buồn là lo tiền ăn học. May mà, có trường Trung học Diên Khánh mở ra chứ nếu xuống Nha Trang học. À, lúc đó ra sao nhỉ ! Chắc có nước ở nhà tráng bánh với má. Mỗi sáng, sau khi ăn bánh ướt, tôi mặc áo dài đi học thật sớm. Ba tôi lúc nào cũng trợn mắt :
 - Đi đứng cho đàng hoàng …
 Tôi sợ ba tôi một phép, miệng lí nhí :
 - Dạ…dạ..
Rồi chạy vụt ra cổng theo Lê, con nhỏ bạn thân đang chờ trước cổng, còn vương ánh mắt nghiêm khắc mà đầy âu yếm của ông già nhìn theo. Hình như đa số những người cha nông thôn là vậy, thương con đứt ruột mà lúc nào cũng làm bộ nghiêm trang, nạt nộ, không nói lời nào yêu thương, chờ khi con ngủ thì cầm tay cầm chân nựng nịu hôn hít. Tôi nhớ có lần đi học về, trời mưa không dứt, nước sông Cái dâng nhanh, nước cầu Hà Dừa tràn qua khúc cua Trường Thạnh, lũy tre quằn quại oằn mình dưới cơn bão táp. Ba tôi mặc quần đùi, trùm áo mưa, đội nón cời, cầm cây sào thật dài đi dò đường đón tôi. Trước các bạn, tôi mắc cỡ bao nhiêu khi ông xốc cõng tôi trên lưng với áo dài, cặp táp, đôi guốc mộc ….Tôi ôm cổ ba tôi thật chặt, nằm êm trên cái lưng xương ơi là xương, mà nghe quặn thắt, nước mắt tôi chảy dài hòa với nước mưa. Tôi thút thít cố giấu nhưng nước mắt nước mũi cứ chảy. Ba tôi mất hồn, gặng hỏi, tôi nói thầm bên tai ông :

 - Con thương ba. Sao nhà mình nghèo quá hả ba ?

 Ba tôi nộ :
 - Thương ba thì gắng học nghe chưa ?

 Giá lúc đó có bài mà Hương Lan thường hát ba làm ngựa cho con, cưỡi ngựa ngựa phi, đi qua cỏ non, thì tôi cũng hát liền.

 Ban đầu, trường tuyển hai lớp : Đệ Thất 1 và Đệ Thất 2, chúng tôi học tạm ở một dãy trên của trường Khánh Hòa. Sau đó, một năm trường mới cất xong, đối diện với trường Khánh Hòa nhưng ở vào phía trong, trường thật đẹp, đàng hoàng khang trang.

         Từ đó, bốn năm Trung học Đệ Nhất cấp đối với tôi là cả một quãng đời đầy ắp kỷ niệm, vui cười nhiều mà nước mắt cũng lắm. Mỗi lớp Đệ Thất có Thất 1: 8, Thất 2: 11 nàng con gái, còn bao nhiêu là con trai, chia ra như thế vì Thất 1 học Pháp văn, Thất 2 học Anh văn là sinh ngữ chính. 11 con gái tụi tôi đoàn kết, bênh vực nhau, như một đàn nai tơ mũm mĩm trước bầy sói, chỉ chực vồ lấy chúng tôi mà nghiền nát, thương yêu. Thời ấy, không có xếp nam nữ ngồi chung, không có nắm tay nhau nhảy múa, không có con gái đuổi bắt con trai đánh nhau, chạy rầm rầm quanh mấy bàn học. Bây giờ, nhìn mấy đứa học trò nắm tay múa hát, có đứa ngại ngùng mắc cỡ lượm cây cà rem hai đứa nắm hai đầu, lát sau quên hết đánh nhau thụi thụi, đuổi bắt đánh lộn nhau kéo áo bứt tóc, la oái oái. Thấy mà ngán !

         Nữ chúng tôi ngồi bàn nhất, nhì, dù có mấy chị lớn đại, thầy gọi lên dò bài, tụi tôi ra hiệu nhắc bài. Nói nhỏ che miệng thế mà thầy cô cũng biết, nói “ đía “ tụi tôi, người nào nhắc cho người nào. Anh Trần Trung - Lớp trưởng - người cao lớn, điềm đạm, ăn nói từ tốn, lúc nào cũng lo cho lớp. Anh Nguyễn Mưng, Trần Văn Ngộ …đàng hoàng chững chạc, còn tôi lóc chóc nhỏ xíu, lúc nào cũng hỏi : Anh ở đâu thế ? Vì nghe giọng nói lai lai. Anh Nguyễn Văn Dân giỏi Toán, giỏi Anh, thường được thầy giao làm sơ-mi Toán, tụi tôi cứ theo hỏi mình mấy điểm. Anh Nguyễn Duy Khải, Nguyễn Duy Cứu, Đỗ Hữu Hào …nhà ở xóm Đỗ, Trường Lạc, tụi tôi ở Thanh Minh đi xuống thế nào cũng bị chọc. Không biết mấy ông sưu tầm ở đâu không biết tên ba má, tên cúng cơm ở nhà, đến giờ ra chơi hay giờ về, đồng thanh kêu toáng lên, chúng tôi chạy đi mét thầy. Cuối năm, biểu diễn văn nghệ, tụi con gái múa bài Đường lên sơn cước, bắt đầu bằng câu : Đường lên núi rừng sao hãi hùng, Ôi ! gió lộng muôn lá động cành trong bóng thê lương …Hậu trường, nhóm con gái quấn xà-rông, mấy chị lớn quấn dùm, cài kim cúc rớt lên rớt xuống, đi chân không, hoa sứ tròn cổ tay, cài trên tóc. Con gái tụi tôi xuất hiện trên sân khấu, mấy ông con trai tròn xoe mắt nhìn, hình như mấy ổng tưởng mấy cô sơn nữ nào lạc bước đến đây. Tấm hình ấy tôi còn cất đến giờ, thỉnh thoảng giở ra xem, tức cười, mặt mày ngơ ngơ ngác ngác, tròn xoe mũm mĩm, ngây thơ vô tội. Sau tấm hình, nét chữ giáo sư hướng dẫn lớp, thầy Lý Dịch Cẩm bay bay : Tặng sơn nữ Trí …Ngồi nhớ lại thấy cay cay mi mắt..


         Chị Khả, chị Nhị, chị Phượng, chị Tỵ, chị Thơi …lớn tuổi hơn chúng tôi ra dáng thiếu nữ, còn tôi cứ ngây thơ ( tại ông già khai lên tuổi cho đi học sớm ) thắc mắc : Sao mấy chị mặc áo dài đẹp thế, eo o đàng hoàng, còn mình chẳng giống ai ….để rồi xuống Đệ Tam trường Nữ Trung học, tôi nai nịt lên khuôn thì thấy mình lại chẳng giống ai. Các chị lớn bênh vực tụi nhỏ chúng tôi lắm. Có lần, tôi bị mấy ông con trai giăng hàng chận lại không cho vào lớp, chị Khả xăm xăm đi lên gạt phắt tay mấy ông con trai rồi nắm tay dắt tôi vô lớp ; hay mấy đứa con gái bị mấy ông lấy ná cao su, đạn là giấy vo tròn bắn tụi tôi. Đau điếng, tôi xuýt xoa chảy nước mắt. Chị Phượng la to : Mấy đứa mày chọc nó hả ? Mấy ông co giò nhảy mất.
 
       Thanh Trí và Mai Lê,                       Dưới mái chùa đập ra
đôi bạn thân từ nhỏ                            chuẩn bị xây lại

         Tôi, Lê, Phiến, Mười, Xang, Nỉ..được yêu thương chìu chuộng đủ thứ. Đi học buổi nào cũng vậy, ngang qua nhà chị Tỵ, nhập với chị Phượng, Thơi, Thân, Khải …bên kia sông là một đoàn đi học. Tôi thường chọc : Ngày nào cũng sang sông không sợ đắm thuyền sao ? …Giờ mỗi người một phương, chắc ai cũng lên chức ông nội, bà ngoại, mấy chục năm rồi, có nhớ kỷ niệm này không ?
Ngày ấy, thầy cô dạy chúng tôi thường là từ Nha Trang lên.Thầy Lê Đình Kham dạy văn, vào lớp là cứ ngâm thơ chầm chậm, thương tiếc thân phận nàng Thúy Kiều, mừng Tú Uyên gặp người đẹp :

 Thành Tây có cảnh Bích Câu
 Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao !

         Mà có người đọc là : Thầy tanh …….và mỗi lần gọi tên học sinh thầy lại lắc đầu lẩm bẩm : Khù ! Sao lại đặt tên là Lê Khù nhỉ ! khiến bạn Lê Khù mắc cỡ đỏ mặt với đám con gái. Thầy Trần Đình Du, người trắng, lúc nào cũng cười cười, cho điểm 0 về chỗ mà cứ cười như không. Tôi còn nhớ Tết năm nào lên thăm thầy, thầy dắt ra coi kinh tế vườn hết biết. Trí thức mà làm vườn, áp dụng khoa học kỹ thuật thì ai mà địch cho nổi. Thầy Lý Dịch Cẩm rất thương lớp, bày lớp làm báo tường, làm thơ chủ yếu là lục bát, đặt mỗi đứa mỗi bút hiệu, ví dụ : Phan Sửu lấy là Sửu Phan, để rồi anh Sửu lấy bút hiệu đó luôn. Thầy Dương Đình Huy dạy Anh văn, vô lớp là lúc nào cũng : Keep Silent…very easy…Thầy Phan Xuân Hường, Hiệu trưởng, thầy Thể, thầy Dĩnh, cô Ngọc Táo ở trọ nhà Mười, chúng tôi đến nhà thăm thậm thò thậm thụt. Cô thường kể với tụi tôi : Hồi nhỏ cô hay khóc vì ba cô đặt tên Táo bạn bè cứ chọc là Ông Táo bà Táo ; làm tôi nhớ tên Trí, tên con trai bạn cứ chọc và sắp số báo danh là ngồi bên con trai. Và thầy Nguyễn Hổ, người đầu tiên lên mở trường Trung học Diên Khánh, thầy dạy Toán tôi thấy môn Toán không khó lắm, sau này thầy về làm ở Sở Giáo dục phụ trách công tác thi Tốt nghiệp lúc nào cũng qui chế và qui chế.

         Thầy Văn Hùng Thận dạy Anh văn, thầy cao, ốm, phong thái đĩnh đạc tự tin, thầy phát âm tiếng Anh rất chuẩn, chúng tôi đọc theo thầy vui lắm. Thầy rất tình cảm, có gì cũng hỏi học sinh. Hôm Đại hội đồng hương thân hữu Ninh Hòa, xem hình thấy thầy, tôi nhận ra ngay, nét xưa vẫn còn, tôi xúc động nhìn hình thầy mà cứ tưởng thầy cũng đang nhìn mình.

         Ngôi trường Trung học Diên Khánh, nơi nào chỗ nào tôi cũng nhớ. Bây giờ là trường Trung học cơ sở Phan Chu Trinh. Có dịp về trường là tôi thế nào cũng đến phòng đầu hồi, đến bên bàn mình ngồi, thò tay vào hộc bàn tưởng như tờ thư trao cho nhau, xoài, me chua, mắm ruốc ăn vụng. … đứng lặng nhìn góc trường, cây muồng, sờ từng vết loang lổ vách tường. Hồi đó chúng tôi học, pháo binh đóng bên Huyện, pháo nổ vôi trên tường rớt xuống từng mảng, tụi tôi mất hồn la oái oái núp xuống bàn, lâu dần thành quen. Tôi thần người nhớ lại tất cả, nhớ về thời đã qua, bao nhiêu người ra đi từ mái trường này ai còn ai mất.

         Tôi còn nhớ con đường vào trường rợp bóng mát. Trên con đường đó, tôi cùng bạn nữ giăng hàng, nói đủ thứ chuyện, chị lớn bày vẽ những gì của thế giới người lớn, tôi cứ mở to mắt mà nghe ; những lần mấy ông con trai đi xe đạp ngang qua nghịch ngợm đâm sầm vào tụi con gái chúng tôi hoặc đạp xe vào vũng nước, nước văng khắp người con gái để rồi cười ha hả khi nhận những cái nguýt dài, những câu mắng yêu sa sả. Trên con đường đó, biết bao lần tôi ngắm nhìn thầy giáo mình đường bệ, ôm cặp sách, ngắm cô giáo mình tha thướt áo, che dù, đi guốc cao gót nhón gót tránh bùn yểu điệu. Một vẻ đẹp duyên dáng in sâu trong tâm hồn tôi từ nhỏ.


  Đạp xe đạp trên đường quê

         Và, thưa các thầy cô giáo, chúng em dù làm nghề gì, mỗi người một nẻo nhưng vẫn nhớ về thầy cô đã dạy chúng em nên người, và theo bước chân thầy cô em đã là cô giáo, cũng từng vui cười, từng rơi nước mắt trên bục giảng với những bài văn thấm đượm tình người.

         Và, thưa các bạn, một thời mình chung trường chung lớp, có bao kỷ nhiêu là kỷ niệm, có bao giờ được trở lại như ngày xưa …Chắc không bao giờ vì có ai tắm trên dòng sông hai lần đâu. Nhưng mãi mãi trong tâm hồn mình vẫn luôn nhớ mái trường TRUNG HỌC DIÊN KHÁNH.

         Xin cám ơn ninh-hoaDOTcom, đã gắn kết tình người, đã đưa hình ảnh và bài viết về trường xưa của tôi, nhìn thấy tà áo trắng tung bay ở cổng Thành, thấy con đường và bảng tên trường, lòng tôi lại nao nao xúc động.

 HẾT

No comments:

Post a Comment