Friday, May 11, 2018

Anh Hùng Biệt Cách Dù _T/g Nguyễn Huỳnh Mai


Image result for bcd 81

Khi tôi đến Miami thăm gia đình bác Lưu Hùng thì gặp cháu Lưu Đoàn. Cháu Đoàn đang chuẩn bị trở về Cali sau tuần lễ về thăm ông bà nội và viếng mộ bà cố chôn tại Woodlawn Park Cemetary.

Lưu Đoàn là con của Đại Úy Biệt Cách Dù Lưu Huyên. Anh Huyên đã anh dũng hy sinh khi cộng sản đột kích đơn vị của anh tại Suối Máu cuối đường bay của phi trường Biên Hòa. Anh mất ngày 3 tháng Sáu, 1974 lúc anh bị thương và được đưa về cấp cứu tại một bệnh xá của đơn vị Thủy Quân Lục Chiến.

Anh Lưu Huyên vĩnh viễn ra đi lúc 30 tuổi, được truy thăng Thiếu Tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và được trao Bảo Quốc Huân Chương và Anh Dũng Bội Tinh với Ngành Dương Liễu.


Niềm hãnh diện
Tôi ở tại Miami đã được bốn hôm. Hôm đầu tôi ngủ tại nhà mới của Kim Ánh, nhưng mấy ngày sau tôi quyết định ở nhà bác Lưu Hùng vì tôi thấy đây là dịp "nghìn năm một thuở" để được học hỏi nơi hai bác. Chỉ có mấy buổi được ngồi nói chuyện với bác mà tôi học hỏi được rất nhiều của một bậc lão thành có kinh nghiệm sống từ thời Việt Minh. Bác đã phải sống khu kháng chiến. Rồi bác di cư vào Nam, rồi lại bỏ nước ra đi qua tận Miami này.

Trong phòng khách của Bác Hùng, một cựu công chức bộ Chiêu Hồi của hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa có treo Huân Chương của anh Lưu Huyên do Quân đội Mỹ tặng và một bản tuyên dương huy chương này gọi là "The Army Commendation Medal with V Device" (V= Valor). Huy chương này anh đã nhận được do chiến công trong lần chỉ huy liên toán thám báo hỗn hợp Việt - Mỹ hành quân vào mật khu địch.

Anh Huyên mất lúc cháu Đoàn được hai tuổi rưỡi. Bây giờ Đoàn được 18 tuổi, sinh viên UCLA. Đã trên 15 năm qua, vậy mà mỗi lần tôi hỏi đến anh Huyên hai bác vẫn xúc động, nhắc nhở với niềm hãnh diện trong lời nói lẫn nét mặt. Bác cho tôi xem tập album đám tang anh Huyên. Hình ảnh làm tôi xúc động nhất vẫn là cu Đoàn mặc áo tang miệng còn ngậm núm vú cao su. Lúc thì cháu nắm áo mẹ, lúc thì đứng một mình cạnh các tràng hoa đặt trước quan tài của bố. Ai cũng bận rộn lo cho đám tang hay ôm mặt khóc thương người đã ra đi. Đoàn còn bé quá để biết sự mất mát to lớn của đời mình.

Đoàn là một học sinh ưu tú của trường Mayfair High School tại Cerritos, CA. Tôi có được xem tờ báo của trường. Đoàn được nhiều học bổng như Cal Grant Scholarship, Honorable Mentions, PTA Council Scholarship v.v... cùng với nhiều bằng ban khen của nhà trường.

Người anh cả hiền hậu
Tôi biết gia đình anh Huyên lúc còn bé nhưng bẵng một thời gian mười mấy năm tôi không gặp vì gia đình tôi phải ly hương qua Cao Miên sinh sống.

Khi trở về Saigon năm 1963 thì ba tôi lại mua nhà cạnh bác Lưu Hùng. Mỗi năm tôi gặp anh Huyên vài lần trong những lúc anh về phép. Anh Huyên rất trầm tĩnh, ít nói vậy mà các cô em gái sợ anh "ra phết". Mỗi khi anh ra lệnh là các cô "răm rắp" nghe theo.

Nhà chúng tôi ở đầu đường Vườn Chuối gần trường Văn Học của thầy Nguyên Sa. Thỉnh thoảng xóm tôi cũng có vài tên du côn quấy phá. Mỗi lần có tên nào ăn hiếp ai hay đánh lộn là mấy đứa con gái tôi "mét" anh Huyên nhưng anh ấy chỉ cười hiền lành rồi bỏ qua.

Thuở thiếu thời
Khi được hỏi về đời sống anh Huyên lúc còn nhỏ, bác Hùng gái nói:
-- Vất vả lắm cháu ạ. Sáu bảy tuổi Huyên đã đi chăn trâu vào lúc 5 giờ sáng để bác trai đi cầy. Khi trâu cày mệt thì Huyên dắt trâu đi cho ăn cỏ. Cả ngày lang thang trong rừng. Chiều Huyên đem trâu về tắm rửa rồi cho trâu vào chuồng. Vì hoàn cảnh chiến tranh ngay từ nhỏ Huyên đã phải giúp gia đình trong việc sinh sống. Chiều nào cũng mang vài con cá về nấu canh, hay mang ổi về cho các em và một bó củi nhỏ. Nếu bác muốn cua thì Huyên chạy đi thoắt một cái là đã mang về một giỏ cua đồng để nấu canh rêu.

Qua hai bác Hùng tôi được biết Lưu Huyên sinh năm 1945. Đó là thời kỳ Nhật đảo chánh Pháp và nắm quyền tại Đông Dương. Huyên sanh ra khi Đệ II Thế Chiến gần chấm dứt, và tại Việt Nam một cơ cấu hành chánh của chính quyền quốc gia được thành hình. Lúc đó Vua Bảo Đại được quân đội Nhật thỏa hiệp để thành lập chánh phủ đầu tiên do Cụ Trần Trọng Kim làm thủ tướng.

Vào thuở thiếu thời Lưu Huyên chỉ được sống trong sự sung túc của gia đình được một vài năm. Rồi từ cuối 1946 khi có chiến tranh chống Pháp đến Hiệp Định Genève năm 1954 Huyên sống trong vùng kháng chiến.

Lúc đầu, cuộc chiến chưa sôi động thì đời sống gia đình dễ thở. Ông cụ thân sinh bác Lưu Hùng từ trước đã lập cái ấp ở vùng Ninh Bình, mua vài trăm mẫu ruộng và năm bảy chục trâu, bò, trồng lúa và cam quýt. Khi kháng chiến bùng nổ gia đình bác về đây sống rất vất vả lao động canh tác. Chính gia đình ra sức làm việc và có thuê thêm người giúp.

Khi Lưu Huyên được 5 tuổi thì Trung Cộng chiếm lãnh thổ Trung Hoa. Việt Nam đang chống Pháp và Việt Minh bắt đầu phát động chiến dịch đấu tố. Gia đình bác Hùng bị quy vào giai cấp "địa chủ kháng chiến". Vì là mua đất để khai thác và là thành phần trí thức từ Hà Nội về nên không mang tính chất bóc lột như các địa chủ khác.

Trong hoàn cảnh đó gia đình họ Lưu chỉ giữ lại 6 mẫu ruộng mà gia đình có thể trực tiếp canh tác và vài con trâu. Vì thế, tuổi thơ ấu từ 5 đến 10 tuổi Huyên phải đóng góp sản xuất cho gia đình. Công việc của Huyên là đi chăn trâu, bố thì cày cấy hoặc trồng thuốc lá vàng để bán cho bộ đội.

Theo bác Hùng, nhờ trui luyện trong hoàn cảnh đó, Lưu Huyên xem việc lao động rất là thoải mái, có lẽ cũng vì thấy ba mẹ cực khổ. Nhiều lúc Huyên đang chăn trâu phải chạy đi ẩn núp khi có máy bay bắn phá. Huyên thấy rất quen thuộc nên không bao giờ sợ hãi. Có lẽ điều này đã giải thích phần nào sự chọn ngành quân sự rất phiêu lưu, khó khăn, nguy hiểm khi lớn lên.

Năm 1954 sau khi hiệp định Genève được ký kết, gia đình bác Hùng thấy không sống được nơi mà tự do con người bị chà đạp vì đấu tranh giai cấp quá tàn nhẫn vô nhân đạo. Toàn thể gia đình bác rời ấp về Hà Nội, chuẩn bị xuống Hải Phòng để di cư vào Nam.

Ông cụ thân sinh hai bác trước làm quan Phủ nên khi vào Nam cụ chủ trương dạy học. Cụ mở trường trung học tại Dầu Tiến Bình Dương. Gia đình bác Hùng về Long Xuyên rồi sau trở lên Sàigòn sinh sống.

Gia nhập quân đội 

     Khi Lưu Huyên học xong tiểu học thì thi đậu vào trung học Pétrus Ký.
Năm 1964 Huyên xin phép bố mẹ gia nhập quân đội. Lúc đó Huyên mới 19 tuổi
nên bố mẹ phải ký giấy cho phép.

     Lúc đó không khí tranh đấu chánh trị rất sôi động sau thời kỳ lật đổ Tổng
thống Ngô Đình Diệm. Bác Hùng nghĩ có lẽ đã ảnh hưởng phần nào sinh viên
học sinh. Hơn nữa có lẽ xuất thân từ gia đình khán chiến chống Pháp nên
Huyên thấy đời sống quân đội hợp với mình hơn.

     Khởi đầu Huyên muốn gia nhập đơn vị Nhảy dù nên hai bác phải đưa Huyên đến
nơi đóng quân của Lữ đoàn Nhảy dù làm thủ tục. Năm đó Huyên thi đổ tú tài.
Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện của một binh sĩ nhảy dù Huyên xin
đi học sĩ quan Thủ Đức khóa 23.

     Sau khi tốt nghiệp Huyên cùng tất cả bạn thân đều gia nhập Lực Lượng Đặc
Biệt và chọn ngành Thám báo. Ngành này còn nguy hiểm hơn nhảy dù vì nhảy
vào lòng địch để lấy tin.

     Chuẩn úy Lưu Huyên ra Nha Trang học khoá huấn luyện. Lúc đó vị tướng của
LLĐB là ông Đoàn Văn Quảng. Sau khi học xong thì Huyên được giao phó trưởng
toán thám báo Delta có nhiệm vụ trực thăng vận vào vùng địch do thám rồi
báo cáo cho các đơn vị hành quân.

     Trong dịp Tết Mậu Thân, Trung Đoàn 66 Việt Cộng tấn công Gia Định, chiếm
đóng vùng Cây Quéo, Chi Lăng và tử thủ tại đây. Lưu Huyên đã hướng dẫn đơn
vị mình tấn công thẳng vào Bộ Chỉ huy Cộng Sản. Dù Huyên và một số đồng đội
bị thương nhưng đã gây được những tổn thất nặng nề cho địch và mở đường cho
các đơn vị bạn tấn công và đánh tan lực lượng địch. Sau trận này anh Huyên
được báo Sống của Chu Tử phỏng vấn và viết bài.

     Tết Mậu Thân là thời gian ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống tình thần của
tôi. Tôi và Ánh em gái Huyên đi học lớp cứu thương cấp tốc do Hướng Đạo tổ
chức và hai đứa tôi xin vào bệnh viện Đô Thành để làm việc tự nguyện. Cảnh
những người đàn bà, con nít mới sanh hay hai ba tuổi bị đạn pháo kích được
đưa cấp cứu vào nhà thương không thể nào phai mờ trong tâm tư tôi được.

Biệt Kích Dù 

     Theo hai bác Hùng thì từ Mậu Thân về sau, trong phạm vi của Lực Lượng
Đặc Biệt. Lưu Huyên luôn luôn ra trận. Có nhiều lần hai bác ngỏ ý muốn
Huyên đổi về các đơn vị khác ít nguy hiểm hơn Huyên đều từ chối.

     Trong hàng sĩ quan cấp úy Lưu Huyên là một trong những sĩ quan có nhiều
huy chương nhất như Anh dũng bội tinh với nhành dương liễu, ngôi sao vàng,
sao bạc v.v... Rồi mấy chiến thương bội tinh. Đơn vị của Huyên đã tham gia
và thắng nhiều trận.

     Khi Lực Lượng Đặc Biệt được cải tổ biến thành đơn vị Liên Đoàn 81 Biệt
Cách Dù thì Lưu Huyên được cử làm Đại Đội Trưởng Đại Đội Thám kích. Lúc đó
Huyên là Đại Úy. Khi Cộng sản chiếm Bình Long, Biệt Cách Dù là đơn vị đầu
tiên nhảy xuống giải phóng tỉnh lỵ này.

     Ngoài các huy chương ra, Huyên còn được chọn là chiến sĩ xuất sắc của Quân
đội Việt Nam Cộng Hòa trong hai lần. Khi được chọn lần thứ nhì Lưu Huyên
cùng một số các chiến sĩ xuất sắc khác được Quân Đội Trung Hoa Dân Quốc Đài
Loan mời qua Đài Loan để thăm viếng.

Truyền Thống Tập Thể

     Sau khi Huyên mất, gia đình đã chôn thi hài Huyên tại Nghĩa Trang Quân
Đội. Theo bác Hùng một trong những hành động vô nhân đạo của Cộng Sản sau
khi thôn tính miền Nam là đã trực tiếp hay gián tiếp tàn phá những ngôi mộ
của các chiến sĩ VNCH. Vì thương con hai bác đã có ý định nhờ gia đình bốc
mộ Huyên lên đem thiêu và mang qua Mỹ thì nhận được một lá thư của một
người bạn đồng ngũ của Huyên còn ở lại. Lời thư thật cảm động và cương
quyết làm cho hai bác phải ngưng lại ý định đó trong nhiều năm. Anh bạn
viết một đoạn như sau:

    ... "Xin hai bác cho cháu có ý kiến như thế này. Khi còn sống Huyên,
cháu, cùng biết bao nhiêu bạn bè khác đã cố gắng làm một cái gì cho đất
nước. Nhưng không may Huyên cùng một số bạn bè đã nằm xuống. Cháu thiết
nghĩ đó cũng chưa hẳn là một sự bất hạnh vô ích. Con đường lịch sử còn dài.
Những người bạn của Huyên còn sống cũng nghĩ rằng nhiệm vụ của mình đến đây
chưa phải là hết.

     Cháu chỉ nghĩ rằng đây chỉ là một khúc quanh của một giai đoạn lịch sử
mới. Công cuộc đấu tranh vì đó sẽ có một sắc thái mới mẻ.

     Cháu và một số bạn bè khác thực sự tin rằng giờ đây chính là lúc mà tụi
cháu cảm nhận một cách đích thực sự dấn thân đấu tranh cho vận mạng dân tộc
là cần thiết và hãnh diện xung phong nhận lãnh vai trò của mình.

     Con đường sẽ có rất nhiều gian nan, nguy hiểm và cũng hứa hẹn rất nhiều
vinh quang. Cháu cùng các bạn cũng rất tiếc Huyên, một số anh em khác không
được đi chung một hành trình cho vận hội mới của dân tộc. Thì Huyên cùng
một số anh em ấy sẽ là một biểu hiệu cho tinh thần quyết chiến của tụi
cháu.

     Cũng như cháu tin Huyên sẽ phò hộ trên con đường cháu đi. Từ những ý nghĩ
ấy, cháu quan niệm khi còn sống, Huyên đã sống trọn vẹn cho tập thể của
mình, nay Huyên đã nằm xuống, Huyên trở thành một hình thức truyền thống
của tập thể. Huyên không được đào ngũ vì dù Huyên đã chết. Tập thể ấy dưới
hình thức này hay hình thức khác vẫn còn tiếp tục tồn tại một cách trọn vẹn
với cái truyền thống của nó."

Giải Tỏa Một Mặc Cảm 

     Bác LH cho biết sở dĩ bác treo bảng tuyên dương huy chương Quân Đội Hoa
Kỳ tặng cho con bác là để giải tỏa một mặc cảm gây nên do những xuyên tạc
có ác ý của các cơ quan truyền thông thiên tả của Mỹ. Cũng như những luận
điệu tuyên truyền đầu độc của Cộng Sản VN, cho rằng Quân Đội VNCH chỉ là
phụ lực của Quân Đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh VN mà thôi.

Bản tuyên dương ghi "This is to certify that the Secretary of the Army has awarded
the Army Commendation Medal with "V" device to Second Lieutenant Huyên Lưu,
Army of the Republic of Vietnam for heroism on 24 April 1968 while
serving as Team Leader Joint United States/Republic of Vietnam Special
Forces Reconnaissance Patrol... Second Lieutenant Huyen's heroic action
reflect great credit upon himself and the Army of the Republic of V.N."

(dịch là: Nay chứng nhận là Bộ Trưởng Lục Quân đã tặng huy chương The Army
Commendation Medal với dấu hiệu V cho Trung Úy Lưu Huyên thuộc QDVNCH về
sự dũng cảm trong ngày 24-4-1968 khi giữ nhiệm vụ Trưởng Liên Toán
Thám Sát hỗn hợp Lực Lượng Đặc biệt Hoa Kỳ và Lực Lượng Đặc biệt VNCH..."
Lời tuyên dương trên tuy xác nhận cho một trường hợp nhưng đã thể hiện rộng
rãi tương quan đúng đắn giữa hai quân đội đồng minh trong cuộc chiến chống
kẻ thù chung.

     Gia đình bác Lưu Hùng hãnh diện có hai người đã bỏ mình vì tổ quốc. Đó là
Lưu Huyên và em họ bác là Lưu Chuyên. Lưu Chuyên là đại úy Biệt Kích Hải
Quân. Đó là lực lượng hải kích phối hợp với Lực Lượng Đặc Biệt của Hoa Kỳ
dùng tàu PT nhỏ để đi bắn phá các hải phận Bắc Việt.

Thiếu Công Bằng 

     Một điều bất công mà bác Hùng muốn nêu lên đối với Quân Đội VNCH là:
Khi bỏ nước di cư sang Mỹ, dư luận người tị nạn mỗi khi nói đến quân đội
thì hay đề cập đến các tướng lãnh bất tài, tham nhũng bè phái. Việc đó cũng
dễ hiểu nhưng nếu chỉ nói nhiều đến thành phần này mà ít nói đến những hi
sinh, công trạng của tuyệt đại đa số các chiến sĩ các ngành, các binh chủng
thì có thể đã vô tình đồng hoá tập thể Quân Đội với thành phần xấu xa và
tội lỗi trên. Thật là buồn tủi cho tập thể Quân đội khi có cảm tưởng bị
đồng hóa như vậy. Uy tín của tập thể Quân Đội phải được phục hồi trọn vẹn.
Việc vinh danh người chiến sĩ VNCH phải được thực hiện thường xuyên. Không
thể khoán trắng trách nhiệm này cho các cơ quan ngôn luận của các hội đoàn
cựu quân nhân. Mà phải coi là nhiệm vụ chung của tất cả các cơ quan
truyền thông tị nạn.

*
* *
     Trong khi nói chuyện với tôi về Lưu Huyên bác Lưu Hùng có thu băng lại để
dành cho cháu Lưu Đoàn. Cuối cùng Bác nhắn với Đoàn là "cháu nên hãnh diện
có một người cha đã đóng góp hy sinh cho đất nước. Và việc gia đình ông bà
cô chú bỏ nước đi ra xứ ngoài không phải cúi mặt mà đi. Khi cháu lớn học
thành tài thì ông hy vọng và tin tưởng một ngày nào đó cháu có điều kiện để
trở về đóng góp cho xứ sở Việt Nam."

Source: www.nguyenhuynhmai.com/

No comments:

Post a Comment