Wednesday, May 30, 2018

30 tháng 4, viết về Ba _Nguyễn Thị Ngọc Lan

Hình: T/g trước năm 1975
Sau ngày 30/4/1975, cả nhà tôi như đoàn quân thất trận trở về. Mọi thứ dều đảo lộn một cách nhanh chóng, phũ phàng. Căn nhà trống hoác vì bị hôi của gần hết. Mẹ tôi đau lòng tiếc của nhưng Ba lại bình thản an ủi “ Đừng tiếc, như vậy cũng là một cách giải quyết tốt cho gia đình mình. Bây giờ, càng có nhiều của cải càng bị để ý, khó sống lắm!”. Anh em tôi ngơ ngác khi nghe Ba nói như vậy. Dần dần rồi tôi cũng hiểu.


Một buổi chiều, cả nhà ngồi quanh mâm cơm đúng nghĩa đạm bạc. Ngoài màu xanh của rau, còn có một dĩa chả trứng nhỏ bằng bàn tay .Mẹ tôi nói thật nhỏ, giọng nhẹ tênh :“Trứng này để cho em Hạnh ăn. Nó bữa nay bú nhiều mà bây giờ nhà minhg không còn làm ra tiền”. Ba tôi nhìn đi chỗ khác để không nhìn thấy vẻ thất vọng của các con. Ba còn đùa: “ Ăn rau nhiều sinh tố hơn. Rồi đây cả nhà mình còn phải trồng thêm rau để ăn mới đủ “.Tưởng Ba chỉ nói đùa, nhưng thật ra Ba đã quyết định: gom góp tiền của còn lại để mua một miếng rẩy. Vậy là cả nhà cùng lao động. đó là cách thiết thực nhất để duy trì sự sống trong giai đoạn này, vừa để chứng tỏ tinh thần yêu lao động của xã hội chủ nghĩa!!!. Ba dặn “ khi nào đang cuốc đất mà thấy mệt, con cứ nghĩ ‘ Lao động là vinh quang” thì khỏe ngay!!??. Tôi đã thử làm như Ba nhưng chẳng thấy “ vinh quang “ đâu , chỉ thấy mắt “quáng “ lên vì cái nắng như đổ lửa.

Sắp xếp xong mọi việc trong nhà, làm xong ‘ công tác tư tưởng” thì đến ngày Ba lên đường vào trại cải tạo. Những ngày trước đó, tôi và anh Hưng cứ lén nhìn Ba mà xót lòng. Ba tôi già hẳn đi với vẻ âu lo hiện rõ trên khuôn mặt. Mẹ tôi thì như người mất hồn, hỏi Ba “liệu đi học lâu mau mới được về?”. Ba trả lời, giọng trấn an: “ nhiều người cùng đi chứ có phaỉ một mình anh mô mà lo…” Nhưng tôi đoán được Mẹ đang nghĩ gì. Ba tôi là Sĩ quan ban Tâm lý chiến, phòng Chiến tranh chính trị. Tôi loáng thoáng biết rằng, đầu óc Ba tôi phải được gột rửa rất kỹ, kỹ và sạch hơn những sĩ quan cầm súng đánh nhau ngoài mặt trận. Tôi thoáng rùng mình với cái từ “tẩy não”.

Buổi sáng hôm ấy tôi dậy sớm nấu bữa cơm sáng cho cả nhà. Đêm qua , chỉ có gói ghém cho Ba vài cái cái áo quần, vật dụng cá nhân mà Mẹ cứ lọ mọ mãi. Cái gì cũng muốn Ba mang theo cho có mà dùng. Ba ngăn Mẹ , chỉ đồng ý  mang theo thuốc Cortal vì Ba bị nhức đầu kinh niên.

Ba dặn tôi : “ Trong nhà bây giờ con là chị  gái lớn nên phải giúp Mẹ mọi việc để Mẹ con còn kiếm đường mua bán lo cái ăn cho cả nhà. Ba đi không biết khi mô về nhưng được học ở đây là mừng rồi. Có đi thăm nuôi Ba cũng tiện”. Ba dặn anh Hưng cố gắng  “ lao động tốt “ và hướng dẫn cho các em cùng phụ việc nương rẩy sau giờ học. Rồi Ba đi nhanh để tránh nghe tiếng khóc sụt sịt của Mẹ và của tôi. Mấy đưa em thấy vậy cũng mếu máo theo. Chúng nhìn nhau như tự hỏi Ba chỉ “đi học” mà sao ai cũng uồn rầu, lo lắng.

Thật là may mắn vì Ba được  tập trung ở nơi trước đây Ba đã làm việc, chỉ cách nhà tôi sáu cây số ( có điều khi đến cổng trại còn phải đi vào khá xa mới đến lán trại dành cho “học viên”, nơi đây còn rất nhiều cây cối, bụi rậm chưa phát quang, nay các học viên phải làm công việc đó để dựng lán trại). Đó là trường Cải tạo Lam sơn, thuộc Tổng trại 6, Liên khu 5. Mỗi tháng một lần, tôi viết đơn, đi trình với các cấp chính quyền để xin phép đi thăm người thân đang cải tạo . Đó là những ngày vui nhất của gia đình tôi. được sum họp dù chỉ ít ỏi vài tiếng đồng hồ.

Gia đình tôi sau ngày vắng Ba , gắng gượng mãi rồi cũng đến hồi túng thiếu, cùng quẫn. Tài sản quý giá còn sót lại dần dần đội nón ra đi. Mẹ tôi ngày trước chỉ  lo việc nội trợ, quản lý quán café tại nhà. Bây giờ lính không còn nên café Dung nhà tôi cũng đóng cửa. Trước cảnh bầy con thiếu cơm áo, thiếu đủ mọi bề, Mẹ đành phải đi buôn hàng trên những chuyến tàu chợ từ  Ninh Hòa vào Saigon và ngược lại.

Thằng em trai thứ tư của tôi có đứa bạn cùng học lớp bảy. Bố nó đang  cùng trại cải tạo với Ba. Một lần, nó đến chơi, rủ em tôi cùng đi bán như nó, tại  bìa rừng, nơi tù cải tạo thường ra lao động. Hàng hóa chỉ cần vai món: thuốc lá, dầu gió, kẹo bánh… đựng trong cái giỏ lát treo bên ghi đông xe đạp. Nó bảo nhờ đi bán như vậy mà nhiều lần được gặp hoặc nhìn thấy Ba nó. Mẹ tôi lúc đầu còn do dự, sau nghe vậy liền đồng ý.  

Cũng nhờ kiểu mua bán này mà đến bây giờ tôi còn giữ lại được những “lá thư” của Ba viết từ trại cải tạo. Dù thời gian đã chồng chất bốn mươi năm, tôi luôn cất giữ thật cẩn thận dù có di chuyển đến nơi nào. Nó là một chứng tích, nhắc nhớ cho tôi những năm tháng ê chề nỗi đau tinh thần lẫn thể xác, cay đắng và hụt hẫng đến tận cùng của cả gia đình.

Tôi trân quý biết chừng nào những dòng chữ của Ba tôi đã viết lên đó. Không phải chỉ là nỗi đau thân phận mà còn là sự uất ức, đắng cay của một con người bị  kẻ khác đánh cắp cả số phận và tương lai. Tôi muốn uống trọn những giọt nước mắt trong bao đêm Ba đã khóc vì lo cho bước đường đời của bầy con đã bị ngăn trở. Sẽ còn biết bao gian khó chông gai phía bởi cái lý lịch xấu từ đây đè trên đầu trên cổ.

Giờ thì Ba đã yên ngủ rồi, một giấc ngủ dài hơn ba mươi năm. Anh em chúng con còn lại đã và cố bước từng bước xiêu vẹo, mệt mỏi đi đến cái đích cuối cùng của cuộc đời. Con ray rứt, ân hận bởi Ba ra đi khi gánh lo còn nặng trên vai. Nặng nhất là đứa con gái này của Ba. Nó chưa làm Ba vui một lần dù Ba thương nó nhất nhà. Học lớp mười một rồi mà tối Ba còn tự tay giăng màn, sáng sớm lên phòng đánh thức con dậy  ăn sáng đi học. Con xin lỗi Ba trăm ngàn lần. Tại duyên phận của con là vậy, con không có cách nào cưỡng lại sự sắp đặt của duyên số thôi Ba.

Ba hãy ngủ yên. Xin hãy cho Ba tôi một giấc ngủ bình yên, thanh thản dù cõi trần đang tưng bừng mở hội mừng ngày 30/4.

30/04/2018
Nguyễn Thị Ngọc Lan @www.ninhhoa.com

No comments:

Post a Comment