Sunday, April 10, 2016

Tác giả của loạt tiểu thuyết trinh thám Z-28: NGƯỜI THỨ TÁM là ai?


Nếu Hương Cảng (Hong Kong) có Kim Dung (tác giả của những tiều thuyết võ hiệp kỳ tình trung Hoa), Đài Loan có Quỳnh Giao (tác giả của những tiểu thuyết tình cảm đẫm lệ), thì Việt Nam Cộng Hòa có NGƯỜI THỨ TÁM. Ông là cha đẻ của loạt truyện trinh thám, thật ly kỳ hấp dẫn. Ông là tác giả được yêu chuộng nhất thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông xứng đáng với bốn chữ THIÊN TÀI VĂN HỌC. Ông xứng đáng được xếp ngang hàng với Thi Hào Nguyễn Du và Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm của đời trước.  _HKBT
_________________________
Nhiều người mê đọc Z-28 nhưng ít ai biết về tác giả Người Thứ Tám

Trước năm 1975, dân ghiền đọc sách có lẻ đều có dịp đọc bộ truyện gián điệp của Người Thứ Tám. Trong đó nhân vật chính là Đại Tá Tống Văn Bình tức Z-28. Nhiều bạn bè của tôi đã sưu tầm tất cả bộ truyện gián điệp này và trân quý giữ gìn.

Tôi chịu những sách của ông là về phần tin tức về các thành phố mà ông dùng làm bối cảnh câu chuyện. Không hiểu ông nghiên cứu và khảo sát từ đâu, nhưng các chi tiết về các thành phố mà Z-28 đi qua, cùng các nhân vật khác trong truyện sinh sống, đều đúng y chang như ngoài đời. Tôi và bạn bè, trong những chuyến du hành, so sánh tận nơi về các địa điểm nổi tiếng, các nhà hàng, quán cóc, ngỏ hẻm, chốn ăn chơi đều đúng y như vậy. Mà tôi thì không nghĩ tác giả đã đi qua những nơi ấy, lấy ví dụ như các xứ Cọng Sản.

Tôi nghĩ tác giả đã lấy những tin tức này từ các quyển chuyên về du lịch nên mới chính xác, và rút ra những nét thú vị mà chia xẻ với độc giả. Phải chi tác giả là người Âu Mỹ, truyện của ông chắc sẽ được nhiều người xem lắm và hổng chừng được làm thành phim dài hay phim ngắn cho TV.

Sau năm 1975, ra đến ngoại quốc, tôi lấy làm lạ là chẳng thấy tin tức gì của ông. Tôi có hỏi thăm vài bạn bè quen biết ông, nhưng chẳng ai biết ông đã lưu lạc phương nào.

May quá có anh H.T.Trực là dân làng báo khi xưa, anh thương và chiều tôi nên đã cố gắng hỏi thăm giùm. Thật cảm ơn anh vô cùng!

Mặc dù đây chỉ là thư riêng, nhưng tôi xin mạn phép được đăng lên đây để chia xẻ niềm vui của tôi với "dân ghiền Z-28" ngày trước. Hy vọng BDH Đặc Trưng chấp thuận.

NDT
*********
(trích thư của anh H.T.Trực)

Anh chị em thân mến:
Là một nhà văn chuyên viết tiểu-thuyết gián-điệp lẫy-lừng của miền Nam Việt-Nam trước năm 1975 nhưng tiểu-sử của Người Thứ Tám, tác-giả cha đẻ điệp-viên hào-hoa phong-nhã Đại-Tá Tống Văn Bình, bí danh Z 28 lại rất hiếm người nhắc đến (không như một số nhà văn viết truyện trinh-thám gián-điệp khác như Phú Đức, Phi Long, Phạm Cao Củng ...).

Nhằm đáp-ứng sự tò mò của một vài anh chị em Thụ-Nhân, tôi đã cố-gắng liên-lạc lại với Cụ Mạc-Kinh Trần Thế Xương, năm nay đã 84 tuổi, đang sinh-sống tại Luân-Đôn, để nhờ Cụ cung-cấp thêm một số chi-tiết vì chính Cụ Mạc-Kinh là người đầu tiên đã gới-thiệu các tác-phẩm của Người Thứ Tám Bùi Anh Tuấn đến với độc-giả từ giữa thập-niên 50. Bài sau đây do cháu nội gái 22 tuổi của Mạc-Kinh đánh máy và gởi sang. Tôi chỉ sửa một vài lỗi chính tả và thêm một ít ghi chú màu xanh khi nào cảm thấy cần-thiết.
Xin mời anh chị em cùng đọc.

Kính gửi Anh Huỳnh trung Trực,
Dựa theo nội dung Email anh gửi cho hai ông bạn TQK và ST, tôi được biết anh có ý định tìm hỏi tôi về “tiểu sử” nhà văn Bùi Anh Tuấn. (TQK: Giáo-sư Tạ Quang Khôi, sinh 1929, nhà văn, nhà thơ, Hiệu-Trưởng Trung-học Nguyễn Trãi Sài gòn - ST: Sơn Tùng Nguyễn Minh Ngọc, sinh 1935, Chủ-Tịch Văn Bút Việt Nam Hải-Ngoại, Luật-sư))

Vậy chuyện ấy cũng dễ thôi. Chỉ có điều trong lúc chưa biết thật rõ về ý định của anh định dùng vào trường hợp nào, thành thử cũng hơi khó cho tôi được thanh thản đề cập đến.

Thôi thì, thế này nhé. Tôi viết theo lời một lá thư thông thường, bình thường. Vắn tắt, giản dị như chúng ta đang nói chuyện qua điện thoại với nhau nhắc về một người quen đã hơn 35 năm tôi chưa gặp lại.

Minh định với anh như vậy rồi, tôi xin nêu mấy nét chính về nhà báo, nhà văn BÙI ANH TUẤN (BAT)  như sau, trong phạm vi tôi biết:

· Hai chúng tôi là bạn, là đồng nghiệp cầm bút trong 21 năm ở Miền Nam (VNCH). BAT cùng một lứa tuổi với tôi.

· Anh Tuấn sinh trưởng ở đất Bắc (tỉnh Thanh Hóa – vùng địa đầu xứ Trung Kỳ). Anh có mặt ở Saigon sau Hiệp định Genève 1954, chia cắt đất nước.

Thời gian ấy anh đã lập gia đình. Bà Bùi Anh Tuấn là một phụ nữ đất Thần Kinh, thuộc một vọng tộc tên tuổi. Hai ông bà sinh hạ được một bé trai vài bốn tuổi. Và, nếu là một ký giả, một nhà văn thì Anh Tuấn sớm có một đời sống khá cao ở đất Saigon giữa lúc đông đảo lớp người di cư vào Nam đang phải bận tâm rất nhiều về mặt lo ổn định cuộc sống, lập nghiệp.

· Tính tình anh điềm đạm, nhã nhặn, nghiêm túc trong tiếp xúc với bạn bè, trong công việc. Đã hẹn là “đúng giờ”. Đã hứa là “làm”.

· Anh không bao giờ la cà trong các chốn trà đình tửu quán. Nếp sống của anh dành hoàn toàn cho mái ấm gia đình, cho sự chăm sóc bà vợ vốn tình trạng sức khoẻ không được tốt lắm; sau các việc hàng ngày. Anh phục sức, mang dáng dấp của một thông tín viên Au Mỹ thời đó đến Saigon . Anh hầu như chỉ thắt “nơ” cánh bướm thay cho “cà vạt”. Và, trên các đường phố nhỏ hẹp của Saigon Chợ Lớn - nếu có người Việt nào lái chiếc xe Mỹ Plymouth to cồng kềnh, dài ngoằng, màu cánh gián, thì người đó không ai khác hơn là Bùi Anh Tuấn.

(đoạn mô tả ngoại-hình và lifestyles này phù-hợp với hồi-ức của Đỗ Khiêm trong http://www.tanvien.net/GT/tong_van_binh_do_kh.html)

· Thời ở tuổi vừa ngoài 20, Nhật hạ Pháp qua cuộc đảo chính 9/3/1945, Phong trào Việt Minh (sau này lộ diện là CS) nổi lên, và cướp chính quyền trong tay Thủ Tướng chính phủ Trần Trọng Kim đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của nhà Vua Bảo Đại, thì Bùi Anh Tuấn đã là một đảng viên VNQDĐ. Anh lao mình tham gia các hoạt động chống lại VM. Kịp đến lúc tiếng súng mở đầu cuộc chiến tranh Việt – Pháp ngày 19/12/1946, BAT bị Ban Trinh Sát (tức Công An-Mật Vụ CS theo tên gọi bây giờ) nhận diện, bắt, và đưa đi an trí tại trại giam Đầm Đùn thuộc tỉnh Thanh Hoá (Liên khu IV), nổi tiếng là đia ngục trần gian, đã vào đây khó có ngày về. Chốn ngục tù hãi hùng này là nơi giam hầu hết các anh em đảng phái QG chống lại CS Việt Minh. (một phần khác đáng kể, thì bị đày lên chốn rừng rú Thái Nguyên, Việt Bắc).

Anh Tuấn bị tra tấn tàn khốc, có lúc tưởng khớp xương đầu gối lìa ra, không còn cho phép anh đi đứng bình thường lại nữa.

Nhưng số mệnh cho anh lay lắt sống.

Cũng như vài năm sau số mệnh lại cho anh có cơ hội thoát ngục trong đường tơ kẽ tóc. Anh lần mò về thành. Về Hà nội, rồi vào Nam .

Trong những năm, tháng bị an trí ở Đầm Đùn, Bùi Anh Tuấn có duyên may gặp một bạn tù đã ở vào tuổi trung niên. Thời Pháp thuộc, ông này dạy Anh văn ở Lycée Louis Pasteur Hà nội. Nay trong thân phận tù đầy, để cố quên mà tồn tại, mà sống, ông dạy Anh ngữ cho Tuấn. Học cho qua ngày. Nhưng sau này, nhờ vậy, BAT có sẵn số vốn cần thiết về ngôn ngữ Hoa Kỳ khi người Mỹ thoạt đặt bước vào Miền Nam (Trước kia đại đa số người Việt 3 miền Trung Nam Bắc chỉ biết có tiếng Pháp).

· Tôi nghĩ, điều anh Huỳng Trung Trực muốn biết trước nhất, có lẽ là những gì liên quan đến nhà văn BAT ở địa hạt viết lách. Sao BAT lại viết một loạt truyện gián điệp có đến vài bốn chục tác phẩm trong đời cầm bút của Anh? Anh khởi sự viết về ngành Tình báo lúc nào, và ở mảnh đất dụng võ đầu tiên, là báo nào? Sao Anh lại mang bút hiệu Z28. (bút hiệu chính-thức là Người Thứ Tám). Và có khi ở ngoài đời, thuở Sàigòn còn vô cùng hưng thịnh, đầy quyến rũ, thì bạn bè và đồng nghiệp thường ít dùng đến tên Bùi Anh Tuấn mà quen gọi đùa vui Z28, hoặc Văn Bình (tên nhân vật gián điệp hào hoa, xuất quỷ nhập thần mà tác giả chọn, đặt vào các tác phẩm trinh thám hữu hạng của Anh. Cứ như ngày nay, giới độc giả thưởng ngoạn biết đến James Bond!)

Đúng ra, Bùi Anh Tuấn không chỉ viết văn “hay”về tiểu thuyết trinh thám mà Anh còn là cây bút bình luận có trình độ khá cao. Anh thực sự là một nhà báo chuyên nghiệp! Thực sự là một nhà văn, trên ngôn đàn Miền Nam ! Của VNCH!

(Một chút bối-cảnh lịch-sử)

· Lúc người Mỹ có mặt ở Miền Nam 1954 cũng là lúc muốn hất chân, thay thế chính quyền thực dân Pháp ở VN, ở toàn cõi Đông Dương Việt, Miên, Lào. Sớm muộn, quân đội Viễn chinh Pháp cứ rồi phải cuốn cờ kéo ra khỏi vùng đất VN trước hết...

Cùng với sự hiện diện của các phái bộ chính trị, quân sự Mỹ đổ vào Miền Nam ủng hộ nhà lãnh tụ quốc gia N.Đ. Diệm thiết lập một tiền đồn chống Cộng ở ĐNÁ, người ta bắt đầu nghe đến một tiếng gọi khá lạ tai: XI-AY-Ê (C.I.A)! Có nghĩa là một đạo quân vô hình trong bóng tối, xuất quỷ nhập thần. Sứ mạng của họ là san bằng mọi chướng ngại vật cản trở những bước tiến, những mục tiêu cần đạt được của Hoa Kỳ tại các vùng đất người Mỹ muốn đến. Khởi thuỷ, là Nam Hàn, Tổng thống Lý Thừa Vãn phải mất chức, lưu vong trốn ra nước ngoài. Rồi, ở Phi Luật Tân, Magsaysay được đưa lên làm Tổng Thống. Chẳng bao lâu, Magsaysay “giở chứng quốc gia-dân tộc” thì rất mau chóng, nhà lãnh tụ đất Phi bị gài bom nổ tan xác trên chiếc máy bay chở ông đi kinh lý! Thế rồi, ở Lào, viên đại uý Koong Ly làm đảo chính toan hạ bệ đương kim thủ tướng – Hoàng thân Souvana Phouma (thân Pháp, chủ-trương Trung-Lập, có vợ là người Pháp)....

Chưa hết. Sát biên giới Miền Nam, ông Hoàng Sihanouk nước Miên định đóng vai nhà chính trị đi giây, vốn là con cưng của người pháp, xoay chiều theo ngọn gió thời thế, mở đường rước Nga sô vào xứ Chùa Tháp, kết thân với Trung Cộng, cùng lúc, hết lời ca tụng khối Trung lập Nehru Ấn độ. Và, tận tình giúp đỡ CS Hà nội trong tay ****, bằng cách để Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở chiến khu trên đất Miên chống lại VNCH. (Sihanouk tuy vốn sợ chế độ Ngô Đình Diệm ngoài mặt, nhưng vì lòng căm thù Miền Nam đến xương tuỷ Sihanouk vẫn âm thầm thực hiện manh tâm riêng cho bằng được).

Sihanouk biết ngán ngẩm người Mỹ lắm. Thèm muốn sáp lại với Hoa Kỳ song bị Hoa Kỳ quyết liệt cho đứng xa...Và, (Hoa-Kỳ) luôn có sẵn giải pháp “hạ thủ” Sihanouk khi thời cơ đến …

Tại Thái Lan, chỉ cách VNCH không đầy 1 giờ bay, cảnh đảo chính kế tiếp đảo chính xẩy ra như cơm bữa. Nhiều nhóm tướng lãnh quân đội, hết lần này đến lượt khác, thay nhau tạo biến cố lật đổ chính phủ. Khiến xã hội chính trị đất Thái luôn sống trong hỗn loạn bất an.

Giải đất Đông Dương trăm năm đặt trong tay người Pháp nay đang sống những giờ phút hãi hung...thay bậc đổi ngôi.

Nhìn vào, dư luận bên ngoài đều liên tưởng đến bàn tay phù thuỷ của cái tổ chức XIAYẾ (CIA) kia... (xi-ai-ây)

Trên giải đất VNCH, tiếng vọng “CIA” không ngớt vang dội, người người nghe mãi hóa quen tai, đã đổi thành “XIA” cho tiện việc. (cũng phổ-biến với tên gọi Xịa)

May mắn, nhà lãnh tụ Ngô Đình Diệm đang ở thời dốc toàn lực chống trả đạo quân đặc công miền Bắc xâm nhập nên tình huống VNCH buổi đầu chưa đến nỗi nào!

Thời cuộc ấy, chính là lúc gợi ý cho tác giả Bùi Anh Tuấn chọn con đường sáng tác loại tác phẩm thích ứng với tâm lý quần chúng độc giả Miền Nam .

Z28 ra đời là vậy!

· Tại Sàigòn, thuở phôi thai của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, tôi đang chủ trương tờ tạp chí Pháp ngữ Horizon và điều khiển tòa soạn nhật báo Dân Chúng (Chủ-Nhiệm của nhật-báo Dân-Chúng là Cụ Trần Nguyên Anh, thân-phụ của cụ Mạc-Kinh Trần Thế Xương và là chú của Ngoại-Trưởng Trần Chánh Thành) một hôm, Bùi Anh Tuấn ghé thăm tôi và ngỏ lời với tôi thử xem Anh có thể đóng góp gì cho một tờ báo chống Cộng không?

Và rất tự tin, thành thực, đi thẳng vào đề:

- Đã biết từ lâu và nghe nhiều về anh, càng biết anh bận lắm nhưng mong anh dành cho tôi 15’. Chỉ cần Anh liếc mắt nhanh trong khoảnh khắc thời gian ấy, cho hết chapitre đầu vào truyện, tôi tin chắc, ở vị trí chủ bút như Anh, Anh sẽ cho tôi nhận xét “được hay chẳng được” (toàn bộ bản thảo cuốn truyện khoảng gần 300 trang). Anh nhận, thì tôi mừng, tôi vui lắm. Anh không nhận, vẫn chẳng sao. Vì, xin lỗi Anh, tôi có niềm thú vị riêng – Anh là người “độc giả” đầu tiên, tôi chọn, tôi trao Anh đọc nó. Hễ được là được. Hễ chưa được, tức đề tài của Truyện chưa đạt. Tôi tự biết sẽ làm sao sau đây...

Đấy, tính tình tác giả Z28 là vậy đó. Tôi mến Anh, cũng vì vậy.

Không phụ lòng Anh. Mỉm cười thân mật, tôi đọc ngay chương sách đầu.

Một thoáng chốc qua mau.

Giữa lúc, có thể, là Anh đang quan sát tôi kỹ lắm, tôi đặt bản thảo xuống, cất tiếng vừa đủ để Anh nghe:

- Anh cho tôi giữ chương truyện này nhé. Và xin giữ luôn toàn bộ bản thảo, sẽ đọc vào lúc khác.
Tôi đang cần 1 feuilleton như Anh đã có ngay cho báo Dân Chúng. Số báo mai, tôi đăng lời giới thiệu. Và, đầu tuần tới, “Điệp viên Miền Nam trên đất Bắc” sẽ lọt vào mắt các độc giả Sàigòn và lục tỉnh. Cám ơn Anh.

Bùi Anh Tuấn cất tiếng cười vang.

Và, tôi cũng cười vang, cùng vui với Anh.

Đấy, tác giả Z28 xuất hiện trên mặt báo Dân Chúng, bên này sông Bến Hải, ở vĩ tuyến 17, như thế đó.
Và, trong 3 năm liên tục (1957-1960), ngày lại ngày, nhiều cốt truyện Gián điệp khác của Z28 đã được đăng trên tờ nhật báo Dân Chúng (sau đó, mới in thành sách) đem lại biết bao sôi nổi, hào hứng cho nhiều từng lớp độc giả thân mến của Anh em cầm bút chúng tôi.

Và, Độc giả vẫn mãi mãi là những bậc vạn thế sư biểu của giới văn nhân đất Việt!

--------

Gần 40 năm qua, từ sau ngày Sàigòn thất thủ, BAT hoàn toàn “mất tích” trong đời tôi. Tôi thật muốn gặp lại Anh. Để tâm sự việc đời người, việc thời thế của một quá khứ đầy thê lương. Tràn ngập u uất...

Tôi bị kẹt lại vùng CS 9 năm. Tôi không đi “trình diện”. Cuối năm 1976, tôi mới bị sa vào tay CACS. Bị giam giữ riêng tại Sở CA **** (trụ sở cũ của Tổng Nha Giám Đốc Cảnh Sát QG, đường Trần Hưng Đạo). Ngày đêm chịu sự thẩm vấn triền miên của “Ban Chánh Trị” trực thuộc Uỷ Ban Quân Quản Thành Uỷ. Tháng 4/1984, nhờ sự can thiệp của Chính phủ Anh quốc, tôi và gia đình được “bước lên máy bay” sang Luân Đôn cư ngụ cho đến ngày nay.
Tất cả, chẳng qua vẫn chỉ nằm trong bàn tay của Thần Định Mạng...

Nguyễn Đức Trọng


Tủ sách Z-28

- Bí Mật Hồng Kông
- Mây mưa Thụy-Sĩ
- Người đẹp Quy Tô
- Bản án tử hình
- Gián Điệp Quốc Tế
- Tia Sáng Giết Người
- Bóng Tối Đồng Pha Lan
- Bhutan, sấm sét rừng khuya
- Bão ngầm trên biển Phong Lan
- Bóng ma trên Công Trường Đỏ
- Tử chiến ngoài khơi
- Điệp vụ săn người
- Sóng gió Tam Kiều
- Vượt tuyến (điệp vụ bên kia vĩ tuyến 17)
- Bắc Kinh 72 giờ nghẹt thở
- Mật vụ đánh cắp tài liệu nguyên tử
- Vệ Nữ đa tình
- Đêm loạn Hamburg
- Cuba, đêm dài không sáng
- Đêm cuối cùng của tử tội
- Đòn phép điệp báo
- Ba Lê, mắc biếc môi hồng
- Rio đảo tình bốc cháy
- Máu loang Chùa Tháp
- Bà chúa thuốc độc
- Hạ Uy Di Đáy biển mò kim
- Cát Sơ Mia sông máu thuyền hoa
- Phi tuần vĩnh biệt
- Đoàn vũ khỏa thân
- Macao, trinh nữ giang hồ
- Đan Mạch, người chết hồi sinh
- Mèo Xiêm Cọp Thái
- Vạn Tượng khói lửa
- Gián điệp Hoa Quỳnh
- Cạm bẫy trên giòng Chao Phya
https://eonintho.wordpress.com/2011/08/24/z-28-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%E1%BB%A9-tam/

No comments:

Post a Comment