Monday, January 11, 2016

[vp VNCH] Quảng Nam, Thành Lập và Thay Đổi _Trần Gia Phụng


Trình bày tại Hội Đồng Hương Quảng Nam, George ngày 01-01-2016

I.- SỰ THÀNH LẬP

Tỉnh Quảng Nam được thành lập qua bốn triều đại sau đây:

1.- THỜI NHÀ TRẦN: Công chúa Huyền Trân qua Chiêm Thành (Champa) làm hoàng hậu năm 1306. Vua Chiêm là Chế Mân tặng Đại Việt hai châu Ô và Lý làm

sính lễ. Vua Trần Anh Tông (trị vì 1293-1314) đồi hai châu nầy thành Thuận Châu và Hóa Châu, và cử quan cai trị. Thuận Châu tương đương với vùng Quảng Trị và

bắc Thừa Thiên ngày nay; Hóa Châu từ nam Thừa Thiên đến vùng sông Thu Bồn ngày nay, tức bao gồm vùng Hòa Vang, Điện Bàn thuộc Quảng Nam ngày nay.

2.- THỜI NHÀ HỒ: Hồ Quý Ly đảo chánh nhà Trần năm 1400. Muốn tìm kiếm một chiến thắng ở ngoài biên ải để củng cố thế lực ở bên trong cung đình, nhà Hồ cử Đỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành năm 1402, chiếm hai vùng Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành, đổi thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Núi non vùng nầy là trấn Tân Ninh. (Do Phạm Nhữ Đức, con của Phạm Ngũ Lão khai canh, nay là vùng Quế Sơn.) (Thăng Hoa là Thăng Bình ngày nay. Tư Nghĩa thuộc Quảng Ngãi ngày nay.)

3.- THỜI NHÀ LÊ: Năm 1471, vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) cầm quân đánh Chiêm Thành, chiếm thêm đất đến Hoài Nhơn (Bình Định ngày nay), lập ra QUẢNG NAM THỪA TUYÊN ĐẠO. (Dưới đời nhà Hậu Lê (1428-1527), “đạo” là đơn vị hành chánh.)

Từ đó, đạo Quảng Nam chính thức được thành lập, từ sông Thu Bồn đến Bình Định. Năm 1490, Lê Thánh Tông cải tổ hành chánh, đổi đạo thành xứ, nên Quảng Nam được gọi là QUẢNG NAM THỪA TUYÊN XỨ. Trong giai đoạn nầy, vùng Hòa Vang, Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, Hóa Châu.

4.- THỜI CHÚA NGUYỄN: Khi được cử vào nam trấn thủ, Nguyễn Hòang lấy đất từ phía nam đèo Hải Vân, tức vùng Hòa Vang, Điện Bàn, nhập vào xứ Quảng Nam năm 1602 và đổi xứ Quảng Nam thành DINH QUẢNG NAM. Dinh hay doanh là một đơn vị vừa hành chánh vừa quân sự.

Nguyễn Hoàng muốn biến dinh Quảng Nam thành một tiền đồn kiểm soát phương nam, và làm bàn đạp để tiến về phương nam. Các chúa Nguyễn cử các hoàng trưởng tử cai trị dinh Quảng Nam để nắm vững tình hình phương nam. Trụ sở dinh Quảng Nam đặt ở Điện Bàn. Quảng Nam rộng hơn bao giờ cả.

II.- QUẢNG NAM THAY ĐỔI

Quảng Nam thay đổi cũng qua bốn chế độ chính trị khác nhau:

1.- THỜI NHÀ NGUYỄN: Khi thống nhứt đất nước năm 1802, vua Gia Long (trị vì 1802-1819) chia nước thành Bắc thành, Gia Định thành và Trung ương. Bắc thành gồm 11 trấn, và Gia Định thành gồm 5 trấn. Riêng khu vực trung ương gồm 7 trấn và 4 dinh trực lệ là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức tức Thừa Thiên, và Quảng Nam.

Dinh trực lệ Quảng Nam chạy từ phía nam đèo Hải Vân đến An Tân, giáp ranh với Quảng Ngãi ngày nay, tức diện tích hẹp lại rất nhiều so với đạo hay xứ, hay dinh

Quảng Nam trước đây. Từ đây diện tích dinh trực lệ Quảng Nam tương đương với tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Năm 1827, vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840) đổi các dinh trực lệ thành trấn, nên dinh trực lê Quảng Nam thành trấn Quảng Nam. Năm 1831. Vua Minh Mạng cải tổ hành chánh trên toàn quốc, bỏ Bắc thành và Gia Định thành, đổi các trấn thành tỉnh. Từ nay gọi là tỉnh Quảng Nam.

Cũng trong dịp trong dịp cải tổ hành chánh lần nầy, trừ phủ Thừa Thiên và tỉnh Thanh Hoa (tức Thanh Hóa), vua Minh Mạng ghép hai tỉnh thành một liên tỉnh. Trên toàn quốc có 14 liên tỉnh. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi thành liên tỉnh Nam Ngãi. Đứng đầu liên tỉnh là tổng đốc; phụ tá cho tổng đốc là tuần phủ (tuần vũ).

Tổng đốc đặt trụ sở ở tỉnh lớn, còn tuần phủ đặt trụ sở ở tỉnh nhỏ. (Tổng đốc ở Quảng Nam, tuần vũ ở Quảng Ngãi.).

2.- THỜI PHÁP THUỘC: Việt Nam bị Pháp bảo hộ năm 1884. Dưới áp lực của Pháp, vua Đồng Khánh (trị vì 1885-1889) ký sắc dụ ngày 1-10-1888 nhượng ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho Pháp. Từ đây, Đà Nẵng do một viên đốc lý Pháp cai trị, theo luật lệ riêng của Pháp. Trong khi đó, Quảng Nam theo quy chế bảo hộ. Dinh tổng đốc ở Điện Bàn còn tòa công sứ Pháp ở Hội An.

3.- THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA: Sau hiệp định Genève năm 1954 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đặt Đà Nẵng trực thuộc trung ương và vẫn giữ Quảng Nam như cũ. Tòa tỉnh trưởng đặt ở Hội An.

Tám năm sau, chính phủ VNCH lại chia tỉnh Quảng Nam một lần nữa bằng nghị định số 162 – NV ngày 31-7-1962 của tổng thống Ngô Đình Diệm, thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.

TỈNH QUẢNG NAM từ phía nam đèo Hải Vân đến Hương An (sông Ly Ly), tỉnh lỵ đóng ở Hội An, rộng khoảng 8,000 cây số vuông. Quần đảo Hoàng Sa thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

TỈNH QUẢNG TÍN từ Hương An (sông Ly Ly) trở vào đến An Tân (Chu Lai), tỉnh lỵ đóng tại Tam Kỳ, diện tích tổng cộng khoảng 4,000 cây số vuông.

4.- THỜI CỘNG SẢN: Sau năm 1975, nhà cầm quyền CS sáp nhập thành phố Đà Nẵng cùng hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín thành tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, tỉnh lỵ đặt tại Đà Nẵng.

Ngày 1-1-1997, CS chia lại tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đổi Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, và phần lớn còn lại là tỉnh Quảng Nam, đóng tỉnh lỵ ở

Tam Kỳ. Quần đảo Hoàng Sa, được gọi là huyện đảo Hoàng Sa, thuộc thành phố Đà Nẵng.

KẾT LUẬN

Đặt vị trí Quảng Nam trong lịch sử, nếu tính từ thời Ngô Quyền lập quốc vào thế kỷ thứ 10 cho đến nay là thế kỷ 21, thì Quảng Nam được hình thành vào thế kỷ 15, tức khoảng giữa chiều dài lịch sử dân tộc. Trong quá trình phát triển, Quảng Nam đã đi đúng con đường lịch sử mà vua Lê Thánh Tông đã vạch ra và kỳ vọng là mở rộng đất nước về phương nam. Ngoài ra, Quảng Nam nhập Việt tịch từ thế kỷ 15, nhưng mãi đến thế kỷ 19, khi vua Gia Long thống nhứt đất nước năm 1802, tỉnh Quảng Nam mới thực sự ổn định trong sinh hoạt quốc gia. Tuy trẻ trung, nhưng tỉnh Quảng Nam cũng đã cung cấp cho đất nước nhiều anh hung và nhiều nhân tài lỗi lạc về mọi mặt.

Hôm nay, chúng ta tập họp ở đây để cùng nhau trao đổi tâm tình người Quảng Nam lưu vong, xa xứ, xin đừng quên rằng, một phần đất của Quảng Nam chúng ta, quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng chiếm đóng ngày 19-1-1974. Đó là niềm đau không riêng của người Quảng Nam mà của toàn thể dân tộc Việt. Chúng ta chưa tái chiếm được, nhưng ghi nhớ điều nầy, và nhắc nhở con cháu ghi nhớ điều nầy, để trong tương lai tìm cách đòi lại Hoàng Sa về với tổ quốc Việt Nam khi thời cơ thuận tiện.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe, xin kính chúc quý vị năm mới an khang, thịnh vượng và trân trọng kính chào quý vị.

TRẦN GIA PHỤNG
(Atlanta, 01-01-2016)

http://www.lyhuong.net/uc/index.php/bandoc/4351-4351

No comments:

Post a Comment