Saturday, April 1, 2017

[VNCH] Vài dòng kỷ niệm :-) _Nguyễn Thị Kim Chi​





Nguyễn Thị Kim Chi [chs TH Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn năm xưa] và ngôi trường tình thương cho trẻ em nghèo và mồ côi hiện nay.

Khi vào học lớp 6 , 7 MĐC tôi vẫn thường sinh hoạt văn nghệ , hy vọng những lời tự thuật ra đây phần nào gợi lại những gì thân yêu dưới mái trường xưa luôn cô đọng trong tâm hồn tôi chứ không nghiêng về ý thức hệ hay lĩnh vực chánh trị vì tất cả những kỷ niệm đó đã đi vào dĩ vãng .

Khi xưa tôi được cô chủ nhiệm và các bạn bầu làm Trưởng ban văn nghệ của lớp 7p1 . Nhiệm vụ này tuy đơn giản , không khó khăn gì nhưng khi có sự kiện lễ , tết là tôi phải làm việc đổ mồ hôi hột . Nào là diễn kịch , hát , biên đạo múa cho các cá nhân , tập thể .

Tôi thích nhất những vở kịch mang tính Lịch sử , đề cao tinh thần yêu nước của các Anh Hùng dân tộc . Những khi như vậy tôi thường đóng vai chính như : Vua Hùng , Trưng Trắc , Bà Triệu , Vua Quang Trung v.v...

Khó khăn lớn nhất là khi đóng những vai mạnh mẽ của đàn ông dù hóa trang có tài tình cách mấy tôi vẫn bị lòi ra mình là ....con gái . Nhờ yêu thích môn Lịch sử và thường đóng vai những nhân vật Vĩ đại của dân tộc nên tôi luôn yêu kính , tôn thờ các vị ấy . Tôi luôn nhớ đến các Vua Hùng có công dựng nước , Trưng Trắc , Trưng Nhị đánh đuổi quân Tàu (Tô Định) cứu vớt quê hương . Khí phách Bà Triệu với câu nói "Tôi muốn đạp cơn sóng dữ chém cá Kình ngoài biển khơi chớ không muốn khư khư làm tì thiếp của người ta" hoặc câu nói của Trần Bình Trọng "Ta thà làm quỷ nước Nam chớ không thèm làm Vương đất Bắc" v.v....tôi nhớ mãi lời những vị Anh hùng ấy đã soi gương cho hậu thế mà ngày nay chúng ta phải noi theo . Theo dòng Lịch sử từ cổ chí kim tôi thấy hiểm họa Dân tộc Việt Nam luôn đến từ Bắc phương .....

Trong khi các anh chị lớp lớn tập hát những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn hoặc những bài như : Việt Nam - Việt Nam ( Việt nam Việt nam nghe từ vào đời ....) , Việt Nam quê hương ngạo nghễ (Ta như nước dâng dâng chẳng đến bao giờ tàn .....) , Đoàn Lữ nhạc (Ra đi khắp nơi xa vời , gió 4 phương .....) v.v....chúng tôi bé hơn nên tập hát những bài như : Bạch đằng giang , Bắc Kim thang , Hội nghị Diên hồng , Cái trống cơm , Vũ khúc Nghê Thường , Học sinh hành khúc v.v....

Thời gian ấy làn sóng Hippy và nhạc Ngoại quốc lan tràn cả miền Nam , các bài hát như : Besame muso , Aline , Love Story , Apres toi , Back to sorriento , Le beau Danube bleu , L' amour c'est pourien v.v.....nhưng chúng tôi và các anh chị lớp lớn biết phân biệt đâu là những bài hát , tác phong cho Học đường , đâu là những bài hát , tác phong trào lưu ngoài xã hội .

Vì quá yêu mến thời áo trắng học trò , được cắp sách đến trường , riêng tôi đó là niềm hạnh phúc rất lớn lao . Cho nên đã 8 năm nay tôi cùng ông Xã đã quyết định thành lập 1 Lớp học tình thương với Website : www.lophoctinhthuonghoahao.com - nhằm xóa mù chữ cho các trẻ em nghèo khổ sinh ra đời nhằm ngôi sao xấu nhập cư không có điều kiện đến trường .

Hằng ngày các cháu phải đi mưu sinh khắp các ngã đường như : Bán vé số , lượm bọc ny long , ve chai phế thải v.v....có đứa làm cả những công việc của người lớn như phụ quán ăn , ép keo ....Toàn bộ ở chui rúc theo các phòng trọ thuê mướn .

Được biết con chữ đó là việc hết sức xa xỉ đối với các cháu . Đúng 17h các cháu tập trung lại tôi phục vụ các cháu bữa cơm chiều để phần nào thêm phần dinh dưỡng cho cơ thể . 18h bắt đầu vào học xóa mù chữ kể cả những kỷ năng sống về Đức Dục . Tất cả đều miễn phí hoàn toàn.

Mặc dù thời gian trôi qua đã 42 năm . Tôi luôn mãi nhớ về Trường xưa , Thầy , Bạn cũ ....Những việc làm phụng sự cho trẻ em hôm nay cũng nằm trong bổn phận gián tiếp đền đáp lại công ơn của Thầy Cô ngày xưa đã đem lại cho tôi nguồn tri thức , thế hệ này nối tiếp thế hệ sau ...

Tôi vẫn mãi không quên Trường xưa MĐC , Thầy Cô , bạn đồng môn và nhất là những buổi văn nghệ sôi nổi của những ngày nào ......

Cảm ơn Ban Biên Tập đã bỏ công duy trì trang mạng để làm nơi gặp gỡ những trái tim luôn thổn thức những kỷ niệm 1 thời TH MĐC

Còn nữa .....
Thân kính
Nguyễn Thị Kim Chi​

http://macdinhchireunion.net/index_1152.htm

No comments:

Post a Comment